.

Luận bàn về việc sử dụng thuật ngữ "hang, động"

Thứ Năm, 12/11/2015, 08:03 [GMT+7]

(QBĐT) - Quảng Bình đã và đang được thế giới biết đến như một “Vương quốc" hang, động lớn nhất thế giới.

Di sản thiên nhiên thế giới Vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng lừng danh bởi quần thể khoảng 300 hang, động đẹp nổi tiếng và đặc biệt có các động hoành tráng, kỳ vĩ, tráng lệ thuộc đẳng cấp thế giới như: động Phong Nha, động Tiên Sơn, động Thiên Đường, động Sơn Đoòng,...

Chính vậy, việc sử dụng đúng thuật ngữ hang hay động có ý nghĩa quan trọng về quảng bá quy mô, độ lớn, cấu trúc đa dạng và phức tạp, mức độ kỳ vĩ, vẻ đẹp tráng lệ của chúng.

Trong thời gian qua, trên một số cổng thông tin điện tử, trang mạng và một số ấn phẩm phát hành giới thiệu, quảng bá về hệ thống hang, động ở Quảng Bình nói chung và khu vực Vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng nói riêng, đã sử dụng các thuật ngữ HANG, ĐỘNG, HANG ĐỘNG có lúc chưa chuẩn xác. Có giới thiệu, quảng bá về hang: hang Phong Nha, hang Pygmy, hang Khe Ry, hang Cha Lo, hang Lòng Coòng, hang Ươi, hang Năm... nhưng trong nội dung giới thiệu lại gọi là động... có quảng bá “một hang động mới ở khu vực Chà Nòi” hoặc “Sơn Đoòng - Hang động lớn nhất thế giới” là không chuẩn xác.

Nét đẹp kỳ ảo ở động Thiên Đường.                                         Ảnh: Hành Tiến
Nét đẹp kỳ ảo ở động Thiên Đường. Ảnh: Hành Tiến

Để nâng cao giá trị hệ thống hang, động khu vực Phong Nha – Kẻ Bàng, sự cần thiết phải phân biệt rõ ràng, định danh hoặc biên dịch sang tiếng Việt chuẩn xác hơn về hang và động.

Theo từ điển Việt - Anh: Hang (Cave), động (Cavern = A large cave = Hang lớn); Nhưng thực tế trong tiếng Anh thường ngày, mọi người vẫn thường dùng “Cave” để định danh chung cho cả: “Hang”, “Động” và “Hang, Động”  trong tiếng Việt.

Hang là khoang rỗng ngầm trong lòng các tầng đá (thường là loại đá dễ bị hòa tan trong nước tự nhiên như đá vôi, đá hoa, đá đôlômit) được thành tạo do các quá trình kiến tạo kết hợp với các quá trình phong hóa, hòa tan, rữa lũa, Karst lâu dài và thường phải có cửa thông ra ngoài (nếu không thì không ai biết về sự tồn tại của chúng). Một khoang rỗng nhỏ mở trong khối đá, tầng đá mà con người vào ra được cũng được gọi là hang.

Hang là từ chung nhất, dùng để chỉ tất cả các loại hình hang, động, từ đơn giản đến phức tạp, từ bé nhỏ đến khổng lồ.

Động là một hang lớn hoặc là một hệ thống các hang, buồng hang, có cấu trúc phức tạp, có hệ thống thạch nhũ đẹp, đa dạng.

Người ta cũng có một cách phân biệt bổ sung khác là: Động là loại hang có cửa vào hẹp, trong lòng hang phình to thành những phòng lớn (động Sơn Đoòng, động Phong Nha, động Tiên Sơn, động Thiên Đường...). Còn hang thì cửa vào tương đương hoặc rộng hơn trong lòng (hang Khe Ry, hang Rục Cà Roòng...).

