.

Phiên chợ Tết Ba Đồn

Thứ Tư, 27/01/2016, 10:03 [GMT+7]

(QBĐT) - Trải qua bao thăng trầm của thời gian, chợ Ba Đồn (thị xã Ba Đồn) vẫn còn lưu lại hình thức họp phiên trong tháng. Một tháng có 6 phiên, họp trong các ngày 1, 11, 21 và ngày 6, 16, 26 (âm lịch). Tuy nhiên, phiên chợ cuối năm ngày 26 tháng Chạp vẫn còn lưu lại nhiều nét văn hóa đặc sắc..

Chợ Ba Đồn xưa và nay

Theo lịch sử, chợ Ba Đồn có từ thời Trịnh - Nguyễn phân tranh. Chúa Trịnh lập ba đồn lính đóng ở xung quanh thị trấn (đồn Trung Thuần, đồn Phan Long và đồn Xuân Kiều), mỗi đồn có một chợ và chợ Ba Đồn thuộc đồn Phan Long. Mục đích của các chợ là để quân lính các đồn gặp gỡ, vui chơi, trao đổi, mua bán thực phẩm, vật dụng...

Ngày họp chợ nhiều khi cũng là dịp để hội thao luyện binh, đọ tướng, thử sức giữa quân lính các đồn. Sau vì địa thế ở giữa giới hạn hai xứ Đàng trong và Đàng ngoài nên người của hai bên đến tụ họp ở đó mà trao đổi sản vật, truyền tin tức... Riêng chợ Ba Đồn, vì có vị trí thuận lợi “nhất cận lộ, nhị cận giang” vừa gần đường thiên lý bắc nam (nay là quốc lộ 1A), vừa gần sông Gianh nên sớm trở thành trung tâm thương mại, buôn bán, trao đổi cũng như trung tâm giao lưu văn hóa, vui chơi của người dân lúc bấy giờ.

Ngày trước, mỗi tháng chợ chỉ có họp 3 phiên vào ngày 6, 16, 26 (âm lịch). Đến năm 1956, do nhu cầu buôn bán ngày càng lớn nên chợ có thêm 3 phiên vào các ngày 1, 11, 21 (âm lịch) thành ra hiện nay, chợ Ba Đồn mỗi tháng có 6 phiên. Người dân nơi đây có 2 câu thơ ai cũng biết đó là “Ba Đồn một tháng 6 lần/ Chợ phiên tụ điểm xa gần bán mua". Mỗi tháng chợ họp 6 phiên nhưng phiên chợ vào ngày 26 (tháng Chạp) là đông vui và tấp nập hơn cả, là phiên chợ tạo nên danh tiếng “chợ Tết Ba Đồn”. Bởi đây cũng là buổi chợ phiên cuối năm nên mọi người đều đổ xô đi sắm Tết chuẩn bị đón năm mới. Trải qua bao thăng trầm của thời gian, nơi đây vẫn duy trì hình thức họp chợ phiên, lưu giữ nét văn hóa xưa.

Là phiên chợ Tết nên các loại hoa được bày bán phong phú và đa dạng hơn.
Là phiên chợ Tết nên các loại hoa được bày bán phong phú và đa dạng hơn.

Đặc sắc phiên chợ Tết

Phiên chợ Tết ngày 26 tháng Chạp là phiên chợ đông vui gấp bội ngày thường, bởi ai cũng muốn xuống phiên chợ cuối năm để mua bán hàng hóa, sắm sửa, giao lưu bạn bè... Họ mang sản vật tới chợ để mua, bán trao đổi. Có những người mong đến phiên chợ để được giao lưu, gặp gỡ, trò chuyện tâm tình với bạn bè, ăn uống...

Đối với phiên chợ Tết này, không chỉ người trong huyện, mà người ở các huyện khác, tỉnh khác.. cũng đổ về Ba Đồn. Số lượng các mặt hàng tăng lên gấp chục lần so với ngày thường. Nhớ hồi còn nhỏ, vào ngày gần cuối năm, tôi được mẹ cho đi chợ phiên Tết Ba Đồn. Ngày đó ở vùng cao Tuyên Hóa xuống, đường bộ chưa thuận tiện như bây giờ, xe cộ thì ít, đi bộ xa nên tôi được đi chợ cùng mẹ bằng đò chèo tay, phải đặt trước nửa tháng mới có chỗ. Đò không chở khách mà chủ yếu là chở hàng hóa như cam, chuối, bưởi, lá chuối, lá dong...về để bán vào dịp chợ Tết cuối năm. Chiều tối 25 (tháng Chạp) chúng tôi bắt đầu xuất phát, khoảng 2h sáng hôm sau có có mặt tại bến cửa Hác (bến sông gần nhất của chợ Ba Đồn).

Khi trời vừa tờ mờ sáng, kẻ bán người mua đã tấp nập, các thương lái ở nơi xa đến đã chuẩn bị hàng hóa của mình từ chiều hoặc đêm hôm trước, họ làm chòi tạm để ngủ qua đêm cho tới khi bán hết hàng. Chợ bán đủ mọi thứ từ vải vóc, áo quần, mũ nón, đến rau quả, thịt cá, đồ khô, hay hàng ấm chén, bát đĩa, cho đến các động vật sống, nông cụ..., được thành nhiều gian hàng xung quanh chợ làm cho không khí Tết càng rộn ràng. Những đặc sản đậm nét quê hương như hút hồn du khách: hàng bánh đa vừng đang quạt nóng hổi bốc mùi thơm quyến rũ, thúng bánh đúc thơm mùi gạo mới, những chiếc nón trắng tinh.

Trước đây, các phiên chợ ngày 6 có khu chợ trao đổi mua bán bò giống, bò thịt, bò cày kéo... nhưng hiện nay không còn. Thay vào đó, phiên chợ Tết cuối năm có thêm khu chợ hoa, cây cảnh. Càng vào những ngày giáp Tết, chợ hoa càng phong phú hơn, sắc màu của những bông hoa làm xua tan đi cái lạnh của mùa đông. Người mua, kẻ bán tấp nập. Các loại hoa đào, cúc, ly... tưng bừng khoe sắc. Cái hiện đại xen lẫn truyền thống tạo nên một phiên chợ tết hiện đại nhưng vẫn đậm đà chất quê.

Về với chợ Tết Ba Đồn, nhiều người như đang tìm những kỷ niệm xưa, với nét văn hóa đã ăn sâu vào ký ức. Sự tấp nập, nhộn nhịp của chợ Ba Đồn ngày cuối năm vừa cho ta thấy những nét đẹp xưa và nay, vừa chứng tỏ một phần không thể mất trong tinh hoa văn hóa dân tộc Việt.

Thanh Hoa