.

Đàn ông xứ biển... hát ru

Thứ Hai, 07/12/2015, 11:03 [GMT+7]

(QBĐT) - Bao nhiêu lần qua lại làng biển Cảnh Dương (Quảng Trạch) trong tôi cứ da diết điệu hát bên chân sóng. Cũng gần đây mới biết gốc tích vì sao có một làng biển kỳ lạ nhất nước Nam là đàn ông hát ru hay hơn phụ nữ.

Điệu "hò hẻ..." không nơi nào có

Bên trong tâm hồn của người làng Cảnh Dương có lịch sử hơn 370 năm này là cả một câu chuyện về hát hò trong dặm dài mưu sinh lập làng. Từ những nóc nhà ban đầu dưới núi Hoành Sơn, bậc khai canh của hàng trăm năm trước đã sáng tác điệu hát ru cho người đàn ông và lưu truyền thang điệu kỳ lạ từ đó đến nay. Nó không được hát ở bất cứ chỗ nào ngoài biên giới làng biển Cảnh Dương. Nhiều ngôi làng đi biển hùng mạnh khác cũng có hò khoan, chèo cạn...để cầu mùa thì Cảnh Dương cũng có, nhưng điệu đàn ông hát ru thì tuyệt nhiên không làng nào có được.  

Người đàn ông hát ru hay nhất làng hiện là nghệ nhân ưu tú, cụ Phạm Ngọc Thức (80 tuổi). Vừa xắn tay sửa lưới trên tàu cá cụ vừa hát điệu: "Hò hẻ hò hè, bôồng bôổng bôồng bôồng/ Sáng ra lên núi đốt than/ Chiều về xuống biển, đào hang bắt còng/ Hò hẻ hò hè, bôồng bôổng bôồng bôồng/ Trông ra ngoài biển lu mù/ Thấy anh câu đục câu đù em thương...".

Thường các làng biển phải mở đầu lời hát của mình là "Hò ơi..." hoặc "À ơi..." nhưng Cảnh Dương lại ru mình bằng điệu: "Hò hẻ hò hè, bôồng bôổng bôồng bôồng". Đấy là điệu ca cổ cho đến nay trong xứ Cảnh Dương vẫn còn nhiều người như cụ Thức hát. Ông cho hay, duy nhất chỉ làng Cảnh Dương mới ngâm được làn điệu này, những làng biển kề cạnh có học mấy cũng không ngâm đúng lời: "Hò hẻ...". Người Cảnh Dương có giọng nói khác tiếng các làng khác ở Quảng Bình, phát âm gần giống như người miền Bắc và cụ lý giải: "Hò hẻ.." là cách tạo ra sự bắt chước tiếng sóng vỗ mạn thuyền gần bờ hoặc xa bờ. Vừa nói ông vừa bảo chúng tôi lắng nghe tiếng sóng ì oạp đánh vào con thuyền của ông. Cụ nói, hãy nghe như điệu cổ: "Hò hẻ..." sẽ thấy đúng nhịp, rồi cụ vừa nhìn lên núi Hoành Sơn vừa tiếp tục hát: "Hò hẻ hò he, bôồng bôổng bôồng bôồng/ Ơ.. ơ ơ...lên non... mới biết... non cao/ Nuôi con... à ơ... mới biết... công... lao... mẹ thầy/ Ơ ... ơ... ơ... ơ... ơ/ Chim trời ai dễ đếm lông/ Nuôi con ai dễ kể công tháng ngày/ Hò hẻ hò he bôồng bôổng bôồng bôồng/ Mẹ già như chuối chín cây/ Như xôi nếp mỏng như đường mía lau/ Hò hẻ hò hè, bôồng bôổng bôồng bôồng...".

Đàn ông không ru con đâu lớn được

Thật ra, ở Cảnh Dương mẹ ru con, bà ru cháu là chuyện thường tình, nhưng đàn ông không biết hát ru là chuyện khó có thể chấp nhận từ các thế hệ trước truyền lại. Cha phải ru con, ông phải ru cháu, anh trai phải ru em, bạn thuyền trên biển phải biết ru nhau và tự ru chính mình.

Cụ Thức tiết lộ: "Chú biết vì răng mà cha phải ru con, ở đây người ta gọi là bọ, bọ phải ru con, còn mạ (mẹ) không ru con khi có mặt bọ. Cũng là vì, cha đi biển lâu ngày mới về, lúc về không ở nhà ru con thì mần răng vợ ra chợ bán cá được. Người mẹ phải đi bán mớ cá cha đi biển về nên để con ở nhà, từ đó mà tiếng hát của đàn ông ru con nó bắt đầu: "hò hẻ hò he, bôồng bôổng bôồng bôồng".

