.
Kỷ niệm 41 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975 - 30-4-2016):

Trường ca thời máu lửa

Thứ Bảy, 30/04/2016, 15:12 [GMT+7]

(QBĐT) - Đó là cuốn nhật ký mang đề tựa “Trường Ca”, bút tích còn lại của liệt sỹ Lê Đình Nghinh, bí danh Lê Hồng Anh (1945-1969) được gia đình cất giữ gần 50 năm.

Lý giải vì sao cuốn nhật ký mang đề tựa này, mãi đến trang 42 ghi ngày 8-6-1966, anh mới “tiết lộ”: “Nếu ai có trải qua cuộc sống trong quân đội và được trực tiếp trong cuộc chiến tranh thì mới chứng minh được một cách hùng hồn rằng: Đời là một bản trường ca. Khi lên bổng xuống trầm. Khi lên ghềnh xuống thác. Khi sôi nổi dập dồn. Khi du dương êm dịu... Chứ cuộc sống không phải là nước chảy bèo trôi, xuôi buồm thuận gió”.

Sinh năm 1945 ở thôn Nam Lãnh, xã Quảng Phú (Quảng Trạch), năm 1952, anh phải nghỉ học lớp 2 để đi ở thuê, 2 năm sau mới có điều kiện đi học trở lại. Năm 1962, anh được Bộ Giáo dục tặng Bằng khen về kết quả kỳ thi tốt nghiệp cấp III và vào học Trường sư phạm 10+2 tại Bố Trạch. Ra trường, thầy giáo trẻ Lê Đình Nghinh về làm giáo viên Trường cấp II xã Quảng Xuân (Quảng Trạch).

Lúc này, cuộc chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ leo thang ra miền Bắc ngày càng ác liệt. Tháng 3-1965, anh tạm chia tay các em học sinh thân yêu, xếp giáo án lên đường cầm súng bảo vệ Tổ quốc và được biên chế về Tiểu đoàn 14 pháo binh, Tỉnh đội Quảng Bình.

Vào bộ đội, dẫu cuộc sống công tác và chiến đấu bề bộn, đầy gian khổ nhưng Lê Đình Nghinh vẫn kiên trì ghi lại (phần nào) thực tế khốc liệt của cuộc chiến tranh và nội tâm của mình về những tháng năm được sống, công tác và chiến đấu tại các địa phương thuộc Đồng Hới, Bố Trạch, Quảng Ninh và Lệ Thủy.

Trang viết đầu tiên có ngày tháng cụ thể trong cuốn nhật ký “Trường Ca” của anh ghi ngày 1-1-1966. Trang cuối ghi lúc 12 giờ 15 phút ngày 7-6-1968 ngay trên trận địa phòng không Tân Thịnh, Tân Thủy (Lệ Thủy).

 Trang nhật ký Lê Đình Nghinh ngày 19-5-1966.
Trang nhật ký Lê Đình Nghinh ngày 19-5-1966.

Được về thăm gia đình và quê hương trước khi nhận nhiệm vụ mới, Lê Đình Nghinh đã gửi lại “Trường Ca” cho anh trai mình cất giữ. Đơn vị anh được điều động tăng cường, cùng quân dân Vĩnh Linh chia lửa cho chiến trường.

Đêm 29-4-1969, trong lúc chiến đấu với kẻ thù, anh bị thương nặng và anh dũng hy sinh trong sự tiếc thương của đồng đội và quân dân vùng giới tuyến. Sau chiến tranh, phần mộ anh hiện an nghỉ tại Nghĩa trang liệt sỹ quê nhà.

Từ khi anh gấp gáp trở lại đơn vị và đi sâu vào tuyến lửa, quê hương anh vừa tiêu điều do bom đạn của kẻ thù, vừa trải qua nhiều thiên tai lụt bão. Tuy nhiên, cuốn nhật ký vẫn được gia đình giữ gìn cẩn thận. Gần 50 năm xa vắng người thân, họ luôn coi đó là hiện vật quý để giáo dục các thế hệ con cháu trong dòng họ.

