.

Nhạc sĩ Trần Hoàn và duyên nợ với miền sơn cước Tuyên Hóa

Thứ Sáu, 23/10/2015, 15:43 [GMT+7]

(QBĐT) - Nhạc sĩ Trần Hoàn tham gia hoạt động âm nhạc từ rất sớm. Năm 1945, khi ông 17 tuổi, còn học ở Huế, đã được các đồng chí Nguyễn Chí Thanh, Tố Hữu giác ngộ cách mạng - một bước ngoặt tư tưởng có tác động không nhỏ đến quan điểm thẩm mỹ và sáng tác âm nhạc của nhạc sĩ sau này.

 

Nhạc sĩ Trần Hoàn (Nguồn: TTXVN)
Nhạc sĩ Trần Hoàn (Nguồn: TTXVN)

Khi hoạt động ở Liên khu IV trong đoàn văn công kháng chiến, ông mới bước vào con đường sáng tác thực sự. Bằng những kiến thức học được với một giáo sư người Pháp, học Guitar và kết bạn với Phan Huỳnh Điểu, Phạm Tuyên; tiếp cận với các nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương, Lê Yên khi ông còn là Ủy viên Thường vụ học sinh cứu quốc Huế, đã bổ sung thêm kiến thức và kinh nghiệm sáng tác âm nhạc của mình.

Theo giáo sư Dương Viết Á, những năm đầu kháng chiến chống Pháp (1947-1950), thời đó giáo sư còn là cậu con trai học sinh trung học, theo cha là ông Dương Viết Nặc, được Tỉnh ủy Quảng Bình cử lên làm Bí thư Huyện ủy Tuyên Hóa, để học. Địa bàn Tuyên Hóa những năm đầu kháng chiến trở thành "tỉnh lỵ" của tỉnh Quảng Bình. Trường trung học phổ thông Phan Bội Châu (như cấp 2 ngày nay) - trường duy nhất của tỉnh, trở thành một trung tâm văn hóa, văn nghệ của Quảng Bình. Vậy nên, các đoàn văn công, các văn nghệ sĩ từ Thanh Nghệ Tĩnh vào Bình Trị Thiên đều dừng lại để nói chuyện hoặc biểu diễn tại trường, hay tại một địa điểm gần đó.

Nhiều ca khúc của Trần Hoàn được ra đời từ miền sơn cước Tuyên Hóa, mỗi ca khúc đều có một kỷ niệm khó quên đối với ông. Học sinh Trường trung học Phan Bội Châu ngày ấy, chắc ai cũng còn nhớ đoàn văn công do nhạc sĩ Trần Hoàn làm trưởng đoàn biểu diễn lần đầu tiên tại trường. Trong buổi trình diễn, ngoài những tiết mục ca, múa do nhạc sĩ Trần Hoàn sáng tác và dàn dựng (trong đó có ca khúc Đàn chim xanh), theo yêu cầu của học sinh, ông đã hát bài Bình Trị Thiên khói lửa của Nguyễn Văn Thương.

Một lần khác, trên bãi đất rộng dưới chân núi, đoàn của nhạc sĩ Trần Hoàn lại biểu diễn một chương trình ca múa. Lần ấy, ông hát bài Buồn cười cho thằng Tây, mới sáng tác về trận thắng giặc càn của nhân dân và dân quân du kích Roòn, để tuyên truyền cho kháng chiến chống Pháp. Ông cầm cái loa bằng tôn và hát, vì công chúng đến xem rất đông. Những bài hát của nhạc sĩ Trần Hoàn được chép tay, truyền miệng cho các em học sinh trung học Phan Bội Châu. Giáo sư Dương Viết Á còn nhớ như in cái cảnh dưới một mái lá - trụ sở của Mặt trận Việt Minh tỉnh Quảng Bình ở Còi, các anh, các chị trong cơ quan tập bài hát Đường rừng: ..."Trèo đèo U Bò, băng qua Nhã Nam"..., những địa danh đã đi vào bài hát và ông cũng đã nhiều lần đi qua đó, nghe mà xao xuyến cả tâm can!

Lại còn những giai thoại xuất hiện chung quanh một số ca khúc của Trần Hoàn nữa. Với Sơn nữ ca, nhiều nữ sinh xinh đẹp, lớn tuổi của trường và các chị cán bộ phụ nữ tự xưng là "đối tượng", là "sơn nữ", là nguồn cảm hứng của nhạc sĩ ở vùng sơn cước để sáng tác bài hát.

