.

"Hò hẻ" Cảnh Dương điệu ru của đạo lý và tình người

Thứ Hai, 06/06/2016, 10:22 [GMT+7]
(QBĐT) - Trong một lần về làng biển Cảnh Dương (Quảng Trạch), tôi chủ đích men theo con đê chắn sóng của làng, thả hồn mình vào từng đợt sóng rì rào đang cao trào dâng lên rồi đột nhiên hạ xuống. Chợt bắt gặp đâu đó những câu hát ru của những người đàn ông xứ biển dạn dày nắng gió trong những căn nhà ngói mới. Lời ru ấy không bắt đầu bằng “ầu ơ”, “ví dầu” quen thuộc mà được xướng xuất với điệu “hò hẻ hò hè, bôồng bôổng bôông bôông” nghe thật khác lạ nhưng lại dễ dàng đi vào lòng người.  
 
Biển đã bắc chiếc cầu ân nghĩa giúp những ngư dân làng vạn bên bến sông Loan này ngày đêm vươn khơi để dựng xây nên làng chài hùng mạnh. Cũng nhờ gắn bó với biển từ thuở khai canh nên lời ru hời của đàn ông Cảnh Dương mới phát lộ mộc mạc và rõ rành đến thế. Ngày trước, sau những chuyến bám biển dài ngày, cá mú thu về đàn ông sẽ giao hết cho vợ bán buôn, còn họ chỉ việc ở nhà dỗ con. Dỗ con, với đàn bà con gái là bản năng, còn với đàn ông là công việc khó lòng. Dẫu thế, đã ăn đời ở kiếp bằng những chuyến hải trình dài ngày, ngày về thì phải nựng nịu con cho vợ ra chợ, vì thế đòi hỏi họ phải sáng tác ra những câu hò nào đó để ru con, để tình mẫu tử hằng túc trực khi mẹ vắng nhà. Từ đó điệu lý “hò hẻ” độc đáo của đàn ông Cảnh Dương đã ra đời. 
 
“Đi ra thì khổ mình ta/Ở nhà thì đói cả bà liền con/Hò hẻ hò hè, bôồng bôổng bôông bôông/Ru em cho théc cho muồi/Để mẹ đi chợ mua thuồi luồi em ăn/Hò hẻ hò hè, bôồng bôổng bôông bôông”. Điệu “ru em” không thể gần gũi hơn khi dùng hình ảnh quả thuồi luồi, một loại trái cây trẻ con rất thích, sống bền bỉ trên những triền cát trắng gần bờ biển. Thức quả này có vị chua ngọt lẫn trộn, mọc nhiều ở bìa làng Cảnh Dương. Ý tứ giản dị lại đánh động được tâm thức con trẻ nên dễ dẫn chúng vào giấc ngủ “muồi”. 
Ông Phạm Ngọc Thức, người đàn ông hát ru hay nhất làng Cảnh Dương trong ngày nhận danh hiệu Nghệ nhân ưu tú
Ông Phạm Ngọc Thức, người đàn ông hát ru hay nhất làng Cảnh Dương trong ngày nhận danh hiệu Nghệ nhân ưu tú
Ngẫm lại, lời ru nào mà chẳng có những trình thức vừa nêu. Vậy thì, lời ru của đàn ông Cảnh Dương độc đáo ở chỗ nào? Ấy chính là điệu hát “hò hẻ hò hè, bôồng bôổng bôông bôông” thoạt nghe rất lạ tai, nhưng nghe thêm, nghe nữa sẽ thấy yêu ngay, yêu hơn cái điệu hò bên bờ biển Đông này. Giải thích vì sao lại có điệu nhạc trầm bổng đó, ông Phạm Ngọc Thức, (80 tuổi), nghệ nhân ưu tú về thể loại hát ru làng biển Cảnh Dương vừa được Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch Quảng Bình trao tặng danh hiệu ngày 12-05-2016 cho hay: Từ ngày lọt lòng, sớm chiều, cả cuộc đời chúng tôi gắn bó với biển. Dẫu đó là vùng lộng gần bờ hay khi vươn khơi xa bờ, thì tiếng gào thét của sóng, tiếng sóng vỗ vào mạn thuyền đã trở thành âm điệu chủ đạo của cuộc sống. “Hò hẻ” là sự lắng lại tiếng gầm gào của sóng để trở nên mơ màng hơn, êm đềm hơn mà thôi.  
 
