.

Thắm mãi câu đối Tết

Chủ Nhật, 07/02/2016, 11:58 [GMT+7]

(QBĐT) - Truyền thống văn hóa là giá trị khó bề đổi dời. Vẫn tin rằng, cuộc sống dẫu biến thiên, bộn bề lo toan thì mãi mãi, những phong tục đẹp của cha ông xưa như viết câu đối Tết cũng không dễ gì bị quên lãng.

Nhà nghiên cứu văn hóa Văn Tăng khẳng định chắc nịch rằng câu đối Tết là hạt ngọc của ngôn ngữ và viết câu đối Tết là sự chắt lọc tinh hoa, trí tuệ của con người mỗi dịp Tết đến, xuân về. Chẳng ai rõ phong tục viết câu đối ngày Tết có từ bao giờ, chỉ biết rằng trải qua bao thăng trầm của lịch sử xã hội, những biến cố của dân tộc, nét đẹp văn hóa ấy vẫn trường tồn ngay trong từng nếp nghĩ, hiện diện trong chính đời sống tinh thần của bao thế hệ.

Bằng trí thông minh, tài sáng tạo, nét tài hoa, cha ông đã tạo ra một loại sản phẩm văn chương đặc biệt, vừa công phu, tỉ mỉ, lại vừa cô đúc, ngắn gọn. Nhưng từ chính trong sự ngắn gọn, chắt lọc của ngôn từ ấy là cả trời ý nghĩa thâm sâu, hàm chứa biết bao ước vọng của con người về cuộc sống, thể hiện đủ đầy cái đẹp cân đối, nhịp nhàng của hình thức và cái uyên thâm của chiều sâu triết lý phương Đông.

Câu đối Tết  phải theo niêm luật chặt chẽ về cú pháp, nhịp điệu, thanh luật, đề tài phong phú, giọng điệu đa dạng. Tết xưa, cụ Nguyễn Công Trứ từng lạc quan viết: “Chiều ba mươi, nợ réo tít mù, co cẳng đạp thằng bần ra cửa/ Sáng mồng một, rượu say lúy túy, giơ tay bồng ông phúc vào nhà”. Với một số nhà nho, viết câu đối Tết chính là cơ hội lập ngôn, bày tỏ quan điểm về nhân tình thế thái.

Quảng Bình-mảnh đất giao thoa của hai miền văn hóa Bắc-Nam tự hào mang trong mình một truyền thống văn hóa phong phú và lâu đời. Người Quảng Bình cũng rất trọng chữ nghĩa nên việc cho chữ, xin chữ và viết câu đối Tết vẫn luôn hiện diện trong chính đời sống tinh thần của nhiều người, qua nhiều thế hệ. Có lẽ chính bởi sự trân quý chữ nghĩa ấy mà cũng như bao miền quê khác, ở dải đất “đòn gánh hai đầu đất nước” này, câu đối luôn xuất hiện nhiều ở những chốn linh thiêng như Đền thờ công chúa Liễu Hạnh, các đình làng, nhà thờ họ và nhiều gia đình.

 Cuộc thi viết câu đối Tết được tổ chức hàng năm tại Trường tiểu học Chu Văn An (Đồng Hới).
Cuộc thi viết câu đối Tết được tổ chức hàng năm tại Trường tiểu học Chu Văn An (Đồng Hới).

Ngày Tết, ai cũng trang trí bày biện trên bàn thờ những thứ quý giá nhất để phòng thờ trở nên đẹp đẽ, sang trọng, rực rỡ thể hiện lòng thành kính với tổ tiên và tình hiếu khách. Hai bên bàn thờ là hai cây cột có thể treo hoặc dán câu đối. Có câu đối, bàn thờ gia tiên, phòng khách trở nên sang trọng hơn, cổ kính hơn, phản ánh chủ nhà là người trí tuệ hơn, chữ nghĩa hơn.

