.

Di sản văn hóa phi vật thể trong thiết chế làng xã ở Quảng Bình

Thứ Sáu, 03/06/2016, 07:56 [GMT+7]

(QBĐT) - Làng, xã sản sinh và là “mảnh đất sống” của các di sản văn hóa phi vật thể. Văn hóa phi vật thể ở tỉnh ta rất phong phú và đa dạng, về cơ bản có bốn loại hình chính: Lễ hội dân gian truyền thống; nghề thủ công truyền thống; nghệ thuật trình diễn dân gian và các tri thức dân gian. Đa phần các di sản văn hóa phi vật thể này đều nảy sinh và phát triển trong các cộng đồng dân cư làng, xã. Vì vậy, thiết chế văn hóa làng, xã có vai trò đặc biệt quan trọng để bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể ở Quảng Bình.

Theo số liệu kiểm kê bước đầu, tỉnh ta đang tồn tại trên 100 di sản văn hóa phi vật thể. Văn hóa phi vật thể ra đời từ rất sớm, gắn liền với quá trình tụ cư của nhân dân ở làng, xã. Sự hình thành của văn hóa phi vật thể nơi đây là tổng hòa của nhiều nền văn hóa đan xen Đông Sơn - Sa Huỳnh, Đại Việt - Chămpa, Trung - Ấn, rộng hơn nữa là sự giao thoa giữa văn hóa phương Đông và phương Tây. Trong đó, văn hóa bản địa, nội sinh vẫn là yếu tố chủ đạo tạo nên bản sắc cho văn hóa của vùng đất này.

Các di sản đều mang những nét đặc trưng riêng cùng phát sinh từ trong làng, xã. Ở mỗi làng, xã đều thờ tự một hoặc nhiều vị thành hoàng khác nhau. Đó là những vị tiền hiền khai canh thuở ban sơ hoặc là những bậc anh hùng dân tộc có công với làng bản, đất nước... Hầu như ở Quảng Bình làng nào cũng thờ các vị thành hoàng làng, vị thần bản thổ riêng của mình, ví như: làng Thượng Phong, xã Phong Thủy (huyện Lệ Thủy) thờ danh tướng Hoàng Hối Khanh; làng Quảng Xá, xã Tân Ninh (Quảng Ninh) thờ ba ông họ Nguyễn, Trần, Dương có công khai canh lập làng; làng Thanh Khê, xã Thanh Trạch (huyện Bố Trạch) thờ ông Lưu Đại Lang là thành hoàng làng...

Bên cạnh đó, di sản văn hóa phi vật thể vẫn bảo tồn những nét đặc trưng thuộc về bản sắc của con người Quảng Bình. Mỗi làng, xã lại hội tụ nhiều loại hình văn hóa phi vật thể đặc sắc như: làng Văn La có lễ hội thành hoàng làng và lễ hội nơm cá Bàu Rồng; làng Lý Hòa có các lễ hội Xuân thủ, cầu ngư; làng Pháp Kệ có lễ hội Thượng nguyên và lễ hội làng... Có những làng lại tồn tại nhiều nghề thủ công truyền thống như: nghề rèn, đúc, nghề chạm khắc gỗ, nghề làm bánh đa ở các làng xã Quảng Hòa (thị xã Ba Đồn); nghề rèn, nghề đan lát ở làng Xuân Bồ, xã Xuân Thủy (Lệ Thủy)...

Văn hóa phi vật thể ở Quảng Bình có tính mở khi nhiều làng, xã cùng tồn tại một loại hình di sản như: lễ hội Cầu ngư của cư dân ở các làng xã Hải Ninh, Bảo Ninh, Nhân Trạch, Hải Trạch, Thanh Trạch...; lễ hội đua thuyền, hò khoan các huyện Lệ Thủy, Quảng Ninh; nghệ thuật trình diễn ca trù ở các huyện Minh Hóa, Tuyên Hóa, Quảng Trạch; lễ hội Rằm tháng ba ở huyện Minh Hóa; nghề chế biến nước mắn, ruốc ở các làng vùng biển.

