.

Bạn đồng hành

Thứ Bảy, 20/02/2016, 16:21 [GMT+7]

(QBĐT) - Nhìn hai chữ “Tốc hành” in đậm trên chiếc xe thắng gấp trước mặt, tôi mừng quýnh. Nhưng bậc lên xuống cao quá, tôi bước hụt hai cái, suýt tông đầu vào thành xe. Đứa con trong tay giật mình khóc thét khiến tôi càng rối lòng trong tiếng máy nổ ỳ ỳ như thúc giục. Một thanh niên mặc áo bộ đội ngồi gần cửa vội đón túi xách từ tay tôi rồi nắm lấy bàn tay chơi vơi kéo lên. Anh phụ đứng ở cửa sau, đập thùng thùng vào thành xe, hét lớn: “Tới luôn!” Tôi nhìn quanh, không còn ghế trống nào nên đành ngồi trên cái thùng đựng đồ nghề đặt ngay lối đi. Đường xóc kinh người. Thằng bé không hiểu ngột ngạt đến từ đâu nên cứ trằn qua trằn lại; nó bấu chặt vào mẹ, khóc ngất. Nhìn khuôn mặt thơ dại của con đầm đìa nước mắt nước mũi, tôi ứa lệ.

Ngày trước, mỗi lần tiễn con gái đi xa, mẹ tôi thường lấy câu “thân gái dặm trường” để dặn. Nhưng bây giờ... “Mẹ mất rồi, chị về ngay” -giọng thảng thốt của em gái trong điện thoại làm tôi điếng người. Quên hoàn cảnh chồng đang ở nước ngoài, con mới hơn chín tháng, tôi chỉ kịp nhờ hàng xóm vài việc rồi vội vã ra đi.

Một bàn tay đập nhẹ lên vai tôi; tôi quay sang trái, nhận ra anh bộ đội giúp mình lúc nãy. Cùng ánh nhìn ấm áp, anh mỉm cười, nói nhỏ:

- Chị ngồi đi, đường còn xa.

Vừa nói anh vừa vịn thành ghế, từ từ đứng lên. Hơi ngạc nhiên trước dáng đứng khó nhọc của anh, tôi nhìn xuống ghế. Ngay dưới chỗ anh ngồi, hai cây nạng gỗ áp vào nhau, đặt ngay ngắn. Sững sờ nhận ra đôi chân giả của anh, tôi cuống quýt từ chối:

- Cảm ơn...nhưng anh ngồi đi.

Giờ tôi mới nhận ra chiếc huy hiệu thương binh trên ngực áo người lính. Tóc cắt ngắn, nước da xanh nhợt, bộ quân phục trên người anh rộng thùng thình. Anh vẫn đứng, như thúc giục, như có ý khuyến khích tôi yên lòng. Đáp lại sự bối bối của tôi, anh nở nụ cười trong sáng:

- Là tôi nhường ghế cho cháu, không phải cho chị đâu.

Nói rồi, anh lần bước về phía trước để nhường lối. Nhìn bàn chân anh di sè sẹ trên sàn xe, tôi sợ anh ngã mất. Lòng áy náy, tôi ngồi vào ghế. Anh ngồi trên cái thùng đựng đồ nghề, hai tay tì vào thành ghế bên cạnh để giữ người qua những lần xóc.

Xe qua đoạn đường Phan Rang-Cà Ná, biển khi thấp thoáng, khi hiển hiện bên cửa xe. Nắng chờn vờn như vẫy gọi, hứa hẹn một trận mưa chiều. Gió chen nhau ùa vào xe, mang theo vị nồng nàn của biển. Trong xe lặng phắc, mọi người tựa vào nhau, gà gật. Con trai tôi ngủ ngon lành. Đôi vợ chồng trẻ ngồi cùng ghế tôi vốn rất hay chuyện cũng tựa đầu vào nhau, chợp mắt. Nghe chuyện của hai người, tôi biết họ từng du học rồi ở lại nước ngoài làm việc. Với khuôn mặt ngời ngời thanh tú, thân hình thon gọn trong âu phục, người vợ đẹp như một diễn viên. Như để hài hòa với vợ, người chồng trẻ ít nói. Mỗi khi cất giọng, anh thường đưa tay sửa lại đôi kính gọng vàng, trán hơi nhăn. Giọng anh trầm ấm, mỗi lời đều thể hiện chiều sâu tri thức. Mùi nước hoa thoảng nhẹ từ hai bạn đồng hành ấy khiến tôi mấy lần cúi xuống gói lại những miếng tã trong giỏ xách nhưng vẫn áy náy.