Còn cụm từ “bôồng bôổng bôông bôông” là từ tượng thanh gợi tả tiếng vỗ nhẹ êm vào mông, vào lưng trẻ thơ tựa nhịp chòng chành giữa một bên là con thuyền đang lắc lư ngoài khơi với một đằng là nhịp nâng giấc đứa bé. Lời ru một mặt để át đi tiếng sóng dữ dằn nhưng mặt khác cũng gợi cảm giác thân thương, gần gũi. Còn nữa, lời ru “hò hẻ” nghe như một điệu cổ trầm lặng, buồn hiu nào đó giữa đời nhưng lại chính là lời minh định cứng rắn của đàn ông Cảnh Dương, lúc nào cũng sẵn sàng đương đầu với sóng dữ, với bất trắc để quyết tâm bám biển, bám ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa truyền thống. Đàn ông Cảnh Dương sáng tạo ra điệu “hò hẻ” không chỉ để ru con, điệu ru ấy còn hát về tấm gương hiếu hạnh, về thề nguyền gái trai, về kinh nghiệm đánh bắt, về bè bạn, xóm giềng và có khi là lời ru mình và ru đời trước thế thái nhân tình.
 
Không cần nhạc nền, chủ xướng, đàn ông Cảnh Dương có thể cất cao tiếng hát bất cứ nơi đâu, khi đang nhổ neo, đạp sóng hay lúc thả lưới, buông câu: “Cha mẹ em muốn ăn cá khiên/(một loài cá có giá trị kinh tế cao, chủ yếu sống ở tầng giữa, ăn tôm tép nhỏ, đánh bắt bằng lưới). Cho nên anh phải đóng thuyền ra khơi”, lời ru muốn nhắn nhủ các chàng trai, một khi đã lấy “em” làm vợ thì hãy giữ trọn lòng hiếu kính với bố mẹ vợ cho phải đạo làm con. “Đêm qua anh gối tay nàng/Ngày nay ra biển, anh gối đàng dây neo”, lời thở than của một anh thanh niên khi lênh đênh lâu ngày trên biển, nhớ người thương. Điệu ru ấy mỗi ngày càng thêm phấn chấn: “Ai về đất Cảnh hôm nay/Ra khơi vào lộng sóng reo sớm chiều/Thuyền anh chở nặng cá tôm/Trên bờ em đón trái tim rộn ràng”. Tùy vào hoàn cảnh cụ thể mà điệu “hò hẻ hò hè, bôồng bôổng bôông bôông” được đệm vào từng vị trí khác nhau trong câu hát ru. Ra giữa khơi xa, hiểm nguy thì câu hát “hò hẻ” sẽ được cất lên đầu tiên và điệp đi điệp lại sau cuối để xua đi niềm nhung nhớ, tiếp thêm hứng khởi và mong cầu bình an được luôn cận kề. 
 
Điệu “hò hẻ” chí lý, mượt mà ấy đã trở thành khúc hát quê hương, sẽ được cháu con làng biển Cảnh Dương tiếp liên, kế cận. Bởi những gì là keo sơn, là kết đoàn, là hy vọng dựng xây một Cảnh Dương ngày thêm mạnh giàu đều khởi nguyên từ nguồn mạch dân gian này của ông cha. Phàm là đàn ông làng Cảnh thì phải biết hát ru, phải thấm nhuần từng điệu ví, câu chữ để luôn vững vàng trước biển cả bao la. 
 
Nguyễn Tiến Dũng