.

Nghệ sĩ ưu tú Thanh Nhân: Quê hương là điểm tựa

Thứ Sáu, 29/01/2016, 17:04 [GMT+7]

(QBĐT) - Hành trang đến với âm nhạc của Nghệ sĩ ưu tú Thanh Nhân chỉ đơn giản là trái tim đam mê ca hát. Và sau hai mươi năm hát bằng cả trái tim, niềm vinh dự đã đến với anh khi trở thành Nghệ sĩ ưu tú ở tuổi 38.

Sau những phút giây đón nhận niềm hạnh phúc của người nghệ sĩ, anh lại cùng đồng nghiệp miệt mài luyện tập, đưa tiếng hát của mình đến với mọi miền...

Khởi nguồn bằng tình yêu:

- Gần hai thập kỷ nay, khán giả đã quen thuộc và yêu quý giọng ca Thanh Nhân, đặc biệt là qua những ca khúc viết về Quảng Bình. Vậy anh có thể cho biết rõ hơn về "duyên nợ" của anh đối với con đường ca hát?

- Tôi sinh ra và lớn lên tại phường Hải Thành (thành phố Đồng Hới). Ba tôi là ngư dân nên thường lênh đênh trên biển, mẹ ở nhà chạy chợ và chăm sóc năm anh chị em. Tôi nhớ cuộc sống gia đình rất khó khăn nhưng nhiều niềm vui. Ba tôi là một ngư dân say mê ca hát. Mỗi khi ba đi biển về, cả nhà lại quây quần hát hò. Thường chúng tôi hát những bài dân ca, các điệu hò vè, cũng có khi là những bài hát "thời thượng" được nghe qua đài hoặc tivi. Tôi nghĩ tình yêu ca hát của mình được nhen lên trong những ngày ấu thơ, khi được nghe ba mẹ tôi hát. Và tôi mang theo tình yêu ấy để bắt đầu con đường nghệ thuật của mình.

- Anh còn nhớ mình đã "chạm ngõ" nghệ thuật bằng tác phẩm nào không?

- Tháng 10-1996, khi Đoàn nghệ thuật Quảng Bình (nay là Đoàn nghệ thuật truyền thống) tuyển diễn viên múa và ca sĩ, tôi đã "trình làng" bằng bài hát rất thời thượng lúc bấy giờ, đó là bài "Này cô bé có chiếc răng khểnh" của nhạc sĩ Trần Thiết Hùng. Tôi hát tự nhiên như khi hát cho ba mẹ, bạn bè nghe, hoàn toàn không có khái niệm về việc lựa chọn tác phẩm phù hợp với chất giọng hay tiêu chí của cuộc tuyển chọn. Nhưng thật may mắn vì tôi đã trúng tuyển để rồi gắn bó với nghệ thuật đến tận bây giờ.

Thành công nhờ khổ luyện:

- Có thể nói anh đã có một khởi đầu khá thuận lợi. Và để có được thành công như ngày hôm nay, được biết anh đã trải qua không ít khó khăn. Vậy đâu là con đường dẫn đến thành công?

- Sau hai mươi năm gắn bó với nghề cùng những thăng trầm, tôi có thể khẳng định, con đường đi đến thành công nhất định phải có hai chữ "khổ luyện". Sau khi được nhận vào đoàn, tôi bắt đầu con đường học tập. Bốn năm sau (2000), tôi tốt nghiệp lớp trung cấp thanh nhạc của Trường cao đẳng nghệ thuật Quân đội. Trong thời gian đi học, tôi vừa tham gia biểu diễn rồi dự thi ở nhiều cuộc thi lớn nhỏ trong tỉnh toàn quốc. Năm 1997, tôi đạt giải giải nhì tại cuộc thi Tiếng hát truyền hình của tỉnh với ca khúc "Phố biển tình anh". Năm 1999, cũng tại cuộc thi này, tôi đã giành giải nhất bằng ca khúc "Trên biển quê hương". Sau khi giành giải ở tỉnh, tôi đã có mặt tại vòng chung kết cuộc thi Sao mai điểm hẹn khu vực Bắc miền Trung.

