.

Tết nay ai về?

Thứ Năm, 11/02/2016, 10:35 [GMT+7]

(QBĐT) - 1. Những ngày cuối năm, chuông điện thoại réo rắt. Bạn bè thời chăn trâu cắt cỏ ở làng giờ mỗi đứa một phương trời lập nghiệp hẹn hò nhau: “Tết này về không?”. Xa xôi, chỉ biết nhờ cánh sóng trao gửi: “Về chứ, nhất định về!”. Ừ, thì lãng du với phố, sống bám vào phố, bỗng nhiên thành người phố thị từ lúc nào... mấy ai trong đám bạn xưa dám chừng lưu giữ được cái chân chất, chút tồ tồ, dung dị, ngoan lành của người “toóc rạ”.

Làng bé bằng bàn tay, nằm lọt giữa bốn bề cánh đồng lúa thẳng cánh cò bay. Lớp trẻ chăn trâu như anh cách độ ba chục năm trước về thăm làng nhiều đứa lạc mất lối. Rồi chỉ để có một lý do phân bua với người già: “Xưa đường về một lối. Bây chừ đường ngang, đường dọc, không nhầm răng được”. Người già mắt nhìn xa vắng, vuốt râu cười vị tha: “Ừ, vẫn còn nhớ mà về!”.

Còn nhớ mà về... về để rưng rưng, về để hoài cổ, về tìm lại những kỷ niệm ấu thời. Nhưng làng chẳng còn là làng... nhưng chưa phải thị tứ, cứ thấy lãng đãng. May... khi đâu đó vẫn còn sót lại những bếp lửa ngày đông, đượm ấm tình người, tình làng.

2. Giáp tết, nhớ lời hẹn, anh chào phố lặng lẽ quay về làng, tự nhủ lòng đừng lạc lối, để khỏi đánh đổi niềm kiêu hãnh vụt trỗi dậy trong lòng rằng mình chưa bao giờ và không bao giờ quên hết nguồn cội, làng xóm, người thân. Hóa ra đường về nhà cũng chẳng phải nhiều lối rẽ. Qua khỏi cổng làng, nhắm cây đa trăm tuổi giữa làng trực chỉ, nếp nhà xưa ba mạ nằm sát kế bên.

Lại nhớ, lúc cơn lốc đô thị cuốn vào làng, nếp nhà tranh tre, nứa lá xám mốc theo thời gian, theo tuổi anh lớn lên, theo mái đầu ba mạ pha sương lạc lõng giữa bộn bề cao tầng bê tông cốt sắt... Mạ thủ thỉ với ba: “Hay là phá đi ông à?”. Ba nặng lòng hoài cổ: “Thôi thì cứ khuây khuây... chờ con về rồi tính”. Anh qua tuổi tam thập nhi lập cứ bám riết lấy phố, hẹn rày hẹn mai, ba mạ chờ anh thời gian trôi chừng xấp xỉ mười năm. Rứa mà lạ hay, nếp nhà nứa lá, tranh tre thay mới cũ bao lần, nhưng hồn cốt vẫn vẹn nguyên thế, thành cái hồn cốt của làng.

Rung rinh cùng nỗi nhớ, chênh chao theo dòng ký ức, bước chân anh chạm thềm nhà tự lúc nào. Nhà xưa vẫn ba gian, hai chái, đôi mắt anh dừng lại nơi chái bếp phía đầu hồi. Lửa than hồng tý tách reo vui. Bên bếp lửa hai mái đầu phơ phơ bạc. Anh thấy, anh cảm nhận thật rõ ràng, thật gần trong mắt ba mạ đang cháy bừng lên ngọn lửa.

Rứa thì răng không về?

3. Ngày hăm ba tháng Chạp, ba mạ làm chút lễ nhỏ tiễn ông Công, ông Táo. Anh thơ thẩn trước hiên nhà... nhớ những lời hẹn hò bạn cũ. Nhớ cứ dài thêm ra. Chuông điện thoại réo rắt, đứa Nam, đứa Bắc nói lời thông cảm, rốt cuộc lời hẹn hò theo cánh sóng trôi xa. Ừ! Bạn cứ làm người phố thị. Lâu không về làng hèn chi lạc lối, để mắt người già hoài trông ngóng, hoang hoải.

Anh về làng đón tết, tìm cho mình mùi “toóc rạ” ấu thơ, ngoan lành, dung dị, chân chất, an bình. Lần đầu tiên sau hơn mười năm xa quê, anh bất chợt nhận ra làng trong trẻo đến lạ. Trong trẻo theo nhịp xuân chầm chậm qua làng để một sáng hoa mai vàng bung nở giữa đất trời. Trong trẻo cùng nụ cười tỏa nắng cô thôn nữ  nửa quen, nửa lạ e ấp đi qua.

Trong trẻo trên từng tấm áo mới nguyên hằn nếp gấp của lũ trẻ trâu một thời anh và bè bạn thèm khát, mỗi khi tết đến xuân về. Và nét trong trẻo làng hằn in mồn một trên từng nếp nhăn người già mong cháu con đoàn viên đón tết sum vầy...

Rứa thì răng mà không về?!

Hồ An