.

Huế, dấu ấn nhạc và thơ - Bài 3: Những người con miền cát

Thứ Tư, 18/11/2015, 13:55 [GMT+7]

(QBĐT) - Đọc văn thơ và nghe kể về họ đã lâu nhưng hôm nay, khi đặt chân đến Huế, tôi mới có cơ hội được gặp họ - những nhà văn, nhà thơ sinh ra trên vùng đất cát Quảng Bình, hiện đang sinh sống và làm việc tại đất cố đô. Văn thơ của họ có vị ngọt mát của dòng sông Hương và thấm đẫm, chát mặn mồ hôi của những người dân vùng cát quê nhà.

Căn nhà của nhà thơ Ngô Minh nép mình trong một con hẻm nhỏ của phố Phan Bội Châu, thành phố Huế. Tổ ấm ấy ngập sắc nắng và tràn đầy tiếng cười. Ông bảo, đó là nơi chốn dung chứa dùm ông bao niềm vui, nỗi buồn, là nơi ông có thể trải lòng mình trên từng trang viết. Dẫu đã ở độ tuổi đạt đến "độ chín" trong văn chương, ông vẫn ngày ngày miệt mài đọc và nghiên cứu. Ông viết nhiều, đọc nhiều và hầu như không có ngày nào ngơi nghỉ. Bởi với ông, đó là cách để "lên men cảm xúc".

Trang blog Quà tặng xứ mưa của Ngô Minh cũng là một trong những trang viết khá nổi tiếng và nhận được sự quan tâm của đông đảo bạn đọc. Đó là nơi ông hàn huyên về chuyện văn, chuyện thơ, chuyện nhân tình thế thái bằng một vốn hiểu biết sâu rộng. Ngô Minh sở hữu một khối lượng lớn các tác phẩm đã xuất bản, trong đó có cả thơ, văn xuôi, tiểu luận và phê bình... Năm 2015, nhà thơ quê xứ Lệ này đã xuất bản tuyển tập "Ngô Minh tác phẩm" gồm 5 tập với hơn 2.000 trang viết. Đó là tâm huyết suốt một đời sáng tạo, nghiên cứu của nhà thơ xứ cát.

Nhà thơ Ngô Minh trò chuyện cùng phóng viên tại nhà riêng, tháng 10-2015
Nhà thơ Ngô Minh trò chuyện cùng phóng viên tại nhà riêng, tháng 10-2015

Trên cuộc hành trình miệt mài với con chữ, hình bóng quê hương vẫn luôn lấp lánh trong từng trang viết của Ngô Minh. Cũng chân chất như người miền cát quê ông, văn thơ Ngô Minh mộc mạc, chân thành như thể ông đang tự bày hết gan ruột, trải lòng mình ra với quê hương, xứ sở mà như nhiều bạn văn thường ví von ông như "hạt phù sa biển". Thơ ông có hình bóng người mẹ miền cát oằn lưng cõng nắng, cõng mưa trên những động cát trải dài, có sự chắt chiu, nhọc nhằn của người vợ tảo tần, có cả những trải nghiệm rất đời trong những chuyến viễn du dọc miền đất nước. Và một khi đã ký thác cuộc đời mình với văn chương, đến tuổi lục tuần, Ngô Minh vẫn vẹn nguyên một tình yêu với trang viết, với cuộc đời như thuở đôi mươi.

Trong câu chuyện thân tình cùng những người đồng hương Quảng Bình giữa đất cố đô, nhà thơ Vĩnh Nguyên (tên thật là Nguyễn Quang Vinh, quê ở xã Vĩnh Ninh, Quảng Ninh, hiện đang sinh sống tại Huế, là Hội viên Hội nhà văn Việt Nam - PV) kể lại cho chúng tôi nghe về mối nhân duyên giữa ông và cụ Nguyễn Tú để rồi về sau, giữa họ có một "đứa con chung" đầy tâm huyết là công trình nghiên cứu "Danh nhân Quảng Bình".

