.

Nhớ nhạc sĩ An Thuyên

Thứ Bảy, 19/12/2015, 14:57 [GMT+7]

(QBĐT) - Nhạc sĩ An Thuyên sinh năm 1949, tại làng Kẻ Đáy, xã Quỳnh Kim, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An. Lớn lên, ông được vào công tác tại Ty Văn hoá Nghệ An từ năm 1967.  Ông có cả một thời gian dài, được trực tiếp tham gia việc sưu tầm ghi âm, nghiên cứu dân ca Nghệ Tĩnh, dưới sự chỉ đạo của các nhạc sĩ lớp trước như Lê Hàm, Vi Phong, Hồ Hữu Thới,... đây là vốn âm nhạc dân gian quý báu mà ông có được để đi vào các ca khúc ngọt ngào dân ca Nghệ Tĩnh của ông sau này.

Từ những năm giữa thập kỷ 70 của thế kỷ trước, An Thuyên vào bộ đội, rồi công tác ở Đoàn văn công Quân khu IV, vốn âm nhạc trong ông được nhân lên. Năm 1981 đến năm 1988, ông được đơn vị cử đi học ở Trường Nghệ thuật Quân đội và Nhạc Viện Hà Nội (nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam), khoa Sáng tác âm nhạc bậc đại học. Sau khi tốt nghiệp, năm 1988 ông về Phòng Văn nghệ Quân đội và đến tháng 8 năm 1992, ông về công tác ở Trường Nghệ thuật Quân đội. Ông là Hiệu trưởng Trường cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Quân đội từ những ngày đầu, cho đến năm 2006, Trường được chuyển lên thành Trường đại học Nghệ thuật Quân đội cho đến ngày nghỉ hưu - 2009, với quân hàm Thiếu tướng.

Về đời riêng, nhạc sĩ An Thuyên và nghệ sĩ Ngô Thị Huyền Lâm đăng ký kết hôn rồi tổ chức đám cưới vào mùa hè năm 1974 tại thành phố Vinh (Nghệ An). Lúc đó, chàng trai An Thuyên vừa tròn 25 tuổi, và đang công tác tại Đoàn ca múa nhạc Nghệ An. Nhạc sĩ An Thuyên có hai người con cũng theo nghiệp ba mẹ, khá nổi tiếng là nhạc sĩ An Hiếu (hiện công tác tại Đại học Nghệ thuật quân đội) và ca sĩ, biên tập viên Bông Mai (đang làm việc tại Đài THVN). Chính từ người vợ thủy chung của mình, mà người nhạc sĩ tài hoa đầy lãng mạn dám dũng cảm nói trước công chúng: "Cả đời tôi mê đắm phụ nữ, vì không yêu, không bay bổng sao viết hay được?".

Bông Mai chia sẻ: Trước hôm ba tôi mất một ngày, hai cha con tôi ngồi cùng nhau trò chuyện rất lâu, chủ yếu chỉ nói về công việc, ngồi cạnh ông, nhưng ba tôi vẫn bấm máy chuyển cho tôi thư điện tử. Trong đó ông muốn tôi tiếp tục một kịch bản chương trình cho một đơn vị đặt hàng. Ông cũng đang viết dở dang một vở nhạc kịch về Kiều của Đại thi hào Nguyễn Du và ông dặn tôi dựng phần nhạc kịch, hai ba con hẹn tháng 9 sẽ hoàn thành để kịp phục vụ kỷ niệm 250 năm ngày sinh Đại thi hào Nguyễn Du, sẽ được tổ chức tại tỉnh Hà Tĩnh. Và còn nhiều thứ dang dở lắm, nhưng tôi không ngờ đó là cuộc trò chuyện cuối cùng của hai ba con tôi.    

Trong cuộc đời sáng tạo âm nhạc của mình, nhạc sĩ An Thuyên nổi tiếng với những ca khúc: Ca dao em và tôi, Em chọn lối này, Đêm nghe hát đò đưa nhớ Bác, Hành quân lên Tây Bắc, Khi xe tăng qua miền quan họ, Thơ tình của núi, Chín bậc tình yêu, Huế thương, Neo đậu bến quê, Mẹ Việt Nam anh hùng, Tiếng đàn,...