Nhà nghiên cứu Văn Tăng cho rằng việc xin câu đối Tết vừa thể hiện sự trân trọng với chữ nghĩa nhưng cũng đồng thời là cách dựa vào sự biểu đạt của ngôn từ để con người tìm kiếm sự may mắn trong một năm mới, tựa như việc ngày Tết đi bói Kiều. Không sôi động như nhiều miền đất khác nhưng nét đẹp văn hóa này vẫn như mạch ngầm âm ỉ, thao thiết chảy trong chính đời sống tinh thần của người dân Quảng Bình.

Câu đối Tết vẫn xuất hiện thường xuyên trên các ấn phẩm báo Xuân, báo Tết với sự hào hứng tham gia của nhiều tên tuổi như Văn Tăng, Văn Lợi, Hoàng Bình Trọng, Hoàng Hiếu Nghĩa... Riêng với nhà nghiên cứu Văn Tăng, ông đã có hơn 20 năm viết câu đối Tết. Ông bảo, viết câu đối không phải là chuyện đơn giản nhưng lâu dần, thú vui này cũng tạo cho người viết sự sáng tạo, phong phú trong biểu đạt ngôn từ.

Câu đối Tết ngắn gọn, súc tích nhưng hàm chứa ý nghĩa sâu xa về những ước vọng của con người về một năm mới bình an. Làm câu đối về bánh chưng ngày Tết, ông viết: “Nếp trắng, đỗ xanh, thịt mỡ tao hành đùm đất vuông vào trong vị Tết/ Than hồng, giang dẻo, dong rừng đượm nắng gói trời tròn ở giữa hương xuân”. 

Những nhà không có đủ khả năng và phương tiện viết câu đối ngày Tết thường nhờ đến những cụ đồ nho chuyên viết câu đối Tết. Ông Hoàng Gia Hy, thư ký Ban trị sự Phật giáo tỉnh Quảng Bình, đồng thời là Phó chủ nhiệm câu lạc bộ Hán Nôm tỉnh là “ông đồ già” đúng nghĩa.

Mỗi dịp Tết đến, ông luôn được nhiều người tìm đến để xin chữ và nhờ viết câu đối trên giấy đỏ. Suốt cuộc đời, ông cụ đeo đẳng với chữ nghĩa như một cái nghiệp. Và mỗi dịp Tết đến, xuân về, cụ lại miệt mài cho chữ, viết câu đối Tết cho những ai trân quý giá trị của chữ nghĩa, của văn hóa ngàn đời. Mỗi dịp Tết đến trong nhiều năm liền, người ta lại thấy ông ngồi giữa một góc phố khiêm nhường, lom khom giữa cơ man giấy đỏ, mực tàu. Có năm lại thấy ông ngồi bình lặng trong Chùa Phổ Minh (Đức Ninh Đông, Đồng Hới), tỉ mỉ với từng nét bút.

Nhưng năm nào cũng thế, cái dáng người thương thương, cùng những nét chữ trên giấy đỏ thắm của ông vẫn luôn được nhiều người trân quý. Nhiều người thường bảo ông cụ như sống trong một thế giới riêng, tự tạo niềm vui nỗi buồn và nhất là khi cầm bút, ông như tách mình ra khỏi những xô đẩy của thực tại, của những gấp gáp, bon chen.

Cụ Hoàng Gia Hy bảo đã có thời gian, tưởng như người ta quên lãng nét đẹp văn hóa truyền thống ngày Tết đến như cho chữ, viết câu đối Tết nhưng nhiều năm trở lại đây, nhiều người bắt đầu quay trở lại và trân quý những nét đẹp truyền thống này. Họ đến tận nhà nhờ ông viết câu đối. Theo ông cụ, những câu đối Tết thường được viết trên giấy đỏ, bởi màu đỏ vốn là màu rực rỡ nhất và theo quan niệm dân gian là biểu tượng của sự may mắn.

Trải qua những đổi dời của lịch sử, câu đối Tết vẫn hiện diện trong chính đời sống tinh thần, vẫn làm phong phú thêm kho tàng văn hóa dân tộc. Và “thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ, cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh” - nét văn hóa truyền thống mỗi dịp Tết đến, xuân về đã ăn sâu vào từng nếp nghĩ của mỗi con dân đất Việt.

Diệu Hương