Ông bảo, đầu những năm 90, thế kỷ trước, trong một đến thăm cụ Nguyễn Tú tại thành phố Đồng Hới, tác giả cuốn "Xã chí Bảo Ninh" đưa ra đề xuất cùng viết chung một cuốn sách nghiên cứu về danh nhân đất Quảng Bình. "Ông cụ nói với tôi: mình không sáng tác văn học được như bạn nhưng hồi ở Phát hành sách, mình đọc được một lượng chữ khá lớn. Ngập ngừng một lát rồi cụ đề xuất: hay anh em mình cùng cộng tác làm sách danh nhân? Bởi nơi ta đang đứng đây là cả một bản đồ chính sử mà những người con Quảng Bình lẫm liệt lắm, đáng kính lắm", nhà thơ Vĩnh Nguyên hồi tưởng lại.

Nói là làm, ngày ấy, hai con người ở hai mảnh đất cách nhau gần 200 cây số, nhưng cùng chung lòng tâm huyết với quê hương lại miệt mài nghiên cứu và lần lượt cho ra đời Danh nhân Quảng Bình tập 1, 2. Khi tư liệu cho tập 3 đã "hòm hòm", năm 2006, cụ Nguyễn Tú qua đời, để lại cho người cộng sự một khối lượng bản thảo còn dang dở. "Tôi thắp nén hương trước di ảnh cụ, một mình yên lặng trong phòng với tư liệu ngổn ngang. Tôi ngộ ra sai sót, thiếu hụt còn nhiều lắm, vội cuốn tất cả cho vào tủ rồi điền dã tiếp", ông kể. Theo dấu chân bậc tiền nhân, ông một mình đi tìm kiếm, thu thập tư liệu ở khắp nơi, mọi chốn. Ông vào tận Châu Đốc, An Giang để tìm hiểu về Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh hay ngược ra Từ Liêm, Hà Nội tìm tư liệu về Tiến sỹ Dương Văn An... Và rồi, nhiều năm sau ngày cụ Nguyễn Tú đi về cõi thiên thu, cuốn Danh nhân Quảng Bình tập 3 ra đời trong sự đón nhận hân hoan của độc giả khắp mọi miền. Giờ thì ông đang ấp ủ ý tưởng cho ra đời Danh nhân Quảng Bình tập 4, nghiên cứu sâu hơn về tướng Hoàng Sâm.

Từ phải sang: nhà thơ Mai Văn Hoan, Lâm Thị Mỹ Dạ, Ngô Minh và nhà báo Nguyễn Xuyến.
Từ phải sang: nhà thơ Mai Văn Hoan, Lâm Thị Mỹ Dạ, Ngô Minh và nhà báo Nguyễn Xuyến.

Trên mảnh đất cố đô, hiện có bốn nhà văn, nhà thơ khá tên tuổi cùng quê Quảng Bình là nhà thơ Ngô Minh, Mai Văn Hoan, Vĩnh Nguyên và Lâm Thị Mỹ Dạ. Thầy giáo, nhà thơ Mai Văn Hoan hiện đã nghỉ hưu nhưng vẫn miệt mài trên từng trang viết, vẫn buồn vui cùng những vần thơ tình như mấy chục năm qua ông vẫn vậy. Học trò của ông nay có rất nhiều người thành đạt, là giáo viên, nhà báo... nhưng những bài giảng văn tràn xúc cảm của thầy giáo Hoan ngày nào vẫn mãi đong đầy trong ký ức. Khi ba bạn văn Ngô Minh, Mai Văn Hoan, Vĩnh Nguyên vẫn đang miệt mài sáng tạo thì nhà thơ của "Khoảng trời hố bom" - Lâm Thị Mỹ Dạ lại đang đối diện với ốm đau tuổi già. Bà lặng im rút mình lại sau những hào quang quá khứ. Nhà thơ Ngô Minh ngậm ngùi: "Buồn lắm. Mấy năm nay, Lâm Thị Mỹ Dạ đau ốm luôn. Giờ hỏi biết Ngô Minh không? Dạ chỉ lắc đầu".

Số phận đã khoác lên mỗi người một chiếc áo cuộc đời và mỗi người một sự nghiệp văn chương khác nhau nhưng ở họ có chung một tình yêu tha thiết với mảnh đất cát trắng quê hương. Và nay, khi mái tóc đã pha sương, họ vẫn bên nhau, sẻ chia cùng nhau những ngọt bùi, buồn vui cuộc sống.

Diệu Hương