.

Tiềm năng du lịch trong lễ hội văn hóa truyền thống ở Đồng Hới

Chủ Nhật, 27/12/2015, 14:19 [GMT+7]

(QBĐT) - Ở Đồng Hới có nhiều lễ hội văn hoá truyền thống tiêu biểu gắn với phát triển du lịch như lễ hội đua thuyền truyền thống trên sông Nhật Lệ, lễ hội cầu ngư Bảo Ninh, lễ hội cầu mùa, lễ hội hoa đăng, hội làng... Các lễ hội này khi mở hội đều dựa trên nguyên tắc bảo tồn giá trị truyền thống, loại bỏ dần yếu tố lạc hậu, khai thác tiềm năng của lễ hội để phát triển du lịch và bảo vệ, duy trì giá trị chân thực của lễ hội, không sáng tạo theo cảm tính và can thiệp vào phần lễ, vốn được coi là cốt lõi, là linh hồn của lễ hội.

Ngày nay, lễ hội văn hoá truyền thống đã trở thành một loại hình du lịch phát triển mạnh ở mỗi địa phương và ngày càng có sức hấp dẫn đối với cộng đồng sở tại và du khách. Ở Đồng Hới có nhiều lễ hội văn hoá truyền thống tiêu biểu gắn với phát triển du lịch như lễ hội đua thuyền truyền thống trên sông Nhật Lệ, lễ hội cầu ngư Bảo Ninh, lễ hội cầu mùa, lễ hội hoa đăng, hội làng... Các lễ hội này khi mở hội đều dựa trên nguyên tắc bảo tồn giá trị truyền thống, loại bỏ dần yếu tố lạc hậu, khai thác tiềm năng của lễ hội để phát triển du lịch và bảo vệ, duy trì giá trị chân thực của lễ hội, không sáng tạo theo cảm tính và can thiệp vào phần lễ, vốn được coi là cốt lõi, là linh hồn của lễ hội. Cùng với sự phát triển của xã hội, các hình thức, nội dung tổ chức phần hội cũng không ngừng đổi mới để theo kịp xu hướng thời đại nhưng vẫn không làm mất đi nét đẹp văn hoá vốn có của mỗi làng xã, mỗi loại hình lễ hội. Thành phố Đồng Hới có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch lễ hội văn hoá truyền thống và lễ hội đã dần dần trở thành một sản phẩm du lịch độc đáo có sức thu hút khách du lịch ngày càng đông đảo.

Lễ hội văn hoá truyền thống không chỉ mang bản sắc văn hoá dân tộc sâu sắc của từng làng xã mà còn lưu giữ được nhiều nội dung cổ truyền có giá trị đạo đức , thẩm mĩ, về phong tục tập quán, cái hay, cái đẹp, cái riêng, cái bản sắc, từ đó thể hiện tiềm năng kinh tế, văn hoá của địa phương.

Những đặc trưng ấy cần được tận dụng, cần được phát huy để đưa mỗi lễ hội văn hoá truyền thống trở thành một thương hiệu cho vùng đất. Tinh thần cố kết cộng đồng, sức mạnh đoàn kết, các lễ nghi nghiêm cẩn trong lễ hội cầu ngư Bảo Ninh, trong lễ hội bơi trải lục niên canh độ, hay tình làng, nghĩa xóm, chung mái đình, mái chùa, cây đa, bến nước trong hội làng ở các xã phường ven thành phố Đồng Hới là những tiềm năng văn hoá đặc sắc. Du khách khi xây dựng chương trình tham quan du lịch, nhắc đến vùng đất, địa danh thành phố Đồng Hới, đều hình dung và nhớ tới lễ hội, tới mảnh đất đã sinh ra các lễ hội. Lễ hội đua thuyền trên sông Nhật Lệ hàng năm đã thu hút du khách mọi nơi hành hương về tham quan tìm hiểu, trải nghiệm, được chứng kiến, tham gia các trò chơi dân gian, được sống trong biển cả mênh mông của không khí lễ hội, được thưởng thức văn hoá ẩm thực, đặc sản biển của làng biển Bảo Ninh, Hải Thành, Quang Phú... được nghỉ dưỡng, tham quan cảnh đẹp của thành phố, tắm biển, thăm làng nghề...