Để chuẩn bị cho các cuộc thi và chương trình học tập tại Trường cao đẳng nghệ thuật Quân đội, tôi đã miệt mài tập luyện dưới sự hướng dẫn và giúp đỡ của các thầy cô, đồng nghiệp. Có những hôm tập quên cả ăn chỉ để hát đúng kỹ thuật nhưng vẫn trọn vẹn cảm xúc một câu hát. Và không chỉ ở những cuộc thi, ngay trong công việc thường ngày, việc tập những bài hát mới cũng luôn đòi hỏi sự cố gắng tập trung cao độ để có thể cho ra đời một tác phẩm ưng ý. Đó thật sự là một hành trình khổ luyện.

- Theo anh, thành công lớn nhất sau hai mươi năm ca hát của anh là gì?

- Tôi đã đạt nhiều huy chương vàng, huy chương bạc trong các hội diễn uy tín quy mô toàn quốc, đã từng đại diện cho khu vực Bắc miền Trung tham gia vòng thi chung kết Sao mai điểm hẹn năm 2001 tại thành phố Hồ Chí Minh. Có thể xem đó là những thành công trong cuộc đời mình. Và gần đây nhất là danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú, niềm vinh dự lớn của người làm nghệ thuật. Nhưng với tôi, thành công lớn nhất có lẽ là được sống trọn vẹn với ước mơ của mình và có được tình yêu, sự tin tưởng của khán giả và người thân trong gia đình. Đến bây giờ, sau hai mươi năm ca hát, nhưng mỗi lần xem tôi biểu diễn, ba mẹ tôi vẫn rất vui và luôn động viên tôi như lần đầu tôi đi thi vào đoàn. Còn bản thân tôi, khi được đứng trên sân khấu để biểu diễn một tác phẩm quen thuộc hay một tác phẩm mới, tôi luôn cảm thấy xúc động và cố gắng để biểu diễn thật thành công...

 Nghệ sĩ ưu tú Thanh Nhân và vợ, diễn viên múa Như Quỳnh
Nghệ sĩ ưu tú Thanh Nhân và vợ, diễn viên múa Như Quỳnh

Cơm áo không đùa với khách thơ:

- Được biết người bạn đời của anh là diễn viên múa Như Quỳnh, cũng là người nổi tiếng với bức ảnh "Nụ cười Việt Nam". Vậy cuộc sống của gia đình nghệ sĩ có những thuận lợi và khó khăn gì?

- Sau khi vào đoàn, tôi gặp và quen Quỳnh. Đến năm 2000, chúng tôi làm đám cưới. Do cùng nghề nghiệp nên đi đâu cũng có nhau, hỗ trợ nhau nhiều trong công việc chuyên môn lẫn gia đình. Quỳnh là người chu đáo và luôn chăm lo cho tôi, nhất là trước mỗi cuộc thi...

Bên cạnh những thuận lợi đó, chúng tôi đồng thời phải đối mặt với nhiều khó khăn. Tiền lương thấp, tiền bồi dưỡng các buổi biểu diễn không đáng là bao, nhất là sau khi sinh con, gánh nặng cơm áo gạo tiền nhiều khi khiến hai vợ chồng mỏi mệt. Đúng thật là "cơm áo không đùa với khách thơ". Chưa kể việc đi biểu diễn xa, phải mang con đi gửi ở nhà ông bà, nhà hàng xóm. Có khi quá nửa đêm mới về đến nhà, lại cùng nhau lục tục đi đón con... Thế nhưng đã quyết tâm theo nghề nên chúng tôi lại tiếp tục động viên nhau cố gắng.

