.

Thân thương hai tiếng đồng bào

Chủ Nhật, 15/11/2015, 14:31 [GMT+7]

(QBĐT) - Trong truyền thuyết lịch sử của đất nước Việt Nam ta còn lưu truyền lại chuyện mẹ Âu Cơ và cha Lạc Long Quân với 100 đứa con, một nửa lên rừng, nửa về với biển. Có lẽ chữ “đồng bào” chung bọc trứng bắt đầu từ đó. Một dải đất nước lưng tựa Trường Sơn, hướng ra biển Đông trải qua bao bão gió của thiên nhiên khắc nghiệt, bao cuộc chiến tranh chống giặc ngoại xâm mà vẫn giữ vẹn nguyên tiếng nói văn hóa Việt. Đó chính là sức mạnh đoàn kết chung sức, đồng lòng mà trong kho tàng tục ngữ, dân ca đã phản ánh rất rõ triết lý kinh nghiệm sống, ứng xử trong mối quan hệ xã hội, cộng đồng gắn kết với nhau: “Nhiễu điều phủ lấy giá gương – Người trong một nước phải thương nhau cùng”.

Sinh thời Bác Hồ - vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc nhiều lần nhắc đến khối đoàn kết: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết – Thành công, thành công, đại thành công”. Ngày 2 tháng 9 năm 1945 giữa Quảng trường Ba Đình lịch sử, đang đọc bản Tuyên ngôn độc lập, Bác đã dừng lại hỏi: “Tôi nói đồng bào nghe rõ không”. Hai tiếng “đồng bào” đã được ghi nhớ từ ngày ấy. Hình ảnh Bác - người nhạc trưởng chỉ huy giàn nhạc hòa tấu bài “Kết đoàn” đã trở thành tấm ảnh vô giá của giới nghệ sỹ nhiếp ảnh.

Từ xưa tới nay truyền thống “Con Lạc cháu Hồng” luôn là niềm tự hào của mỗi người dân đất Việt. Nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm trong trường ca “Mặt đường khát vọng” đã dành trọn vẹn chương “Đất nước” để nói về sức mạnh đoàn kết của cả dân tộc: “Khi có giặc người con trai ra trận – Người con gái trở về nuôi cái cùng con”. Và: “Giặc đến nhà đàn bà cũng đánh”. Truyền thống đó có từ mẹ Âu Cơ, bà Trưng, bà Triệu đến các thế hệ sau này. Có lẽ duy nhất ở đất nước ta mới có danh hiệu: “Mẹ Việt Nam Anh hùng”. Mẹ đã sinh ra bao người con cùng chung một dòng máu “Con rồng, cháu tiên” từ bọc trứng đồng bào huyền thoại như một khát vọng thống nhất đất nước của dân tộc.

Ngày hội đoàn kết là ngày mà cả dải đất nước chữ S thân yêu, thân thương hai tiếng: Đồng bào. Chúng ta đã dành trọn vẹn tình cảm cho “Ngày vì người nghèo”, “Tháng vì người nghèo” lá lành đùm lá rách cho bao số phận cơ nhỡ bằng những hành động thiết thực mà cảm động biết bao: “Một miếng khi đói bằng một gói khi no”. Dân tộc Việt chuộng chữ tình, sống vì tình và chung thủy với tình, đó cũng là chứng minh triết sống từ xưa tới nay. Chính nội lực, nền tảng văn hóa là cội nguồn cho những cung bậc yêu thương đó.

Khi chúng ta bước vào một thôn xóm qua cánh cổng chào: “Làng văn hóa” hay “Khu dân cư văn hóa” chính là lúc ta bước lên bậc thềm của tình yêu thương cộng đồng sâu sắc. Ta được bước vào một bầu khí quyển mới của sự bình yên, bình yên cả thể xác và bình yên cả tâm hồn. Ta được sống trong vòng tay ôm ấp, thân thương của lũy tre xanh ngàn đời gắn kết với nhau như bức tường thành cũng là lúc ta được sống trong vòng tay của tình người muôn thuở: “Bầu ơi thương lấy bí cùng – tuy rằng khác giống như chung một giàn”.

Đất nước ta có nhiều dân tộc. Tuy ngôn ngữ có thể khác nhau, giọng nói thổ ngữ các miền quê có thể khác nhau, hoa văn trên trang phục có thể khác nhau. Nhưng khi thấy một tà áo dài Việt Nam, một nón bài thơ Việt Nam thì đều nhận ra đó là một Việt Nam đồng nhất. Đồng nhất từ ý chí quật cường chủ quyền đất nước; đồng nhất từ niềm tự hào dân tộc; đồng nhất từ lịch sử hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước; đồng nhất từ trong thẳm sâu huyết mạch văn hóa;  đồng nhất từ hai tiếng “đồng bào” mỗi khi cất lên bài hát “Kết đoàn” như là cội nguồn sức mạnh của cả dân tộc.

Nguyễn Ngọc Phú