.

Học trò quê

Thứ Ba, 05/04/2016, 14:26 [GMT+7]

(QBĐT) - Tôi theo nghề giáo vì truyền thống gia đình. Từ nhỏ, ba mẹ đã định hướng sẵn con đường tôi phải đi. Mặc dù tôi không thích điều đó. Nhưng tôi vẫn học để trở thành một người thầy như ba mẹ mong muốn.

Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)
Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)

Tôi về dạy trên chính ngôi trường tôi từng học. Mái trường xưa vẫn cất giữ dùm tôi những dại khờ tuổi nhỏ. Góc lớp yêu thương vẫn hằn chi chít vết mực đã dần phai màu vì thời gian mưa nắng. Người thầy giáo già tóc đã hoa râm, nắm bàn tay tôi siết chặt: "Thầy trò mình giờ là đồng nghiệp của nhau". Bao nhiêu kỷ niệm cứ ùa về, để tôi biết yêu nghề qua từng giờ lên lớp. Biết thương những đứa trẻ đen nhẻm, lấm lem bùn đất. Biết bật khóc khi cô học trò mếu máo, thầy ơi con không có ba để tả tập làm văn. Ngày giáp hạt, trò nghỉ học nhiều để phụ giúp mẹ cha, hành trang trò đến lớp có hương lúa trổ đòng, có vị phèn chua ngai ngái. Tôi chẳng còn cáu gắt khi các em đến muộn giờ kiểm tra.

Thương sao chiếc áo rách vai của trò vừa phụ ba đi cày. Rồi trò ngủ gật trong giờ học, hỏi ra mới biết, em thức suốt đêm canh mẹ sốt, cô học trò nghèo không có tiền đóng tiền giấy thi vì vừa vào viện thăm ba. Có những ngày tan học, phụ huynh dúi vào tay tôi khi thì mớ đọt khoai, con cá, trái mướp vườn: Thầy cầm ăn lấy thảo, cây nhà lá vườn.

Ngày 20-11 nhận cánh hoa dại ven suối mà ấm lòng đến lạ. Những ánh mắt ngây thơ, bẻn lẽn chứa cả khoảng trời hồn nhiên. Mà chính tôi vẫn luôn khao khát tìm về. Bốn năm theo nghề giáo, một khoảng thời gian không đủ dài với một đời người. Nhưng chính năm tháng ấy làm đổi thay một con người. Cho con người ấy có động lực để bước đi.

Tôi yêu mỗi giờ đứng lớp, để tôi được thấy mình trong đám trẻ nghèo khát chữ nghĩa; về những giấc mơ những chân trời mới. Và tôi, một người theo truyền thống gia đình đang bước tiếp trên con đường ba mẹ cho tôi. Con đường thênh thang với những niềm tin và tiếng cười...

Nguyễn Khối