Di sản văn hóa phi vật thể có sức lan tỏa mạnh mẽ trên một phạm vi rộng, chứng tỏ tính cấu kết cộng đồng của các làng xã trên địa bàn tỉnh ta rất bền chặt.

Nghề làm nón truyền thống ở xã Quảng Tân, thị xã Ba Đồn hiện nay đã được đăng ký bản quyền sản phẩm.       Ảnh: T.H
Nghề làm nón truyền thống ở xã Quảng Tân, thị xã Ba Đồn hiện nay đã được đăng ký bản quyền sản phẩm. Ảnh: T.H

Làng, bản ở Quảng Bình là một xã hội thu nhỏ, nơi hội tụ của hầu hết di sản văn hóa phi vật thể từ các lễ hội truyền thống đến các ngành nghề thủ công, các tri thức dân gian như: tiếng nói, truyện kể, ca dao, tục ngữ...; nghệ thuật trình diễn dân gian bao gồm: hò khoan, múa bông chèo cạn, ca trù...

Yếu tố điều kiện tự nhiên hình thành phương thức sinh sống tạo nên nét đặc trưng của văn hóa phi vật thể theo vùng miền. Vùng núi, trung du tỉnh ta là địa bàn sinh sống của các dân tộc Bru-Vân kiều, Chứt có nghề đan lát thủ công, lễ hội cơm mới, lễ hội đập trống Macoong; cộng đồng người Nguồn có lễ hội Rằm tháng ba, thổi khèn bè, hát lâm lào, hát sắc bùa, hò thuốc, hát bội... Tại vùng đồng bằng có các lễ hội làng, nghề làm gốm, lễ hội bài chòi, lễ hội cướp cù làng Trấn Ninh (nay là phường Đồng Phú, TP. Đồng Hới), hát tuồng ở làng Khương Hà, xã Hưng Trạch, làm nón lá ở xã Hạ Trạch, xã Mỹ Trạch; ẩm thực có nước mắm cua đồng ở xã Cự Nẫm, bánh đa, bánh đúc làng Hòa Ninh, xã Quảng Hòa... Ở vùng biển lại tưng bừng trong lễ hội cầu ngư, lễ hội đua thuyền; trình diễn múa bông – chèo cạn v.v.

Trong các loại hình di sản, lễ hội làng có một vị trí quan trọng chiếm số lượng hơn phân nửa số di sản văn hóa phi vật thể ở tỉnh ta. Lễ hội làng có sự đa dạng từ thờ thành hoàng làng, cầu mùa đến hội vật, rước sắc, lễ hội bài chòi, lễ hội đua thuyền... Lễ hội là dịp để nhiều loại hình di sản văn hóa cùng được trình bày phô diễn những gì tinh túy nhất. Trong đó, nghệ thuật trình diễn dân gian (múa bông chèo cạn, các điệu hò, hát ví, hát kiều, nhạc cụ truyền thống...), tri thức dân gian (các bài cúng tế, món ăn, đồ uống dân gian) là những nội dung chính không thể thiếu trong lễ hội. Từ bao đời nay, nghệ thuật trình diễn dân gian là món ăn tinh thần gắn liền với cuộc sống đời thường của người dân.