Tương phản với cặp vợ chồng trẻ là đôi vợ chồng già cùng đứa cháu ngồi ghế sau tôi. Chỉ thoáng qua, tôi cũng biết họ là chủ nhân của đồng ruộng. Nghe chuyện của họ, tôi giật mình buồn bã nghĩ cái đích mỗi người phải tới:  Cái chết! Vâng, họ nói về cái chết của mình không phải trong bệnh viện mà ngay trên chiếc xe tràn đầy sự sống này. Họ vừa chia tay sự chăm sóc thương yêu của các con ở Sài Gòn để trở về cố hương; bởi muốn an giấc ngàn thu trên bãi cát làng mình. Chao ôi, ước mong ngàn lần xưa cũ kia sao vững chắc thế trong lòng hai bậc cao niên này. Ông tự nhận mình “ra đi” trước; nhưng bà có lý khi nói phút quy tiên của mình không báo trước bởi chứng đau tim bất trị. Ông thủ thỉ với bà về đám tang của mình; tưởng tượng nhưng như thật: Phải để ba ngày chờ con cháu về; không xây mả để đỡ tốn tiền các con; chỉ cần một tấm bia nhỏ là đủ; nhớ đền ơn đáp nghĩa bà con chòm xóm và gia tộc đã giúp lúc tang gia...

Cũng như tôi, anh thương binh mải nhìn cảnh bên đường. Quả thật, tôi không yên lòng khi nhìn dáng ngồi hơi choãi về phía sau để giữ thăng bằng của anh. Mỗi lần khách lên xuống, anh lại khó nhọc thu đôi chân để nhường lối. Khi anh trìu mến ngắm thằng bé, tôi hỏi:

- Anh xuống đâu?

- Tôi xuống Tam Kỳ.

- Chắc anh về thăm quê?

- Không, quê tôi Đồng Nai. Tôi ra đây thăm gia đình người bạn - Anh đột ngột im, lúc lâu mới tiếp, giọng buồn buồn - Bạn tôi hy sinh rồi; giờ tôi đang thực hiện lời hứa lúc bạn vĩnh biệt nhưng người ta hổng cho.

- Anh nói ai không cho?

- À, trại thương binh nặng ấy. Họ sợ tôi đi hết nổi. Vậy là tôi trốn.

Đã qua rừng xoài, xe đang đi trong bát ngát bóng dừa; dừa ken dày, bao bọc cả vùng đất, che lấp cả khoảng trời Đồng Xuân-Sông Cầu.

“Dừa kìa, đẹp chưa anh!?” -Người vợ trẻ đập vai chồng. Người chồng gỡ kính, dụi mắt. Niềm hứng khởi hiện rõ trong mắt anh. Chị lấy bình nước từ túi xách, vừa mở nắp bình đã sực nức hương thơm tựa hoa cau nhưng thấm đẫm vị ngọt. Đưa li nước cho chồng, chị mỉm cười: “Cam Úc chính hiệu đó”. Nhìn màu nước hồng hồng sóng sánh trong chiếc li trắng muốt, anh chưa uống mà mải kể về xứ sở của những con chuột túi xa xôi. Anh nói say sưa như  đang nói về quê mình chứ chẳng phải về cái đảo quốc xa lắc kia. Chuyện của họ tiếp tục với những chiếc đĩa bay. Chị bổ sung cho trí nhớ của anh về những nơi phát hiện đĩa bay thời gian gần đây; anh thì phân tích, dự đoán nền văn minh ngoài trái đất.

