.

Phượng vĩ Đồng Hới

Thứ Sáu, 07/08/2015, 08:37 [GMT+7]

(QBĐT) - Hàng năm, cứ vào độ cuối tháng 4 đến tháng 7 là đến mùa hoa phượng. Những chùm hoa rực lửa, nổi bật giữa màu xanh của cây cỏ, hoa lá. Cánh hoa rơi xoay xoay trong gió, rải thảm dưới gốc cây, mặt đường cùng với tiếng ve râm ran, tạo nên một khung cảnh thật bình yên, gợi nhớ bao kỷ niệm.

Theo một tài liệu nghiên cứu thì quê hương của cây phượng có nguồn gốc từ vùng đảo Madagatsca (ngoài khơi vùng biển Đông nam Châu Phi trên Ấn Độ Dương) và theo chân người Pháp thâm nhập vào Việt Nam gần cuối thế kỷ 19. Từ đó, ở Việt Nam cây phượng có mặt khắp nơi. Nhưng có lẽ nhiều nhất và nổi tiếng nhất là ở thành phố Hải Phòng. Bởi vậy mà Hải Phòng còn có biệt danh là thành phố Hoa phượng đỏ.

Ở Đồng Hới, cây phượng tuy chưa phải là cây hoa đặc trưng như hoa hồng (thành phố Hoa hồng) nhưng phượng cũng chiếm một phần trong ký ức và hiện tại của người Đồng Hới. Theo các cụ cao niên ở địa phương truyền lại rằng: Khi người Pháp đặt chân lên Đồng Hới và năm 1886 cho xây dựng nhà thờ Tam Tòa tại làng Lệ Mỹ (phường Đồng Mỹ hiện nay) thì quanh nhà thờ đã có cây phượng vĩ. Sau năm 1954, lớp trẻ con chúng tôi đã thấy phía đông nhà thờ Tam Tòa, sát bờ sông Nhật Lệ đã có 4 cây phượng cao to, vòng tay trẻ con không ôm hết. Thân cây nhoài ra sông, cành lòa xòa mặt nước tạo bóng mát cho những chiếc thuyền câu trên sông. Cây hoa phượng còn gắn liền với lứa tuổi học trò. Còn nhớ, Trường Chơn Phước Phượng ngày ấy (sau 1954 đổi tên thành Trường cấp 3 Đồng Hới nay là Trường Đào Duy Từ) có vị trí tại Khách sạn Hữu Nghị hiện nay.

Trường nằm ngay ven hồ Thành Đồng Hới. Mặt trước của trường là những cây phượng vĩ được trồng xen kẽ giữa hàng phi lao thẳng đứng. Những giờ ra chơi, học sinh thường quây quần dưới gốc phượng chơi trò chọi hoa, nhặt hoa ép vào sổ tay, hoặc xếp những chiếc thuyền bằng giấy chở đầy hoa phượng thả xuống hồ Thành. Ngọn gió Lào nhè nhẹ đưa thảm đỏ hoa phượng cùng những chiếc thuyền giấy luồn qua cầu Mụ Kề, theo dòng nước trôi ra biển.

Màu phượng đỏ lại gợi nhớ những ngày Bác Hồ vào thăm Quảng Bình (16-6-1957). Ngày ấy, cả Đồng Hới như rực lên một màu đỏ với những cờ, hoa, băng rôn khẩu hiệu.

Tháng 6, lại đúng mùa hoa phượng nở nên từ khắp nẻo phố, ven hồ Thành, sân vận động... đâu đâu cũng thấy sắc đỏ của hoa phượng. Phải chăng hoa cũng như lòng người mà khoe màu tạo nên không khí rạo rực trong ngày đón Bác?

Đó là một mùa hoa phượng khó quên trong ký ức của người Đồng Hới.

Rồi chiến tranh lan đến. Đồng Hới chìm trong bom đạn từ máy bay tàu chiến của đế quốc Mỹ. Chúng biến một Đồng Hới xinh đẹp thơ mộng thành hoang tàn với chết chóc... Nhà thờ Tam Tòa tan hoang. Những cây phượng đại thụ bật gốc bên hố bom sâu hoắm. Dãy phượng ven hồ Thành trước Trường cấp 3 Đồng Hới cành lá xác xơ, cây phượng già cạnh nhà ông thợ nhuộm (khu phố Đồng Hải cũ) chỉ còn phần thân chi chít mảnh bom... Cây phượng trước cửa Chùa Phật học (cầu Dài) và hàng chục cây phượng khác trên đất Đồng Hới cũng chung số phận.... Thương cho những nụ hoa chưa kịp nở, như những viên bi học trò bay tung tóe giữa gạch đá, vương mùi thuốc khói bom, cánh hoa đang e ấp một màu hồng chờ ngày hé nở...

Cũng trong những ngày đạn bom đó, cũng bên những gốc phượng vĩ tả tơi đó, Đồng Hới có biết bao cuộc chia tay của tuổi trẻ tiễn đưa người ra trận. Bạn tôi, nhập ngũ vào tháng 7 năm 1966 và anh cũng đã ngã xuống trên chiến trường Quảng Trị vào đúng tháng 7 năm sau, khi mùa phượng đang nở rộ cùng với ngọn gió Lào nóng cháy vùng đất Gio Linh. Họ đã ra đi từ gốc phượng vĩ bên sông Nhật Lệ, mang theo kỷ niệm một màu đỏ của tình yêu quê hương, tình yêu đôi lứa, tình yêu thời học trò...

Chiến tranh đi qua...

Đồng Hới - một thị xã hoang tàn đang từng bước xây dựng lại từ đầu.

Cùng với những quy hoạch đô thị đường sá, những ngôi nhà cao tầng mọc lên, những chiếc cầu bắc qua sông Nhật Lệ thì màu xanh của cây lá cũng bắt đầu thắm lại.

Cây phượng vĩ trải qua thời đạn bom khốc liệt nay lại trở về trên mảnh đất năm xưa. Tán lá vươn ra che mát buổi trưa hè, những chùm hoa đỏ rực, cánh hoa rải đầy trên đường Mẹ Suốt, đường Thanh Niên, nhà Bảo tàng, Sân vân động, ven hồ Thành... Sân trường lại náo nức đàn em đùa vui dưới tán phượng đỏ, cùng hòa chung dàn đồng ca của hàng trăm chú ve sầu mùa hạ.

Đồng Hới đã là thành phố!

Cây hoa phượng từng gắn bó với Đồng Hới ngày ấy, nay cũng trở mình, tạo dáng dấp, góp phần làm đẹp thêm cho một Đồng Hới thân thương, gần gũi, đầy kỷ niệm, để nhắc Đồng Hới: Mùa hoa phượng ngày ấy... bây giờ...

Tháng 7-2015

Trung Bảo Nhật