Tuy vậy, nhạc sĩ An Thuyên chiếm trọn được trái tim của mọi người yêu nhạc Việt Nam, là nhờ vào những bài viết nặng lòng với quê hương như: Neo đậu bến quê, Ca dao em và tôi,... Tình yêu quê hương sâu nặng, đậm đà đã thấm đượm trong các ca khúc của ông. Và cũng chính từ tình yêu đó đã thấm vào dòng chảy thẩm mỹ âm nhạc của ông, khi viết về những vùng quê khác, những đề tài khác như: Huế thương, Về miền Trung, Nhớ về Mẹ Suốt, Chín bậc tình yêu, Thơ tình của núi, Khi xe tăng qua miền quan họ,...

Ngoài sáng tác ca khúc trữ tình, đậm đà chất dân ca, một thế mạnh của mình, nhạc sĩ An Thuyên còn viết một số kịch hát đã được dàn dựng ở nhiều đoàn văn công như: Trương Chi, Đôi đũa kim giao, Biển tình cay đắng, Đất nước đứng lên (kịch bản dựa theo tiểu thuyết cùng tên của Nguyên Ngọc). Ông còn sáng tác cho khí nhạc như: Concerto cho flute và dàn nhạc giao hưởng. Ông cũng đã dành rất nhiều thời gian để viết nhạc cho phim, nhạc cho múa và viết phần âm nhạc cho khoảng 60 vở kịch nói, tuồng, chèo,...

Nhạc sĩ An Thuyên đã đoạt nhiều giải thưởng như: Giải nhất cuộc thi ca khúc toàn quốc năm 1985: Tiếng đàn balalaica trên sông Đà (phỏng thơ Quang Huy). Giải thưởng chính thức của Bộ Quốc phòng: Hành quân lên Tây Bắc (1984), Thơ tình của núi (1994). Giải nhất của Bộ Văn hoá - Thông tin và Hội Nhạc sĩ Việt Nam: Khi xe tăng qua miền quan họ (1985), Mẹ Việt Nam anh hùng (1995). Các tác phẩm của ông đoạt giải thưởng hàng năm của Hội Nhạc sĩ Việt Nam như: Giải nhì với bài: Chín bậc tình yêu (1992); giải Nhất với bài: Bài ca người tình báo (2000); Giải Nhất với bài: Đi tìm bóng núi (2004); Giải Nhì hợp xướng: Chào Việt Nam thênh thang mùa xuân (2004).

Đặc biệt, năm 2007 ông được trao tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật, với chùm tác phẩm: Em chọn lối này, Đêm nghe hát đò đưa nhớ Bác, Hành quân lên Tây Bắc. Trong cuộc đời binh nghiệp của mình, nhạc sĩ An Thuyên được tặng danh hiệu Chiến sĩ quyết thắng (12 năm liền), Huân chương Lao động hạng Ba, Huân chương Chiến công hạng Nhất.

Nhạc sĩ An Thuyên có lần tâm sự: "Tôi đã được lớn lên trong dòng sữa âm nhạc dân gian. Nhưng điều đấy không có nghĩa là chất liệu đó sẽ vào trong sáng tác của mình. Ðiều cốt lõi là người nhạc sĩ phải biết nâng niu, gọt giũa, kết hợp cái thuần tuý thắm đượm của âm nhạc dân gian, cái tri thức âm nhạc dân gian với tri thức âm nhạc bác học hiện đại. Có như vậy mới tạo ra được những tác phẩm tân thời hiện đại mà đậm đà chất liệu dân ca".

Một lần trả lời phỏng vấn của phóng viên văn hóa về cuộc đời sáng tác của mình, nhạc sĩ An Thuyên đã nói: "Tôi là một người nông dân, từ quê ra thành phố, rồi lại trở về với làng quê. Những gì học hỏi được từ thành phố, với kiến thức của mình tôi chỉ mong muốn rằng "làng quê" ấy trong mình rộng lớn hơn. Ra đi từ làng quê không nhiều tham vọng, tôi lại được trở về với đúng chất làng quê của mình bằng âm nhạc, đó là điều hài lòng nhất".

Sau ngày nghỉ hưu, ông dành nhiều tâm huyết với Hiệp hội Văn hóa Doanh nhân vừa mới được thành lập và có sở thích sưu tập các loại máy quay đĩa hát và máy chụp ảnh.

Nhạc sĩ An Thuyên đã có cả cuộc đời cống hiến trọn vẹn cho nền âm nhạc Việt Nam. Ông ra đi lúc 17h45 phút, ngày 3 tháng 7 năm 2015, để lại tiếc thương cho gia đình và những người mến mộ ông.

Dương Viết Chiến