Suốt thời gian dài của lịch sử, các làng nghề thủ công đã tồn tại và cung cấp vật chất phục vụ đời sống nhân dân. Nghề thủ công tại các làng, xã ở Quảng Bình khá đa dạng bao gồm: nghề rèn, nghề làm nón, nghề mộc, nề, nghề đan lát, nghề dệt, nghề làm gốm, nghề chế biến nước mắm, ruốc, nghề làm bánh đa, bánh xèo, bánh khoái, nghề đóng thuyền, nghề làm nem, chả, chạm khắc gỗ, nghề mây, nấu rượu... Mỗi làng nghề thường có đội ngũ nghệ nhân nắm giữ, truyền dạy các kỹ năng, kỹ xảo từ bao đời. Điều này thể hiện sự kế thừa và tính cộng đồng thuộc về làng xã chứ không khu biệt cho mỗi dòng họ như một số vùng khác. Trong làng nghề truyền thống luôn thờ tự các ông tổ nghề như các nghề mộc, nề, rèn đúc, đóng thuyền, dệt... Mỗi làng nghề đều đáp ứng nhu cầu của đời sống xã hội: nghề rèn, đúc, làm gốm... tạo ra công cụ phục vụ sản xuất; các nghề làm chiếu, làm nước mắn, làm bánh, nghề mộc, nề... phục vụ sinh hoạt, đời sống. Các nguồn nguyên liệu cung cấp cho các làng nghề thường khá dồi dào: cây cói có nhiều ở vùng đầm phá các huyện Lệ Thủy, Quảng Trạch; mây tre, gỗ phổ biến ở vùng rừng núi Quảng Bình, nguồn hải sản phong phú từ vùng sông, biển phục vụ cho nghề chế biến.

Tuy vậy, trong quá trình tồn tại và phát triển, một số di sản văn hóa phi vật thể đã bị thất truyền bởi nhiều nguyên nhân. Một số làng nghề, lễ hội lớn tiêu biểu ở tỉnh ta trong quá khứ đã không còn tồn tại, có thể kể đến như: nghề rèn đúc ở làng Tam Tòa, nghề gốm ở làng Ngọa Cương, Mỹ Cương, lễ hội Thượng nguyên Quán Hàu, lễ hội Hưng Trạch, nghề dệt và tạo hình trên vải ở làng Quảng Xá, lễ hội Tam niên đáo lễ ở làng Phú Sơn, xã Đức Hóa... Nhiều loại hình văn hóa phi vật thể khác hiện tồn tại nhưng bị mai một làm mất đi nhiều giá trị bản sắc nguyên gốc tốt đẹp. Còn đó nhiều lễ hội, tri thức dân gian, nghệ thuật trình diễn bị méo mó, biến tướng thành những hủ tục, mê tín dị đoan như: đồng bóng, bói toán, cờ bạc...

Nhìn chung, qua những biến thiên của lịch sử, văn hóa phi vật thể vẫn tồn tại bền vững trong các thiết chế làng, xã. Di sản văn hóa phi vật thể luôn vận động thay đổi và phát triển phù hợp với sự phát triển của xã hội. Đó là sự không ngừng tiếp thu mà vẫn bảo tồn nét đặc trưng cốt lõi. Biết bao thế lực ngoại xâm từng dùng mọi dã tâm thâm độc để thực hiện âm mưu đồng hóa, nô dịch dân tộc Việt Nam, nhưng chúng đều thất bại vì không thể phá vỡ được kết cấu bền vững của văn hóa làng, xã.

Thực sự, những di sản văn hóa phi vật thể là yếu tố cơ bản để hình thành nên làng, xã, vì vậy di sản văn hóa phi vật thể phải giữ cho được cái hồn cốt, nguồn cội, những nét đẹp vốn có. Điều này đòi hỏi chúng ta phải biết phát huy các giá trị của di sản văn hóa, biến nó thành nguồn lợi thiết thực trong sự phát triển mọi mặt của đời sống, xã hội. Việc phát huy giá trị di sản văn hóa là cơ sở nhằm thực hiện thành công chương trình quốc gia về xây dựng nông thôn mới tại các làng, xã. Đó là sự kết hợp của di sản văn hóa phi vật thể với di sản vật thể tạo nên nền tảng để phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn của Quảng Bình.

Mai Thế Trung
(Bảo tàng Tổng hợp Quảng Bình)