Ở ghế sau, đôi vợ chồng già kể cho cháu ngoại nghe về làng quê của mình. Cô bé nghe chăm chú, chốc chốc đôi mắt trẻ lại chớp chớp, ý chừng muốn hỏi “Sao kỳ vậy, ngoại”. Nghe xong, bé thắc mắc: “Ở quê khổ vậy, sao ngoại không chịu ở với ba má con?” Ông cười khà khà rồi cầm tay cháu phân trần: “Ông muốn chiều chiều được vác cuốc đi dạo quanh cánh đồng một vòng mới thích, cháu ạ.” Bé lại hỏi nhưng lần này ông chỉ cười thay cho trả lời.

“Đường đèo nguy hiểm, chúc lái xe an toàn”- Dòng chữ trên tấm bảng bên đường đập vào mắt mọi người. Đang ỳ ỳ lên dốc bỗng chiếc xe khựng lại, rung lên như bị thương rồi dừng hẳn. Anh phụ cầm hai khúc gỗ lấm lem dầu mỡ vọt xuống đường, chèn ngang sau bánh xe. Anh thương binh phải đứng lên để lấy đồ nghề rồi cả lái và phụ cùng chui xuống gầm. Nghe tiếng lục vấn lao xao của hành khách, bác tài từ mặt đường nói vọng lên: “Bà con xuống giải quyết “nỗi buồn” luôn; đừng xem huê dạo kiểng đâu xa, xe sửa xong là chạy ngay đó.”

Đi đâu được giữa bốn bề núi đá này; trời lại sắp mưa. Những đám mây đen kịt mọng nước đang giương oai trên bầu trời. Mặt đất bỗng tối sầm, tịnh không chút gió. Rừng bạch đàn bên đường thu mình đứng im như khiếp sợ. Mưa giăng giăng mọi nẻo rồi bất thần ào xuống. Mọi người than vãn, trách trời, trách cả chiếc xe. Than thì than nhưng ai cũng xắn quần, đội mũ lần lượt xuống xe; chẳng phải để xem huê dạo kiểng mà vì “nỗi buồn” hối thúc. Chiếc lán bỏ không bên đường, hình như của công nhân lâm nghiệp hay đơn vị làm đường nào đó bỗng thành chỗ trú mưa cho đám hành khách. Mọi người co ro, lướt thướt trong mưa, hướng về ngôi nhà ấy mà chạy. Sau một lúc nhăn nhó, đôi vợ chồng trẻ ngồi cạnh tôi cũng xuống đất. Sau cùng, trên xe chỉ còn anh thương binh và mẹ con tôi. Anh thương binh ngồi lặng, nhìn nước mưa chảy thành dòng trên những tấm kính. Dáng anh nhấp nhỏm, ý chừng muốn xuống đất. Phải rồi, từ lúc lên xe, anh chưa đi tiểu! Khi xe dừng ở Ngã ba Thành ăn uống, tôi mua cơm đưa lên cho anh nhưng quên nghĩ đến nhu cầu rất riêng ấy. Tôi bối rối nhìn anh xích gần lại cửa xe. Anh ngồi bệt xuống sàn, hai tay bu chặt lấy khung cửa, khó nhọc bỏ hai chân ra ngoài. Tôi vội bước về phía anh, nhìn xuống đất. Trời, xe chết máy đúng ngay bờ vực. Hai chân khỏe như tôi, chắc gì lên xuống dễ dàng, huống chi anh... Mặt đất đó, gần trong gang tất nhưng với anh lúc này, sao quá xa cách. Giá không có đứa con trên tay tôi lúc này...

Thấy anh vẫn hướng xuống mặt đường tha thiết, tôi ngăn:

- Không được đâu, anh cứ ngồi tại chỗ mà tiểu.

Anh quay nhìn tôi, ngượng ngùng:

- Đâu được chị, kỳ chết.

- Không sao đâu, chết tôi chịu cho- Vừa nói tôi vừa mở túi lấy bình nước không trao cho anh- Anh “đi” vào đây rồi vứt luôn.

Anh khoát tay giãy nảy. Tôi năn nỉ tưởng nước mắt thấm trong từng lời cũng không chuyển được anh. Mưa vẫn nặng hạt, gió hắt nước làm anh ướt nhèm; anh đưa tay gạt nước chảy ròng ròng trên mặt.

