.

Đến với Di sản văn hóa thế giới Wat Phou

Thứ Sáu, 20/11/2015, 15:33 [GMT+7]

(QBĐT) - Khởi hành từ thành phố Đồng Hới lúc 6 giờ sáng, chuyến xe khách đưa chúng tôi vào Đông Hà, theo đường số 9 qua cầu Đakrông, làm thủ tục xuất cảnh ở cửa khẩu Lahay, 3 giờ chiều đã đến thị xã Pakxe (Pạc xê) tỉnh lỵ tỉnh Champasack (Chăm-pa-sắc) của nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào.

Champasack là tỉnh cực nam của Lào có biên giới với Thái Lan và Campuchia với diện tích 15,4 km2, dân số gần 58 vạn người. Sông Mê kông ở phía bắc là biên giới tự nhiên giữa Lào và Thái Lan nhưng đến đây lại chảy giữa đất Lào bồi đắp phù sa cho cánh đồng tươi tốt quanh năm. Bao bọc xung quanh bởi 9 ngọn núi, sông Mê Kông đoạn chảy qua Champasack  trải rộng, người Lào xem sông Mê Kông qua đây như một “vùng biển giàu”. Giữa dòng có đến 4.000 hòn đảo lớn nhỏ nên được gọi là  Sinphadone (Siphone: 4.000, done: đảo). Những hòn đảo của vùng Sinphadone là những bản làng trù phú, người dân làm nghề đánh bắt cá và trồng trọt, hoa trái bốn mùa xanh tươi. Champasack được coi là vựa lúa lớn nhất của nước Lào. Cuối dòng Mê Kông thuộc địa phận Champasack, sát biên giới Campuchia có thác Pha pheng dài 12 km, lớn nhất Đông nam Á.

Đường vào khu Di sản Vát Phu
Đường vào khu Di sản Vát Phu

Núi sông hùng vĩ, cánh đồng màu mỡ, không những thế Champasack còn là vùng đất đã có lịch sử lâu đời. Từ thế kỷ I đến thế kỷ IX Champasack là vùng đất của Vương quốc Fuman và Chenla, sau đó trở thành tiền đồn của Vương triều Khơ me dưới thời Ăng Ko. Từ thế kỷ XIV đế chế Khơ me bắt đầu suy yếu và Phạ Ngừm, vị vua đầu tiên có công thống nhất Champasack với các  tiểu vương quốc phía bắc là Mường Ka Bon (Khăm Muộn), Mường Phuôn (Xiêng Khoảng), Mường Viêng Chăn, Mường Luông pra băng để hình thành nên nước Lang Xan (Triệu voi) rộng lớn.

Tồn tại trong suốt chiều dài lịch sử, ở đây có nhiều di tích của người Khơ me dưới thời Ăng Ko như những ngôi đền cổ bằng đá sa thạch: đền Nandin, Nan Sida, đền Oud mong. Khi Phật giáo trở thành quốc giáo thì nơi đây được xây dựng nhiều ngôi chùa của Phật giáo phái Nam tông.

Đặc biệt, ở đây có di tích lịch sử nổi tiếng là Wat Phou (Vát Phu, có nghĩa là Chùa Núi) được tổ chức UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới năm 2001. Theo các nhà nghiên cứu, đây là ngôi đền cổ xưa nhất, từng là trung tâm của đạo Hindu thờ thần Siva, đến thế kỷ XIII trở thành trung tâm Phật giáo của vùng Nam Lào. Khi nói đến nền văn minh Ăng Ko người ta thường nghĩ ngay đến Ăng Ko Thom, Ăng Ko Vát được xây dựng từ thế kỷ VII đến thế kỷ VIII, nhưng ít ai biết rằng trung tâm đạo Hindu ở Vát Phu còn được xây dựng sớm hơn, vào thế kỷ thứ V. Vát Phu được xem là ngôi đền thiêng nhất của vương triều Khơ me trước khi chuyển xuống phía nam để xây dựng khu đền Ăng Ko Vat nổi tiếng của đất nước Cămpuchia ngày nay.

Trước đây, để đến được Vát Phu từ Pạc Xê theo con đường quốc lộ 13 đi về phía nam khoảng 50 km đến Ban Muang, lên phà qua sông Mê Kông du khách phải đi 5 km nữa mới đến được vùng đất thiêng. Ba năm lại đây, người ta làm một con đường rải nhựa từ thị xã Pạc Xê qua cầu hữu nghị Lào - Nhật chạy thẳng đến vùng đất di sản. Tỉnh Champasack được lấy từ tên huyện Champasack, một vùng đất cổ dấu tích còn lại là những tường thành và đền đài nằm dọc theo bờ sông Mê Kông. Khu di sản Vát Phu được xây dựng dưới chân núi thiêng cao 1.600 mét có tên là núi Phu Kao (núi Voi) và trên một ngọn đồi thiêng gọi là đồi Linga, biểu tượng của thần Si va, đồng thời là biểu tượng của sự sinh sản và duy trì nòi giống của loài người. Ngay cổng ra vào khu di sản, với sự giúp đỡ của chính phủ Nhật Bản người ta xây dựng một bảo tàng lưu giữ hàng trăm hiện vật quý của thời kỳ tiền Ang Ko của Vát Phu. Đó là những bức tượng, phù điêu tạc những vị thần linh của đạo Hindu bằng đá sa thạch. Đặc biệt ở đây biểu tượng linga cao hơn 2 mét được đặt trang trọng chính giữa bảo tàng minh chứng cho sự trường tồn và sức sống kỳ diệu của Vát Phu trong suốt 15 thế kỷ .

