.

Đọc sách Ô Châu cận lục

Thứ Sáu, 17/06/2016, 15:25 [GMT+7]

(QBĐT) - Dương Văn An, tác giả sách Ô Châu cận lục có tên tự là Tĩnh Phủ, người làng Tuy Lộc, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình. Năm 34 tuổi ông thi đỗ Đồng Tiến sĩ khoa Đinh Mùi, niên hiệu Vĩnh Định thứ nhất (1547) triều Mạc Phúc Nguyên. Sau đó từng giữ các chức quan Lại khoa Đô cấp sự trung rồi thăng đến chức Thượng thư, tước Sùng Nham hầu. Khi mất được tặng Tuấn Quận công.

Ô châu cận lục là một trong những cuốn địa chí sớm nhất của nước ta viết về vùng đất từ Quảng Bình đến Bắc Quảng Nam ở thế kỷ XVI. Trong Bài tựa sách Ô châu cận lục, Dương Văn An cho biết hoàn cảnh ra đời của tác phẩm: “Đến năm Quý Sửu (1553) về nhà cư tang, nhân đọc khắp tác phẩm, đương thời có hai nho sĩ cùng quê đã chia nhau chép hai tập sách về hai phủ Tân Bình, Triệu Phong... khảo thêm tín  sử, tham bác lời khẩu truyền, chỗ rườm rã thì bỏ bớt, chỗ sơ lược thì bổ sung, gọi tên là Ô châu cận lục, cũng là chỉ muốn để tham khảo cho mình vậy...”. Nói là để tham khảo cho mình nhưng đúng như Dương văn An viết: “Người giở sách đọc xem có thể gợi lên nhiều nếp nghĩ, tiếp xúc nhiều loại mà trưởng thành hơn. Thấy vẻ đẹp của núi sông mới biết rằng địa linh nhân kiệt, xem sản vật tốt tươi, mới rõ vật tốt hay người hay...”

Chính vì thế, Ô châu cận lục được Lê Quý Đôn tham khảo biên soạn sách Phủ Biên tạp lục năm 1776. Sau đó, tư liệu được sử dụng nhiều trong  Lịch triều hiến chương loại chí của Phan Huy Chú, Đại Nam nhất thống chí, Đại Nam dư địa chí ước biên và các sách  lịch sử, địa lý khác của Quốc sử quán triều Nguyễn. Ngày nay, Ô châu cận lục được dùng nhiều trong các công trình khảo cứu, biên soạn địa lý, lịch sử, văn hóa ở những địa phương mà sách đã đề cập đến.

Mở đầu bằng lời tựa của Dương Văn An, sách Ô châu cận lục gồm 6 quyển:

Quyển 1: Núi sông. Sách giới thiệu cho người đọc hình thế của những ngọn núi lớn, những dòng sông chính và phụ chép hang động, đầu nguồn, cửa sông, ao đầm của vùng, đặc biệt là sông núi vùng Quảng Bình. Đó là núi Hoành Sơn “thế như rồng cuốn hổ ngồi”, núi Lỗi Lôi “hổ ngồi, phượng múa”, núi Đâu Mâu “đỉnh nhọn như chỏm mũ đâu mâu”, núi Thần Đinh với tục truyền khi vua Lê chinh phạt Chiêm Thành, núi An Mã “có ngọn như con ngựa ký thong dong, có ngọn như con tuấn mã phi nước đại”, núi Sen “nước chảy róc rách như tiếng ngọc bội leng keng”... Đó là động Chân Linh với lời truyền linh thiêng “Động môn vô tỏa nhược/ Tục khách bất tùng lai” (Cửa động không then khóa/ Khách tục không thể qua).

Những dòng sông, cửa biển, cửa phá... dưới ngòi bút của Dương Văn An hiện lên vẻ đẹp có một không hai. Đó là phá Nhật Lệ “Muôn khoảnh mênh mông, bầu trời trong vắt, khuấy lên chẳng đục, lắng lại chẳng trong hơn”. Thiển Hải (biển cạn – Hạc Hải còn có tên Bình Hồ) “Nước mênh mông như biển bạc, trong veo như ruộng ngọc”. Đó là sông Linh Giang, sông Bình Giang, sông Đan Điền, vực An Sinh, Cảng Lan, Đầm Sen, phá Hải Lăng... với những đầu nguồn như Sa Cơ, An Đại, Viên Kiều, Cảo Cảo, Kim Trà và những cửa biển Roòn, Bố Chính, Nhật Lệ, Minh Linh, Việt An, Tư Khách, Cửa Eo... Mỗi một địa danh là một danh thắng do đất trời tạo dựng.

