.

Kỷ niệm khó quên

Thứ Sáu, 22/04/2016, 09:17 [GMT+7]

(QBĐT) - Đầu mùa hè năm 1972, chúng tôi mới hoàn thành những khoa mục cuối cùng của khóa huấn luyện lái xe tăng ở Trung đoàn 207 trên đồi trung du Vĩnh Yên. Lính lái xe chúng tôi dù tiêu chuẩn có khá hơn cánh bộ binh nhưng thời kỳ ấy đất nước khó khăn, những loại thực phẩm như đường, sữa, thuốc lá là cao cấp, hiếm lắm.

Chúng tôi, tuổi hai mươi, nói như nhà thơ Tố Hữu là “chưa qua vòng thơ bé” rất thèm của ngọt, mà trợ cấp năm đồng (chừng bằng năm mươi ngàn bây giờ) thật không đáng. Với khoản tiền ấy thì ăn kẹo một bữa còn thòm thèm, kể gì đến khoản “tình phí” như cách nói hiện nay. Đi đường lỡ gặp hay quen với cô gái nào đó cũng lo nhon nhót. Đã có một cậu ngẫu hứng sáng tác mấy câu vần vè:

Tôi người lính thiết binh cô ạ
Ba mươi ngày chỉ có năm đồng thôi
Thuốc (đánh răng) bàn chải hết đồng
rưỡi rồi
Cười làm chi cho thêm phiền tuổi trẻ
Thôi cô để tôi đi cô nhé
Một nụ cười hết nửa tháng lương

Nhưng cái sự thèm ăn vặt thì luôn thường trực. Đã có lần lính vai mang ba lô đi lấy gạo, về giữa đường ghé quán trút bớt vài bơ cho chủ quán đổi kẹo và thuốc lá, may mà nhà bếp không cân đong chi li quá. Nhưng không phải lúc nào cũng có cơ hội đi lấy gạo và lúc nào cũng dám làm liều. Vậy nên, chúng tôi cứ “hy sinh” dần dần, mang vài thứ quân trang như bít tất, quần áo quân phục, cả thắt lưng da đi đổi kẹo, thuốc. Thế rồi lần ấy tôi đổi đôi dép đúc cho cả hội chi tiêu. Với bộ đội, đôi dép là quan trọng lắm. Vậy mà tôi đã “anh dũng” làm liều.

Tác giả trở lại chiến trường xưa.
Tác giả trở lại chiến trường xưa.

Đương nhiên sau đó tôi thường xuyên phải đút chân vào đôi giày thấp cổ. Và điều gì đã xảy ra, khi mà cái nóng của mùa hè, mồ hôi chân cộng với bụi bẩn ở bãi lái, dầu nhớt trong xe... nhiều ngày không có xà phòng để giặt. Đôi giày của tôi “ngự” ở đâu là đồng đội lảng xa. Cho đến một ngày nghỉ, cả hội lang thang chán bèn quyết định hộ tống tôi qua làng bên, nơi có một đơn vị bộ binh đang an dưỡng chuẩn bị đi B (bê- chiến trường miền Nam).

Mục đích là để “thuổng” một đôi dép. Ban đầu chúng tôi cũng lưỡng lự, nhưng sau nghe Tuấn còm lý luận, rằng, đơn vị sắp đi Bê thì nếu mất đôi dép họ sẽ bổ sung ngay, chẳng hại gì. Vả chăng, cũng đã đến lúc cả hội không thể chịu đựng hơn nữa với cái mùi từ đôi giày “chí long” của tôi.

Chúng tôi tiến vào làng. Lính bộ binh đóng trong nhà dân, lại đang họp hành gì đó, chắc đang học chính trị. Thời đánh Mỹ, những đơn vị trước khi đi Bê thường được bồi dưỡng ăn chế độ cao khoảng 15 ngày, cấp phát quân trang hoàn toàn mới. Chỉ huy thường tổ chức liên tục các buổi học chính trị hoặc văn nghệ vừa để “lên giây cót” vừa dễ quản lý quân số.

Với bà con trong các làng có đơn vị đóng quân mươi ngày thì lính giống nhau như mặt lợn con, chú nào cũng như chú nào đều quân phục màu xanh tuổi mười tám đôi mươi cả. Chúng tôi đến trước một cổng nhà. Cả nhóm dừng lại canh chừng để mình tôi tiến vào. Nhà chả có ai, chỉ thấy ba lô súng đạn để đầy giường, dưới đất là những đôi dép đúc nhiều cỡ, có lẽ hôm nay có đội ngũ gì đấy nên lính đến tập trung toàn đi giày.

Tôi bình thản trút đôi giày “thối như cóc chết” ra rồi thử một đôi dép thấy vừa chân liền trở ra. Con chó chủ nhà thấy người mặc đồ lính cũng chẳng thèm cự nự. Cả bọn thấy rõ tôi đã “thuổng” được đôi dép liền quay ra cổng làng. Tự dưng không ai nói gì. Làng xóm Việt Nam ta đâu cũng giống nhau: Có hàng tre xao xác, ao chuôm lặng lẽ, một con chim bói cá đang rình mồi. Văng vẳng tiếng trẻ con học bài và giọng à ơi trong tiếng võng kẽo kẹt. Thanh bình quá, một buổi sáng đầu hè. Cái đơn vị bộ binh sắp vào chiến trường đang họp quán triệt tinh thần ở đâu đó phía đình làng.

