.

Mấy vấn đề về bảo tồn lễ hội - Kỳ 2: Phát huy tính liên kết trong lễ hội từ góc nhìn văn hóa biển

Thứ Sáu, 18/09/2015, 08:23 [GMT+7]

(QBĐT) - Là một tỉnh ven biển có đường bờ biển dài hơn 116 km và có một vùng biển rộng 20.000km2, tỉnh ta được hưởng lợi thế lớn về kho tài nguyên biển quý hiếm, dồi dào và hệ thống giao thông vận tải biển huyết mạch.

Đồng thời, không thể không nhắc đến kho tàng văn hóa biển, gồm cả các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, được tích tụ, bồi đắp suốt mấy trăm năm qua. Trong đó, các lễ hội truyền thống đóng một vai trò quan trọng không chỉ trong cuộc sống sinh hoạt cộng đồng, lao động, sản xuất mà còn là nét đặc trưng, dấu ấn tín ngưỡng, tâm linh “có một không hai” của người dân quanh năm bám biển. Tiềm năng có, thế mạnh có, nhưng dường như để phát huy hết giá trị các lễ hội này, và nhất là đưa chúng vào sự xâu chuỗi, liên kết để khai thác phát triển vẫn chưa thực hiện được ở tỉnh ta.

Hầu như ở làng biển nào ở nước ta cũng có lễ hội cầu ngư, đây là lễ hội dân gian đặc sắc và là lễ hội lớn nhất trong năm, thể hiện ước vọng của ngư dân về một mùa đánh bắt thuận buồm xuôi gió và khẳng định tính cộng đồng, gắn kết bền chặt trong sinh hoạt và lao động.

Theo nghiên cứu của hai tác giả Lê Thị Hương Giang, Nguyễn Thị Tuấn Diệp (Đại học Quảng Bình), nguồn gốc của lễ hội chính bắt nguồn từ tục thờ Cá Voi (Cá Ông) của cư dân miền biển. Khi Cá Ông theo sóng dạt vào bờ, ngư dân không bắt ăn thịt. Họ đưa cá lên bờ, chôn cất và lập miếu để thờ tự, nhang khói hàng năm (gọi là miếu Ông, miếu Bà).

Trong quan điểm của họ, Cá Voi là vị thần giúp cho ngư dân trong công việc chài lưới và nhất là khi gặp phong ba, bão tố giữa biển khơi. Hàng năm, nhiều làng biển ở tỉnh ta tổ chức mở hội cầu ngư và tế đức Ông. Theo thông lệ, có làng tổ chức lễ hội vào đầu xuân, có làng lại tổ chức vào đầu vụ mùa cá Nam, khoảng tháng 4-tháng 5 âm lịch.

Lễ hội cầu ngư là nét văn hóa đặc sắc của người dân vùng biển.
Lễ hội cầu ngư là nét văn hóa đặc sắc của người dân vùng biển.

Bên cạnh các nghi lễ cúng thần linh, tế cúng thành hoàng, các làng còn tổ chức hoạt động vui chơi, thể thao, văn nghệ, như: đua thuyền (Cảnh Dương, Lý Hòa...), múa bông chèo cạn (Bảo Ninh), hò khoan, hò hụi (Cảnh Dương)... Thống kê sơ bộ cho thấy tỉnh ta có các địa phương thường xuyên tổ chức lễ hội cầu ngư, gồm: Cảnh Dương (Quảng Trạch), Lý Hòa, Quy Đức, Nhân Trạch, Thanh Trạch (Bố Trạch), Bảo Ninh (TP.Đồng Hới), Hải Ninh (Quảng Ninh) và Ngư Thủy (Lệ Thủy).

Điểm độc đáo là mỗi lễ hội cầu ngư lại có những nét riêng, hội tụ tinh hoa văn hóa biển đặc sắc của từng vùng dân cư xứ biển. Chẳng hạn, lễ hội cầu ngư ở Nhân Trạch, Bố Trạch không thể thiếu điệu múa chạy chữ (còn gọi là mùa động đăng), đặc trưng cho đời sống tâm linh, tín ngưỡng của người dân nơi đây. Cùng với chạy cờ, chèo cạn, múa chạy chữ (còn gọi là múa động đăng) là 3 nghi thức không thể thiếu trước khi tiến hành phần lễ trong bất kỳ một lễ hội nào của Nhân Trạch. Múa chạy chữ tức là các thành viên tham gia sẽ vừa múa, vừa sắp xếp thành các chữ Hán “Thiên-Hạ-Thái-Bình”.