- Chú thương binh kìa, chú thương binh muốn xuống đất!

Cô bé ngồi sau tôi lúc nãy bỗng kêu lên. Mọi người trong nhà nhìn về phía cửa xe. Những ánh mắt tò mò lẫn thương cảm, những tiếng xuýt xoa, thở dài. Vượt lên tất cả là giọng như ra lệnh của anh chồng trẻ vừa ngồi gần tôi:

- Chủ xe đâu, đưa người ta xuống kìa!

Anh phụ nằm dưới gầm xe nói vọng ra như rên:

- Dầu mỡ tèm hem thế này thì làm sao?! Cô bác nào đỡ giúp ảnh chút!

Đáp lại lời khẩn cầu ấy là sự im lặng từ ngôi nhà ấm áp. Qua làn mưa nhạt nhòa, tôi vẫn nhận rõ những khuôn mặt quay đi, lảng tránh. Mưa vẫn vô tình dữ dội, gió hun hút qua các eo núi. Tôi sững dững khi nghe lời trách của cô vợ trẻ vừa ngồi gần tôi:

- Đã lấy tiền người ta mà vô trách nhiệm!

Cô trách chủ xe đấy. Người chồng bệ vệ ngồi trên súc gỗ, ngã lưng tựa vào cây cột chống nhà, tiếp lời vợ:

- Cả cái cơ quan nuôi dưỡng anh ta cũng vô trách nhiệm; thương binh nặng phải có hộ lý đi kèm chớ.

Những lời ấy như đám mũi nhọn đâm vào tim tôi và có lẽ cả anh thương binh. Anh đưa tay xua xua vào khoảng không như cố đuổi chuỗi âm thanh còn  độc hơn tà khí. Khuôn mặt anh nhòe nước, chẳng hiểu là nước trời hay nước từ đáy mắt.

Lách đám người lao xao trong nhà, cụ già bước lên trước. Vâng, chính là ông cụ đang về “chỗ chết” vừa ngồi ghế sau tôi. Ông ném cái nhìn về phía cặp vợ chồng trẻ rồi thản nhiên bước ra mưa; lùi lũi đi về phía xe. Đến trước anh thương binh, ông bỗng quay lưng, hơi khom người và nói:

-Cháu bu vô đây.

Anh thương binh kêu lên:

- Không...Không, ông ơi!

Không quay lại, ông nói như ra lệnh:

- Bu vô đây, nhớ cầm theo nạng.

Đặt nhẹ tay lên bờ vai gầy sau làn áo nâu, anh từ chối khéo:

- Thôi, cháu không xuống đất.

Ông cụ quay nhìn anh nghiêm khắc; khuôn mặt nhăn nheo hơi tái vì lạnh nhưng giọng vẫn kiên quyết:

- Cháu bu vô đi, mưa ướt hết kìa.

- Nhưng ông cõng con sao nổi?

Đáp lại vẻ bối rối của anh, ông cụ nói cứng. Lẫn trong tiếng mưa đập rào rào trên trần xe là lời khẩn khoản:

- Cháu phải nghe người già chớ!

... Đôi tay run run của anh thương binh quàng vào cổ ông cụ, khuôn mặt anh nhăn lên vẻ đau khổ; đôi chân không co được, thưỡn thượt, suýt chấm đất. Hai bàn chân trần dường như chỉ có gân và xương của ông cụ run run nhấc từng bước. Tôi nín thở, dõi theo mỗi bước của cụ. Mưa vẫn phũ phàng táp vào hai người không nón, không mũ ấy. Dù chậm, cuối cùng họ cũng vào được nhà. Bà cụ chạy về phía chồng, cùng đứa cháu, đỡ anh thương binh ngồi xuống súc gỗ.

Nhìn cảnh ấy, tôi ứa nước mắt. Mưa vẫn sầm sập tối trời mà lòng tôi sáng lên bao nghĩ suy. Cũng đan chéo như những giọt mưa kia là những người đồng hành cùng tôi trên chuyến xe này.

Nguyễn Trọng Hoạt