Tự dưng tôi nghĩ tới hình ảnh người lính bộ binh trẻ tuổi nào đó, chủ nhân của đôi dép tôi vừa đánh tráo. Đó là một cậu lính trẻ, rất trẻ - chắc chắn thế. Hồi ấy ở miền Bắc có địa phương tuyển lính 16 tuổi, gọi là “vay tuổi” gọi nhập ngũ trước cả đến hai năm. Chúng tôi, dù sao cũng đã qua vài năm đại học ở Hà Nội, lịch lãm, láu lỉnh đủ cả. Còn cậu lính mười sáu tuổi mới huấn luyện ba tháng mới bắn xong bài một đã sắp vào “Bê”!?

Tôi hình dung ra cái cảnh cậu chàng cà nhắc vì chân không dép, chạy tụt lại sau đội hình đúng lúc hỏa lực hạng nặng bắn tới, một cụm khói cuộn lên, cậu “thiếu niên” từ từ... ngã xuống. Lẽ ra cậu ta đã kịp vận động theo đội hình đại đội thoát khỏi vùng hỏa lực để khỏi bị sát thương nếu không tình cờ... mất đôi dép.

Vả chăng, thời điểm nhóm tôi rời khỏi làng cũng là lúc gần trưa nên tâm tưởng tôi mới có sự liên hệ như vậy. Đến bây giờ, nhiều chục năm đã trôi qua, vẫn không hiểu một cái ma lực nào đó đã khiến bờ vai tôi quay ngoắt lại. Bước nhanh, đúng hơn là chạy lắp xắp về phía ngôi nhà.

Đây rồi cái cổng, tôi rẽ ngay vào, bước lên bậc. Vâng, có những bậc cấp. Không gian vẫn vắng lặng. Con chó nhìn thấy tôi vẫn dửng dưng không vẫy đuôi cũng chẳng gầm gừ (Đã nhiều năm, những đơn vị đến dăm ngày nửa tháng rồi lại đi khiến cho lũ chó trong làng quen dần với màu áo quân phục). Cái giường vẫn y nguyên như cách đó vài mươi phút, bề bộn quân trang vũ khí.

Dưới đất vẫn những đôi dép đúc mới, lẫn vào đó là đôi giày khốn khổ của tôi lúc này cũng đã kịp khiến không gian quanh đó ô nhiễm bởi cái mùi rất quen đã bầu bạn với nhóm chúng tôi từ khi đôi dép lính ra đi để đổi lấy gói thuốc lá rẻ tiền và vài phong kẹo ngọt. Tôi nhanh chóng tụt chân khỏi đôi dép rồi dũng cảm đút vào đôi giày quen thuộc. Trước khi trở lui, như để chuộc lỗi, tôi xếp lại ngay ngắn những đôi dép đúc, hành trang không thể thiếu của người lính trên hành trình Trường Sơn vạn dặm.

Lạ thật, cả hội lính “ba chi khơ” vẫn đứng chờ, vừa tròn “nửa tá” sắp thi lái đạt cấp một. Lần lượt tôi nhận mặt từng thằng: Bá Hùng, gốc Nghệ An, nay đã là một đại gia định cư ở nước ngoài, Tuấn còm, Hà thành chánh hiệu, bây giờ là một họa sĩ sắp đặt khá nổi danh. Hoàng Sâm, một sĩ quan cao cấp trong ngành công an, vì hoàn cảnh dòng họ độc đinh nên chờ tới lúc nghỉ hưu về quê Quảng Bình cưới đến vợ thứ ba mới sinh hạ được thằng Tăng con.

Và nữa, Hải, quê ở Hà Đông, rất thông minh, cưa gái như gió bị gán cái biệt hiệu quái đản là Hải phạch, nay là một đại gia với dăm bảy khách sạn, nhà hàng ờ Hà Nội. Cả hội đứng chờ bình thản như cách đó nửa giờ đã chờ tôi đột nhập. Và điều kỳ lạ là không ai lấy làm ngạc nhiên khi thấy tôi lẹp xẹp trở ra với đôi giày đáng nguyền rủa.

Chừng nửa tháng sau, chúng tôi cũng lên đường đi Bê, và tất nhiên cũng được cấp phát đầy đủ quân trang. Điều đặc biệt là trong mỗi xe đều có khẩu phần rất nhiều đường cho phép chúng tôi chén thỏa thuê. Mỗi người một chiến trường, qua vài chiến dịch. Sau bảy lăm về, còn sống cả dù có lãnh vài ba mảnh đạn, vài ba vết sẹo nhưng may mắn đã không để lại “vết thương lòng” với người lính bộ binh chưa hề quen biết.

Và, điều này nữa. Đã vài lần gặp gỡ cựu chiến binh đơn vị cũ mà tôi cứ quên hỏi: Vì sao ép tôi đi “thuổng” dép của đồng đội, rồi thấy tôi mang trả lại mà cũng không phản ứng gì cả. Phải chăng, cũng như tôi, hình dung ra cảnh người lính bộ binh trẻ tuổi chạy cà nhắc đằng sau đội hình đúng lúc hỏa lực bắn tới...  Để rồi biết chắc rằng, trong cuộc đời, không dễ gì làm những điều không phải với ai đó mà lương tâm không bị dày vò cắn rứt!

Nguyễn Thế Tường