Chúng tôi may mắn được gặp anh trai của liệt sỹ, ông Lê Văn Ngộ, một giáo viên nghỉ hưu ở thôn Nam Lãnh, xã Quảng Phú (Quảng Trạch). Người thầy giáo năm nào đã từng dạy dỗ chúng tôi nể tình thầy trò, bồi hồi, xúc động, lần mở tới hàng chục lớp túi ni-lon trao cho tôi cuốn nhật ký “Trường Ca” của em trai mình. Theo ông, đây là tất cả những gì còn lại duy nhất của em trai ông, ngoài ra Lê Đình Nghinh không để lại được di ảnh hay một kỷ vật nào khác.

Đón cuốn sổ bìa cứng khá dày từ tay thầy giáo cũ, tôi xúc động lật mở ngắm nghía từng trang viết. Cũng như nhiều thanh niên khác thời kỳ 1960-1970, anh dành 19 trang đầu để ghi lại một số lời trích của V.I.Lê-nin, M.Gooc-ky, Hồ Chủ tịch... và một số bài thơ anh viết mừng xuân. Bắt đầu phần nhật ký anh ghi ngày 1-1-1966, đó là một ngày đơn vị đi cấy giúp dân, gió rét, ruộng sâu nhưng mọi người vẫn cố gắng hoàn thành nhiệm vụ.

Ngày 12-1-1966 anh viết: “Thế là hôm nay lại chuyển qua đơn vị mới, qua đây phải trực tiếp với chiến đấu nhiều hơn, có nhiều thử thách hơn nên bản thân phải phấn đấu nhiều hơn nữa mới làm tròn trách nhiệm của người chiến sỹ cách mạng, đó là chưa nói đến trách nhiệm của một người đoàn viên”.  

Ngày 25-3, trong khí thế kỷ niệm chào mừng ngày thành lập Đoàn, anh viết: “Đã là thanh niên sống trong xã hội Việt Nam thì phải làm gì cho xứng đáng với truyền thống bất khuất của Lý Tự Trọng, của Nguyễn Văn Trỗi”.

Có nhiều lúc Lê Đình Nghinh ghi nhật ký bằng những vần thơ đầy cảm xúc, ngày 19-5-1966 anh viết: “Ra đi lòng lại dặn lòng/ Chung tay xẻ núi ngăn sông khó gì/ Đường dài Đảng dẫn ta đi/ Ngày xưa sướng khổ gian nguy cũng từng/ Đã quen kết bạn núi rừng/ Đất trời đâu cũng quê hương ruộng đồng/ Ra đi lòng lại dặn lòng/ Trước sau giữ vững hoa hồng bạn ơi!”. Cùng với tình yêu quê hương, đất nước, người chiến sỹ còn nuôi những ước mơ dung dị, cao đẹp về tình mẹ. Ngày 25-5 anh viết: “Vui sao chiến thắng trở về/ Tay con mừng rỡ ôm ghì mẹ yêu/ Ước mơ đẹp biết bao nhiêu/ Nhưng đang chinh chiến còn nhiều gian truân...”.

Những đợt oanh tạc dã man của máy bay Mỹ xuống làng xóm, quê hương càng làm cho anh sục sôi ý chí căm thù và niềm lạc quan của người lính được thể hiện qua những dòng nhật ký anh ghi ngày 1/6/1966: “Trong bão lửa quê ta càng đẹp/ Dù lửa bom cháy sém bờ tre/ Dù chúng dội hàng ngàn tấn thép/ Từng tiếng gà gọi ổ ta nghe...”.

Tiếp đến, ngày 9-6-1966 cùng mạch nguồn cảm xúc về quê hương, anh xót xa nung nấu căm hờn khi chứng kiến giặc Mỹ dội bom xuống thị xã Đồng Hới, những cây dừa “kết nghĩa” táp túa cháy sém, nham nhở vết bom: “Hôm nay giặc Mỹ lại điên rồ thả bom xuống thị xã Đồng Hải, những cây dừa Trị Thiên vẫn xanh tươi, vươn lên trong lửa đạn giờ đây chúng nó cũng phá luôn. Hận này ắt không quên được!”. Và, trong đau đớn anh đã bật lên: “Rừng dừa ơi! Quê hương tôi oanh liệt/ Mỗi gốc cây ta khắc một căm hờn/ Từng chiếc lá giặc ghi bao tội ác/ Đang cất cao lời mẹ sáng như gươm”.

