.

Sáo Sui của người Bru-Vân Kiều

Thứ Tư, 25/11/2015, 10:02 [GMT+7]

(QBĐT) - Bên bếp lửa, bên hũ rượu cần, ngoài mái hiên hứng gió và cạnh khung cửa sổ nhìn ra ngoài trời của ngôi nhà sàn hay giữa đám cỏ thênh thang trời đất, những người đàn ông Bru-Vân Kiều thường ngồi thổi sáo Sui. Khung cảnh của đại ngàn Trường Sơn với bốn bề là núi, giữa khoảng không mênh mông rộng lớn và xa tít, chẳng có thứ âm thanh nào nghe da diết hơn.

Tôi nhớ tiếng sáo Sui của già Hồ Ai, già Trần Phúc, già Hồ Khao ở bản Khe Cát vào những mùa lễ hội trước, khi tôi lần đầu tiên đặt chân lên đến xã Trường Sơn. Với kẻ ngoại đạo như tôi thì thứ âm thanh đó khiến tôi tò mò và thích thú hơn là lắng nghe và thấu hiểu nó. Lâu dần, có cơ hội quay trở lại đây nhiều hơn, tôi được nghe tiếng sáo Sui nhiều hơn và thấy thấm thía hơn. Là những người gắn bó lâu năm với cây sáo Sui, già Trần Phúc, Hồ Ai nâng niu cây sáo Sui như một người bạn. Đó chính là sự trân trọng, là sự kế thừa từ tổ tiên và cũng là sự gắn bó giống như tri kỉ. Chẳng phải ngẫu nhiên khi tiếng sáo Sui cất lên là những người xung quanh đều im lặng và lắng nghe, cũng chẳng phải ngẫu nhiên mà chỉ có những người đàn ông Bru-Vân Kiều mới được thổi sáo Sui và không can cớ lại mang sáo Sui ra thổi. Đó chính là trật tự, là tôn ti và tính thiêng của một loại nhạc cụ quan trọng mà người Bru-Vân Kiều mặc định nó có vị trí xứng đáng trong đời sống tinh thần tín ngưỡng của họ.

Già Hồ Khao thổi sáo Sui.
Già Hồ Khao thổi sáo Sui.

Không nhiều người làm được sáo Sui bởi nhìn bề ngoài thì trông rất đơn giản nhưng để chế tác chiếc sáo Sui có thể phát ra thứ âm thanh màu sắc thì thật khó. Sáo Sui được làm bằng tre, thuộc loại sáo dọc. Đó là loại tre già được lấy ở trong rừng dài khoảng 55cm, đường kính 3-4 cm, không lớn hơn cũng không nhỏ hơn bởi sẽ ảnh hưởng đến âm thanh của sáo. Tre lấy về được phơi khô cho no nắng rồi khéo léo đục những lỗ nhỏ trên thân với khoảng cách phù hợp. Khi thổi, sáo Sui phát ra tiếng khàn đục, quãng âm thanh rộng để có thể diễn tả được nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau. Những người biết thổi sáo Sui cũng vì thế mà rất kén chọn. Chỉ những người đàn ông Bru-Vân Kiều mới đủ khéo léo và dài hơi để có thể thổi được sáo Sui một cách thành thục.

Hình ảnh người đàn ông Bru-Vân Kiều ngồi thổi sáo Sui ở mái hiên nhìn ra ngoài trời của ngôi nhà sàn vừa da diết vừa trầm ngâm. Quãng âm thanh rộng, tiếng Sui khàn đục từng nhịp, từng giai điệu mạnh mẽ và chắc chắn. Giữa cái mênh mông của trời đất và vô số những âm thanh của tự nhiên khác, tiếng Sui thật hào sảng. Vào những buổi chiều tà, hoàng hôn buông màu đỏ tưới lên cả khu rừng, tiếng Sui khi ấy cũng bình yên đến lạ. Hay bên bếp lửa cạnh hũ rượu cần phảng phất hương thơm, những người đàn ông Bru-Vân Kiều sau dăm ba câu chuyện rôm rả, nhấm nháp từng hơi rượu cần nhẹ nhàng, gia chủ trịnh trọng xin phép tổ tiên mang cây sáo Sui của gia đình trên bàn thờ xuống. Họ lại tiếp tục cuộc vui. Tiếng sáo Sui cất lên, người đàn ông trầm ngâm cất cao tiếng hát Si-nớt, mọi người im lặng lắng nghe. Những người phụ nữ trong gia đình nhẹ nhàng gác lại công việc đang làm dở, trẻ con cũng thôi nô đùa, họ cùng nhau quây quần bên bếp lửa. Tiếng Sui trầm bổng, tiếng hát Si-nớt khoan thai, không gian tĩnh mịch, thanh âm thoát ra như mời gọi, bản của người Bru-Vân Kiều lại rộn ràng, ngôi nhà vì thế mà đông khách đến chơi hơn. Họ vừa hát vừa thổi sáo, bao hồi ức của quá khứ lại mênh mang gọi về, tha thiết và tự hào lắm thay. Người Bru-Vân Kiều thương yêu nhau và cũng thương yêu tự nhiên hết mực. Những cây sáo, cây đàn... được làm bằng các loại cây lấy ở trong rừng trở thành những vật dụng gắn bó với bao thế hệ người Bru-Vân Kiều. Họ trưởng thành với một cơ thể khỏe mạnh như những cây rừng và một tâm hồn ấm áp, phóng khoáng như tiếng Sui. Chẳng thế mà sáo Sui còn góp mặt trong những ngày vui của cả bản, gần gũi và thân tình là thế nên đám cưới rộn ràng và ý nghĩa hơn cũng phải có Sui. Tiếng Sui trong đám cưới nghe khoan thai, nhịp nhàng, có lúc tiếng Sui lại hứng khởi hòa tấu cùng với các loại nhạc cụ khác thường được sử dụng trong đám cưới như đàn Tính-tùng, đàn Pơ-lựa, A-chum với ý nghĩa mang lại vui vẻ và hạnh phúc.

