.

Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn với họ Đinh ở Quảng Bình

Thứ Sáu, 25/03/2016, 10:48 [GMT+7]

(QBĐT) - Ngày 1-4 tới đây là chẵn 15 năm nhạc sĩ Trịnh Công Sơn trở về với cát bụi. Nhiều người biết tác giả của hàng trăm ca khúc giá trị này quê làng Minh Hương, huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên - Huế, sinh ngày 28-2-1939 tại cao nguyên Lạc Giao, Ban Mê Thuột, tỉnh Đắc Lắc. Tuy nhiên, ít ai biết Trịnh Công Sơn còn có quan hệ với dòng họ Đinh làng Thọ Linh, xã Quảng Sơn, thị xã Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình.

Theo lời ba tôi - ông Đinh Xuân Tiếp - sinh năm 1930 tại làng Thọ Linh, (nguyên Trưởng phòng Thanh tra Sở Giáo dục tỉnh Bình Trị Thiên (cũ), nguyên Trưởng phòng Đào tạo bồi dưỡng Trường cao đẳng sư phạm tỉnh Tiền Giang), tuy hội nhập muộn hơn một số dòng họ, nhưng họ Đinh là một trong các họ đại tôn của làng Thọ Linh. Họ Đinh làng Thọ Linh xuất phát từ họ Đinh làng Vĩnh Lộc, xã Quảng Lộc (huyện Quảng Trạch, nay là thị xã Ba Đồn). Đến nay, họ Đinh làng Thọ Linh đã  được 10 đời (10 thế hệ) và nhạc sĩ Trịnh Công Sơn thuộc hàng con cháu ngoại, đời thứ 7.

Đinh tộc phổ chí làng Thọ Linh cho hay, cố Đinh Xuân Thịnh thuộc vào đời thứ 4 (con thứ của cố Tổng) là vị khoa cử đầu tiên của họ Đinh làng Thọ Linh. Cố Thịnh là Chánh văn phòng Bộ Lại thời vua Hàm Nghi, Đồng Khánh và Thành Thái; là Chánh Bát phẩm Nội vụ Phủ Thừa Phái. Cố Thịnh cưới vợ người Huế, sinh được một người con gái duy nhất đó là bà Đinh Thị Vớ (còn gọi là bà Biện, thuộc đời thứ 5). Sau khi vợ mất, đến đầu thời vua Thành Thái thì cố Thịnh cũng mất và được an táng ở Huế.

Lớn lên, bà Vớ lập gia đình, lấy chồng người Huế dòng họ Trịnh, sinh được ba người con trai là Trịnh Công Đính, Trịnh Công Tích và Trịnh Công Thanh. Nhạc sĩ nổi tiếng Trịnh Công Sơn chính là con của ông Trịnh Công Thanh, là cháu nội của bà Biện và là chắt ngoại của cố Thịnh.

Trong dòng họ Đinh ở làng Thọ Linh, cố Thịnh là chú ruột của ông Đinh Xuân Trạc (đời thứ 5). Ông Trạc là thân sinh của ba tôi - ông Đinh Xuân Tiếp. Xuất thân từ gia đình nghèo khó, ông Trạc đã trải qua một thuở hàn vi. Là người thông minh, có ý chí và hiếu học, ông Trạc đã thi đỗ cử nhân tại Trường Thừa Thiên, khoa thi năm Canh Tý (1900) đời Thành Thái thứ 12, được triều đình bổ dụng và trở thành một danh quan có tiếng thanh liêm, công minh, chính trực. Khi về hưu, ông Trạc thụ chức Tham Tri, hàm nhị phẩm đại thần nên vì thế mà mọi người trong vùng thường gọi ông là ông Tham.

Sau khi Quan Cụ (cố Đinh Xuân Hy, thân phụ ông Tham)   mất, với tư cách là chú ruột, cố Thịnh đã đứng ra lo đám cưới cho ông  Tham. Cố Thịnh cũng là người có công lớn trong việc xây dựng nhà thờ họ Đinh đầu tiên ở làng Thọ Linh. Trong quan hệ dòng họ, ông Tham và bà Biện là anh em con chú con bác nhưng quan tâm và quý mến nhau chẳng khác gì anh em ruột. “Bà Biện là một phụ nữ hiền từ, phúc hậu và rất hiếu thảo. Bà trọn đời cần mẫn, tận tụy, hy sinh vì hạnh phúc của cha mẹ, chồng con, cháu chắt.

Bà đã góp phần to lớn vào quá trình xây dựng một đại gia đình hòa thuận, đầm ấm, luôn được bà con nội ngoại mến phục và kính nể. Bà Biện sống chung với vợ chồng người con trưởng nam là ông Trịnh Công Đính tại dốc Bến Ngự, cách chùa Từ Đàm chỉ vài trăm bước đi bộ. Khi cụ Tham mất (ngày 17 tháng Giêng năm Ất Hợi - 1935) tại làng Thọ Linh, bà Biện và người con trai trưởng Trịnh Công Đính đã từ Huế ra dự lễ tang.

