.

Tinh thần dòng họ nét đẹp văn hóa

Thứ Bảy, 30/01/2016, 12:27 [GMT+7]

(QBĐT) - Cùng với gia đình, dòng họ là chiếc nôi, chiếc võng thân yêu đưa ru, nuôi lớn cả đời người. Con người khi trẻ được gia đình, dòng họ chăm sóc như thế nào, thì khi lớn lên và về già cũng cần được gia đình, dòng họ chăm sóc, chăm lo như thế.

Cây có cội, nước có nguồn, con người có tổ tiên, dòng họ. Ông, bà thường dạy con cháu "Ly hương bất ly tổ", nếu ở xa, đi làm ăn xa, sinh sống xa làng quê thì không được bỏ họ hàng, quê nhà nơi chôn nhau cắt rốn. Còn nhớ ngày xuân tuổi thơ của thế hệ U50, U60 hôm nay, ngày đó đi khắp xóm, thôn, ở đâu cũng được nghe những lời chúc tốt đẹp: Chúc cụ ông, cụ bà sống lâu trăm tuổi; chúc sức khỏe, ăn nên làm ra; chúc thuận hòa trong ấm, ngoài êm; chúc trẻ nhỏ hay ăn, chóng lớn...

Thời trước Cách mạng Tháng Tám, dòng họ, làng xã có thể coi là một song trùng của mối quan hệ trong cộng đồng dân cư. Bên cạnh hương ước, lệ làng mà mọi người phải tuân theo thì sự quan tâm đến dòng họ, thân tộc cũng rất đáng kể. Theo sách "Tục ngữ phong dao" của nhà văn hóa Nguyễn Văn Ngọc biên soạn lưu hành thời trước Cách mạng Tháng Tám - 1945 phản ánh về mối quan hệ gắn bó văn hóa tinh thần giữa: gia đình, dòng họ, làng xã, quốc gia cho thấy, trong số 641 câu ca: có 358 câu nói về gia đình, chiếm 55,8%, 136 câu nói về dòng họ, chiếm 21,1%... Đồng thời, cộng đồng dòng họ dân cư thời đó cũng tinh tế trong mối quan hệ ứng xử: Một giọt máu đào hơn ao nước lã; anh khó nhưng họ anh đông; với giữa ngày xuân thì: Có trầu mà chẳng có cau/ Làm sao cho đỏ môi nhau thì làm... nghe mới thấy tình họ hàng, gia đình ấm áp biết bao.

 Lễ rước vong linh cụ Đoàn Chí Tuân vào đình Hòa Ninh (xã Quảng Hòa, TX. Ba Đồn). Ảnh: P.V
Lễ rước vong linh cụ Đoàn Chí Tuân vào đình Hòa Ninh (xã Quảng Hòa, TX. Ba Đồn). Ảnh: P.V

Lệ Thủy hiện có 82,5% thôn, bản, tổ dân phố đạt danh hiệu "Làng văn hóa", 83% hộ đạt danh hiệu "Gia đình văn hóa". 100% thôn, bản, tổ dân phố có hương ước, quy ước có gắn đến tinh thần gia đình, dòng họ. Đời sống văn hóa được chăm lo xây dựng, qua đó tính gia đình, dòng họ được kết nối tích cực hơn vì mục đích tốt đẹp đối với cộng đồng.

Một số dòng họ trong huyện đã có kết nối để làm điều hay, việc tốt như khuyến học, khuyến tài, giúp nhau trong xóa đói, giảm nghèo. Dòng họ Võ trong huyện nhiều năm qua, có một số việc làm trong việc giáo dục nối tiếp nhau giữ gìn, phát huy nét đẹp văn hóa con người trong dòng họ. Ông Võ Thanh Bình, hiện là thầy giáo, làm trưởng phái dòng họ Võ, phái ở gia đình Đại tướng Võ Nguyên Giáp (An Xá) cho biết: Dòng họ Võ - An Xá trước đây cũng như hiện nay cùng chung tâm nguyện yêu nước, khuyến học, khuyến tài, phát huy giá trị các bậc tài học trước đây. Riêng họ Võ Khắc (ở Mỹ Lộc, An Thủy), từ năm 2000 đến nay, cứ đến ngày giỗ tổ, lễ, tết, dòng họ tổ chức gặp mặt bà con gần xa để động viên nhau vươn lên trong cuộc sống. Chỉ riêng đại gia đình cụ cố Võ Khắc Triển, đến nay qua ba đời liền mạch có trên 60 người con cháu có trình độ đại học trở lên, trong đó có 6 tiến sĩ. Họ Trần ở thôn Phan Xá, qua kết nối dòng họ mà  nhớ về tổ tiên ghi chép lại những nét đẹp truyền thống văn hóa của những người con có danh tiếng của làng. Họ Lê Đình (ở Xuân Hồi) cứ 3 năm gặp mặt bà con, con em, dâu, rể một lần để động viên nhau trong cuộc sống...

Hiện nay, tại nhiều nhà thờ dòng họ, từ đường dòng họ ở trong các xã, có rất nhiều tư liệu, tài liệu, hiện vật có giá trị trong việc nghiên cứu lịch sử, văn hóa truyền thống của làng, xã, địa phương. Một số nhà thờ họ bảo quản, tôn thờ hiện vật quý đáng nói  như: Nhà thờ họ Võ (An Xá), nhà thờ Lê Văn (Lộc An), nhà thờ Võ Khắc (Mỹ Lộc), nhà thờ Lê Đình (Xuân Hồi), nhà thờ họ Phan Xá...

Bên cạnh yếu tố tích cực cần được khuyến khích thì cũng còn có nơi, tinh thần dòng họ chưa được phát huy trong việc xây dựng đời sống văn hóa mới, xây dựng Gia đình văn hóa, Làng văn hóa, Khu dân cư tiên tiến... có lúc, có nơi còn ứng xử theo kiểu "Yêu nhau cau sáu bổ ba/ Ghét nhau cau sáu bổ ra làm mười". Cho nên cũng đã có các tác phẩm báo chí, kể cả văn học lên tiếng cảnh báo về cách nghĩ, cách sống kiểu "vô cảm", "đèn nhà ai rạng nhà nấy"...

Cụ Nguyễn Xuân Phúc (ở thôn Xuân Hồi, xã Liên Thủy) đã sống 89 mùa xuân, có 68 năm tuổi Đảng, là cán bộ tiền khởi nghĩa, một người hiểu biết nhiều về dòng họ cho biết: "Trước đây dòng họ, dòng tộc thấy được xây dựng nền nếp văn hóa trong dòng họ mình không chỉ mang lại sự tốt đẹp về văn hóa cho thế hệ mình, mà đó còn là đòi hỏi của truyền thống, của dòng họ, quê hương trọng nghĩa tình ở quê ta. Cùng với gia đình, dòng họ là chiếc nôi, chiếc võng thân yêu đưa ru, nuôi lớn cả đời người. Con người khi trẻ được gia đình, dòng họ chăm sóc như thế nào, thì khi lớn lên và về già cũng cần được gia đình, dòng họ chăm sóc, chăm lo như thế. Giữa ngày xuân nghĩ về dòng họ thấy ấm lòng".

Lê Đình Tới