.

Lễ hội đền Nghe

Thứ Ba, 15/09/2015, 08:22 [GMT+7]

(QBĐT) - Đền Nghe (hay còn gọi là đền Hang, chùa Hang, chùa Nghe..., tọa lạc ngay trước cửa động Phong Nha-Tiên Sơn (xã Sơn Trạch, huyện Bố Trạch). Với những giá trị văn hóa sâu sắc trong phần lễ và sự sôi nổi, đa dạng của phần hội, năm 2006, lễ hội đền Nghe được khôi phục tổ chức đã thu hút hàng nghìn người dân địa phương và du khách. Để gìn giữ nét văn hóa truyền thống của địa phương và làm phong phú thêm các sản phẩm du lịch trên miền đất di sản, việc khôi phục và bảo tồn lễ hội đền Nghe là việc làm cấp thiết, cần được quan tâm.

PGS.TS Nguyễn Tri Nguyên, nguyên Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu văn hóa Nghệ thuật đã khảo sát và cho biết lễ hội đền Nghe không xác định được nguồn gốc chính xác của nó. Tuy nhiên về truyền thuyết, ông nhận định rằng có thể con người hiện đại đã tưởng tượng, thêm thắt các tình tiết làm cho nó có phần khác so với cái nguyên bản, nguyên gốc lúc đầu.

Theo lời kể của các cụ cao niên trong làng, cư dân bản địa ở đây vốn trước kia là các cư dân vạn chài trên sông Son. Do vậy dẫu đã lên bờ làm nghề nông nhưng đời sống tâm linh tín ngưỡng của họ vẫn gắn bó với con đò, dòng sông, đây chính là nguồn gốc sâu xa của tín ngưỡng lễ cầu nước của cư dân Phong Nha. Tín ngưỡng cầu nước này chỉ thực hiện sau một thời gian dài bị hạn hán, mất mùa và bà con phải nghĩ đến việc cầu đảo (lễ cầu nước, cầu an). Chính vì vậy, lễ cầu đảo này xuất phát từ bức xúc trong đời sống và gắn chặt chẽ với đời sống nhân dân, chứ không phải định hình thành một chu kỳ hằng năm như các nơi khác.

Được biết, trong lễ cầu đảo này có việc dìm một con chó đen xuống nước với mục đích gây xú uế, khiến cho thần nổi giận mà phải gây mưa để làm sạch, tẩy mùi xú uế đó. Và thường thì trong vòng ba ngày sau sẽ linh ứng và có mưa xuống.

Đền Nghe tọa lạc ngay trước cửa động Phong Nha-Tiên Sơn.
Đền Nghe tọa lạc ngay trước cửa động Phong Nha-Tiên Sơn.

PGS.TS Nguyễn Tri Nguyên đã từng nhận định rằng lễ cầu nước đền Nghe vừa là ước muốn của con người về chất vô nhiễm linh thiêng kia, vừa là một ứng xử  tâm linh của cư dân bản địa đối với thần hang động. Nước là biểu tượng chính, là nguyện vọng, cầu mong của bà con. Ông nghĩ rằng, cái này hoàn toàn phù hợp với tâm thức của người Việt sống nhờ vào sông nước và hang động, nơi nguồn nước bắt đầu. Do vậy, việc tổ chức một lễ cầu nước, rước nước hay cầu đảo là hoàn toàn vừa mang tính dân tộc bản địa, vừa mang tính văn hóa, không hề có vấn đề mê tín dị đoan lai nhập.

Với những đánh giá về giá trị văn hóa, tinh thần sâu sắc đó, vào tháng 7 năm 2006, UBND tỉnh đã triển khai khôi phục lại lễ hội đền Nghe tại xã Sơn Trạch. Lễ hội đền Nghe được chia ra thành hai phần gồm phần lễ và phần hội. Phần lễ được tiến hành  gồm: lễ mộc dục (lấy nước từ sông lên tẩy rửa trong đền), lễ cáo yết, lễ hiến sinh (dìm một con chó đen xuống cửa động Phong Nha), lễ rước nước về chùa, lễ tế. Phần hội gồm các hoạt động bơi trải, kéo co, đánh đu, cướp cù, hát bội... Mục đích của lễ hội đền Nghe là cầu mưa, cầu cho thời tiết thuận hòa, mùa màng bội thu, đời sống người dân an lành, no ấm... Lễ hội đã thu hút đông đảo người dân địa phương và khách du lịch tham gia.

Đáng tiếc rằng, sau khi việc khôi phục lễ hội thành công, đến nay vẫn chưa thấy lễ hội đền Nghe được tổ chức thêm lần nào. Ông Nguyễn Công Trứ, Chủ tịch UBND xã Sơn Trạch chia sẻ: “Sơn Trạch là miền đất di sản, nơi có rất nhiều du khách đến tham quan, do vậy để làm đa dạng và phong phú thêm các sản phẩm du lịch nhằm thu hút khách thì việc khôi phục lễ hội đền Nghe là rất cần thiết. Bên cạnh đó, thông qua lễ hội này, chúng tôi muốn giới thiệu với du khách trong nước và quốc tế nét văn hóa đặc sắc của người dân xã Sơn Trạch, giúp họ hiểu thêm về đời sống, văn hóa, con người nơi đây”.

Trao đổi vấn đề này với BQL VQG Phong Nha-Kẻ Bàng, ông Đặng Đông Hà, Phó Giám đốc BQL Vườn cho biết, hiện tại đền Nghe vẫn đang được Trung tâm Du lịch Phong Nha-Kẻ Bàng quản lý, bảo vệ, chăm sóc tốt. BQL VQG Phong Nha-Kẻ Bàng cũng đã có đề xuất với UBND tỉnh về việc khôi phục lễ hội đền Nghe trong thời gian tới.

Theo đề xuất của BQL VQG Phong Nha-Kẻ Bàng thì việc khôi phục lễ hội đền Nghe sẽ có một số thay đổi để phù hợp hơn với nét văn hóa, đời sống hiện tại, đồng thời cũng tăng thêm sự phong phú đa dạng của lễ hội nhằm thu hút du khách thập phương đến với Di sản thiên nhiên thế giới Phong Nha-Kẻ Bàng. Cụ thể, tên lễ hội đền Nghe sẽ được đổi thành lễ hội Phong Nha nhằm mở rộng quy mô lễ hội; trong phần lễ hiến sinh, việc dìm một con chó đen xuống cửa động Phong Nha có thể gây ra sự phản cảm đối với du khách, đặc biệt là du khách nước ngoài, do vậy nên thay thế con chó đen sống thật bằng một con chó đen bằng vàng mã và hóa cho nó cháy, sau đó lấy tro rải xuống nước; phần hội cũng sẽ tổ chức thêm một số trò chơi để tăng thêm sự đa dạng, phong phú...

Hy vọng rằng, trong thời gian sớm nhất có thể, lễ hội Phong Nha sẽ được khôi phục và phát huy tốt những giá trị văn hóa đặc sắc của mình, để rồi du khách thập hương đến với Phong Nha-Kẻ Bàng có cơ hội hiểu thêm về đời sống văn hóa, tâm linh của con người nơi đây, tạo cho họ cảm giác gần gũi, thân thuộc hơn mỗi lần đến với miền đất di sản này.                              

Cát Nhiên