.
Kỷ niệm 91 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21-6-1925 - 21-6-2016):

Vinh dự được viết về Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Thứ Ba, 21/06/2016, 12:24 [GMT+7]

(QBĐT) - Cũng như một số đồng nghiệp khác ở Quảng Bình, thế hệ chúng tôi may mắn được gặp lúc sinh thời và viết về Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Đó là những kỷ niệm không bao giờ quên của cuộc đời làm báo.

Chúng tôi còn nhớ, vào những năm 90 của thế kỷ trước, Đại tướng nhiều lần về thăm quê hương Quảng Bình. Ấn tượng sâu sắc trong cuộc đời làm báo của tôi là được tháp tùng Đại tướng trong dịp Người về thăm quê hương Quảng Bình (từ 18-8 đến 28-8-1999).

Lần đó tôi vinh dự được đồng chí Tổng biên tập Báo Quảng Bình (cố nhà báo Tạ Đình Nam) phân công chụp ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong thời gian Đại tướng thăm các huyện Bố Trạch, Quảng Trạch và Trường trung học phổ thông Đào Duy Từ. Tôi được Đại tướng hướng dẫn cách viết báo và chụp ảnh. Đại tướng ân cần uốn nắn chỉ dẫn cách viết báo hấp dẫn, ngắn gọn, súc tích và phải luôn ghi sâu lời Bác Hồ dạy trong quá trình tác nghiệp, mỗi nhà báo là một chiến sĩ trên mặt trận văn hóa tư tưởng.

Đại tướng dạy: “Các cậu làm báo địa phương phải cố gắng học hỏi nâng cao trình độ nghiệp vụ chụp ảnh, viết bài để phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân. Cái giỏi của người chụp ảnh là chọn được góc nhìn, phải chụp ảnh bằng trái tim và bằng cái đầu chứ đừng chụp bằng tay nhé...”.

Buổi trưa nghỉ lại tại biển Đá Nhảy (Lý Hòa, Bố Trạch), Đại tướng còn đánh đàn piano cho cả đoàn cùng nghe.  Đến buổi chiều cùng ngày, Đại tướng đã ngồi bên cánh võng, sau đó đi dạo bên bãi biển Đá Nhảy. Đó là niềm cảm hứng để chúng tôi ghi lại những bức ảnh đẹp về vị tướng huyền thoại.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp bên cánh võng (ảnh chụp năm 1999)
Đại tướng Võ Nguyên Giáp bên cánh võng (ảnh chụp năm 1999)

Sau ngày Đại tướng Võ Nguyên Giáp yên nghỉ ở cõi vĩnh hằng, đề tài về Đại tướng trở thành nguồn cảm hứng sáng tác cho rất nhiều văn nghệ sĩ, nhà báo, nhà làm phim trong nước và quốc tế. Tôi vinh dự được viết một số bài báo về Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Dẫu còn ít ỏi so với nhiều đồng nghiệp khác nhưng tôi luôn nghĩ đó là món quà nhỏ của cá nhân tôi để tri ân Đại tướng. Những bài báo nhỏ tôi đã viết về Đại tướng Võ Nguyên Giáp gồm: “Kỷ niệm về Đại tướng Võ Nguyên Giáp”, “Họa sĩ Lê Duy Ứng và những kỷ niệm về Đại tướng Võ Nguyên Giáp”, “Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong lòng người Đồng Hới”, “Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Tấm gương sáng về rèn luyện sức khỏe theo gương Bác Hồ vĩ đại”, “Trung đội nữ công binh thép tri ân Đại tướng Võ Nguyên Giáp”, “Nghĩa tình Điện Biên”, “Kỷ niệm của một phi công về Đại tướng Võ Nguyên Giáp” và một số ghi chép kể về những hồi ức của chiến sĩ Điện Biên nhớ về Đại tướng Võ Nguyên Giáp, “Nhạc sĩ Hoàng Sông Hương với bài hát Vị thánh của lòng dân”...

