.

Vì sao đề tài nông thôn mới "vắng bóng" trong văn học nghệ thuật?

Thứ Ba, 11/08/2015, 08:22 [GMT+7]

(QBĐT) - Trong bất cứ giai đoạn thăng trầm nào của thực tiễn, văn học nghệ thuật luôn đồng hành và phản ánh đầy đủ, chân thực nhất từng mảng miếng, khía cạnh phức tạp của đời sống. Nhiều tác phẩm, tác giả đã tỏa sáng từ chính những sự kiện, thời khắc, giai đoạn lịch sử và có sức sống mãnh liệt đến tận ngày hôm nay. Chính vì vậy, khi chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới bắt đầu được khởi xướng cách đây 5 năm, công chúng yêu văn học nghệ thuật tỉnh nhà vẫn chờ đợi những tác phẩm đề cập đến đề tài mới mẻ này và kỳ vọng sẽ có một luồng gió mới thức tỉnh các tài năng đang dần đến độ chín. Tuy nhiên, trên thực tế, tỉnh ta vẫn rất ít ỏi, hiếm hoi các tác phẩm văn học nghệ thuật lấy đề tài xây dựng nông thôn mới.

Tác giả Trương Thu Hiền là người bấy lâu nay thường xuyên gắn bó với đề tài nông thôn, miền núi. Xoay quanh đề tài quen thuộc này, chị ghi dấu ấn với các truyện ngắn, bút ký về nhiều vùng quê thân thuộc của Quảng Bình, trải dài từ những trầm tích lắng đọng sâu trong quá khứ cho đến từng nét đổi thay, tươi mới ở hiện tại. Đọc văn của Trương Thu Hiền, công chúng tìm thấy sự đồng cảm, rung động ở từng câu chữ, bởi chị dường như đặt cả trái tim, tâm hồn, dốc cả bầu nhiệt huyết để viết về quê hương. Tập bút ký “Đoản khúc cho quê” xuất bản năm 2013 của chị là một đứa con tinh thần như thế, góp phần nào đó lưu giữ một vùng ký ức đẹp về một miền “lung linh nắng” trong tâm hồn mỗi một con người. Để ai đó, dù chỉ một lần thôi, cũng có cơ hội được trở về, được tìm lại một chút tự tình xưa của chốn quê.

Chắc tay với đề tài nông dân, nông nghiệp, nông thôn, nhưng chị cũng thừa nhận, các tác phẩm của mình mới chỉ lấy bối cảnh là nông thôn trong giai đoạn đổi mới, hoặc chỉ là một vài lát cắt để phản ánh một khía cạnh hay góc nhìn nào đó về nông thôn hiện đại, và vẫn chưa có tác phẩm nào đi sâu, đi sát vào mảng đề tài mang tính thời cuộc, nóng hổi này.

Nhà văn Kim Cương, Phân hội trưởng Phân hội Văn học, Hội Văn học-Nghệ thuật tỉnh chia sẻ, các nhà văn, nhà thơ tỉnh ta hầu như rất ít xem nông thôn mới là đề tài chủ đạo trong tác phẩm của mình. Một vài tác giả lấy nông thôn mới làm bối cảnh sáng tạo, nhưng chưa đi sâu khai phá, chưa xem đó như chất liệu chính hình thành nên tác phẩm. Một phần nguyên nhân xuất phát từ tâm lý của các tác giả tỉnh ta vẫn còn say mê với mảng đề tài lịch sử cách mạng quen thuộc, một phần do không ít nhà văn, nhà thơ tuổi tác cao hoặc không có điều kiện xâm nhập thực tế, nên chưa xem nông thôn mới như một đề tài để khai thác, phát huy thế mạnh của mình. Ngoài ra, cũng theo nhà văn Kim Cương, các cây bút dường như vẫn thiếu một lực đẩy để theo đuổi đề tài mang tính thời sự, hấp dẫn như nông thôn mới.

Bộ mặt nông thôn đổi thay từng ngày.
Bộ mặt nông thôn đổi thay từng ngày.

