.

Chung tay bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống

Thứ Tư, 18/05/2016, 07:58 [GMT+7]

(QBĐT) - Là vùng đất có bề dày về truyền thống văn hóa lịch sử, nhiều năm qua, tỉnh ta đã có những nỗ lực trong công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hoá truyền thống nhằm góp phần “Xây dựng và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”.

Quảng Bình được thiên nhiên ưu đãi với nhiều danh lam, thắng cảnh tuyệt đẹp trải đều từ vùng núi, vùng biển đến vùng đồng bằng và một hệ thống di sản văn hóa, lịch sử đa dạng qua các thời đại lịch sử. Có thể kể ra nhiều di sản văn hóa vật thể, phi vât thể nổi tiếng như thành Đồng Hới, Hang Tám TNXP, Bến phà Xuân Sơn, Lũy Trấn Ninh, Lũy Trường Sa, Khu lăng mộ Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh, Đền Liễu Hạnh công chúa, Khu lưu niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Chiến khu Trung Thuần, Làng chiến đấu Cảnh Dương, Làng chiến đấu Cự Nẫm... Bên cạnh đó, Quảng Bình còn có những làng quê với lịch sử hình thành lâu đời và lưu giữ nhiều giá trị văn hóa đặc sắc như Bát danh hương “Sơn, Hà, Cảnh, Thổ, Văn, Võ, Cổ, Kim”. Mỗi làng quê, mỗi di tích lịch sử, lễ hội văn hóa truyền thống đều mang những bản sắc riêng tạo nên sự phong phú, đa dạng cho bức tranh văn hóa quê hương. Nét văn hóa đặc trưng của người Quảng Bình còn được thể hiện qua các loại hình văn hóa dân gian được lưu truyền từ bao thế hệ. Đó là các loại hình nghệ thuật như hò khoan, hò biển, ca trù, hát kiều, hát tuồng cổ... cùng những nhạc cụ dân tộc như đàn đáy, đàn nguyệt, bộ gõ, phách, nhị, trống... và nhiều làng nghề, lễ hội văn hóa truyền thống mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc.

Thời gian qua, tỉnh ta đã triển khai nhiều biện pháp, đặc biệt là các hoạt động xã hội hóa để thực hiện có hiệu quả việc bảo tồn, phát huy các giá trị của di sản văn hóa trong giai đoạn hiện nay. Nhiều địa phương đã tranh thủ mọi nguồn lực để đầu tư khôi phục các làn điệu dân ca, dân vũ, trùng tu, tôn tạo di tích lịch sử, văn hóa. Một số di tích trên địa bàn tỉnh đã phát huy tốt giá trị phục vụ cho du lịch và nhu cầu sinh hoạt văn hoá tâm linh của nhân dân như Đền Liễu Hạnh Công chúa, Khu tưởng niệm Tám thanh niên xung phong, Núi Thần Đinh...

Truyền dạy nhạc cụ dân tộc cho thiếu nhi là một trong những hoạt động được Nhà Thiếu nhi tỉnh hết sức chú trọng.
Truyền dạy nhạc cụ dân tộc cho thiếu nhi là một trong những hoạt động được Nhà Thiếu nhi tỉnh hết sức chú trọng.

Huyện Lệ Thuỷ được xem là một trong những điểm sáng của tỉnh về bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống. Cùng với việc thành lập, duy trì hoạt động của hàng trăm đội văn nghệ, câu lạc bộ văn hóa, thể thao ở các địa phương, Lệ Thủy còn tập trung các hoạt động nhằm bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, sửa chữa, tôn tạo, xây dựng một số di tích như: Miếu Thần Hoàng (Tân Thủy), Nhà bia tưởng niệm chiến thắng Xuân Bồ (Xuân Thủy), Chùa an Xá và Nhà lưu niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp (Lộc Thủy), Tượng đài Nữ pháo binh Ngư Thủy (Ngư Thủy Trung), Lăng mộ Lễ thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh (Trường Thủy)...  đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hoá của người dân.

Ở Đồng Hới, việc đầu tư thiết chế văn hóa, phục vụ nhu cầu sinh hoạt của nhân dân được thành phố hết sức chú trọng. Hầu hết các địa phương trên địa bàn đều tăng cường nguồn lực để xây dựng công trình nhà văn hóa khang trang, bề thế, có cơ sở vật chất hạ tầng đồng bộ, là trung tâm của các hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ thể thao, hội họp của người dân. Thành phố còn chú trọng hoạt động khôi phục các giá trị văn hóa truyền thống như tổ chức các trò chơi dân gian (cướp cù, bài chòi, cờ thẻ, cờ người...), lễ hội múa bông chèo cạn, lễ hội xuống đồng, lễ hội rằm tháng giêng, lễ hội cầu ngư, lễ hội cướp cù... Những năm gần đây, thành phố còn tổ chức các hội thi, hội diễn nghệ thuật quần chúng tạo nhiều dấn ấn như hội thi "Làng vui chơi, làng ca hát", hội thi đàn hát dân ca, liên hoan giai điệu thành phố Hoa Hồng... Đặc biệt, việc duy trì và tổ chức thành công các hoạt động của “Tuần văn hóa Đồng Hới” hàng năm đã tôn vinh các giá trị văn hóa của quê hương, tạo ấn tượng sâu sắc trong lòng người dân và du khách thập phương.