Điều đáng mừng là những tư liệu mà nhân chứng kể về Đại tướng luôn được thẩm định từ những nguồn thông tin đáng tin cậy, vì vậy sau khi các bài viết ra mắt bạn đọc luôn được phản hồi tốt, đặc biệt có bài “Kỷ niệm về Đại tướng Võ Nguyên Giáp” đăng ở Báo Quảng Bình đã được Ban biên tập gồm các học giả, chính khách có uy tín tuyển chọn đăng vào cuốn sách quý  “Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp-Đại tướng của nhân dân, Đại tướng của hòa bình”, sách do Nhà xuất bản Lao động ấn hành năm 2009.

Nhiều nhân chứng đã nhiệt tình cung cấp tư liệu viết về Đại tướng Võ Nguyên Giáp ngay tại Cơ quan Báo Quảng Bình như họa sĩ anh hùng LLVT Lê Duy Ứng. Họa sĩ cảm động kể cho tôi nghe những tình tiết xúc động thể hiện tình cảm bao la của vị tướng huyền thoại, biết quan tâm từng thương binh, biết quý từng giọt máu người chiến sĩ. Họa sĩ Lê Duy Ứng trong lần gặp tôi tại Cơ quan Báo Quảng Bình kể: Đại tướng Võ Nguyên Giáp là người đầu tiên đem lại cho họa sĩ Lê Duy Ứng nguồn sáng. Đại tướng đã tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để cho họa sĩ Lê Duy Ứng sang Nhật Bản mổ mắt trong thời gian sau chiến tranh.

Hoặc người đã cung cấp cho chúng tôi tư liệu về quá trình rèn luyện sức khỏe của Đại tướng Võ Nguyên Giáp để chúng tôi viết bài “Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Tấm gương sáng về rèn luyện sức khỏe theo gương Bác Hồ vĩ đại” là ông Nguyễn Chấn Hưng, nguyên Trưởng phòng TDTT Quân đội trong các năm 1974-1978 từng làm công tác huấn luyện bơi lội tại CLB bơi lội Quân đội. Dịp đó, chúng tôi theo đoàn VĐV Quảng Bình đến Khu liên hợp thể thao dưới nước Hải Phòng. Gặp đoàn chúng tôi, biết chúng tôi đến từ quê hương Đại tướng Võ Nguyên Giáp, ông rất xúc động. Tay bắt mặt mừng, dù đang thực hiện nhiệm vụ làm tổng trọng tài ông vẫn tranh thủ thời gian giải lao để trò chuyện với chúng tôi. Ông xúc động kể lại cho chúng tôi nghe những kỷ niệm sâu sắc về tấm gương rèn luyện sức khỏe của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Mở đầu câu chuyện, ông nói: Đại tướng Võ Nguyên Giáp không những là vị tướng lừng danh thế giới, người anh hùng dân tộc Việt Nam, người Anh cả của Quân đội nhân dân Việt Nam, ngay trên lĩnh vực TDTT, Đại tướng cũng là bậc thánh nhân. Sinh thời, Đại tướng Võ Nguyên Giáp rất ham thích môn bơi lội. Đại tướng thường xuyên luyện tập bơi lội tại CLB bơi lội Quân đội, trừ thời gian công tác đặc biệt, hầu như Đại tướng ít khi vắng mặt tại CLB. Lịch bơi của Đại tướng rất đều đặn, không vi phạm vào giờ làm việc. Bao giờ cũng vậy, Đại tướng có mặt tại bể bơi từ sáng sớm, trước giờ làm việc rất lâu. Với thể chất cường tráng cùng năng khiếu bơi lội bẩm sinh, Đại tướng bơi rất giỏi. Có lần, Đại tướng nghỉ dưỡng tại Đồ Sơn, Hải Phòng, Đại tướng bơi ra xa bờ, anh em bảo vệ vốn trẻ khỏe như thế vẫn không bơi theo kịp. Bơi giỏi nhưng Đại tướng rất khiêm tốn, chịu khó luyện tập.

Là một nhà báo thuộc Chi hội Báo Quảng Bình, vinh dự có một số bài viết và ảnh về Đại tướng Võ Nguyên Giáp, chúng tôi rất hạnh phúc, đó là niềm hạnh phúc của người cầm bút được tri ân Đại tướng. Chúng tôi xin  ghi sâu lời dạy của Người lúc sinh thời và cố gắng phấn đấu để có thêm những bài viết về Đại tướng Võ Nguyên Giáp, người học trò gần gũi và xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người con ưu tú của quê hương Quảng Bình.

Phan Hòa