- Là chồng của Như Quỳnh, người sở hữu "Nụ cười Việt Nam" nổi tiếng, từng được chọn làm biểu tượng cho du lịch Việt Nam với khẩu hiệu "Việt Nam - điểm đến của thiên niên kỷ", có khi nào anh cảm thấy áp lực bởi sự nổi tiếng của "Nụ cười Việt Nam"?

- Người ta không sống mãi với hào quang. Và Quỳnh cũng thế. Có một thời gian dài, căn phòng tập thể bé nhỏ của chúng tôi được đón tiếp nhiều nhà báo đến để viết bài về Quỳnh, về nụ cười toả sáng của cô ấy. Lúc đó tôi thường làm chân trà nước, đôi khi cũng trả lời phỏng vấn. Tôi vui vì sự nổi tiếng của cô ấy, cũng như Quỳnh hạnh phúc khi tôi thành công. Phía sau hào quang, chúng tôi có một cuộc sống giản dị, cô ấy cũng như những người vợ, người mẹ khác, luôn luôn chăm lo cho chồng con và làm tốt công việc chuyên môn, cùng tôi vượt qua những khó khăn đời thường. Bức ảnh "Nụ cười Việt Nam" cũng như sự nổi tiếng của Quỳnh là kỷ niệm đẹp trong cuộc đời chúng tôi.

Quê hương là điểm tựa:

- Thành công và nổi tiếng với nhiều ca khúc, đặc biệt là những ca khúc viết về Quảng Bình. Anh có thể cho biết vì sao anh luôn trung thành với những ca khúc viết về quê hương?

- Có khán giả tâm sự với tôi rằng, khi nhớ đến ca sĩ Thanh Nhân là nhớ đến những ca khúc viết về Quảng Bình. Đó là "Phố biển tình anh", "Trên biển quê hương", "Quê tôi đó Quảng Bình thương", "Sông Gianh chín nhịp cầu"... Bản thân tôi dù đã hàng trăm lần biểu diễn những ca khúc quen thuộc này, nhưng trong lòng vẫn không khỏi xúc động bởi ca từ và giai điệu của bài hát quê hương. Tôi đã mang những ca khúc ấy đến với cán bộ, chiến sĩ đảo Trường Sa và nhiều hội diễn trong, ngoài nước. Khi hát những ca khúc về quê hương, tôi luôn cảm thấy tự tin và tự hào về nơi mình đã sinh ra và lớn lên. Quê hương luôn là điểm tựa vững chắc của tôi. Và tôi muốn chia sẻ điều đó với khán giả, đặc biệt là những người Quảng Bình xa quê...

- Anh có thể tiết lộ những dự định của mình trong thời gian tới?

- Tôi vẫn sẽ tiếp tục gắn bó với công việc mà hai mươi năm qua đã yêu và gắn bó. Có thể danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú, bên cạnh niềm vinh dự, sẽ nhắc nhở tôi thêm về trách nhiệm của mình. Cùng với việc luyện tập và trình diễn những tác phẩm mới, tôi vẫn sẽ cùng với anh chị em đồng nghiệp Đoàn nghệ thuật truyền thống Quảng Bình tiếp tục lưu diễn phục vụ nhân dân trong tỉnh như nhiều năm nay vẫn thế. Những ca khúc hát về quê hương Quảng Bình vẫn luôn là lựa chọn đầu tiên của tôi. Nhân dịp này, tôi xin gửi lời cảm ơn chân thành đến khán giả, anh chị em đồng nghiệp và những người thân đã luôn tin tưởng, quan tâm và đồng hành cùng tôi trong suốt thời gian qua, giúp tôi ngày càng trưởng thành hơn!

- Xin cảm ơn anh và chúc anh tiếp tục gặt hái nhiều thành công mới, đưa lời ca tiếng hát của mình đến với khán giả tỉnh nhà và cả nước!

Ngọc Mai (thực hiện)