Lễ hội cầu ngư ở Bảo Ninh có ngày hội xuống biển, trong phần tế lễ cá thần Ông có hai cụ già “lên đồng” phán những lời linh thiêng. Lễ hội cầu ngư ở Cảnh Dương không thể thiếu văn tế Thần Ngư do vị cao niên uy tín được làng đề cử...

Xuyên suốt các lễ hội cầu ngư thường là hình thức sinh hoạt văn hóa múa bông, chèo cạn, nhưng mỗi làng biển lại có sự vận dụng linh hoạt và riêng có, thể hiện khả năng sáng tạo không ngờ của dân gian.

Theo sách Địa chí Thanh Trạch, chèo cạn múa đèn ở sông Gianh (Thanh Trạch) thường “nặng” phần trình diễn cho “thần” xem. Đội múa hát chèo cạn toàn thanh nữ chưa chồng, tuổi từ 19 đến 20. Người chèo lái là nghệ nhân nam giỏi hò hát, đồng thời là đạo diễn. Cả đội vừa chèo, vừa hát theo người lĩnh xướng, có điểm nhịp bằng trống, bằng sanh hoặc nhạc điểm. Múa đèn chỉ có nam thanh niên chưa vợ, tuổi từ 18 đến 20 biểu diễn.

Hai đội múa đèn và chèo cạn đan xen nhau, tự hào nét nam thanh nữ tú của người dân vùng sông nước. Hò chèo cạn ở Cảnh Dương do 13 lão ngư trong làng được cử ra để thực hiện với làn điệu phong phú, hát nam, hát bắc, nói bộ, lúc pha trò, khi bi hùng, lúc phấn chấn tùy theo nội dung.

Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Văn Tăng chia sẻ, kho tàng lễ hội của các làng biển Quảng Bình không chỉ dừng lại ở lễ hội cầu ngư, mà còn nhiều lễ hội vô cùng độc đáo khác, như: Xuân thủ kỳ yên, Lục niên cạnh độ, lễ hội làng vạn chài Xuân Hồi... Các lễ hội vừa là hiện thân của nét văn hóa biển đặc trưng, vừa là sự khẳng định niềm tin bền vững đời đời về lãnh hải Tổ quốc và khát vọng bám biển làm giàu cho quê hương, cho gia đình của mỗi một ngư dân làng biển.

Bên cạnh các lễ hội đã mai một, không còn tồn tại, vẫn còn đó nhiều lễ hội được duy trì hàng năm và nhất là giữ vẹn nguyên được tinh túy của nét văn hóa cổ truyền xưa. Tuy nhiên, thực tế cho thấy các lễ hội biển hiện nay tuy đặc sắc nhưng vẫn còn mang tính nội bộ, sức lan tỏa, quảng bá chưa lớn, còn bó hẹp, nhỏ lẻ ở một không gian văn hóa nhất định. Hầu như địa phương nào biết lễ hội địa phương ấy, chưa có sự gắn kết để tạo nên tính hệ thống, tổng thể.

Trong khi, đây là điều kiện cần để phát triển du lịch biển theo hướng bền vững, vừa bảo tồn, vừa phát huy, khai thác hợp lý. Mặt khác, các lễ hội văn hóa biển từ trước đến nay vẫn xuất phát từ cộng đồng, được bà con và chính quyền địa phương tổ chức, chưa có sự phối kết hợp với ngành văn hóa, ngành du lịch để tạo sự kết nối vững chắc hơn, quy hoạch bài bản và cụ thể hơn.

ThS Hoàng Thị Ngọc Bích, Trường đại học Quảng Bình khẳng định, vấn đề bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa với du lịch luôn phải bảo đảm tôn trọng tính truyền thống đặc sắc của lễ hội, tín ngưỡng..., tính khoa học trong công tác tổ chức và đáp ứng nhu cầu của khách du lịch.

Do đó, trước hết, cần xây dựng kế hoạch cho các hoạt động quảng bá, như: đưa nội dung của lễ hội vào trang tin điện tử du lịch tỉnh, liên kết với các đơn vị tổ chức tour du lịch, các khách sạn trên địa bàn để tuyên truyền, quảng bá. Đồng thời, cần có sự kết nối với các sinh hoạt văn hóa tiêu biểu của cư dân vùng biển với các điểm du lịch khác trên địa bàn để hình thành và phát triển các tour du lịch mang tính đặc trưng riêng.

Mai Nhân

Kỳ 1: Sức sống của lễ hội phải từ chính cộng đồng...