Cụ Thức, nghệ nhân 80 tuổi hát ru hay nhất làng.
Cụ Thức, nghệ nhân 80 tuổi hát ru hay nhất làng.

Cụ Thức từng có nhiều năm đi biển kể lại sự da diết nhớ đất liền, nhớ vợ nhớ con: "Nhớ đến dại người, ở trên thuyền lênh đênh cả tháng, toàn đàn ông với nhau, suốt ngày giáp mặt nhau với mặn chát của sóng. Công việc trần ai dưới nắng gắt rồi bão tố, lúc đó phải tự ru mình, con trai với nhau tự ru mỗi người. Kẻ đầu mũi một nhóm ru nhau, kẻ dưới bụng thuyền một nhóm ru nhau, đứa dưới đuôi thuyền một nhóm ru nhau. Bọn tui vẫn hay hát: "Một mình anh chống liền chèo/ Lấy ai tát nước sang lèo cho anh/ Lấy anh thấy đói đừng lo/ Lấy anh tát nước miệng hò kéo neo/ bôồng bôổng bôồng bôồng, hò hẻ hò he/ Ra đi thì khổ mình ta/ Ở nhà thì đói cả bà liền con/ Ra đi thì sợ lỗ mồi/ Ở nhà thì lại đứng ngồi không yên/ bôồng bôổng bôồng bôồng, hò hẻ hò he". Khi hát giữa biển, điệu: "Hò hẻ..." lại đệm giữa hoặc đệm cuối, có khi đệm liên tục "Cho bớt đi cái buồn cô liêu trên sóng mênh mông chi khứ"-cụ Thức bày tỏ.

Những thanh niên nhớ người yêu thì hát da diết rằng: "Sông cùng mà biển không cùng/ Trời cao có hãm anh hùng mãi đâu/ Lấy anh thấy đói đừng lo/ Tay anh tát nước, miệng anh hò kéo neo”, đấy là lời nói rằng; em đừng thấy anh nghèo mà không ưng, anh có tài làm thuyền đi biển, lao động siêng năng thì rồi có tất cả. Nghe vậy, toán khác trên thuyền lại ru: "Cha mẹ em muốn ăn cá Khiêng/ Cho nên anh phải đóng thuyền ra khơi”. Cụ Thức giải thích: "Anh lấy em rồi thì anh phải yêu một mình em thôi, không yêu người phụ nữ khác và phải yêu cả ông bà, cha mẹ của em như cha mẹ anh, nay cha mẹ em muốn ăn cá Khiêng, một loài cá ngon thì anh phải đóng thuyền mà ra khơi đánh bắt về để thể hiện trọn đạo hiếu với bố mẹ vợ và thủy chung với người mình thương". Và có những câu nhớ người yêu đến cồn cào cả sóng biển: "Hò hẻ hò hè, bôồng bôổng bôồng bôồng/ Đêm qua anh gối tay nàng/ Ngày nay ra biển, anh gối đàng giây neo/ Hò hẻ hò hè, bôồng bôổng bôồng bôồng...".

Điệu cổ mà giá trị

Khi chồng đi biển thì ở nhà đàn bà tự ru mình: "Lấy anh không đói mà lo/ Tay anh tát nước miệng hò kéo neo/ Một là em thấy đói mà chê/ Hai là em thấy xa quê mà buồn/ Sông sâu phải kiếm sào dài/ Cửa nhà anh đang đứng kiếm một người nhanh tay/ Thuyền than mà đậu bến than/ Thấy anh vất vả cơ hàn em thương/ Thuyền than mà đỗ bến chiều/ Anh không vất vả lấy gì nuôi con/ bôồng bôổng bôồng bôồng, hò hẻ hò he/ Bà ơi bà thổi gió đông/ Cho ghe tui xuống, cho chồng bà lên/ bôồng bôổng bôồng bôồng, hò hẻ hò hè". Mệ Đỗ Thị Lài, một nghệ nhân ở Cảnh Dương vừa tái hiện lại cảnh ru mình của người phụ nữ lúc chồng đi xa.

