.

Hẹn hò tháng chạp

Thứ Hai, 18/01/2016, 16:05 [GMT+7]

(QBĐT) - Ngày tháng chạp, đang tất bật với bao việc không tên thì nhận được điện thoại của bạn, giọng hồ hởi của người quen ăn sóng nói gió, bảo tết về quê nhớ ghé nhà tui. Tiễn ông Táo về trời là ở nhà chuẩn bị gói bánh chưng, về mang bánh vô đặt lên bàn thờ ông bà cho ấm áp và thêm chút hương vị quê nhà...

Nghe điện thoại của bạn xong  cứ ngẩn người ra. Ngày đang tất bật rộn ràng chợt trở nên bâng khuâng nỗi niềm thương nhớ. Nhớ những tháng chạp đã qua trong đời, nhớ những cái tết xưa đến trong nỗi đợi chờ đôi khi tưởng chừng như dằng dặc. Nhớ cả cái áo mới rực rỡ phơi trong chiều cuối năm, thi thoảng lại chạy ra sân chạm tay vào xem nắng mùa đông có đủ hong khô áo mới với nỗi lòng hân hoan khó tả...

Nhưng có lẽ nhớ nhất là nồi bánh chưng sôi sùng sục nơi góc vườn với ngọn lửa tí tách cháy tàn đêm. Để có được nồi bánh, cả nhà đã rộn ràng chuẩn bị từ ngày tiễn ông táo về trời. Bà ngoại đi chợ mua nếp quê, mẹ tỉ mẩn nhặt đỗ xanh, bỏ hết những hạt sâu, hạt lép. Ông ngoại ngắm nghía mấy ống giang thẳng tắp, cẩn trọng dùng cây rựa sắc ngọt chẻ từng sợi giang mỏng như lá lúa. Rồi ông ra vườn chẻ củi, sắp gọn gàng ở góc vườn, nơi mỗi đêm xuân nồi bánh chưng sẽ sùng sục sôi...

Tinh mơ ngày giáp Tết, tôi lon ton theo chân bà ra chợ. Chợ đông, tôi gia nhập đám trẻ con đợi mẹ, đợi bà trước cổng. Cả bọn rôm rả hỏi nhau năm nay nhà bạn gói mấy chục cái bánh chưng, có lên núi chặt mai về chưng tết, mẹ có làm mứt gừng, bánh khảo, hoa lay ơn bữa trồng nở được mấy bông... Gật gà gật gù như những ông cụ non, mắt lơ đãng lâu lâu thèm thuồng ngắm mấy con tò he xanh đỏ trên đôi tay điệu nghệ của ông già nặn tò he nơi cổng chợ. Rồi lần lượt từng đứa ra về, trên tay khệ nệ ôm những bó lá dong bởi mẹ với bà thường bận rộn với những rổ rá thịt cá hành ngò bánh kẹo...

Gói bánh chưng đón Tết (nguồn: Interrnet)
Gói bánh chưng đón Tết (nguồn: Interrnet)

Buổi trưa ngày giáp tết, sân nhà xanh màu lá dong. Tôi tỉ mẩn rửa từng chiếc lá rồi mang hong trước hiên nhà giữa những lao xao rộn ràng tháng chạp. Tiếng dao thớt, tiếng nước chảy tí tách từ rổ nếp ngâm từ sáng sớm vừa được vớt ra, tiếng bước chân mẹ tất bật ra vào căn bếp thơm lừng mùi đậu xanh vừa hông chín...

Khi mọi thứ đã chuẩn bị xong, ông tôi đặt chiếc nong tre lên bộ phản gỗ, trịnh trọng như đang thực thi điển lễ. Tôi ngồi bên cạnh phụ ông, ngắm nghía cách ông thuần thục gói ghém những chiếc bánh, như thể nó không chỉ là chiếc bánh, mà là điều gì đó thật thiêng liêng, đẹp đẽ. Kết thúc nồi bánh, thể nào ông cũng gói cho tôi một cặp bánh nhỏ xíu, cặp bánh không lẫn vào bất cứ chiếc bánh nào...

Những tháng chạp cứ tuần tự trôi qua bên nồi bánh sôi sùng sục ở góc vườn. Lũ trẻ con dù hăng hái tới mấy thì rốt cuộc cũng không chống chọi nổi cơn buồn ngủ. Thường là sáng mai ra thì bánh đã chín, còn mình thì đã nằm trong chăn ấm tự lúc nào...

Rất nhiều tháng chạp đã qua trong đời. Có những ngày tháng chạp mưa bay, có khi rét buốt, hiếm hoi có ngày cuối năm hanh hao nắng. Nhưng dù nắng dù mưa, những đêm canh nồi bánh chưng luôn để lại dư vị ấm áp, đẹp đẽ. Đẹp tới nỗi, người ngư phủ thật thà như bạn, lúc gọi điện hẹn hò tôi về quê để tặng bánh chưng, còn biết văn hoa gọi bánh chưng là “hương vị quê nhà”.

Thứ hương vị quê nhà ấy luôn làm tôi quay quắt nhớ. Nhớ ông ngoại, bà ngoại giờ đã là người thiên cổ, điển lễ những tháng chạp xa xưa giờ chỉ còn trong ký ức. Tôi ra thị thành, lâu lâu về quê thăm mẹ. Nhà neo người, tết đến không còn gói bánh chưng như bao mùa xuân trước. Nhưng ở quê rất lạ, nhà không gói bánh thành ra tết đến lại nhiều bánh nhất. Bởi bà con chòm xóm sợ nhà mình thiếu bánh chưng sẽ không thành tết nên đua nhau mang tặng. Nên những tháng chạp mưa bay giá buốt vẫn ấm áp ngọt ngào...

Thật ra đôi khi với ai đó làng tôi vẫn có những tháng chạp không trọn vẹn với nồi bánh chưng dang dở. Ấy là đôi người yêu nhau qua mấy mùa nấu bánh, một ngày kia cô gái ra phố thăm anh chị, bạn bè, rồi bỗng chốc yêu luôn phố phường lộng lẫy. Cô quên hẳn góc vườn, nơi có nồi bánh chưng sôi sùng sục, có người trai hàng xóm âm thầm đợi cô qua những đêm tháng chạp, qua đến mùa xuân mà cô vẫn không về. Rồi cuối cùng cô đi lấy chồng phố thị, người trai hàng xóm sau mấy năm một mình nấu bánh thì cũng cưới một cô gái trong làng...

Những tháng chạp của họ cứ tuần tự trôi. mộc mạc như thể chưa từng trải qua những đớn đau, hò hẹn. Mà hình như ai đó từng nói, ngay cả những nỗi đau, đôi khi vẫn mang dư vị ngọt ngào, để thi thoảng cô ở phố vẫn nhận được bánh anh gửi người bà con mang tặng mỗi độ xuân về. Rồi lũ trẻ con lần lượt ra đời, lại háo hức đợi chờ những đêm tháng chạp bên nồi bánh chưng cũ kỹ, như cha, mẹ chúng đã từng...

Cảm ơn lời hẹn hò tháng chạp của bạn. Để giữa những quay cuồng tất bật của ngày hiện tại, lòng tôi bỗng nôn nao như thể năm xưa trông chờ tháng chạp để được gói ghém những yêu thương...

Diệp Đồng