Già Trần Phúc không giấu được sự trăn trở.
Già Trần Phúc không giấu được sự trăn trở.

Ngày xưa, khi người Bru-Vân Kiều cố kết với nhau bởi rất nhiều lễ hội và sinh hoạt cộng đồng thì phần lớn đàn ông đều biết thổi Sui, Pi, Ta-riêng.... Bởi đó là những nhạc cụ không thể thiếu trong các nghi lễ cúng tế truyền thống của người Bru-Vân Kiều. Đàn ông Bru-Vân Kiều vì thế mà biết chơi nhiều loại nhạc cụ và thổi sáo Sui cũng thật hay. Phụ nữ Bru-Vân Kiều thì cất tiếng hát ấm áp những bài hát truyền thống của dân tộc mình. Những cuộc vui, những lễ hội vì thế mà rộn ràng và kéo dài hơn. Người Bru-Vân Kiều quây quần bên nhau, đắm chìm trong tiếng Pi, tiếng Sui quen thuộc rồi lại nhắc nhau, gọi nhau tìm về những mùa hội năm sau nữa.

Bây giờ sáo Sui gần như chỉ còn trong hồi ức của những người già Bru-Vân Kiều như già Phúc, già Ai, già Khao. Những người đàn ông từng là những chàng trai say sưa với Sui, với Pi, với A-chum, với Khơ-lui... từng là những người thợ khéo tay vừa chế tác vừa sử dụng thành thạo các loại nhạc cụ truyền thống của người Bru-Vân Kiều. Họ là những người đã từng thổi sáo vang khắp bản làng để báo hiệu những mùa hội rộng dài của cả bản, và bây giờ họ gần như là một trong số rất ít những người Bru-Vân Kiều còn biết sử dụng sáo Sui. Gọi là hồi ức bởi bản người Bru-Vân Kiều bây giờ có nhiều nét văn hóa mới đang rất thịnh hành. Từ lâu những mùa hội thiếu đi những hơi sáo thật dài, thật sảng khoái, thật dồn dập như một lời hiệu triệu. Cũng đồng nghĩa từ lâu những mùa hội đó cũng đang dần mai một trong đời sống sinh hoạt cộng đồng của họ. Bên bếp lửa cũng thưa dần những hôm cả bản quây quần nghe thổi Sui rồi cũng từ đó mà vắng bóng. Rượu cần vẫn uống, vẫn say nhưng chẳng mấy ai còn nhớ lấy Sui để thổi. Có chăng những người già lại rưng rức với những hồi ức đẹp đẽ, những hồi ức mà họ và cha ông họ đã từng gắn bó và tự hào, thỉnh thoảng lại mang cây sáo Sui được cất giữ cẩn thận ra thổi. Trước mái hiên nhà, tiếng Sui của già Phúc, già Khao lại cất lên khàn đục mà da diết như nhắc nhở con cháu hãy giữ lấy cội rễ tinh thần của người Bru-Vân Kiều.

Trong những câu chuyện của mình, già Phúc chẳng nén được tiếng thở dài. Tôi thấy ánh mắt già xa xăm như hồi tưởng, “thưở đó chẳng quên được, bản người Bru-Vân Kiều vui lắm cháu ạ. Lâu lắm già không thổi Sui nhưng không quên được đâu”, nói rồi già lại lấy Sui ra thổi. Tôi biết, chẳng dễ gì nguôi ngoai những thứ đã nuôi dưỡng tâm hồn họ, giống như khi họ đã coi đó là thứ giúp họ diễn tả cảm xúc và tâm hồn của mình như tri kỷ thì dù có im lặng mà nâng niu nhau thôi cũng đủ trân quý lắm rồi.

Tôi hỏi những chàng thanh niên trẻ mà tôi có cơ hội gặp gỡ và tiếp xúc ở bản Khe Cát và Cổ Tràng ở xã Trường Sơn rằng họ có biết làm sáo Sui hay một số nhạc cụ truyền thống khác như sáo Pi, kèn A-mam, sáo Khơ-lui và sử dụng chúng hay không thì hầu hết đều nhận được những cái lắc đầu e ngại. Và sự lo lắng trăn trở của những người già Bru-Vân Kiều là có thật. Câu chuyện về gìn giữ và phát huy văn hóa truyền thống của người Bru-Vân Kiều đáng lẽ phải được quan tâm từ lâu nhưng bắt đầu ngay từ bây giờ cũng chưa phải muộn.

Diệu Hoài