.

Chua ngọt dâu rừng

Thứ Bảy, 07/05/2016, 07:38 [GMT+7]

(QBĐT) - Tháng ba, mùa dâu rừng chín lại chợt nhớ câu ca xưa:

Mang bầu đến quán rượu dâu
Say sưa quên hết những câu
                                                ân tình...

Chưa xa lắm đâu, khoảng vài ba thập kỷ trước, từ tháng 3 đến tháng 6, bà con xung quanh nội thị đem dâu về bán tràn ngập chợ Đồng Hới. Theo mạ đi chợ thấy từng thúng dâu chín đỏ đã ứa nước bọt. “Một hào hai lon”- chị bán dâu đang sởi lởi đong đầy ngọn bọn trẻ chúng tôi đã bốc một nắm bỏ vào miệng nhai tóp tép. Những trái dâu tròn chín tím tứa ra vị chua ngọt, ăn đến đâu biết đến đó. Không chua loét như trái dâu da, lại có vị ngọt thanh  mát hơn những trái dâu tằm. Lạ lắm, đang đói mà chẳng thấy cồn cào, đang no mà chẳng thấy đầy bụng, không rát lưỡi, ăn mấy cũng không chán. Mùa dâu, mẹ đi chợ về miệng anh em đứa nào cũng tím một màu dâu.

Lớn lên một chút, lũ trẻ chúng tôi không ăn dâu mạ mua ở chợ mà thường rủ nhau đi ăn dâu rừng. Nói là rừng nhưng thực ra dâu chỉ mọc ở những ngọn đồi nắng cháy cùng với sim, me, tràm, chổi. Trước chiến tranh phá hoại chưa có cái thị tứ Đồng Sơn bây giờ, qua khỏi rào Đức Phổ đến địa phận làng Trung Nghĩa, Rậy Cau dọc đường 15 lên Nông trường Phú Quý (Việt Trung bây giờ) dâu mọc đầy đồi. Không ai nói đi “hái dâu” mà thường nói đi “ăn dâu” vì mỗi khi gặp bụi dâu chín, bọn trẻ chúng tôi cởi áo để dưới gốc rồi rung cây cho trái rụng xuống mà gom lại, không hơi đâu mà hái từng quả. Mỗi lần đi ăn dâu, người lớn thường dặn, chớ đi sâu vào rừng, ở những bụi dâu lớn thường có ông khái (hổ) cũng đang ăn dâu, không tranh giành với ngài được đâu. Thỉnh thoảng bắt gặp những bụi dâu lớn trụi lá, người lớn bảo đó là do ông khái “thổi” để lấy quả ăn.

Dâu rừng
Dâu rừng

Không chỉ mùa dâu in đậm trong ký ức tuổi thơ mà những câu chuyện thần thoại, truyền thuyết về quả dâu rừng tôi vẫn còn nhớ mãi.

Sách Thần thoại Hy Lạp kể rằng, ở Vương quốc Seramis có chàng trai Pyrame yêu nàng Thisbe tha thiết. Cặp tình nhân hẹn hò dưới lùm cây hoang dại có quả màu trắng, vị chua ngọt. Thisbe đến trước, bỗng một con sư tử vừa mới ăn thịt một con nai tơ miệng đầy máu xuất hiện. Thisbe hốt hoảng cắm đầu chạy bỏ rơi chiếc khăn của nàng. Con sử tử vồ lấy chiếc khăn choàng cắn xé một lúc rồi bỏ đi. Chiếc khăn choàng nhuộm máu đỏ từ miệng con sư tử. Lát sau Pyrame đến nơi hò hẹn thấy chiếc khăn choàng vấy máu tưởng người yêu đã bị thú dữ ăn thịt, ân hận vì đến muộn bèn rút dao tự vẫn. Liền sau đó Thisbe trở lại thấy Pirame đã chết cũng rút dao tự đâm mình để được chết cùng người mình yêu. Những giọt máu đỏ của đôi trai gái yêu nhau văng tới nhuộm đỏ những chùm quả trắng. Từ đó loài cây có từng chùm quả trắng nhuộm màu máu đỏ. Đó là trái dâu rừng, có tên khoa học là myrica sapida.

Lại nữa, sách Nhị thập tử hiếu do Lý Văn Phúc (1785 – 1849) diễn Nôm đã nhắc đến một sự tích bên Tàu, có một người con nhà nghèo nhưng giàu lòng hiếu thảo, ngày ngày một mình vào rừng để hái dâu nuôi mẹ già. Hóa ra, trái dâu rừng còn chứa đựng cả lòng hiếu nghĩa và mối tình chung thủy nên mới cho đời vị chua ngọt thanh cao đến vậy.