Quyển 2: Thuế khóa. Ở quyển này người đọc có thể hình dung được nền kinh tế lúc bấy giờ qua các khoản thuế phải đóng, chủ yếu là thuế vó bè, quăng chài, thuế lò gốm và thuế thổ sản. Có thuế phải đóng bằng quan tiền nhưng có thứ thuế phải đóng bằng nhiều loại sản vật như vải thổ cẩm, hồ tiêu, màn hoa và cả những sản vật săn bắt, hái lượm như ngà voi, da hươu, lông đuôi chim công, trầm hương, nhung nai... T

rong phần này, sách còn cho biết vùng đất Quảng Bình có nhiều sản vật quý từ rừng, từ biển như trầm hương ở Khang Lộc “đứng đầu năm loại trầm hương, giá đắt và quý nhất”, mật ong, củ mài, quả trám, dầu trẩu, mây tre, diêm tiêu có nhiều ở Khang Lộc, Bố Chính, Minh Linh... Hải sản có hàu ở làng Viễn Tuy (Khang Lộc), ngao, tôm hùm có nhiều ở cửa Roòn, yến sào ở núi Lỗi Lôi (Bố Chính); cá vược, cá đối, cá bống, cá nheo, các giếc, tôm đất... có nhiều ở Lệ Thủy, Khang Lộc...

Bên cạnh những sản vật tự nhiên, những sản vật do con người Quảng Bình sản xuất đã nổi tiếng với chiếu hoa làng Đại Phúc (Lệ Thủy) “vót mây mà bện, màu hồng hay đen bóng, loại thô có một mặt, loại mịn, mặt kép dùng để trải võng, các nhà công haaug quyền quý rất thích”. Hay như gối hoa làng Đại Hoàng (châu Bố Chính) “đan bằng mây trắng, thứ nhỏ dùng để gối khi nằm, thứ lớn để tựa khi ngồi, đó là thứ vật dụng trong chốn phòng the, nhà quyền quý sang cả vẫn ngồi trang trọng”.

Quyển 3: Bản đồ. Sách viết các làng xã của vùng Quảng Bình vào đến tận Quảng Nam. Ở Quảng Bình, tác giả cho biết huyện Lệ Thủy có 33 xã,  thôn; huyện Khang Lộc (Quảng Ninh ngày nay) có 74 làng; châu Bố Chính (Bố Trạch, Quảng Trạch ngày nay) có 69 làng... với đầy đủ danh xưng thời Lê – Mạc.

Đặc biệt trong quyển này có phần Tổng luận về phong tục Dương Văn An nhắc đến những phong tục, tập quán, nghề nghiệp, tính cách con người của  vùng đất Ô châu nói chung và các châu, huyện ở Quảng Bình nói riêng. Huyện Khang Lộc: “Trai Vũ Khuyến chăm chỉ canh nông, gái Trường Dục chăm việc tắm tang, người Hà Cừ, Động Hải theo nghề mắm muối...”. Huyện Lệ Thủy: “Tâm duyệt giàu của, giàu lòng. An xá gái góa tiết nghĩa. Thử Luật chài cá mưu sinh, Hòa Luật làm nghề xẻ ván...” Châu Bố Chính: “Cao Lao, Thị Lễ theo học văn nho, Đại Đan, Tiểu Đan giỏi nghề đánh vật...”.

Không chỉ nêu phong tục của từng châu, huyện mà Dương Văn An còn viết tổng luận chung nêu ý nghĩa tên làng, tên núi, tên sông của hai phủ Tân Bình và Triệu Phong, vừa miêu tả vừa diễn giải mang hàm ý ca ngợi. Về phủ Tân Bình, sách viết: “Đất thuộc châu Ô, sông tên Lệ Thủy. Non nước thiêng liêng (Minh Linh), nhân dân giàu có (Khang Lộc). Đất gồm Bố Chính chung cõi Tân Bình. Tòa thành Ninh Viễn có thế phòng ngự sông dài; ngôi miếu Văn Tuyên trông xa về Lỗ Xá. Miếu Thánh Nương có sông nước bao quanh; đền Văn Trung có núi non chầu lại. Dải núi Hoành Sơn chót vót, sắc thu càng cao; hang động Chân Linh thăm thẳm hoa xuân còn mãi. Đầu Mâu ngỡ nơi đâu suất, non Ma Cô trông tựa Cô thần. An Mã nhọn cao, thế thắng vút mấy tầng Vân Hán; Thần Đinh trỗi vượt, mây mù tỏa mấy trăm châu...”.

