.

Người họa thơ với nữ sĩ Hồ Xuân Hương

Thứ Bảy, 14/11/2015, 14:47 [GMT+7]

(QBĐT) - Nữ sĩ Hồ Xuân Hương là bậc kỳ tài trong làng văn thơ Việt Nam và tất nhiên, những ai có thể họa thơ với bà, và lại đoạt giải khôi nguyên nữa, thì lại càng tài năng xuất chúng. Trần Ngọc Quán, người Quảng Tùng, Quảng Trạch là một trong những thi nhân như thế. Tuy nhiên, các tài liệu viết về người con tài danh của đất Quảng Bình này khá hiếm hoi, chủ yếu chỉ trình bày lại giai thoại ông họa thơ cùng nữ sĩ Hồ Xuân Hương, còn các thông tin, tư liệu khác thì rất hạn hữu.

Theo cuốn “Quảng Bình nhân vật chí” của tác giả Nguyễn Tú sưu tầm biên soạn, Trần Ngọc Quán là người có học vấn rộng rãi, ứng đối nhanh nhẹn, tài năng, đức độ, bắt đầu làm cai đội, đến năm Gia Long thứ 8 (1890), ông chuyển sang Hàn Lâm Viện, rồi được cử làm cai bạ Quảng Đức. Đây là thời kỳ vua Gia Long đang chiêu hiền đãi sĩ, tuyển chọn người hiền tài và nhất là đưa những người giỏi về văn học đứng đầu các tỉnh. Những năm tiếp theo, ông được thăng cấp từ cai bạ Quảng Đức ra làm Hiệp Trấn trấn thủ Sơn Nam Hạ, rồi trấn Sơn Nam Thượng. Sơn Nam Thượng ngày nay bao gồm các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hà Đông (Hà Tây cũ), Hà Nam, Hải Hưng (Hải Dương và Hưng Yên nay). Chính vì vậy, việc xem Trần Ngọc Quán đảm nhiệm cả Bắc Hà là cũng không hề sai.

Trong thời kỳ Trần Ngọc Quán trấn thủ Sơn Nam Thượng, biết ông là người văn hay chữ tốt, nữ sĩ Hồ Xuân Hương vẫn hay tìm đến giao tiếp, luận đàm. Mỗi khi làm được bài thơ mới, nữ sĩ thường không quản đường xa tìm đến Trần Ngọc Quán để chia sẻ, thường gặp ở Châu Kiều, phủ Lý Nhân, Hà Nam. Cuốn “Quảng Bình ẩn tích thời gian” tập 3 của Hội Di sản Văn hóa Việt Nam tỉnh đã kể lại một trong nhiều giai thoại đẹp giữa hai hồn văn đồng điệu, xứng đôi này. Vào một dịp nhân ngày rằm tháng giêng, nhiều bạn thơ cùng tao ngộ ở Cổ Nguyệt. Nhân cơ hội này, Hồ Xuân Hương đã mở một cuộc thi họa thơ vui xuân và mời mọi người cùng tham gia. Bà xướng bài thơ:

“Vác cắm đàn tao một ngọn cờ
Ấy ai thân đấy phải hay chưa
Lắc đầy phong nguyệt lưng hồ rượu
Dắt lỏng giang hồ một túi thơ
Đình nguyệt góp người chung đỉnh lại
Trời Hoan mở mặt nước non xưa
Bấy nay tài tử bao nhiêu tá
Khéo đánh khen ai kẻ đặt cho”

Tiếp đó, các khách thơ cùng thi thố, hòng chiếm được giải cao nhất của cuộc thi. Mỗi bài thơ họa đều được đọc to để mọi người cùng nhận xét, bình chọn. Cuối cùng, chỉ có bài thơ của Trần Ngọc Quán là được đánh giá cao nhất, xứng đáng đoạt giải “khôi nguyên”:

“Trận bút xông pha quyết giật cờ
Tài tình ai đã biết ai chưa
Giấc Vu man mác năm canh nguyệt
Duềnh Ngự lênh đênh một lá thơ
Tơ liễu đã khoe tài lạ trước
Nguồn đào học hỏi lối quen xưa
Giai nhân tài tử dường nào đấy
Hay nợ bình sinh chửa trả xong”

Hai bài thơ xướng-họa cân đối của Hồ Xuân Hương và Trần Ngọc Quán phần nào đã cho thấy “mối lương duyên” thi ca giữa bà chúa thơ Nôm đất Bắc và người con tài năng đất Quảng Bình. Chỉ tiếc là ngoài giai thoại này được lưu truyền, các giai thoại khác về thơ giữa hai thi nhân hầu như ít biết đến. Theo một bài viết của tác giả Phạm Trọng Chánh tên tờ Văn hóa Nghệ An, mối quan hệ thơ văn giữa Hồ Xuân Hương và Trần Ngọc Quán rất khăng khít, bền chặt. Ngay khi vừa đến Bắc thành, Trần Ngọc Quán đã tìm đến Hồ Xuân Hương và có một bài thơ ca tụng bà:

“Tài cao nhả phượng thế gian kinh
May đến Long Thành được thấy danh
Chạm hạc tự cười tài vốn kém
Mổ rồng thêm thẹn thuật chưa tinh...”

Cảm kích trước tài năng của Trần Ngọc Quán, nữ sĩ cũng đã không ít lần tâm sự, chia sẻ và họa thơ của ông, điển hình như bài “Tâm sự”:

“Trí nhớ giảm thông minh, mắt kém tinh
Thân như cây cỏ, mù u minh
Nợ duyên tùy phận ngày rong ruổi
Sao thấy tầm xa nỗi nhục vinh...”

Đến nay, tuy nguồn tư liệu về con người tài năng Trần Ngọc Quán còn khá ít ỏi, nhưng chân dung về ông được thể hiện khá toàn diện trong từng giai thoại và câu chuyện còn lưu truyền trong dân gian, và nhất là trong sự tưởng nhớ của nhiều bậc văn nhân xưa. Cụ Nguyễn Hàm Ninh đã có bài thơ “Đêm, ghé thuyền cửa Di Luân” để nhớ về tài năng, cốt cách của thi nhân Trần Ngọc Quán:

“Ráng hồng điểm nét chiều hôm
Rừng dừa khói tỏa, thuyền con giữa dòng
Phong lưu ai sánh Trần Công
Năm mươi năm vắng. Di Luân còn buồn”

P.V