.

Nặng tình với quê hương

Thứ Sáu, 18/03/2016, 13:48 [GMT+7]

(QBĐT) - Trong cuộc gặp gỡ ngắn ngủi, câu chuyện của ông đầy ắp kỷ niệm về quê hương, về những năm tháng đã qua và dự định mà ông đang ấp ủ hướng về mảnh đất Quảng Bình.

Ông là Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, đại tá, hoạ sĩ Lê Duy Ứng, người đã biến trái tim và khát vọng của mình thành ánh sáng để cho ra đời những tác phẩm nghệ thuật làm sống lại những ký ức hào hùng, đẹp đẽ, rung động trái tim bao người...

Sinh ra và lớn lên ở làng Cổ Hiền, xã Hiền Ninh (Quảng Ninh), một làng quê thuộc "Bát danh hương" của tỉnh, lên bốn tuổi, niềm đam mê vẽ đã bùng cháy trong lòng cậu bé Lê Duy Ứng. Ông vẽ ở bất cứ đâu có thể vẽ được như nền đất, bờ tường hay mượn bảng của các anh chị để vẽ. Miệt mài qua bao năm tháng học trò với nhiều giải thưởng của trường, huyện và tỉnh, với niềm khát khao mãnh liệt là được trở thành hoạ sĩ, năm 1966, ông đi bộ từ quê nhà ra Hà Nội để nộp đơn vào Trường đại học Mỹ thuật Hà Nội. Sau rất nhiều lận đận và sự nỗ lực không ngừng nghỉ, cuối cùng ông cũng trở thành sinh viên của trường.

Năm 1971, khi đang là sinh viên năm thứ ba, nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, ông gác bút nghiên và niềm đam mê của mình để lên đường nhập ngũ. Ông trở thành lính trinh sát và năm 1972 được điều vào chiến trường Quảng Trị, khi nơi này đang ở giai đoạn khốc liệt nhất của cuộc chiến. Với những khả năng về hội hoạ, ông được biên chế vào Ban Tuyên huấn Trung đoàn 101.

Nằm trong lòng cuộc chiến khốc liệt, kề vai sát cánh cùng đồng đội và chứng kiến 81 ngày đêm chiến đấu rực lửa ở Thành cổ Quảng Trị, hoạ sĩ Lê Duy Ứng đã hoàn thành trên 500 bức ký hoạ về chiến trường Quảng Trị. Những bức ký hoạ của ông là nhật ký bằng tranh sống động, ghi lại sự khốc liệt của chiến tranh, tinh thần quả cảm và bao tấm gương hy sinh anh dũng của đồng đội. Đó là những năm tháng không thể nào quên trong cuộc đời ông.

Hoạ sĩ Lê Duy Ứng và tác phẩm điêu khắc
Hoạ sĩ Lê Duy Ứng và tác phẩm điêu khắc "Bác Hồ đi chiến dịch" trong cuộc gặp gỡ với các đồng chí lãnh đạo tỉnh Quảng Bình.

Rời chiến trường Quảng Trị, ông lại tiếp bước cùng đồng đội chiến đấu ở miền Nam. Trong Chiến dịch tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975, ngày 29-4-1975, ngay trước cửa ngõ Sài Gòn, ông bị thương nặng. Đặc biệt là đôi mắt, sự sống còn đối với người hoạ sĩ, đã bị mảnh đạn phá huỷ. Khoảnh khắc ấy, ông nghĩ mình sẽ hy sinh nên cùng với chút sức lực cuối cùng, lấy máu từ vết thương để vẽ bức chân dung Bác Hồ trên nền lá cờ Tổ quốc với lời đề "Ánh sáng niềm tin/Con nguyện dâng Người tuổi thanh xuân". Sau khi gập cẩn thận bức chân dung và cho vào túi áo ngực, ông ngất đi. Sự trở lại với cuộc sống của ông cũng quá đỗi diệu kỳ bởi khi đã nằm ở nhà xác vì đồng đội ngỡ ông đã hy sinh thì ông bất ngờ tỉnh lại...

Sau này nhớ lại, ông không khỏi thầm cảm ơn những y, bác sĩ đã bảo toàn trọn vẹn bức chân dung Bác Hồ mà ông đã hoàn thành trong khoảnh khắc lịch sử ấy. Hiện tại, tác phẩm được trưng bày tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.