Từ cảnh mà nghĩ đến người Dương Văn An viết: “Có cảnh ấy, tất có con người ấy... Riêng mảnh đất địa linh này đã hun đúc nên nhân vật, phẩm chất ngay thẳng, rèn luyện chân thành. Học tập tinh thông thì phong thổ tự nhiên sẽ thay đổi lớn. Phong cảnh càng kỳ diệu, lại càng tươi đẹp. Nếu như thế thì sẽ siểm nịnh không biết liêm sỉ; theo thói gian mà làm hại đất nước, làm lụy đến phong thổ, dù có bạc vàng đan sa đi nữa thì cũng chẳng quý báu gì”

Quyển 4: Thành và chợ. Sách viết về những lũy thành, chợ, cầu và trạm của thời ấy. Ở Quảng Bình nổi tiếng có thành Ninh Viễn tại làng Uẩn Áo, huyện Lệ Thủy; có chợ Đại Phúc tại địa phận hai làng Đại Phúc và Tuy Lộc, huyện Lệ Thủy; có trạm Bình Giang tại làng An Trạch, huyện Lệ Thủy và trạm Nhật Lệ tại cửa biển Nhật Lệ, huyện Khang Lộc. Đó là những trung tâm để xuất hiện những thị thành sau này.

Quyển 5: Đền, chùa. Sách viết về những ngôi đền, chùa nổi tiếng thời bấy giờ. Đáng chú ý ở Quảng Bình có chùa Sùng Hóa, chùa Kính Thiên, chùa Đại Phúc, chùa Hóa và đền thần Thủy Lan. Các ngôi chùa này tọa lạc ở những nơi phong cảnh hữu tình, non xanh nước biếc, tôn nghiêm, linh ứng. Mỗi ngôi chùa là một chốn thần tiên nhưng qua Ô Châu cận lục người đọc còn biết đây là giai đoạn lịch sử Phật giáo không còn phát triển, bởi đền  chùa “nay hoa rụng chim kêu, chỉ còn trơ nền cũ mà thôi”.

Quyển 6: Quan chế. Sách cho biết bộ máy quan lại địa phương dưới thời Lê – Mạc. Ngoài chế độ quan lại cai trị hành chính đáng chú ý thời đó, nhà nước đã cử quan nho học huấn đạo trông coi việc khuyến học và quan khuyến nông sứ, hà đề sứ trông coi việc khuyến nông và làm đê đập. Ở quyển này, phần Nhân vật, Dương Văn An viết về những người nổi tiếng. Đó là những thổ hào (quan địa phương); những phi tần, thần vương, rể vua (phò mã); những tướng văn, tướng võ; những cựu học (bạn vua) công thần; những người khoa mục đỗ đạt; những văn nhân võ sĩ; những người nội quan và cả những tiết phụ liệt nữ...

Khép lại 6 quyển  là Tổng luận được Dương văn An nêu lên một tư tưởng chủ đạo: “Nhân tài do địa khí hun đúc, địa khí nhờ nhân tài mà phát lộ”. Viết địa chí sông núi đâu chỉ nói đến công tạo lập của đất trời mà ông muốn nói đến sự nghiệp của những chủ nhân của vùng đất ấy: “Sách Cận lục này bàn về nhân vật của một vùng mà khởi đầu từ thứ sản vật ấy, ý hẳn cho rằng cái tinh túy của khí anh linh luân lưu trong vũ trụ, nhỏ thì phát triển ra vạn vật, lớn thì phát tiết ra nhân tài, vật thì trân quý, người thì tuấn tú... Nếu chẳng bảo là nơi nuôi dưỡng nên những bậc anh tài tuấn kiệt, khai mở ra đường học hành thông đạt thì sao có thể xứng với khí đất vậy...”.

Ô Châu cận lục được Dương Văn An viết bằng chữ Hán, hiện nhiều bản chép tay tác phẩm này còn lưu giữ tại Viện Hán Nôm, Viện Sử học; đã có nhiều nhà nghiên cứu dịch sang quốc ngữ và nhiều nhà xuất bản ấn hành. Đáng chú ý là các ấn phẩm của NXB Văn hóa Á Châu - Sài Gòn năm 1961; NXB Khoa học xã hội – Hà Nội 1997; NXB Thuận Hóa năm 2001...

Nhằm đáp ứng yêu cầu đông đảo bạn đọc trong tỉnh, mới đây Sở Khoa học – công nghệ Quảng Bình phối hợp với NXB Thuận Hóa cho phát hành Ô Châu cận lục do ông Trần Đại Vinh dịch chú và hiệu đính. Trong lần xuất bản này nhà nghiên cứu Trần Đại Vinh đã cố gắng bám sát nguyên bản, hiệu đính cẩn thận để hạn chế  những sai sót, đặc biệt là trong việc phiên âm các từ địa phương của những dịch giả trước đó. Xuất bản lần này ông Trần Đại Vinh đã có sáng kiến đối chiếu các địa danh xưa gắn với tên làng, tên xã ngày nay giúp người đọc biết được nhiều vùng đất đã có lịch sử hàng trăm năm.

Hơn 560 năm từ khi tác phẩm ra đời, dẫu thời gian có vật đổi sao dời nhưng đọc Ô Châu cận lục thấy khí thiêng sông núi vẫn lưu giữ vẹn toàn trong lòng người đất Quảng Bình.

Phan Viết Dũng