Trong những năm gần đây, Đồng Hới đã tổ chức tốt lễ hội văn hoá du lịch, là loại hình lễ hội mới, tổng hoà các lễ hội từ cổ tới kim, tạo sức thu hút, tạo thương hiệu, đánh thức tiềm năng du lịch biển, để mỗi mùa lễ hội chính là thời điểm lý tưởng để du khách trong và ngoài nước đến với Đồng Hới, ở lại Đồng Hới, lưu luyến với Đồng Hới và hẹn ngày trở lại.

Lễ hội cầu ngư của ngư dân vùng biển Bảo Ninh, Đồng Hới. Ảnh: P.V
Lễ hội cầu ngư của ngư dân vùng biển Bảo Ninh, Đồng Hới. Ảnh: P.V

Lễ hội văn hoá truyền thống của Đồng Hới là tài sản quý giá, là nguồn tài nguyên nhân văn độc đáo, là “Bảo tàng sống” trong lòng cộng đồng, là tiềm năng cần đánh thức để phát triển du lịch. Hiện nay, Đồng Hới đang thừa hưởng một số lễ hội văn hoá truyền thống đặc sắc riêng, đặc thù nhưng lại thiếu một chiến lược quảng bá chuyên nghiệp. Vừa qua, Đồng Hới đã có những hoạt động sáng tạo trong tổ chức lễ hội phục vụ du lịch; tuy nhiên, trước mắt và lâu dài cần có một chiến lược hợp lý trong việc đầu tư cho các lễ hội. Đầu tư có chọn lọc một số lễ hội đặc sắc, ấn tượng, từ đó xây dựng thành sản phẩm chính và đưa ra chiến lược quảng bá phù hợp. Duy trì, nuôi dưỡng và phát huy tốt bản sắc lễ hội xứ biển như lễ hội Đua thuyền trên sông Nhật Lệ, kết hợp các trò chơi dân gian trong lễ hội nhằm thu hút du khách.

Ngoài dấu ấn văn hoá truyền thống, dấu ấn về những sản phẩm đặc trưng tại lễ hội của Đồng Hới còn khiêm tốn, chưa đa dạng và phong phú. Sản phẩm du lịch được hiểu là tập hợp các dịch vụ cần thiết để thoả mãn các nhu cầu của khách du lịch trong tham quan, thưởng ngoạn. Khách du lịch có nhu cầu từ ăn uống, nghỉ dưỡng vui chơi, tìm hiểu mua sắm... Nếu đáp ứng được sẽ níu kéo họ, giữ chân họ. Du lịch lễ hội ngoài việc tìm hiểu phong tục, tập quán bản sắc văn hoá vùng miền, tín ngưỡng tâm linh, du khách muốn mua cho mình một sản phẩm riêng của địa phương để làm kỉ niệm, tặng cho người thân, bạn bè. Bất cứ một sản phẩm du lịch có giá trị nào cũng mang tính văn hoá, song không phải giá trị văn hoá nào cũng có thể trở thành sản phẩm du lịch.

Sản phẩm du lịch ưu tiên của Đồng Hới là biển, đặc sản biển, lễ hội văn hoá truyền thống của cộng đồng dân cư biển, thành phố biển, cần đầu tư có trọng điểm, kết hợp phát triển du lịch biển với lễ hội truyền thống theo hướng chuyên nghiệp hoá, tích cực tìm chọn các nhà đầu tư trong tỉnh và kêu gọi các nhà đầu tư trong và ngoài nước để tiếp tục khai thác tiềm năng, thế mạnh của du lịch lễ hội ở thành phố Đồng Hới để tăng nguồn thu và nâng cao vị thế thành phố du lịch của miền Trung.

Du lịch gắn liền với lễ hội là một cách khai thác hiệu quả những lợi thế tiềm năng vốn có của địa phương. Tuy nhiên, làm như thế nào và mức độ ra sao thì cần phải cân nhắc và định hướng đúng đắn. Cần chú ý đến chủ thể, con người tổ chức lễ hội. Lễ hội văn hoá truyền thống tự nó diễn ra theo trình tự, đúng nghi thức đã được gìn giữ, duy trì qua nhiều thế hệ mà không cần sự can thiệp hay tác động của những công ty chuyên tổ chức sự kiện nhưng nó vẫn tồn tại trong lịch sử và làm thoả mãn nhu cầu của cộng đồng dân cư cũng như sự tìm hiểu khám phá của du khách. Các lễ hội này, chủ yếu tập trung ở phần nghi lễ, chiếm tỷ lệ không nhỏ và thường diễn ra ở các xã, phường. Một số lễ hội như lễ hội cầu ngư, lễ hội cầu mùa, lễ hội làng, lễ hội nghinh Ông... cần phải nâng cao giá trị văn hoá vốn có trong mỗi nghi lễ, tìm và chọn phương pháp tổ chức thích hợp, thiết kế mô hình hoạt động phần hội thật sinh động tạo yếu tố hấp dẫn cho du khách, tạo sức lan toả vượt ra ngoài cộng đồng.

