.
Kỷ niệm 91 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21-6-1925 - 21-6-2016):

Tác nghiệp ở Trường Sa

Thứ Ba, 21/06/2016, 11:03 [GMT+7]

(QBĐT) - Đầu tháng 1-2016, tôi cùng với hơn 100 đồng nghiệp tại các cơ quan báo chí, thông tấn cả nước vinh dự ra công tác tại huyện đảo Trường Sa (tỉnh Khánh Hòa). Chuyến đi do Bộ Quốc phòng và Quân chủng Hải quân tổ chức. Điểm xuất phát tại cảng Cam Ranh. Trong rất nhiều kỷ niệm “để đời” với quân và dân Trường Sa ở hàng chục đảo nổi, đảo chìm, tôi nhớ nhất đến chuyện tác nghiệp trong điều kiện hết sức khó khăn về công nghệ, đường truyền internet, sóng điện thoại...

Trên con tàu Quân y mang số hiệu 561 hiện đại bậc nhất của Hải quân nhân dân Việt Nam trực chỉ ra Trường Sa, tại phòng B8 gồm 7 thành viên: Nguyễn Văn Dũng, Báo Tiền Phong; Lê Vĩnh Phong, Đài VOV đối ngoại; Đoàn Hữu Trung, Thông tấn xã Việt Nam; Lê Ngọc Hiển, Báo Tuổi trẻ thành phố Hồ Chí Minh; Nguyễn Phương Triều, Báo Quảng Ngãi; Nguyễn Ngọc Tú, Báo Gia Lai và tôi, Ngô Thanh Long, Báo Quảng Bình. Phần lớn các bạn đồng nghiệp đều lần đầu tiên đến với Trường Sa nên trước khi lên đường đã “tham vấn” những người đi trước. Tuy nhiên kinh nghiệm như “muối bỏ biển” vì phần lớn cánh báo in sau khi hành trình biển đảo kết thúc, về nhà mới tiến hành viết bài.

Bây giờ Quần đảo Trường Sa đã có sóng 2G của Tập đoàn viễn thông quân đội Viettel. Những ngày lưu lại tại nhà khách Bộ Tư lệnh Vùng IV Hải quân, những sỹ quan Lữ đoàn 146 “mách nước”: “Các anh đi, nên sắm cho mình một sim điện thoại và 1 bút 3G Viettel. Ngoài đó chỉ duy nhất dùng được Viettel, may ra... may ra thôi nhé! Chuyển được tin bài về bờ”.

Cánh phóng viên báo chí tác nghiệp ở Trường Sa.
Cánh phóng viên báo chí tác nghiệp ở Trường Sa.

Trong phòng B8, nhà báo Đoàn Hữu Trung lớn tuổi nhất, anh quán triệt: “Chúng ta ra Trường Sa không phải đi du lịch. Trách nhiệm đặt trên vai chúng ta rất nặng nề. Đất liền đang chờ tin, bài, ảnh nóng từ Trường Sa gửi về. Nên mọi người cần cố gắng trong điều kiện có thể”.

Và đúng như cam kết, các thành viên phòng B8, tàu 561, trong suốt hành trình Trường Sa, tin bài vẫn đều đặn cập nhật, chúng tôi làm việc hết công suất, ngày lên đảo, tối trở về tàu xử lý thông tin, cắt cử thành viên trong phòng thay nhau “canh sóng”. Đến vùng biển, đảo nào có sóng 2G là tranh thủ gửi về tòa soạn ngay.

