.

Đất lành Phong Hóa – Minh Cầm

Thứ Năm, 21/01/2016, 12:58 [GMT+7]

(QBĐT) - Giai điệu lẫn ca từ trong ca khúc “Ngược chiều sơn cước” đều như níu kéo chúng tôi về với một vùng Sơn-Thủy-Mạc phía Đông nam huyện Tuyên Hóa bình yên như cổ tích, có danh xưng đẹp như mơ: Minh Cầm! Minh Cầm là vùng đất, vùng văn hóa, Phong Hóa là xã, là đơn vị hành chính, cũng như Thanh Lạng chỉ là một làng mà trong lịch sử lại bao gồm cả một tổng và ngày nay thì trong ý niệm người ta vẫn nghĩ đến cả cụm xã Thanh-Hương-Lâm vùng Tây Bắc huyện Tuyên vậy. Minh Cầm, danh xưng này xin đại diện cho cả Sảo Phong, Cao Trạch, Mã Thượng, Yên Tố, Cầm Nội, Cầm Ngoại, Cầm Trang, bảy thôn thuộc xã Phong Hóa trù mật, như ca từ trong ca khúc tha thiết gọi mời: anh đến Minh Cầm Trang, anh sang Minh Cầm Ngoại, thổn thức niềm mong đợi, theo đò về Kinh Châu...

Đất Phong Hóa là đất bãi, được bồi đắp bởi sự hợp lưu giữa hai dòng Rào Nậy và Rào Trổ, rất hợp cho cây lúa cạn và các loại cây họ đậu, bắp, khoai và dâu tằm. Cơ cấu diện tích cây ngô bằng gần nửa cây lúa, phần còn lại là lạc, đậu và... cây cỏ. Cỏ là cỏ sữa chăn nuôi bò. Tổng đàn gia súc lên xuống xấp xỉ ba nghìn con, bình quân hai khẩu sở hữu một con gia súc. Năng suất lúa hai vụ là mười tấn. Mỗi năm bà con nuôi từ năm đến bảy lứa tằm, chưng hơn nghìn rưỡi vòng trứng, sản lượng xấp xỉ mười nghìn kg, doanh thu chừng nửa tỷ đồng. Vài con số giản lược thu thập được bình quân mười năm gần đây để hình dung, với vùng đất đồng màu bãi bồi mức sống của người Phong Hóa: tối thiểu không đói nhưng tối đa cũng chưa thể giàu.

Non nước Minh Cầm.                                                           Ảnh: T.H
Non nước Minh Cầm. Ảnh: T.H

Cảnh quan Phong Hóa thật đẹp. Ca khúc đã dẫn trên đây vang vọng những ca từ thật ấn tượng: “Sương khói nhòa trong nắng/ Mây chiều lãng đãng bay/ Lòng ai ngây ngất say/ Nhuộm tím chiều sơn cước...”. Hai nhánh Rào Trổ và Rào Nậy, qua hành trình mải miết len lỏi hết chiều dài, rộng của dãy Trường Sơn, dãy Hoành sơn, đến đây hợp thủy, dòng chảy rộng ra, lưu tốc nhỏ dần, khoan thai, xanh mát bình yên trong trẻo vô cùng. Có thể vậy chăng mà con người ở đây cũng lành hiền chân chất và tài năng. Thần phả họ Hồ ở Minh Cầm ghi rằng năm 1527-1540, cụ Hồ Công Cao-cháu năm đời của cụ khởi tổ họ Hồ ở Quỳnh Đôi-Quỳnh Lưu (Nghệ An) trong một cơn biến động chính trị cục bộ nào đó đã phải để chánh thất lại quê nhà, cùng hai con trai đi cư về phương Nam lánh nạn. Họ đi theo lộ trình Đức Thọ-Hương Sơn-Hương Khê (Hà Tĩnh), vượt Hoành Sơn xuôi dòng Gianh xuống gặp vùng đất bồi giữa hai nhánh sông thì tấp lại, định cư. Tiếp đó là các họ tộc lớn khác: họ Nguyễn từ Quảng Trạch lên, họ Phạm, họ Trần, họ Vương từ Nam Đàn vào, quần cư thành Minh Cầm Trang, sau, giãn ra Minh Cầm Nội, Minh Cầm Ngoại và các làng khác trong xã.

Ai đã một lần đến Phong Hóa, đừng quên đây từng là đất được chính quyền bảo hộ Pháp chọn đóng lỵ sở huyện Tuyên Hóa bao gồm cả hai huyện Tuyên-Minh ngày nay. Dân gian có câu ca dao truyền tụng:

Thứ nhất Thanh Lạng, Bàu La
Thứ nhì Quy Đạt, thứ ba Minh Cầm

Cả bốn địa danh này đều là đất lành nước ngọt, khí hậu điều hòa sinh nhiều trai thanh gái lịch. Người Pháp cũng kỹ lưỡng lắm, trước khi chọn đặt lỵ sở, họ lấy mẫu nước giếng khoan mang về tận Pari xét nghiệm, được nước tốt mới dùng. Tình cờ, trong bốn địa danh được nhắc đến trong câu lục bát truyền khẩu thì đã có ba nơi người Pháp chọn đặt trung tâm chính trị hoặc cụm công nghiệp để khai thác thuộc địa: Thanh Lạng, Minh Cầm, Quy Đạt. Năm 1896, ở Quy Đạt mới có đồn binh Pháp. Trước đó hơn mười năm, Pháp đã xây đồn Minh Cầm. Đồn Minh Cầm nằm ngay ở doi đất hợp thủy hai dòng Rào Nậy và Rào Trổ, vị trí gần đúng như đồn Đuồi Diện ở Hiền Ninh (Quảng Ninh) cũng là nơi hợp thủy của hai dòng Đại Giang và Kiến Giang. Đồn Minh Cầm khá hoành tráng, trong suốt gần tám mươi năm là trung tâm quân sự-chính trị của chính quyền thực dân nhằm trấn giữ một vùng thượng lưu hiểm trở và đầy bất trắc đối với họ. Cuộc Cần Vương nổ ra giữa những năm tám mươi thế kỷ 19. Vua Hàm Nghi chọn Tuyên Hóa (bao gồm cả Minh Hóa ngày nay) làm thủ đô kháng chiến. Sĩ phu Quảng Bình, Hà Tĩnh hưởng ứng chiếu Cần Vương nổi lên khắp nơi. Lệ Thủy, Quảng Ninh có tướng Hoàng Phúc, Đề Én, Đề Chít; Quảng Trạch có Hải Long Vương Bạch Xỉ Đoàn Chí Tuân; Cao Mại có lãnh binh Mai Lượng; Tuyên Hóa có nghĩa quân của đề đốc Lê Trực. Nguyễn Phạm Tuân được vua giao trọng trách quản lý cơ quan Cần Vương trung ương (tương đương Ngự tiền đổng lý văn phong). Ngày 15-3-1887, ông lâm bệnh nặng đang điều trị tại làng Cổ Liêm thuộc xã Tân Hóa, huyện Minh Hóa ngày nay, thì quân Pháp ập tới. Sau một cuộc so gươm ngắn ngủi, ông bị thương và bị bắt. Chúng đưa ông về đồn Minh Cầm cứu chữa và tìm cách dự dỗ. Ngay tại đây đã diễn ra một cuộc đấu trí giữa một vị quan yêu nước đang thất thế với viên sĩ quan "cáo già thực dân” quan ba Mutô. Để bảo toàn khí tiết, sau nhiều ngày tuyệt thực, đêm 17-3-1887, nhằm giờ sửu, ông dũng cảm tự sát. Viên quan ba nổi giận sai vứt xác ông xuống Rào Nậy và cấm dân làng chôn cất. Nhưng, bất chấp án binh có thể xử bắn bất kỳ, người dân Minh Cầm đã vớt xác Nguyễn Phạm Tuân đưa về mai táng ở làng Kim Thanh, sau, cải táng ở núi Yên Sơn xã Yên Phong, Quảng Trạch. Chúng tôi đến thăm dấu tích đồn Minh Cầm vào một buổi chiều trung tuần tháng sáu. Trời cao xanh, nắng chan hòa trên ngọn cây dừa cao vút tương truyền đã trăm năm tuổi, sống sót qua bao biến loạn binh đao. Nước Rào Trổ, Rào Nậy vẫn trong vắt ngọt lịm. Bên kia sông, một chuyến tàu tốc hành trong lộ trình thiên lý dằng dặc đang nhẫn nại thông qua hang Minh Cầm. Nghe như vẳng đâu đây tiếng thơ Nguyễn Phạm Tuân để lại trước khi tuẫn tiết:

Trung nghĩa hữu trung nghĩa chi báo
Tích thiện phùng tích thiện chi ân.

Nghĩa rằng: “Người trung nghĩa có điều trung nghĩa báo đáp/ Làm điều lành sẽ gặp điều lành trả ơn”

Và:

Lịch thế quốc ân thường nhất tử
Bất niên gia trạch ký tam sinh

(Ơn nước trải đời báo đền bằng một cái chết/ Phúc nhà trăm năm giữ kiếp ba sinh).

Kể từ đêm 17-3 năm Đinh Hợi 1887, gần 130 năm đã trôi qua, đồn Minh Cầm đã thành phế tích. Cuộc thế đang chuyển động hối hả từng ngày. Quốc lộ 12A xuyên Á đi qua đất Minh Cầm-Phong Hóa đã và đang đánh thức một nhận thức tư duy nhiều lớp người bắt kịp công cuộc đổi mới. Lần đầu tiên, những người ngư dân-nông dân Phong Hóa bước lên vũ đài thể thao giành giải quán quân bơi thuyền toàn tỉnh gây ngỡ ngàng dư luận, lại giành giải á quân ngay trên mặt nước hồ Tây giữa lòng Thủ đô.

Ai đã đến Phong Hóa-Minh Cầm một đôi lần, hoặc may mắn hơn được lưu lại một thời gian hẳn sẽ giữ mãi ấn tượng đẹp đẽ, mát lành.

Nhà văn Nguyễn Thế Tường