Cao hơn, người vợ thấy chồng đi xa biền biệt, như muốn lên chùa đi tu, nhưng nhìn bố mẹ chồng thì lại không đành để tu mà tự răn rất hay khi bà Lài hát tiếp: "Lên chùa thấy Phật muốn tu/ Về nhà thấy mẹ mà tu không thành/ bôồng bôổng bôồng bôồng, hò hẻ hò hè/ Tu đâu cho bõ tu nhà/ Nhường cha kính mẹ cũng là đi tu". Cũng bởi, mẹ chồng đã chăm con đến thế này: "Chim trời ai dễ đếm lông/ Nuôi con ai dễ kể công tháng ngày". Thế nên người vợ tự ru mình: "Nuôi con ai kể tiền cơm/ Nuôi chồng ai kể công ơn vợ chồng". Từ đó mà răn dạy con cái của mình: "Mẹ không ước cửa sang giàu/ Mẹ mong con nhớ nơi nào sinh con/ bôồng bôổng bôồng bôồng, hò hẻ hò hè". Bởi vì lúc đàn ông làng biển từng chỉ bày: "Ra đi anh dặn em rằng/ Đâu hơn em lấy mô bằng đợi anh/ Đợi anh thì tuổi em cao/ Thì duyên em lạc, má đào em phai"...."Nhưng duyên có lạc, má hồng có phai cũng đợi, vì thề với người yêu rồi, không thể lấy đâu hơn nữa", mệ Lài giải thích.

Cụ Thức cho rằng, những lời hát có vẻ cổ hủ nhưng có giá trị nhân văn vô cùng. Nó là dây neo để người làng cố kết lại, chắt chiu tình cảm, nương tựa vào nhau mà dựng làng mà làm ăn cho tới ngày hôm nay. Trí tuệ trai gái người Cảnh Dương cũng dựng ra nhiều câu ru nhau về tình yêu khó tìm ra ở bất cứ miền biển nào. Khi con trai hát: "Một mình anh cả chống liền chèo/ Lấy ai tát nước sang chèo cho anh”, có ý nói chưa có vợ con, cần người chung chí hướng. Không vì thế mà con gái Cảnh Dương động lòng ngay mà lại hát: "Muốn cho con Sủ 3 đòn/ Con Sơn, con Ngản sông Roòn thiếu chi”, đấy là lời khuyên chàng trai cần đi ra sông Roòn bắt cá hiếm dựng nghiệp làm giàu. Tráng chí nam nhi lại hát: "Sông cùng mà biển không cùng/ Trời cao có hãm anh hùng mãi đâu/ Lấy em thấy đói đừng lo, tay anh tát nước, miệng anh hò kéo neo ”.

Cụ Thức kể một lời ru cổ khác. Xưa, có hai anh em trong làng mồ côi cha mẹ từ nhỏ, lớn lên rau cháo bên nhau. 35 tuổi người anh có vợ, từ đó người anh cần cù hơn em nên tôm cá dồi dào, gia thất mạnh mẽ. Đối lại, người em chỉ quanh quẩn trong bờ nên đánh bắt yếm thế, cuộc sống khó nghèo mà sinh lòng đố kỵ. Người chị dâu thương em muốn mách ngư trường chồng đánh cá nhưng lại sợ bị mắng nên mỗi lần chồng đi biển chị lại tự hát ru mình để mách chỗ cho em: "Lối La... ba hỡi... Lối La./Đã mất giấc ngủ lại xa đường chèo/ Không bằng cật xước, làng leo/ Đã nhẹ đường chèo được gạo con ăn”, hát mãi người em nghe ra, biết anh trai đang đánh cá ở lối vịnh hòn La liền dông thuyền ra đó. Anh em gặp nhau giữa biển bao la nên hỗ trợ nhau, bao hiềm khích tan biến như bọt nước, họ thuận hòa như xưa, xây dựng gia đình mạnh lên từ những chuyến biển như thế.

Từ đó mà người chị dâu lại hát: “Con cá không nương cây cũng có ngày bão vùi sóng dập/ Con người không thương nhau cũng có ngày sống vật, sống vờ/ Anh em thương nhau rồi nên giữ trọn ước mơ/ Buông câu thả lưới để sớm hôm chung thuyền”. Lạ một điều, vì sao cá dưới biển mà phải nương cây, hỏi nhiều lão ngư mới biết, loài cá đó thích những thứ cây như tre, hoặc cây nhiều lá do ngư dân thả xuống biển, chúng nương vào đó sinh sống và đẻ con. Lấy con cá để nói chuyện chung tình, người kẻ biển thật biết nghề nghiệp của họ để ví von trữ tình.

Minh Phong