Ăn quả dâu tươi là sở thích của trẻ con, đàn bà, con gái, còn  người lớn tuổi lại thích lấy quả dâu làm rượu. Hái dâu về phơi khô một vài nắng khi mặt quả se lại đem vào ủ với men (thứ men Ba Đồn nổi tiếng) tùy theo bí quyết của từng người thêm một vài vị thuốc Bắc để đủ ngày, đủ tháng chắt ra là được một thứ rượu thơm lừng, sóng sánh như mật ong. Đó là kỹ nghệ của những nhà làm rượu dâu chuyên nghiệp, còn bình thường thì cứ một lớp dâu một lớp đường để lâu tự lên men cũng thành rượu. Rượu dâu có vị ngọt nhẹ, uống tưởng vô tư mà say ngầm, có lúc nghiêng ngã.

Dâu rừng có tên khoa học là myrica sapida, khác với cây dâu tằm (morus indica). Được biết, cây dâu rừng ở miền Trung chỉ có ở vùng đồi núi Quảng Bình, Quảng Trị và miền Bắc có một ít ở vùng đồi núi Cao Bằng, Quảng Ninh, nhưng nhiều nhất vẫn ở Quảng Bình nên mới có nghề làm rượu dâu  nổi tiếng một thời.

Không biết nghề làm rượu dâu có từ lúc nào. Theo sử sách, rượu dâu Quảng Bình được cung tiến vua từ đời Gia Long (1811). Ngoài việc cung tiến, nội khố nhà vua còn phải xuất tiền mua thêm 50 vò rượu dâu (gọi là tang tầm tửu) đựng trong 2 chiếc lu lớn do lính trạm chở tới Kinh sư nội nhật ngày 29 tháng 3 âm lịch để kịp cử hành lễ hạ hưởng vào đầu tháng tư, khao các quan trong triều.

Trước thời thuộc Pháp ở Đồng Hới có nhiều cơ sở làm rượu dâu. Trên đường Quảng Bình Quan (rue Porte Quang Binh) có xưởng làm rượu dâu của ông Trần Khánh Em với thương hiệu Rượu Yves Chate xuất sang cả Pháp. Ngoài ông Trần Khánh Em còn có các xưởng rượu dâu của các ông Hoàng Minh Vui, Thái Đức Thạnh, Hồ Nhị Tùng... làm nên thương hiệu rượu dâu Đồng Hới nổi tiếng. Sau hòa bình năm 1954, Xí nghiệp rượu dâu công tư hợp doanh Đồng Hới vẫn sản xuất hàng nghìn chai rượu dâu cung cấp cho các cửa hàng mậu dịch trên toàn miền Bắc.

Dâu rừng Quảng Bình từng là nỗi nhớ của những người con xa xứ. Nhiều bạn bè đi làm ăn ở trời Tây hoặc vào các tỉnh phía Nam mỗi khi hè về lại gọi điện hỏi thăm: Đã có dâu chưa, thèm lắm. Có, nhưng ít lắm. Đầu mùa ra chợ Đồng Hới thấy bà con ở Quảng Ninh, Lệ Thủy đi ăn dâu tận mãi trong rừng sâu được rổ dâu đem về chợ bán đắt hơn tôm tươi. Dâu thành thứ quý hiếm nên người ta hái quả xanh, quả non không chờ chín đỏ như ngày xưa. Thương anh em, con cháu thèm dâu, vợ tôi ra chợ Đồng Hới - “20 nghìn một lon”, mà cũng chỉ mua được một ít rồi gửi máy bay vào thành phố Hồ Chí Minh gọi là chút quà quê hương. Biết sao được, những đồi dâu, sim, tràm chổi nay đã biến thành những rừng cao su, bạch đàn có giá trị kinh tế cao hơn. Nhưng với sức sống diệu kỳ của cây bản địa, dâu rừng vẫn sống, dẫu đơn độc, đây đó trong rừng già. Giá mà có một dự án bảo tồn nguồn gen rồi phát triển thành một vài rừng dâu để làm sống lại thương hiệu rượu dâu Quảng Bình để giới thiệu với bạn bè trong nước và ngoài nước như ngày xưa thì quý biết mấy.

Chua ngọt dâu rừng... xin trải lòng thương nhớ.

Phan Viết Dũng