Tổ chức tốt lễ hội truyền thống, để lại ấn tượng, hiệu quả không chỉ bảo tồn văn hoá, bản sắc vùng miền làng quê, phát triển du lịch bền vững mà còn mang lại nguồn thu nhập cho nhân dân địa phương , góp phần giới thiệu những giá trị văn hoá vùng đất con người Đồng Hới tới bạn bè gần xa.

Tiềm năng các lễ hội văn hoá truyền thống của Đồng Hới rất lớn, nó là một trong những nhân tố kích thích sự phát triển kinh tế-xã hội của địa phương mang lại nguồn thu lớn cho ngân sách thành phố từ hoạt động du lịch, mang lại nguồn thu cho các hoạt động dịch vụ kèm theo các hoạt động du lịch như dịch vụ ăn uống, dịch vụ khách sạn, vận tải hành khách, dịch vụ hàng lưu niệm. Nếu khai thác tốt du lịch lễ hội, đánh thức hoạt động lễ hội sẽ là nguồn thu lớn và các thành phần kinh tế tham gia kinh doanh dịch vụ và hoạt động dịch vụ. Đồng thời lễ hội cũng tạo ra công ăn việc làm cho cư dân, cho cộng đồng thông qua các dịch vụ phục vụ lễ hội.

Đánh thức tiềm năng, khai thác tiềm năng lễ hội văn hoá truyền thống sẽ làm phong phú thêm, đa dạng hấp dẫn các chương trình du lịch, các tua du lịch góp phần thu hút đông đảo du khách tham gia ở các loại hình du lịch như du lịch sinh thái, du lịch thể thao, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch tắm biển...  Nếu khai thác, kết hợp các tua du lịch, vừa du lịch văn hoá kết hợp với sinh thái, nghỉ dưỡng sẽ góp phần tăng tính hấp dẫn của chương trình du lịch đáp ứng nhu cầu du khách tạo nên sự phát triển đồng bộ các hoạt động dịch vụ mang tính liên hoàn, dịch vụ này thúc đẩy dịch vụ kia phát triển, kích thích cả sản xuất như sản xuất hàng tiêu dùng, hàng lưu niệm, kích thích làng nghề truyền thống. Khách du lịch không ai muốn lễ hội nào cũng na ná giống nhau mà đòi hỏi lễ hội truyền thống luôn phải tìm cách bảo tồn các giá trị văn hoá đặc sắc, không lai căng pha tạp, nhưng vẫn có những sắc thái mới, sức sống mới.

Đánh thức tiềm năng của lễ hội truyền thống là khai thác triệt để thế mạnh văn hoá đặc thù của lễ hội để phát triển du lịch, cần chọn lọc các giá trị văn hoá truyền thống độc đáo, tiêu biểu, đậm đà bản sắc trong tiềm năng của lễ hội, loại bỏ dần các yếu tố lạc hậu, xây dựng thêm các tiêu chí văn hoá mới, phù hợp. Phân loại lễ hội, tăng cường công tác quản lí, nghiên cứu, tổ chức hội thảo, lập danh mục đăng kí lễ hội, chọn lễ hội tiêu biểu lập hồ sơ khoa học xếp hạng, để việc khai thác tiềm năng lễ hội ngày càng khoa học, có ý nghĩa. Coi trọng tính đặc thù của mỗi loại hình lễ hội, khai thác tốt tiềm năng lễ hội văn hoá truyền thống cũng là một trong những biện pháp giữ gìn bản sắc văn hoá và phát triển du lịch bền vững, tạo điều kiện phát triển kinh tế du lịch của thành phố Đồng Hới, khẳng định một thành phố có nhiều tiềm năng du lịch lễ hội, đã và đang được đánh thức cùng với các sản phẩm du lịch khác thu hút du khách đến với thành phố. Khơi dậy tiềm năng du lịch lễ hội, nắm bắt thời cơ để gắn kết giữa du lịch và lễ hội, đưa Đồng Hới đến gần hơn với bạn bè gần xa, phát huy thế mạnh từ chính những tiếm năng du lịch của mình.

Tạ Đình Hà