.

Văn nhân Bắc hành ký

Thứ Bảy, 21/11/2015, 14:35 [GMT+7]

(QBĐT) - Mùa thu, mà phải đợi đến nửa cuối thu, để những vùng thôn dã nửa sáng nửa chiều lãng đãng sương, để những mặt sông mịt mờ khói sóng...thì văn nhân mới lên đường. Sau Đại hội đại biểu nhà văn toàn quốc lần thứ chín vào giữa tháng bảy, theo kế hoạch thực tế sáng tác hàng năm, Chi hội nhà văn Việt Nam tại Quảng Bình lên đường Bắc hành trực chỉ. Đoàn có sáu người, gồm ba nhà văn: Hữu Phương, Nguyễn Thế Tường, Hoàng Thái Sơn; các nhà thơ: Hoàng Vũ Thuật, Lý Hoài Xuân và một nhân vật mới gia nhập đội quân “giời đày” (hội viên hội nhà văn Việt Nam) là nhà thơ Thái Hải.

Quốc lộ 1 thênh thênh, đến Thanh Hóa vào nửa chiều, thăm nhà văn Kiều Vượng, một ‘đại nhân’ theo đúng nghĩa đen (người vóc lớn), Trưởng đại diện báo Văn nghệ của Hội Nhà văn tại miền Trung đang chống chọi với căn bệnh hiểm nghèo. Kiều Vượng gắn bó nhiều với Quảng Bình trong thời chống Mỹ khi ông chỉ huy đoàn vận tải thuyền nan 500 chiếc của Thanh Hóa chuyển lương thực, quân nhu vào tập kết ở Quảng Bình rồi từ đó phân phối vào chiến trường B(bê) C(xê).

Sau buổi giao lưu với Chi hội nhà văn Việt Nam tại Thanh Hóa cùng những tên tuổi lão thành: Văn Đắc, Từ Nguyên Tĩnh...những nhà văn mới và danh tính khá ấn tượng: Hỏa Diệu Thúy, Viên Lan Anh...bỏ qua những địa chỉ du lịch xứ Thanh đã quen thuộc như thành Nhà Hồ (Tây Đô), Lam Kinh, Bến En, suối Cá Thần...đoàn nhà văn đến Nam Định, đất văn-thơ-nhạc, đất Dệt một thời chưa xa... “Sông kia rày đã nên đồng/ Chỗ làm nhà cửa chỗ trồng ngô khoai/ Vẳng nghe tiếng ếch bên tai/ Giật mình còn tưởng tiếng ai gọi đò”, bài thơ Sông Lấp của cụ Tú Xương vọng về từ gần trăm năm mà vẫn ám ảnh về sự đời biến cải.

Thành phố dệt không còn tiếng máy tiếng thoi nhưng Nam Định vẫn tự tin trong cơ chế mới và cái chất văn hóa thanh tao của vùng đất thơ nhạc thì không thể phôi pha. Tỉnh sẵn sàng bỏ ra ba tỷ đồng để mua lại căn nhà lưu niệm cụ Tú Xương, trân trọng xây phần mộ cụ ngay trong công viên cây xanh nơi dựng tượng Đức thánh Trần, cũng coi như sự nghiệp thơ phú được sánh ngang với bậc thánh nhân. Hơi phảng phất ưu tư khi tìm đến căn nhà cũ của nhạc sĩ Đặng Thế Phong tài hoa nhưng đoản mệnh. Nhà đã qua tay một hai chủ giờ thành cửa hàng ẩm thực, vẫn nghe đâu đây trong gió giai điệu “Ngoài hiên giọt mưa thu thánh thót rơi...” Và “Đêm nay thu sang cùng heo may, đêm nay thu sang mờ chân mây, thuyền ai lờ lững trôi theo dòng, như nhớ thương ai cùng tơ lòng...lướt theo chiều gió một con thuyền trôi theo trăng, trên con sông sâu thuyền mơ bến...”.

Thăm, trải nghiệm! Có thể gọi như vậy vì di tích thờ Thánh Mẫu Liễu Hạnh ở Phủ Giày là cả một quần thể kiến trúc đền- tháp quy mô rộng sánh ngang một làng nông thôn Việt Nam. Đây là vị thánh trong “tứ bất tử” hiện diện ở Quảng Bình trong lộ trình vân du bảo hộ con dân Đại Việt trên hành trình mở cõi về phương Nam. Có một điều khá thú vị là, phát tích tại Nam Định vào thế kỷ 15, vị Thánh Mẫu tượng trưng cho công lý cho ý chí chống cường quyền bất công, đã “thượng kinh’ ngự tọa ở phủ Tây Hồ. Trên đường vào phương Nam, thánh đã dừng lâu ở mái Nam đèo Ngang, và, chính ở đây đã dạy cho không ít kẻ ỷ thế làm càn, có cả một cuộc chiến trời long đất lở khi triều đình đưa binh hùng tướng mạnh đến đánh dẹp...

Cách quần thể kiến trúc Thánh Mẫu chừng hai kilômét là quê nhà, là căn nhà tổ phụ nay thành nhà tưởng niệm và cả phần mộ nhà thơ Nguyễn Bính ngay trong khuôn viên. Làng, nay đang dần đô thị hóa, nhưng, ngay cả trên đường lớn với lưu tốc phương tiện tham gia giao thông hối hả, dừng chân hỏi thăm nhà Nguyễn Bính, người dân đây lập tức định danh :

-    Nhà thơ phải không? Các bác đi...

-    Các bác để “em” dẫn vào tận nơi!