Các con, cháu cụ Trạc khi học tại các trường Quốc học và Pellerin ở Huế cũng thường lui tới nhà bà Biện”- ba tôi cho hay. Cũng theo ba tôi, thời trai trẻ, có dạo ông Đính đã về làng Thọ Linh quê mẹ và ở nhà ông Tham để tranh thủ học hành. Thứ nam của bà Biện là ông Trịnh Công Tích, gia đình sống ở Ban Mê Thuột. Ông Tích từng tham gia kháng chiến chống Pháp. Năm 1954, ông tập kết ra Bắc công tác ở Trường Cán bộ Miền Nam.

Khi cụ Tham mất (ngày 17 tháng Giêng năm Ất Hợi - 1935) tại làng Thọ Linh, bà Biện và người con trai trưởng Trịnh Công Đính đã từ Huế ra dự lễ tang. Các con, cháu cụ Trạc khi học tại các trường Quốc học và Pellerin ở Huế cũng thường lui tới nhà bà Biện”- ba tôi cho hay. Cũng theo ba tôi, thời trai trẻ, có dạo ông Đính đã về làng Thọ Linh quê mẹ và ở nhà ông Tham để tranh thủ học hành. Thứ nam của bà Biện là ông Trịnh Công Tích, gia đình sống ở Ban Mê Thuột. Ông Tích từng tham gia kháng chiến chống Pháp. Năm 1954, ông tập kết ra Bắc công tác ở Trường Cán bộ Miền Nam.

Từ tỉnh Hòa Bình, ông đã vào thăm làng Thọ Linh bất chấp Quảng Bình khi đó bị bom đạn ác liệt. Con trai út của bà Biện là ông Trịnh Công Thanh - cha của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn - người luôn được bà con quý mến vì sự thân tình, cởi mở. Vợ ông Thanh là một phụ nữ lịch lãm, nhuần nhuyễn với nếp sống của người Huế. Bà đảm đang, tháo vát, có khả năng tạo dựng cơ nghiệp dù là khi gia đình sinh sống ở Ban Mê Thuột, Huế hay tại Sài Gòn. Mộ bà được an táng tại nghĩa trang chùa Quảng Bình, bên cạnh nghĩa trang Gò Dưa (thuộc phường Bình Chiểu, quận Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh).

Lớn lên trong hoàn cảnh đất nước phải trải qua cuộc chiến tranh lâu dài và ác liệt, hai miền Nam - Bắc bị chia cắt, nên Trịnh Công Sơn  không có điều kiện để liên lạc, tiếp xúc với bà con họ hàng bên bà nội ở làng Thọ Linh như các thế hệ ông bà, cha mẹ. Tuy vậy, ở Sài Gòn, Trịnh Công Sơn cũng có bà con thân thiết phía bà nội mình là một số con cháu của cụ Tham. Trong những năm 1980 - 1982 học ở Khoa Ngữ văn, Trường đại học Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh, tôi cũng đã có dịp cùng các chị con người bác ruột đến thăm và được trò chuyện với nhạc sĩ tài ba Trịnh Công Sơn ở nhà 47 C- Phạm Ngọc Thạch, quận 3.

Ngày 1-4-2001, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn trút hơi thở cuối cùng. Bà con họ Đinh làng Thọ Linh Quảng Bình do ba tôi làm trưởng đoàn đã đến nhà viếng nhạc sĩ và chia buồn cùng gia đình. Nhạc sĩ được an táng tại Nghĩa trang chùa Quảng Bình thuộc  phường Bình Chiểu,  quận Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh. Năm 2006, vào dịp giỗ lần thứ 5 của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, ông Đoàn Hữu Diễn (lúc đó 75 tuổi, nay đã mất), nguyên cán bộ Ty Giáo dục tỉnh Quảng Bình, một người yêu thích nhạc Trịnh đã sáng tác bài thơ “Từ cõi vô thường” coi đó như một nén tâm hương  tưởng nhớ nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Xin được chép bài thơ giới thiệu với bạn đọc báo Quảng Bình.

Từ cõi vô thường

Tưởng nhớ Trịnh Công Sơn sau 5 năm ngày mất (1-4-2001 - 1-4-2006)

Bao năm giữa cõi “Vô thường” (*)
“Người đi bỏ lại con đường” vô vi
Một đời hát khúc tình si
Một ngày gió bụi cuốn đi phong trần
“Cát bụi”, thôi cũng một lần
“Phôi pha” để trả nợ nần thế gian
Cuộc đời rồi cũng sang ngang
“Lời thiên thu gọi...” lỡ làng trăm năm
Đã đi theo “Vết lăn trầm”
Đã cam “Ở trọ” gửi thân kiếp này
Ôm lòng “Nghe những tàn phai”
“Biết đâu nguồn cội” giữa trời mưa tan
Một lần “Thấy bóng thiên đàng”
“Một người nằm xuống” thênh thang cuối trời
Ngậm ngùi “Chiếc lá thu phai”
Cho người du tử một đời viễn du
Mang theo giấc mộng hải hồ
Cho dư âm chạm tận bờ tâm linh...

(*) Những cụm từ trong dấu “ “ là tựa đề các bài hát trong nhạc phẩm Trịnh Công Sơn

                                                                                   Đinh Xuân Trường