Một trưa hè (24-6-1966) bên mâm pháo trên đỉnh Ba Rền, nhìn những làng quê bị lũ giặc trời Mỹ tàn phá, lòng anh thêm sôi sục: “Ngày hôm nay chúng nó đến 4 lần ném bom xuống làng quê, lửa càng cháy thì tim tôi càng sục sôi..., tôi phải diệt bằng được chúng nó để trả thù cho nhân dân Bố Trạch...”. Lòng căm thù của người lính được dồn nén lại qua thời gian và rồi ngày 2-5-1967: “Hướng 41 máy bay bổ nhào. Bắn! Lưới lửa vây lấy con thiêu thân F4H...”. Từ ngày đó địch tăng cường oanh tạc, các trận chiến đấu với chúng xảy ra liên tiếp.

Nhật ký ngày 4-5-1967 anh ghi lại như một kỷ niệm khó quên: “BỮA CƠM BỎ DỞ: Nếu như mình không nhanh một tý thì chắc khi chiếc máy bay bay qua trận địa bọn mình mới biết. Mình mới cầm đôi đũa và miếng cơm vào miệng thì phát hiện được máy bay vào gần trận địa, mình quẳng bát xuống, không kịp nuốt cơm, vào chiến đấu ngay. Nó vào đúng tầm rồi. Bắn! Loạt đạn phủ đầu của bọn mình làm nó lúng túng. Nó bay vào một đoạn nữa súng cao xạ bắn lên tới tấp vây lấy chiếc máy bay, nó hoảng quá, trúng đạn rồi...!”.

Nhật ký ngày 20-5-1967 anh thể hiện sự hồi hộp vui sướng khi được cấp trên khen đúng vào dịp mừng thọ Bác Hồ: “Tối hôm qua làm lễ kỷ niệm mừng thọ Bác 77 tuổi, mình hồi hộp quá khi nhận Giấy khen của Tỉnh đội”.

Cảm động hơn, khi được tin em gái hy sinh ở quê, lòng căm thù được anh nén vào trang nhật ký ngày 24-11-1967: “Tự hào về đứa em đã hy sinh, tôi quyết trả thù! Hận thù chuốt dãy Trường Sơn sắc nhọn/ Triệu mũi lao diệt Mỹ có thêm tôi/ Miền Nam ta không tiếc máu lâu rồi/ Dẫu 5-10-20 năm hơn nữa/ Vẫn một lòng theo Đảng diệt xâm lăng”.

Về Liên Thủy sau đêm máy bay Mỹ đánh phá, nhật ký ngày 8-1-1968 anh đau đớn viết: “Ôi những đứa em sắp sửa chào đời/ Chưa thấy mẹ đã vào nằm đáy mộ/ Bao mẹ hiền chết cùng con nhỏ/ Máu cha anh nhuộm đỏ cửa hầm/ Cả quê hương lại rộn rã lên đường/  Không có gì cản được sức ta vươn/ Bởi chân lý trong lòng dân có Đảng”...

Với độ dày gần 245 trang, “Trường Ca” chứa đầy tình cảm cách mạng và hoài bão của tuổi trẻ. Cuốn nhật ký như một bức tranh thực tế về cuộc sống công tác, chiến đấu, học tập của người lính trong thời chiến. Những suy nghĩ, tư duy hết sức chân thực đã cho thấy, động cơ của người viết không coi nhật ký là món đồ trang sức, mà là một người bạn tri kỷ, đồng hành.

Chiến tranh đã kết thúc 41 năm nhưng chắc chắn vẫn còn nhiều cuốn nhật ký thời chiến chưa được phát hiện. Đó là những vật chứng về một cuộc chiến chống ngoại xâm và ý chí, khát khao cống hiến giành độc lập tự do cho dân tộc của các thế hệ thanh niên Việt Nam. Điều đó thật đáng trân trọng!

Nguyễn Tiến Nên