Ôi, cái vị thế nhà thơ trong đời sống xã hội có còn thiêng không, nhưng ở đây thì có thể nói được rằng: Thơ, nếu nói được tiếng lòng của đồng loại, nếu chan hòa được với nhân quần, thì...còn có “cơ” lắm lắm. Khuôn viên u tịch nhưng không lạnh lẽo, trầm mặc mà không tối tăm. Quanh quanh ngõ xóm còn nhiều bờ ao, cây dại, lá vàng rơi rụng. Một chiếc xe máy, người điều khiển là một thiếu nữ quần bò áo phông biết giảm ga khi ngang qua đoàn khách lạ: xem ra, dù “đi tỉnh về” , nhưng, không phải ai cũng bay hết “hương đồng gió nội”. Người quản gia hương hỏa nhiệt tình dẫn đoàn đi giới thiệu những khuôn viên lưu ký ức hình bóng nhà thơ trong lòng người đời. Bây giờ là mùa thu, lúa vụ tám vẫn còn xanh, lại tưởng như có thể nhìn đâu đó ở cổng làng thấy cái cuộc sống chậm rãi nhàn tản của một thời nông nghiệp sản xuất nhỏ:

Cổng làng rộng mở ồn ào
Nông phu lững thững đi vào nắng mai...

Có “...vài chị gái non/ Dừng chân uể oải chờ cơn gió nồm”. Thanh bình quá và cũng ngưng đọng quá. Làng của Nguyễn Bính bây giờ nhìn qua thì vẫn thế. Nhưng, cần biết rằng, những người trai làng Nam Định chỉ về quê trong vụ gặt, giỗ, chạp, tết nhất. Còn thì, như cánh chim, đồng hương của thi nhân bay đi bốn phương hành nghề kiếm sống và hình như vắng người làm thơ. Hội viên nhà văn của tỉnh chỉ còn có bốn vị “bám trụ” lại quê hương. Tôi quen nhà thơ Phạm Trọng Thanh cách nay đã mười chín năm ở trại viết Đồ Sơn của Tổng cục chính trị và nhớ mãi câu thơ “biến thể” trào lộng của anh: “Bầm ơi có rét không bầm/ Vonga con ấm gà hầm con xơi? Bầm còn rét nữa bầm ơi”...

Quê ta Quảng Bình, núi sông hùng vỹ, bên cánh đồng là đồi bát úp, ven sông suối là xóm là làng. Người quảng Bình hẳn sẽ ngạc nhiên khi đến với Thái Bình và biết rằng, vùng “Quê hương năm tấn” ấy tuyệt nhiên không hề có một mô đất nào nhô cao. Nhưng Thái Bình không hề đơn điệu, có thể bởi chiều sâu lịch sử vùng đất, tôn giáo và ấn tượng hơn là nơi phát tích triều Trần rạng danh lịch sử. Điều khá bất ngờ khi đến thăm danh thắng chùa Keo (Thần Quang tự) ở xã Duy Nhất huyện Vũ Thư, gặp thời điểm vị thánh tổ tròn 999 năm sinh nhật. Đó là Thiền sư Không lộ có công lớn cùng với các vị hoàng đế triều Lý xây nên thời thịnh trị. Và, thú vị hơn nữa là dân gian truyền tụng sự tích còn lưu lại bằng văn vần trong “Lý triều quốc sư thánh tổ kệ dẫn quốc âm” cho rằng, ngài đã từng cùng thiền sư Từ Đạo Hạnh và thiền sư Giác Hải ngược sông Hồng đến chốn Thiên Trúc bái Phật cầu kinh (như Đường Tam Tạng ở Trung Hoa mất 14 năm tây du). Lịch sử ngót nghìn năm với bao nhiêu giai thoại bảng lảng như sương khói chả biết thực hư, nhưng nay tượng ngài bằng gỗ trầm hương còn được kính thờ ở cấm điện, người thường muốn chiêm bái phải lòng thành chay tịnh đủ trăm ngày.

Thái Bình cũng là đất phát nghiệp của một vương triều sáng chói trong lịch sử giữ nước dựng nước cách nay đúng 790 năm (1225). Hơn 30 kilomet đường từ thành phố Thái Bình, đến thôn Tam Đường xã Tiến Đức huyện Hưng Hà để được chiêm bái đền thờ các vua Trần, nghe truyền thuyết về ngôi mộ tổ nhà Trần ở gò Hỏa Tinh gối đầu lên Cổ bi phục tượng, nhìn ra ngã ba sông, tả hữu la liệt cờ trống. Đền Trần và Thái Đường Lăng- đất phát nghiệp, nơi đặt mộ tổ, các vua, hoàng hậu và công chúa nhà Trần đã được Bộ Văn hóa Thông tin Thể thao và Du lịch công nhận là khu Di tích khảo cổ học và Di tích lịch sử cấp quốc gia năm 1990. Đó là biểu hiện của tấm lòng hậu thế hướng về cội nguồn, tôn vinh quá khứ hào hùng của quê hương đất nước. Đây cũng là nơi mà sau khi chiến thắng quân Nguyên Mông lần thứ ba, Thượng hoàng Thánh Tông và vua Nhân Tông đem các tướng giặc bị bắt về làm lễ mừng thắng trận ở Chiêu lăng. Trong đại lễ lịch sử này vào ngày 17/3/Mậu Tý (1288) vua Nhân Tông đã đọc hai câu thơ bất hủ:

 “Xã tắc lưỡng hồi lao Thạch Mã
 Sơn hà thiên cổ điện kim âu”.

Về đất Bắc cũng như trở lại cội nguồn, để chiêm nghiệm, lắng đọng, và, trong hành trình sáng tạo của nhà văn, lịch sử hiện diện như một khách thể không thể thiếu.

Đồng Hới cuối thu

Ghi chép của Tương Huyền