Hang là tên gọi chung, động là tên gọi riêng. Hang bao hàm cả động, nên gọi hang cho tất cả các loại động là không sai; nhưng ngược lại nhiều loại hang không phải là động, nên không thể gọi động cho một số hang (nhỏ, bé, đơn giản).

Như vậy, hang đã xứng đáng là động thì không nên gọi là hang nữa mà nên gọi là động - “sang trọng” và “đẳng cấp” hơn để tương xứng với giá trị di sản hiện hữu.

Hang nên gọi cho các loại hang nhỏ, đơn điệu, có cấu trúc đơn giản, hoặc nếu lớn thì ngắn và cửa hang có kích thước tương đương hoặc lớn hơn trong lòng (như trường hợp hang Én).

Còn về thuật ngữ “hang động” – đây là thói quen sai về đọc đúng, viết sai. Thực chất đúng là: “hang, động” hoặc “hang và động”, còn “hang động” là không có nghĩa, ví như: “các tỉnh, thành phố” hoặc “các tỉnh và thành phố” chứ không thể “các tỉnh thành phố” hoặc không nói hang động Thiên Đường, hang động Én... mà phải là động Thiên Đường, hang Én. Ví như không thể nói tỉnh thành phố Quảng Bình, tỉnh thành phố Hồ Chí Minh... mà là tỉnh Quảng Bình, thành phố Hồ Chí Minh.

Cụm từ “hang, động” chỉ sử dụng trong trường hợp nói chung chung: Hang, động (hệ thống hang, động) Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng; hang, động (hệ thống hang, động) ở Quảng Bình, Phong Nha – Kẻ Bàng có hệ thống hang, động lớn nhất thế giới, Lễ hội hang, động... Không nên sử dụng trong trường hợp nói về một hang hay một động cụ thể như: “một hang động mới ở khu vực Chà Nòi”, “hang động Phong Nha” hoặc “Sơn Đoòng - Hang động lớn nhất thế giới”...

Như vậy, cần thống nhất định danh khi sử dụng “hang”, “động”, “hang, động” và biên dịch “Cave” từ tiếng Anh sang tiếng Việt:

1. Định danh “ĐỘNG”: được áp dụng đối với hang lớn, một hệ thống các hang, buồng hang, có cấu trúc phức tạp, có hệ thống thạch nhũ đẹp, đa dạng.

Việc sử dụng “động” nhằm khẳng định không phải là hang nhỏ, đơn điệu, cấu trúc đơn giản... mà là thuộc dạng “sang trọng” và “thượng cấp”.

Đối với Phong Nha, Tiên Sơn, Thiên Đường, Sơn Đoòng... cần được gọi là: động (động Phong Nha, động Tiên Sơn, động Thiên Đường, động Sơn Đoòng...) chứ không nên định danh Hang.

2. Định danh “HANG”: được áp dụng đối với hang nhỏ, đơn điệu, có cấu trúc đơn giản, hoặc nếu lớn thì ngắn và cửa hang có kích thước tương đương hoặc lớn hơn trong lòng.

3. Định danh “HANG, ĐỘNG”: Việc sử dụng cụm từ ghép “hang động” không có ý nghĩa. Chỉ nên sử dụng cụm từ ghép “hang, động” trong các trường hợp chung chung, không chỉ một hang hay một động cụ thể nào đó.

Ngoài ra, khi giới thiệu về hang, động Phong Nha – Kẻ Bàng còn có một số biên dịch sai từ tiếng Anh sang tiếng Việt, đơn cử: “Thạch đá” – Trong tiếng Việt không có thuật ngữ này vì Thạch đã là Đá, có chăng là Thạch nhũ; tương tự: Calcite (tức là calcium carbonate - CaCO3) lại biên dịch thành Canxi (tức là Calcium – Ca) là hoàn toàn sai.

Đây là những vấn đề cần thận trọng khi quảng bá về một Di sản thiên nhiên thế giới thuộc loại đẳng cấp.

TS. Nguyễn Đức Lý

Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