Câu chuyện xung quanh bài Con chim xanh còn ly kỳ hơn! Chuyện rằng: Cô gái đóng vai chính trong điệu múa Đàn chim xanh, là một thiếu nữ rất xinh đẹp - là người yêu của nhạc sĩ Trần Hoàn. Trên đường vào hai tỉnh phía trong để biểu diễn, đã bị địch giết, nhạc sĩ đã cảm xúc và sáng tác nên ca khúc ấy.

Cũng trong thời gian này, vào dịp hè, bài hát Kháng chiến còn trường kỳ và gian khổ của nhạc sĩ Trần Hoàn được ra đời. Bài hát chỉ được chép tay lời ca và truyền miệng rất nhanh chóng khắp vùng núi Tuyên Hóa hồi bấy giờ. Có lẽ vì ca từ của bài hát và giai điệu nghe buồn buồn, nên dễ đi vào lòng học sinh trung học Phan Bội Châu, rồi lan truyền trong công chúng. Nhạc sĩ, giáo sư, nhà giáo nhân dân Dương Viết Á còn kể rằng: Ngày ấy, học sinh trung học Phan Bội Châu rủ nhau ra quán nước chè xanh (nói là lều thì đúng hơn, vì chỉ che bằng mấy cành lá cọ) cạnh đường tàu, vùng giáp với huyện Quảng Trạch, để chép tay lời bài hát. Sau đó ít lâu, bài hát bị cấm lưu hành vì "não nùng" quá! Và còn vì cả lời ca: Máu còn rơi, xương còn rơi"... trong những ngày chiến tranh chống Pháp và chống Mỹ ác liệt nữa! Vậy mà nhiều người vẫn cứ thầm hát, mỗi khi man mác buồn... Cho đến ngày thống nhất đất nước, bài hát Lời người ra đi (nhạc sĩ đổi lại tiêu đề), do ca sĩ Thu Hiền trình bày, mới được lan truyền rộng rãi trên làn sóng của Đài Tiếng nói Việt Nam đến với công chúng.

Những năm ở chiến trường Trị Thiên ác liệt, với bút danh Hồ Thuận An, nhạc sĩ Trần Hoàn sáng tác rất nhiều ca khúc nổi tiếng. Sau đó ông về công tác tại Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bình Trị Thiên. Ông có điều kiện đi công tác các huyện, thị, thành trong tỉnh. Và, thật duyên nợ với vùng sơn cước, Tuyên Hóa là nơi nhạc sĩ Trần Hoàn có cảm xúc nồng nàn để viết nên ca khúc Về Đồng Lê, nghe mượt mà, lưu luyến mà trữ tình lạ lùng. Có lẽ bao kỷ niệm vui buồn, sâu sắc, trìu mến, ấp ủ, lắng đọng trong lòng người chiến sĩ cách mạng, người cán bộ văn hóa - Trưởng đoàn văn công; đã trỗi dậy với một nhạc sĩ nhạy cảm, đa tài, mà ông đã sáng tác nên ca khúc thành công đến như vậy...

Nhạc sĩ Trần Hoàn tên khai sinh là Nguyễn Tăng Hích, sinh năm 1928, quê ở huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị. Ông đã xuất bản các tập ca khúc: "Lời ru trên nương", "Mùa xuân nho nhỏ", "Lời Bác dặn trước lúc đi xa", "Nhớ Nhật Lệ" - Tập ca khúc về Quảng Bình, gồm 11 bài, do Sở Văn hóa -Thông tin và Hội Văn học nghệ thuật Quảng Bình hồi bấy giờ ấn hành. Đặc biệt là Tuyển tập "Lời người ra đi" đã tập hợp 111 tình khúc của Trần Hoàn sáng tác từ năm 1946 cho đến năm 2001, rút ra từ gần 1.000 ca khúc của nhạc sĩ, do Nhà xuất bản Hà Nội ấn hành năm 2001. Nhạc sĩ Trần Hoàn cũng đã tổ chức được đêm nhạc ở nhiều địa phương trên cả nước như Huế, Đà Nẵng, Quảng Bình, Quảng Trị, Thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Sơn La, Thái Bình,... Ông là một trong 9 nhạc sĩ vinh dự được Nhà nước trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt II về Âm nhạc, ngày 1 tháng 9 năm 2000 và nhiều giải thưởng cao quý khác.    

Âm nhạc Trần Hoàn với Quảng Bình nói chung, Tuyên Hóa nói riêng là những tác phẩm có giá trị nội dung và nghệ thuật cao, được lưu truyền, bay cao và còn vang xa mãi mãi với thời gian.

Nhạc sĩ Dương Viết Chiến