.

Nguyễn Thiên Sơn với Thức đợi hoa quỳnh

Thứ Sáu, 13/11/2015, 08:54 [GMT+7]

(Nhân đọc tập thơ THỨC ĐỢI HOA QUỲNH của Nguyễn Thiên Sơn – NXB Hội Nhà văn, 2015)

(QBĐT) - Với THỨC ĐỢI HOA QUỲNH xuất bản lần này, Nguyễn Thiên Sơn đã có sáu tập thơ “trình làng”! Mặc dù anh chưa là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam nhưng ở Quảng Bình nhiều người yêu thích thơ anh vẫn trân trọng gọi anh là nhà thơ. Anh đã hai lần đi dự Hội nghị Nhà văn trẻ toàn quốc; được Uỷ ban nhân dân tỉnh Quảng Bình tặng giải thưởng Văn học Nghệ thuật Lưu Trọng Lư hai lần. Cái chất thi sĩ trong con người anh so với một số người làm thơ cùng lứa với anh có lẽ nổi trội nhất!

Là con liệt sĩ, lại được học chính quy ở Trường đại học Tổng hợp Huế, ra trường với tấm bằng Cử nhân Văn khoa từ những năm thập niên 80, cơ hội để phấn đấu trở thành lãnh đạo không khó nhưng với sự đam mê thơ và một phần do không may bị tai nạn, bệnh tật hành hạ, anh đã chấp nhận thiệt thòi về chính trị, kinh tế, sống hết mình cho thơ. Tâm sự với Nàng Thơ , anh viết:

Ảnh: P.V
Ảnh: P.V

Ta yêu em
...
Như ma tuý
Mộng mị
Ta trút linh hồn
Cuồng say trời đất

Hành trình đi đến chân trời thơ của anh thực sự vất vả. Đó là Hành trình của viên sỏi qua bao thác ghềnh, đèo dốc, va đập vào trăm thứ dọc đường đi; song là người giàu ý chí và tinh thần lạc quan, biết đứng dậy sau mỗi lần bị ngã, anh vẫn cất cao Tiếng hát của người câu cá kiên trì, trăn trở đổi mới chính mình. Thức đợi hoa quỳnh cũng thể hiện điều vừa nói:

Ta thức đợi hoa
Bởi đời không phụ lòng người mê đắm
Ta đi tìm
Ta khám phá

Đi tìm, khám phá ở đây hiểu theo khía cạnh nào đó là lao động nghệ thuật. Thái độ của anh đối với công việc đặc biệt này là muốn cháy đến tận chót bấc đèn tình yêu cái đẹp (Đôi dòng viết trước bình minh). Trái tim anh phải làm việc nhiều, lắm khi mỏi mệt nhưng vẫn không nguôi hi vọng sáng tươi. Anh động viên tim mình:

Ta đã làm em mỏi mệt
Vì yêu
Ta mong một mai nằm xuống
Em hoá thân
Trong trái tim bạn bè

                     (Trái tim)

Đó là cách nói của nhà thơ về sự bất tử tuyệt diệu của thơ khi thơ đã thành máu thịt giữa đời: từ trái tim này đến với trái tim kia!

Anh mong muốn viết bài thơ khác những bài thơ trước (Bài thơ chưa viết), chấp nhận lao tâm khổ tứ:

Đêm bên trang giấy bời bời
Đêm nghe gió nổi trong lời tỉnh say

                                          (Đêm)

Đọc thơ Nguyễn Thiên Sơn, chúng ta sẽ thú vị bởi sự đa dạng sắc thái tình cảm, cung bậc, nồng độ tình yêu. Chẳng hạn:

Nơi ta đến mối tình đầu se thắt
Nơi ta đi mối tình đầu nặng như trái đất

                                 (Về một giấc mơ)

Hoặc:

Mai rồi hai ngả tây đông
Mai rồi ai nhớ ai không ở đời
Mai rồi chia mối tơ trời
Mai rồi người có vịn người mà đi?

                                   (Mai rồi)

Hay là:

Giếng nước trong chẳng cạn lòng
con gái
Để suốt đời yêu dấu chẳng mờ phai

                                   (Tôi vẫn tin)

Tính nhân văn trong con người nhà thơ Nguyễn Thiên Sơn và trong thơ anh thể hiện khá đậm nét. Anh thương “một cô gái bán hoa” do cảnh ngộ gia đình đưa đẩy, phải làm việc khổ tâm để có tiền học đại học, thương một nữ danh ca chết trẻ: ra đi tuổi bốn mươi/ Thế giới ngập tràn nước mắt; thương những con chim, con cá gặp số phận chẳng may (không về rừng được khi trời tối, nằm phơi mình trên đường khi nước cạn). Anh xót xa trước bông hoa bạc mệnh mau tàn:

Hoa âm thầm nở rồi tàn
Được mấy ai nhìn ngắm!

                     (Thức đợi hoa quỳnh)

Với quan niệm sống: Thà làm hề chửi vua/ Không làm xiếc treo mình hố thẳm (Đi), Nguyễn Thiên Sơn dù có khi lạc bước vào vườn hoa, bị vòng kim cô thắt chặt (Vòng kim cô) nhưng rồi chính nhờ đức Phật trong con người anh, anh biết niệm CHÂN - THIỆN - MỸ  để vòng kim cô tự mất đi; để lại được:

Trở về bé thơ
Được em địu
Trên lưng

(Gặp em đỉnh Langbiang)

Bằng thủ pháp nghệ thuật và kỹ năng sáng tạo thơ ít nhiều kinh nghiệm kết hợp với nội lực chủ thể, Nguyễn Thiên Sơn đã tạo được dấu ấn cho THỨC ĐỢI HOA QUỲNH; mới về tư duy mà vẫn giữ được giọng điệu riêng vốn có.

Lý Hoài Xuân