Huyện miền núi Tuyên Hóa cũng có nhiều nỗ lực đáng ghi nhận trong công tác bảo tồn, phát huy các giá trị của di sản văn hóa. Quán triệt Nghị quyết Trung ương 5, Khóa VIII của Ban chấp hành Trung ương Đảng  “Về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”, huyện đã tăng cường các hoạt động nghiên cứu, sưu tầm, bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa trong đời sống hiện đại. Huyện đã xây dựng được Nhà truyền thống từ 2010 có diện tích 453m2 với tổng vốn đầu tư  hơn 1,5 tỷ đồng. Đây là nơi diễn ra các hoạt động nghệ thuật, phục vụ nhu cầu sinh hoạt văn hóa, văn nghệ của nhân dân. Một số công trình văn hoá khác đã được tôn tạo, nâng cấp, xây dựng mới như nghĩa trang liệt sỹ huyện, nhà bia di tích lịch sử Bãi Đức (nơi chi bộ Đảng đầu tiên ra đời); bia di tích Hang lèn Đại Hòa (nơi khai mạc Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Bình lần thứ nhất), mộ và nhà thờ Đề đốc Lê Trực... Các giá trị của văn hóa phi vật thể được gìn giữ, phát huy qua việc tổ chức có quy mô lễ hội đua thuyền hàng năm vào dịp Quốc khánh 2-9, khôi phục các làn điệu ca trù ở làng Phong Châu thuộc xã Châu Hóa. Huyện còn mở nhiều lớp tập huấn hát dân ca cho hạt nhân của các làng văn hóa, đơn vị văn hóa và thanh, thiếu niên ở các cơ quan đơn vị, trường học.

Theo thống kê, toàn tỉnh có 105 di tích vật thể lịch sử, văn hóa, trong đó có 1 di tích được UNESCO công nhận là Di sản thiên nhiên Thế giới lần hai (Vườn quốc gia Phong Nha Kẻ Bàng), 51 di tích được xếp hạng quốc gia, 37 di tích cấp tỉnh... Về văn hóa phi vật thể, có trên 300 làn điệu dân ca, dân vũ, trong đó có nghệ thuật hát ca trù được UNESCO công nhận là “Di sản văn hóa phi vật thể đặc sắc của nhân loại cần bảo vệ khẩn cấp” và hàng chục lễ hội lớn, nhỏ... Sự nỗ lực đến công tác bảo tồn, phát huy các giá trị của di sản văn hóa trong đời sống hiện đại đã làm sống lại nhiều giá trị văn hóa tưởng chừng như bị chìm khuất theo thời gian. Mỗi tên đất, tên làng, mỗi vùng miền đều gắn với những lễ hội, trò chơi dân dân, các làn điệu dân ca, làng nghề đặc trưng được lưu giữ qua bao thế hệ như lễ hội đập trống, được xem là nét văn hoá độc đáo chỉ có ở tộc người Ma cong;  lễ hội đua thuyền truyền thống của người dân 2 huyện Lệ Thuỷ, Quảng Ninh; lễ hội cầu ngư (xã Bảo Ninh, phường Hải Thành - TP. Đồng Hới)... Nét đẹp văn hoá mang đậm bản sắc vùng miền còn được thể hiện đậm nét qua các làng nghề truyền thống được các làng quê gìn giữ, bảo tồn. Đó là những sản phẩm độc đáo từ nghề đan lát của làng Thọ Đơn (Ba Đồn), Xuân Bồ (Lệ Thủy) nón lá Quy Hậu (Lệ Thủy), Thổ Ngọa (Ba Đồn) ... đã vượt ra ngoài địa giới của tỉnh mang nét văn hoá đặc sắc đến với các vùng miền trong nước.

Hoạt động nghệ thuật truyền thống cũng được ngành Văn hóa-Thể thao và Du lịch hết sức chú trọng. Ngành đã chỉ đạo Đoàn nghệ thuật truyền thống tỉnh xây dựng nhiều chương trình dân ca, dân vũ nhằm bảo tồn các giá trị nghệ thuật truyền thống, biểu diễn phục vụ cho người dân nhân các dịp lễ trọng đại của quê hương. Nhờ thế các loại hình nghệ thuật mang đặc trưng của Quảng Bình như hò khoan, hò thuốc, dân ca Bình Trị Thiên được khôi phục. Bên cạnh đó, nhiều địa phương đã xây dựng được các câu lạc bộ văn hóa văn nghệ truyền thống như câu lạc bộ văn nghệ dân gian xã Nhân Trạch (Bố Trạch), câu lạc bộ ca trù ở làng Đông Dương và nhiều câu lạc bộ văn nghệ truyền thống ở Minh Hóa, Lệ Thủy...

Những hoạt động khác như tổ chức truyền dạy dân ca, dân vũ ở các địa phương cũng được chú trọng, từng bước khôi phục, phát huy và giữ gìn các tinh hoa văn hoá văn hoá của làng quê. Những kết quả đó được tạo dệt nên từ sự đồng  thuận của ý Đảng, lòng dân nhằm góp phần “Xây dựng và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”.

Nhật Văn