Đền Thượng - Vát Phu
Đền Thượng - Vát Phu

Trước khu di tích là hai hồ nước lớn, ở giữa có con đường lát đá phía trước có tượng rắn thần Naga chắn giữ. Hai bên đường là hai hàng trụ đá được tạc theo hình linga dẫn lối du khách vào khu đền hạ. Ở đây có hai ngôi đền lớn nằm đối xứng bên trái, bên phải được xây bằng đá sa thạch nguyên khối nặng hàng tấn được lắp ráp nhờ các lỗ mộng hình tròn một cách tinh xảo. Hai ngôi đền đều quay mặt về hướng đông để đón mặt trời mỗi sớm mai, nơi có dòng sông Mẹ (Mê Kông) và những cánh đồng trù phú của xứ Cham pa. Cổng trước và mặt chính của hai ngôi đền vẫn còn những bức phù điêu chạm khắc các vị thần linh của đạo Hinđu với những họa tiết tinh tế, sắc sảo.

Qua khu đền hạ lại một con đường lát đá và hai bên đường vẫn là hai hàng trụ đá hình linga dẫn lối du khách lên đền thượng được đặt trên một quả đồi có hình linga. Không ở đâu hình tượng linga được nhắc đi nhắc lại nhiều như ở đây, người ta cho rằng đó là đặc trưng văn hóa của thời kỳ tiền Ăng Ko. Đường lên đền thượng cao chất ngất được xếp bằng 77 bậc cấp đá sa thạch xếp chồng lên nhau. Hai bên đường là những cây hoa Chăm pa cổ thụ có đến nghìn năm tuổi để khi mùa xuân đến, vào dịp lễ hội Vát Phu hoa nở trắng rừng, sực nức hương thơm.

Ngước nhìn ngôi đền thâm u, cao ngất tôi không khỏi ái ngại bởi tuổi đã cao. Nhưng đã đến đây không lẽ dừng lại, phải hai lần nghỉ mới leo lên đến đích. Tọa lạc trên một cánh rừng hoang vu, lưng tựa vào vách đá núi ngôi đền cổ vẫn giữ được khí thiêng sông núi tồn tại suốt hơn nghìn năm tuổi. Khác với hai ngôi đền hạ, quy mô không lớn bằng nhưng cấu trúc đền thượng hầu như còn nguyên vẹn. Được làm bằng những khối đá sa thạch nhưng cả bốn mặt đều được chạm khắc tinh xảo. Mặt trước đền có ba cửa, cửa chính lớn hơn ở giữa, hai cửa phụ hai bên được trang trí bằng những tượng đá và những mảng phù điêu với hoa văn tinh tế khắc chạm tượng thần Shiva, vũ nữ Apsara, và những linh vật của đạo Hindu. Xưa kia đền thờ thần Shiva, khi Phật giáo vào Lào, nơi đây  thờ Phật vì vậy ở chính điện có bức tượng Phật Thích Ca bằng đá lớn với các hương án hàng ngày nghi ngút khói hương. Mỗi năm vào tháng 3 theo lịch Lào, lễ hội Vát Phu là lễ hội Phật giáo lớn nhất vùng Nam Lào. Người ta đến đây đi lễ Phật và cũng là để xin các lá xăm trước cửa chùa thỉnh lời Phật dạy làm việc thiện, cứu nhân độ thế và cầu mong cho sự an lành trong năm. Sau đền, trên vách núi đá dựng đứng người ta chạm khắc các con vật như voi, ngựa, cá sấu... như một sự gắn kết, gần gũi của các vị thần linh với đời sống của người dân nơi đây. Từ trên vách núi, một khe nước mát lạnh đổ xuống tắm mát cho một linga ở giữa hồ. Dòng suối nhỏ tinh khiết này là nguồn nước sinh hoạt dùng cho các giáo sĩ, các nhà tu hành trông coi Vát Phu và còn là nguồn nước linh thiêng giúp cho các phật tử, du khách phương xa gột rửa bụi trần để tìm thấy sự thanh thản, an lành giữa chốn thiên nhiên u tịch nơi cửa Phật.

Đến với Vát Phu, đến với Di sản văn hóa thế giới du khách như thấy yêu thêm nước bạn Lào - đất nước của hoa Cham pa, hòa bình và hữu nghị.   

Phan Viết Dũng