.

Nhàn đàm: Nụ cười trên môi

Thứ Bảy, 26/03/2016, 14:00 [GMT+7]

(QBĐT) - Hôm nay, luận về “nụ cười...”, không phải cười duyên nửa miệng của thôn nữ, cười sảng khoái sau vụ mùa thắng lợi của nông phu. Cũng chẳng là tiếng cười thể thao tăng cường sức khoẻ theo như y học: “Một nụ cười bằng mười thang thuốc bổ”, hay, nụ cười quý phái của người đàn bà nhuộm răng trong thơ Lưu Trọng Lư: “Nét cười đen nhánh sau tay áo”... Nụ cười này dành cho kinh tế, xã giao, kinh doanh, hội nhập...đích thực là nụ cười thị trường ra tiền ra bạc nhưng tuyệt nhiên không phải cười nhạt lấy lòng theo kiểu nịnh bợ thời xin-cho bao cấp.

Người Trung Quốc, nổi tiếng bằng nền Đông y cổ đại, lại cũng ấn tượng vì đi khắp thế giới đến đâu cũng làm giàu, có câu châm ngôn khá quen thuộc: “Chưa có ánh nắng mặt trời thì chưa vận động, chưa có nụ cười trên môi thì khoan mở cửa hiệu”, ý rằng, khi đêm chưa tàn hẳn, không gian còn thiếu oxy, nếu tập thể dục sẽ “Lợi bất cập hại”, mở cửa bán hàng mà mặt nhăn mày nhó thì chẳng có ai ghé lại. Xin kể vài câu chuyện được “mục sở thị” ở quê ta vài chục năm gần đây hầu quý vị tự rút ra kết luận:

Chyện thứ nhất: Chevrolet: Là tên một dòng xe bốn bánh giá tương đối dễ chịu của Hoa Kỳ. Nhắc đến hàng Mỹ, người tiêu dùng xứ nóng nhớ ngay đến chiếc quạt Mỹ chạy như điên, quạt như gió, rất bền nhưng hơi tốn điện. Ngày nay, sử dụng điều hòa, quạt không còn hấp dẫn nữa, xe nổ hai bánh đã như xe đạp ngày nào thì cái xe bốn bánh là phương tiện đang được giới trung lưu lựa chọn. Một ngày giữa năm ngoái (Ất Mùi), buổi sáng có việc về quê Lệ Thủy, nhân tiện tôi chạy xe vào  Đông Hà bảo dưỡng. Trung tâm bảo hành dòng xe Chevrolet khu vực Bình Trị Thiên bên đại lộ Lê Duẩn khá rộng lớn, bên trong có cả phòng gắn điều hòa dành cho khách lưu lại. Ngay tại đây, bất ngờ tôi gặpTâm Phùng, phóng viên thường trú Báo Nông nghiệp Việt Nam tại Quảng Bình, cũng đang chờ bảo dưỡng xe. Mới ra khỏi địa giới được vài tiếng mà gặp “đồng hương tỉnh” cũng vui, tay bắt mặt mừng. Hàn huyên chưa lắng lại thì xuất hiện thêm chiếc xe màu đen cũng hiệu Chevrolet đang lừ lừ chạy vào gara, tài xế bước xuống là Hoàng Văn Phúc, cựu trưởng phòng Nội chính của Báo...Quảng Bình. Phúc hỏi: thấy Hương Giang vào đây chưa?- Hương Giang nào?- Hương Giang thường trú Báo Nhân Dân tại Quảng Bình, cháu của anh chứ ai nữa! Ngay lúc ấy có tiếng Hương Giang hắng giọng phía sau. Thì ra, anh chàng đã vào từ trước đang ngồi uống cà phê trong phòng giám đốc... Một năm trôi qua rồi mà tôi vẫn không lý giải được vì sao tình cờ bốn vị “thượng đế” Quảng Bình lại gặp nhau tại một gara cách thủ phủ của tỉnh mình đến cả trăm cây số, và, cũng có nghĩa rằng, vì sao ở Đồng Hới cũng đã hiện hữu năm bảy đại lý xe bốn bánh mà các “thượng đế” phải lặn lội vào tỉnh bạn mua xe??? Phải chăng, xe của họ tốt hơn? Không phải! Rẻ hơn? Chưa hẳn!...Vậy thì có thể là phong cách bán hàng mà cốt lõi của nó, nói như người Tàu là “Nụ cười trên môi” làm cho khách hàng thấy dễ chịu. Ông Tổng giám đốc Chevrolet Quảng Trị, vốn quê ngoại ở Quảng Bình tâm sự rằng, đã từng mở đại lý ở Đồng Hới nhưng chỉ được hơn hai năm, chịu không nổi phải co vào Đông Hà. -....? – Người đến xin tài trợ nhiều quá, trụ thêm nữa e lỗ! Thế đấy, không những thua về phong cách bán hàng, chúng ta còn thua cả về vài việc khác.

