.
Quê hương- Đất nước- Con người:

Huế, dấu ấn nhạc và thơ - Bài 1: "Sao anh không về chơi thôn Vĩ?"

Thứ Hai, 16/11/2015, 14:54 [GMT+7]

(QBĐT) - Một lần đến Huế, ghé thăm Vĩ Dạ, men theo giữa những lối nhỏ dọc bờ sông, chợt nghe tích xưa, chuyện cũ vọng về. Về Vĩ Dạ, chợt thấy nhớ thi sỹ Hàn Mặc Tử và khắc khoải mãi ý thơ "Sao anh không về chơi thôn Vĩ?".

Người bạn của tôi - nhà báo Thái Lộc, phóng viên thường trú Báo Tuổi trẻ tại Thừa Thiên- Huế là người có một vốn hiểu biết sâu sắc về văn hoá đất cố đô. Anh cứ khuyên tôi hãy cứ đến Vĩ Dạ một lần để xem còn không những "nắng hàng cau nắng mới lên", để xem "sương khói mờ nhân ảnh" có còn đủ sức níu chân "khách đường xa" nữa hay chăng? Nghe lời giới thiệu đầy kích thích của anh cùng cái trí tò mò muốn khám phá miền quê đã từng thuộc lòng trong thơ Hàn Mặc Tử từ thời còn đi học, tôi quyết định về Vĩ Dạ.

 Tuy Lý Vương Phủ - một trong những công trình kiến trúc cổ tại phường Vĩ Dạ
Tuy Lý Vương Phủ - một trong những công trình kiến trúc cổ tại phường Vĩ Dạ

Làng quê ấy đón tôi bằng cái nắng đầu đông rất ngọt. Đã nhiều thập niên trôi qua từ dạo bước chân vào thơ của chàng thi sỹ họ Hàn, Vĩ Dạ xưa nay đã nhiều đổi khác. Làng xưa nay đã lên phố, là phường Vĩ Dạ, thuộc thành phố Huế. Nhưng có lẽ, do địa thế được bao bọc giữa những dòng nước ngọt mát và những cánh đồng lúa mênh mang, trải rộng mà đâu đó, ở Vĩ Dạ vẫn còn chút yên bình của làng quê lẫn trong chút xốn xang của phố thị buổi hội nhập. Dường như thiên nhiên và đất trời khá ưu ái với mảnh đất này khi dòng sông Hương trước lúc hoà vào biển cả đã gửi về thôn Vĩ những lớp phù sa tích góp của cuộc hành trình. Mặc cho thời thế đổi dời, cuộc sống hiện đại đã khoác áo lên những ngôi nhà cao tầng mọc lên san sát, thì ẩn sau lớp áo hào hoa ấy, dải đất Vĩ Dạ ven sông vẫn còn đó nét dung dị như một cô thôn nữ trầm mặc.

Nhà báo Thái Lộc bảo rằng làng Vĩ Dạ xưa vốn là làng của quan lại triều Nguyễn. Vậy nên nói đến Vĩ Dạ là nói đến những vương phủ của thân vương, là quê cha, bổn quán của những quan đại thần xuất thân khoa bảng hay lập công trên trận mạc. Vĩ Dạ là nơi dựng phủ đệ của các hoàng tử con các vua đầu nhà Nguyễn như phủ Nghĩa Hưng Quận Vương, phủ Diên Khánh Vương, phủ Tuy Lý Vương, phủ Kiến An Vương, phủ Tuy Biên Quận Công... Chỉ tính các phủ đệ lớn, dải đất ven sông này có đến 12 phủ đệ. Vĩ Dạ gắn với vương phủ và tài thơ của Tuy Lý Vương Miên Trinh, hoàng tử thứ 11 của vua Minh Mạng đã từng được vua Tự Đức cho là "Thi đáo Tùng Tuy thất thịnh Đường" (Tùng Thiện Vương Miên Thẩm, Tuy Lý Vương Miên Trinh). Yêu thích cái phóng khoáng của sông nước, đồng lau nơi đây mà ông đã chọn thôn Vĩ để lập phủ. Vĩ Dạ cũng là tên ông đặt cho một thi tập của mình.

Bây giờ nhà thờ ông nơi phủ Tuy Lý xưa, thường gọi là phủ Ba Cửa là một trong những phủ đệ đẹp ở cố đô còn được bảo lưu tương đối nguyên vẹn, là một di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia. Và cứ hễ gặp ai nơi mảnh đất Vĩ Dạ hôm nay, hỏi về những công trình mang dấu tích xưa cũ của quê hương, họ đều tự hào nhắc về phủ Ba Cửa trước hết bằng tất cả niềm tự hào của bậc hậu sinh.