Trên đảo Trường Sa Lớn, “thủ phủ” huyện đảo Trường Sa, chuyện gửi tin, bài, ảnh “về nhà” cũng là một quá trình cam go, ấn tượng để đời. Số là từ khi xuống tàu 561 tại Cam Ranh ngày 5-1 đến khi cập cầu cảng Trường Sa Lớn vào ngày 9-1, hành trình Trường Sa mất hơn hai ngày hai đêm, tàu 561 vượt quãng đường dài 254km. Trong thời gian lênh đênh trên biển, chúng tôi có những bài viết đầu tiên cần chuyển về đất liền. Tiếp đó, hai ngày ở “thủ phủ” Trường Sa với lịch hoạt động dày đặc: viếng và thắp hương tại Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh; đặt vòng hoa tri ân các anh hùng liệt sỹ anh dũng hy sinh vì Trường Sa, vì chủ quyền biển đảo tại Khu tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ Trường Sa; tham gia lễ phật tại chùa Trường Sa nguyện cầu cho quốc thái dân an; thăm, tặng quà cho cán bộ, nhân dân; thăm các lực lượng bộ đội, nhà đèn, cột hải đăng, trạm khí tượng; đi thực tế các hộ cư dân trên đảo; thăm trạm y tế, trường tiểu học... Đặc biệt là tổ chức đón Tết Nguyên đán Bính Thân 2016 cùng bộ đội, nhân dân Trường Sa với các chương trình: gói bánh chưng, lễ phật đầu năm mới, nghe thư chúc Tết của Bộ Tư lệnh Vùng IV Hải quân gửi cán bộ, chiến sỹ và nhân dân huyện đảo Trường Sa, tổ chức dạ hội văn nghệ, hái hoa dân chủ, đón giao thừa...

Tác giả tham gia “canh sóng” chờ gửi tin, bài, ảnh về đất liền.
Tác giả tham gia “canh sóng” chờ gửi tin, bài, ảnh về đất liền.

Những sự kiện nóng hổi nơi đầu sóng ngọn gió khiến cánh phóng viên ai cũng muốn gửi tư liệu về đất liền sớm. Cũng chỉ vì nóng vội thi nhau vào internet khiến mạng 2G Viettel quá tải. Thực ra đối với văn bản Word, sóng 2G sử dụng tốt, nan giải nhất vẫn là gửi ảnh. Mỗi bức ảnh giảm dung lượng xuống còn khoảng từ 300 đến 400KB vẫn chạy như “rùa bò”.

Vậy là tập thể phòng B8, tàu 561 “hẹn hò” nhau cùng thức dậy vào khoảng 3 giờ sáng, khi bộ đội, nhân dân trên đảo đi tập thể dục; cánh phóng viên còn ngủ vùi sau một ngày di chuyển mệt nhọc (số lượng người truy cập vào mạng giảm xuống, sóng 2G mạnh lên) mang máy ra sân bay “đón sóng”. Tất nhiên sóng 2G mạnh lên thật. Mỗi bức ảnh bấm vào mục gửi xong, chúng tôi đi bộ một vòng quanh sân bay về đến điểm đặt máy tính, cũng vừa kịp tải xong ảnh, mất chừng 25 đến 30 phút. Đặng Văn Nở, phóng viên ảnh Báo Đà Nẵng có phương tiện máy móc cực kỳ hiện đại, để có một bức ảnh đẹp cần phải bảo đảm đủ dung lượng, Nở trở thành phóng viên “canh sóng” năng nổ, nhiệt tình nhất. Tuy nhiên trong điều kiện như ở Trường Sa cũng đành chấp nhận giảm dung lượng ảnh xuống khi gửi về nhà.

Thời gian hoàn thành tác phẩm chuyển về đất liền của chúng tôi phần lớn diễn ra trên tàu 561. Cứ ban ngày lên thực tế các đảo, đêm về xử lý thông tin. Tàu di chuyển đến vùng biển nào xuất hiện sóng 2G là chúng tôi phóng lên đài chỉ huy, điểm cao nhất tàu để gửi. Vui, buồn nhất là mạng 2G đang chạy ngon lành, tin, bài, ảnh tải lên gần hết, tàu 561 ra ngoài vùng phủ sóng, dữ liệu mất hết... phải thao tác lại từ đầu.

Một chuyến đi để đời trong nghiệp làm báo, vượt qua nhiều khó khăn, tôi kịp thời cập nhật thường xuyên tin bài cho tòa soạn song song với hành trình Trường Sa trong đó có “Nhật ký Trường Sa” dài 10 kỳ; các phóng sự: “Tết sớm ở Trường Sa”; “Quân dân Trường Sa hướng về Đại hội Đảng”; “Tết ấm trong gia đình lính đảo Trường Sa” cùng các phóng sự ảnh phản ánh cuộc sống của quân và dân trên quần đảo Trường Sa thân yêu.

Kỷ niệm 91 năm Ngày báo chí cách mạng Việt Nam, nhớ đến chuyện nghề, chuyện nghiệp, những ngày thực tế, viết báo ở Trường Sa lại hiện về, sống động để đời!

Thanh Long