Đây không phải là thực trạng riêng của chuyên ngành văn học, chuyên ngành có số lượng hội viên đông nhất của Hội Văn học-Nghệ thuật tỉnh, mà còn là thực tế chung của nhiều chuyên ngành khác khi được hỏi về mảng đề tài xây dựng nông thôn mới.

Theo nghệ sĩ nhiếp ảnh Thành Vương, Chi hội trưởng Chi hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam tỉnh, các nhiếp ảnh gia luôn xem nông thôn là một trong những đề tài sáng tạo chính và xuyên suốt trong các tác phẩm. Mới đây, nghệ sĩ nhiếp ảnh Hoàng An đã đoạt giải khuyến khích tại triển lãm mỹ thuật, nhiếp ảnh toàn quốc có chủ đề “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” với tác phẩm “Chung tay xây dựng nông thôn mới”. Và cũng còn không ít tác phẩm về đề tài nông thôn mới đầy sáng tạo, mới mẻ và mang dấu ấn riêng của từng nghệ sĩ nhiếp ảnh Quảng Bình. Thế nhưng, thời gian gần đây, nhiệt huyết về mảng đề tài này đang có xu hướng cạn kiệt. Bởi như lời của nghệ sĩ nhiếp ảnh Thành Vương tâm sự: “Ảnh chụp xong rồi chỉ biết cất vào hộc tủ thôi...” hoặc kỳ vọng hơn thì chờ một vài cuộc thi của trung ương, khu vực rồi gửi tác phẩm dự thi, nhưng thường thì cũng phải chờ đợi vài tháng có khi thậm chí cả năm mới có một cuộc thi hay triển lãm. Anh em nhiếp ảnh mong chờ một cuốn sách ảnh hay một cuộc phát động sáng tác có quy mô trong tỉnh để hâm nóng lại bầu nhiệt huyết và mải miết hơn trên hành trình sáng tạo của mình đối với đề tài xây dựng nông thôn mới.

Nhà điêu khắc Phan Đình Tiến, Chủ tịch Hội Văn học-Nghệ thuật tỉnh trăn trở, nông nghiệp-nông thôn-nông dân luôn là mảng đề tài lớn trong sáng tạo văn học nghệ thuật và Quảng Bình cũng vinh dự có nhiều tác giả lớn thành công ở mảng đề tài này. Thực tế cho thấy, thời gian qua, nông thôn mới là một chương trình mục tiêu lớn, góp phần thay đổi diện mạo tích cực nhiều vùng quê và nâng cao từng bước đời sống nhân dân. Điều đáng tiếc là các tác phẩm hay, ấn tượng và có sức hấp dẫn về đề tài này ở tỉnh ta lại khá hiếm hoi. Bên cạnh các nguyên nhân khách quan, như: thiếu các cuộc thi, cuộc phát động, điều kiện đi xâm nhập thực tiễn khó khăn..., cũng phải nhìn thẳng vào thực tế là bản thân các văn nghệ sĩ chưa có sự nỗ lực làm mới, sáng tạo hơn, cảm xúc đạt độ chín hơn đối với đề tài thời sự, gai góc và thậm chí khá khô khan này.

Trong thời gian tới, Hội Văn học-Nghệ thuật tỉnh đang ấp ủ ý định phối hợp với các sở, ban, ngành, đoàn thể liên quan để phát động một cuộc vận động sáng tác về đề tài xây dựng nông thôn mới. Đồng thời, Hội cũng kỳ vọng sẽ có sự vào cuộc tích cực, hỗ trợ toàn diện từ các cấp các ngành để đưa những tác phẩm về nông thôn mới đến gần hơn với công chúng. Đối với chuyên ngành văn học, theo nhà văn Kim Cương, sắp tới để chào mừng Đại hội Đảng các cấp, một tập sách sẽ được hoàn thành, trong đó, Phân hội Văn học đã vận động các nhà văn, nhà thơ tích cực chú trọng vào mảng đề tài nông thôn mới. Hy vọng rằng đây sẽ là bước đệm cho sự ra mắt của những tác phẩm thực sự phản ảnh hơi thở thời cuộc nông thôn đang đổi thay từng ngày.

Mai Nhân