Ở Tuy Lý Vương phủ, đằng sau cổng tam quan cùng bình phong cổ kính, ngôi nhà rường thâm nghiêm, giữa hàng cây kiểu cách là lối sống nền nếp, hào hoa, vừa lãng mạn, quý phái của bậc vương giả làm thơ. Những công trình kiến trúc nhuốm màu xưa cũ như thế vẫn đủ sức níu giữ một Vĩ Dạ xưa trước cái lạnh ngắt của những khối bê tông đang ngày ngày đua nhau mọc lên san sát. Nên đến Vĩ Dạ, dẫu nhận ra những nét chân quê đã bay đi... quá nhiều thì vẫn còn ấm lòng bởi đằng sau cái xô bồ ấy là những trầm tích văn hoá truyền thống khó bề đổi dời.

Nhiều hộ dân ở cồn Hến (phường Vĩ Dạ) vẫn cần mẫn với nghề hến truyền thống
Nhiều hộ dân ở cồn Hến (phường Vĩ Dạ) vẫn cần mẫn với nghề hến truyền thống

Rời những con đường phố thị với lô nhô hàng quán, chênh vênh những nhà cao tầng, chúng tôi đến với cồn Hến, nơi có những mảnh đời lam lũ vốn làm nghề cào hến ven sông.

Neo mình bên những lối nhỏ còn lổn nhổn đất sỏi là những mái nhà mọc sát rạt bên nhau. Bên trong những ngôi nhà chật hẹp, ẩm thấp ấy, còn đó những phận người mưu sinh bằng nghề sông nước, cuộc đời họ tựa nhờ cả vào sông. Cuộc sống chật vật và xác xơ tựa như những bông hoa bắp giữa cồn mùa gió bão. Nhìn những gương mặt còn vương vất nét khắc khổ, tôi trộm nghĩ, dường như ngọn gió của sự đổi thay phố thị chưa từng thổi qua mảnh đất này. Và họ, vẫn ngày ngày lầm lũi với sự nổi nênh phận người trên sông để đổi lấy từng bát cơm, tấm áo.

Chính sự thơm thảo của dòng sông Hương đã tạo nên cho vùng cồn Hến - một cồn rẻo nhỏ của phường Vĩ Dạ này một thứ đặc sản ngọt mát, thơm lành: hến sông Hương. Nơi cồn Hến này, có hàng trăm hộ gia đình coi nghề cào hến trên sông Hương là nghề truyền đời. Đời sông, đời người và đời hến, dường như quấn quyện chẳng rời, cũng ngược xuôi và lênh đênh chìm nổi. Ngay trên mảnh đất sát mép sông này có hẳn một ngôi miếu nhỏ thờ ông tổ nghề hến. Nhưng năm này qua tháng khác, hến sông Hương rồi cũng cạn, họ đành xoay xở với cuộc mưu sinh bằng nhiều cách khác nhau. Không khai thác được hến trên dòng Hương Giang, người cồn Hến nhập hến từ nhiều nơi khác đến rồi thức ngủ cùng nghề. Hến nơi đây toả đi khắp nơi, mọi chốn, góp nên chút ngọt ngào cho món ăn cơm hến - bún hến truyền thống của xứ cố đô.

Nằm ngay giữa một trung tâm du lịch sôi động, Vĩ Dạ cũng đang cựa mình để lớn dậy. Nhưng trong sâu thẳm của những đổi thay đang làm thay da đổi thịt vùng đất này vẫn còn thấp thoáng đâu đó những nỗi lo. Đó là nỗi lo bờ sông sạt lở, là trăn trở khi phải rời quê, đất cũ khi các dự án mới bắt đầu thành hiện thực. Nhưng dẫu vậy, như dòng sông Hương tưới tắm phù sa cho mảnh đất này trên cuộc hành trình xuôi về biển, thì người Vĩ Dạ vẫn mãi trọn tình thuỷ chung với dòng sông ấy. Một lần đến Vĩ Dạ, để tìm đâu đó những bước chân của bậc thi nhân xưa, để ngắm nghía "vườn ai mướt quá xanh như ngọc" và những con thuyền đợi "chở trăng về kịp tối nay".

Diệu Hương

Bài 2: “Một đêm bước chân về gác nhỏ”