Chuyện cũ nhớ lại: Cách hơn hai mươi năm trước, tỉnh nhà mới chia ra, Đồng Hới bừng tỉnh, dịch vụ quán xá mọc lên. Khách vào ăn cháo thịt xuýt xoa kêu cay, không hẳn là chê hay khen. Vậy mà chủ quán bất bình chạy từ dưới bếp lên tay cầm con dao đỏ máu...lợn xẵng giọng: Rứa mà cay à, miệng các bác răng ấy chơ! Thực khách đành im lặng, phần vì sợ giọng nói, và cả con dao trong tay chủ quán. Lại có chuyện như tiếu lâm: Chiếc xe mang biển số 29 (Hà Nội) chạy trên Quốc lộ 1 dừng lại. Vị hành khách trang phục lịch sự bước vào quán nhã nhặn: Chị ơi, có(...) bán cho chúng tôi! Chủ cửa hàng đang ngồi để con gái bới tóc (bắt chấy?) chỏng lỏn:- Không có! – Chị xem lại đi, chúng tôi đang cần lắm. – Ơ, cái chú ni lạ hè, hàng của tui mà tui không biết à? – Vậy, nhờ chị hỏi xem cửa hàng nào có, mách giùm cho chúng tôi. – Ôi rồi, chú người ở mô mà lạ rứa? Hàng họ họ bán hàng tui tui bán, mắc chi tui đi hỏi họ cho zoọc hè!...Nghe kể rằng, khi người khách nọ đã ra xe nổ máy chị ta còn chạy theo đập cửa:- Hàng tui có mà không bán, chú làm chi tui nờ?! Có thể câu chuyện này đậm nhiều yếu tố thậm xưng, điển hình hóa để thể hiện một thời người quê ta chịu khổ nhưng không chịu khó, mà cũng là di chứng của thời bao cấp người bán hàng nhà nước trịch thượng vừa bán vừa mắng mà khách hàng vẫn lăn vào.

Lại một câu chuyện nữa, có thật. Anh bạn láng giềng cần việc ra quán vật liệu cách nhà chừng hai trăm mét, lúc sau mang về mấy mét vuông lưới sắt loại dùng quây chuồng gà. Anh bực bội kể: Con bé bán hàng cứ mải nói chuyện với bạn, mình chờ lâu bèn giục, nó hỏi:- Chú mua mấy mét? Mình nói ba mét! Nó gắt- mua có ba mét lưới mà cũng giục rối lên! Ông coi, nó bằng tuổi con gái mình mà ăn nói láo lếu thế đấy. Không lâu sau, anh làm nhà. Tôi để ý thấy anh mua vật liệu ở quán cách nhà tới gần hai cây số.