Trên hành trình rất dài của người hoạ sĩ, chiến sĩ ấy trải qua không ít những thăng trầm. Từ tháng 4-1975, sau trận đánh trước cửa ngõ Sài Gòn, ông sống trong bóng tối vì đôi mắt đã bị mù. Có những thời khắc tưởng chừng như tuyệt vọng, nhưng tình yêu với nghệ thuật, với cuộc sống đã giúp ông vượt lên thử thách. Ông chuyển sang lĩnh vực điêu khắc. Đề tài của ông vẫn là Bác Hồ và chiến tranh cách mạng. Bằng trái tim nhạy cảm và bàn tay tài hoa của người nghệ sĩ, những tác phẩm mới lần lượt ra đời, mà bức tượng đầu tiên là tượng Bác Hồ với những dòng thơ mộc mạc của ông: "Hỏng mắt con tạc tượng Người/Niềm tin ánh sáng trọn đời trong con". Cũng trong thời gian đó, ông được Đại tướng Võ Nguyên Giáp, trong một lần về thăm Bệnh viện Quân y 108 đã chuyện trò, động viên ông phải nỗ lực cố gắng, không đầu hàng trước khó khăn...

May mắn đã mỉm cười với ông khi trải qua rất nhiều cuộc phẫu thuật, ánh sáng đã trở lại. Đón nhận cuộc sống với niềm vui gần như vỡ oà, ông liên tục sáng tác. Có thể nói đây là giai đoạn phát triển sự nghiệp rực rỡ của người hoạ sĩ tài hoa này. Cùng với những tác phẩm về Bác Hồ, về chiến tranh cách mạng, với tấm lòng biết ơn Đại tướng Võ Nguyên Giáp, người đã "truyền lửa" để ông không ngừng nỗ lực, trong gia tài nghệ thuật đồ sộ của mình, ông đã có trên 200 tác phẩm gồm tranh và tượng về Đại tướng.

Gần 10 năm nay, do vết thương tái phát, mắt ông mờ dần và thị lực giảm xuống gần như bằng không. Thế nhưng tình yêu nghệ thuật trong ông vẫn không hề phai nhạt. Ông mò mẫm trong bóng tối và tạc hàng trăm bức tượng. Hiện tại, ông đang trong quá trình hoàn thành bức tượng "Người gác cầu Long Đại". Với ông, Long Đại không chỉ là dòng sông quê hương, mà ở đó, trong cuộc chiến tranh khốc liệt, bao đồng đội của ông đã ngã xuống để bảo vệ mảnh đất này. Đau đáu với sự hy sinh của đồng đội và người dân Quảng Bình những tháng năm khói lửa, ông gửi lòng mình vào tác phẩm. "Mai này, khi hoàn thành, tôi sẽ mang bức tượng về tặng Quảng Bình", ông tâm sự.

Sinh năm 1947, Anh hùng LLVTND, Đại tá, hoạ sĩ Lê Duy Ứng chuẩn bị bước vào lứa tuổi "xưa nay hiếm", sức khoẻ cũng ngày một hạn chế. Thế nhưng tinh thần và ý chí kiên cường của người lính vẫn cháy trong ông. Với "gia tài" đồ sộ của người chiến sĩ - hoạ sĩ bước ra từ cuộc chiến tranh khốc liệt, ông có trên 500 bức ký hoạ về chiến trường Quảng Trị năm 1972, hàng nghìn bức tranh, pho tượng về đề tài chiến tranh cách mạng, ông có nguyện vọng sẽ mang tất cả về trưng bày quê hương Quảng Bình. "Tôi mong muốn những tác phẩm vủa mình sẽ góp phần ôn lại những ký ức hào hùng của quê hương, của dân tộc và bồi đắp tình yêu, lòng biết ơn của thế hệ trẻ đối với sự hy sinh, cống hiến của cha anh! Và tôi cũng mong trước khi già yếu, không còn khả năng sáng tác, tôi sẽ có thêm thời gian để gắn bó với quê hương, được sáng tác thêm nhiều tác phẩm ngay trên mảnh đất nơi mình đã sinh ra và trưởng thành!", hoạ sĩ chia sẻ.

Ngọc Mai