.

Mâm ngũ quả ngày Tết

Thứ Năm, 11/02/2016, 10:31 [GMT+7]

(QBĐT) - Đối với người Việt chúng ta, dù ở thành thị hay nông thôn, mỗi độ xuân về, Tết đến, nhà nhà đều chuẩn bị trên bàn thờ gia tiên các lễ tất yếu như: hương, hoa, trà, thuốc... đặc biệt là mâm ngũ quả. Đây được coi là một nét văn hóa truyền thống đậm đà bản sắc của người Việt Nam. Mâm ngũ quả, ngũ sắc ngoài trang trí đẹp, bắt mắt thể hiện sắc xuân, còn thể hiện lòng thành kính của gia chủ đối với ông bà tổ tiên, đồng thời cũng tạo không khí ấp áp, vui tươi cả gia đình trong những ngày đầu xuân.

Có lẽ nhiều người thường cho rằng, mâm ngũ quả, chỉ cần đủ 5 thứ quả và tùy vào tấm lòng của  gia chủ, nhưng nhiều người vẫn không biết được rằng ngoài vấn đề lễ nghĩa, mâm ngũ quả còn có ý nghĩa tâm linh sâu sắc nếu gia chủ biết sắp xếp, chọn lựa.

Việc bày biện mâm ngũ quả xuất phát từ lý thuyết về ngũ hành: Kim-Mộc-Thủy-Hỏa-Thổ những yếu tố tạo nên vũ trụ và sự vận hành của nó. Thông thường ngũ quả gồm 5 loại và có màu sắc khác nhau như chuối xanh, hồng đỏ, bưởi vàng, lê trắng, quýt da cam tượng trưng cho mong ước: phú (giàu có)-quý (sang trọng)-thọ (sống lâu)-khang (khỏe mạnh)-ninh (bình yên).

Trên bàn thờ ngày Tết luôn hiện hữu mâm ngũ quả đầy ý nghĩa từ tấm lòng gia chủ.
Trên bàn thờ ngày Tết luôn hiện hữu mâm ngũ quả đầy ý nghĩa từ tấm lòng gia chủ.

Một điều thật thú vị là mỗi miền đều có một quan điểm khác nhau về ý nghĩa mâm ngũ quả. Người miền Nam thường có cách chại âm hoặc đơn tiết hóa một số từ. Ví dụ như trái mãng cầu thì đơn tiết hóa là cầu (mãng cầu-thỏa mãn trong mọi điều cầu xin), sung (sung: chỉ sự sung túc, sung mãn), vừa (đọc chệch âm là dừa: quả dừa), đủ (đơn tiết hóa tên trái đu đủ), xài (đọc chệch âm của quả xoài). Và điều cầu mong của người miền Nam thể hiện rất rõ tính cách của người dân nơi đây: cầu, dừa, sung, đủ, xoài-có nghĩa là chỉ cầu mong vừa đủ “dùng” thôi không đòi hỏi nhiều.

Trong khi đó đối với người miền Bắc mâm ngũ quả thiên về biểu trưng nhiều hơn. Chẳng hạn như phải có quả phật thủ hoặc nải chuối làm chính lễ với ngụ ý những quả này giống như bàn tay của Phật luôn che chở cho chúng sinh.

Đồng thời những quả được chọn đặt trong mâm ngũ quả phải tròn trĩnh để cho một năm suôn sẻ như quả bưởi; một năm đầy may mắn, phồn thịnh cát tường như quýt, hồng, táo tàu, quả thanh long... Đối với người miền Trung mong ước đơn giản hơn nhiều, mâm ngũ quả “có gì thảo nấy”, cứ chọn những quả để lâu không hư, màu sắc phối hợp trong mâm ngũ quả đa dạng đủ màu, hài hòa sắc màu âm dương và chỉ tối kỵ có 2 loại quả này cùng một lúc: chuối và đu đủ, bởi quan niệm của người miền Trung (đặc biệt người Huế) đủ chuối là đuổi chủ.

Có thể nói, ngày nay mâm quả trên bàn thờ Tết người Việt phong phú hơn về chủng loại, bởi sự góp mặt của nhiều loại hoa quả ngoại nhập. Với tính dung hợp trong văn hóa, người Việt Nam luôn tìm thấy tất cả những yếu tố thích hợp, có giá trị, ý nghĩa đối với đời sống tâm linh của dân tộc mình. Những sản vật đẹp mắt nhất, tinh túy nhất, được dâng bày với tất cả tình cảm hiếu kính, trang trọng và thân thiết nhất. Bàn thờ Tết không chỉ là nơi để mọi người bày tỏ tình cảm gia đình, huyết thống mà còn là nơi chúng ta gửi gắm những lời chúc  may mắn và một năm an khang, thịnh vượng.

Đặc biệt ở chúng ta, khó ai diễn tả nổi xúc động khi vào khoảnh khắc giao hòa giữa năm cũ và năm mới, cả gia đình quây quần bên nhau, thắp trên bàn thờ nén hương thơm cạnh mâm ngũ quả vun đắp, tròn trịa để cùng tưởng nhớ đến ông, bà, tổ tiên và những người kính yêu đã khuất. Từ đó mỗi người luôn cảm thấy ấm cúng và gắn bó với nhau nhiều hơn khi năm cũ qua, xuân mới về.

Hiền Phương