Hỏi, anh trả lời, ghét cái giọng trịch thượng của con bé bán hàng mà không mua của nó cả một cái đinh. Thế đấy, chỉ một thoáng gắt gỏng, quán hàng nọ đã mất quyền cung cấp vật liệu xây dựng cho cả một ngôi nhà ba tầng. Lại một lần, ông L.C.Th. đãi tôi một bát cháo lươn. Hai anh em đang xì xụp thì cậu thành viên trong quán cầm chổi quét...quán. Ông Th. la oai oái. Cậu thanh niên gằn giọng: không quét, cả rác như ri ngồi được à? Tôi không dám cự, chỉ xây lưng che bụi cho bát cháo và húp vội. Từ đó...cạch, đến nay đã hơi mười năm.

Quê ta xứ nóng, người quê ta trải qua thời bao cấp khá dài, mọi hàng hóa được phân phối, thấy thiếu công bằng là đấu tranh, dễ cao giọng. Hàng nhà nước độc quyền, khách hàng chê thì chẳng biết mua đâu nên người bán hàng tha hồ trịch thượng, nụ cười trên môi là hình ảnh xa lạ. Nay, cơ chế thị trường đang thiết lập với những quan hệ mới, như: Khách hàng là thượng đế, khách hàng luôn luôn đúng, nên người quê ta rất khó để ăn nhập. Cũng một dải đất, cũng miền khí hậu như ta nhưng người Huế hiệu quả bởi tiếng dạ khiến khách hàng không bỏ đi được. Khách vào quán kêu cơm gà. Gà chưa nhổ lông nhưng tiếng “dạ” cùng với thau nước rửa mặt, quạt máy quay vù vù, nhân viên chạy lăng xăng lau bàn lau ghế dọn bát đũa làm vui lòng khách tưởng như sắp được chén ngay. Có người vui chuyện chất vấn: - Sao chủ quán “dạ” cả với người nhỏ tuổi hơn mình? Đáp:- Tôi dạ tiền dạ bạc chứ dạ gì họ! Biết vậy nhưng rõ ràng rằng khách hàng được nghe dạ, được người bán hàng tiếp với gương mặt thân mật sẽ cảm thấy được tôn trọng, dễ bằng lòng mua hàng. Mua đâu cũng là mua, mang hàng về mà lòng thấy vui thì sao lại không!

Hình như các tỷ phú trên thế giới đều là những người vui tính!

Hình như vì vậy mà ra đời chuyên ngành "Maketinh" như một bộ môn nghệ thuật: Nghệ thuật tiếp cận khách hàng.

Có người đi tham quan Nhật Bản về kể rằng, ông ra cửa hiệu mua tấm vải, về khách sạn mở ra xem thấy lỗi bèn “liều” ra đòi đổi lại. Chủ cửa hiệu nhận lại tấm vải cùng với câu xin lỗi rồi sai người mang vải mới đến tiễn khách hàng về tận nơi, lại thanh toán tiền taxi cả đi lẫn về. Ông nhận xét: Nếu ở ta, mang trả lại hoặc đòi đổi hàng không khéo cãi nhau to.

“Khách hàng luôn luôn đúng!” là một câu châm ngôn ít nhiều tượng trưng, nhưng nhắc nhở chủ hàng rằng, phải biết nhìn xa trông rộng. “Tiểu bất nhẫn tất loạn đại cuộc” như cái chuyện ba mét lưới sắt mà mất khách hàng của việc xây dựng cả một tòa nhà. Cứ sắp tới mùa hè, mùa du lịch là các kênh thông tin đại chúng lại cảnh báo hiện tượng chặt chém du khách để phải viện tới cả đường dây nóng, âu cũng là do cái thói quen thiển cận, ăn xổi, khó mà thành thương hiệu tin cậy. Vậy nên, xin nhắc lại với người cao niên rằng: “Chưa có mặt trời thì chưa vận động” Và với người kinh doanh: “Chưa có nụ cười trên môi thì khoan mở cửa hiệu”, gọi tắt là: Văn hóa kinh doanh.

Nguyễn Thế Tường