.

Nghiên cứu, phát triển và bảo tồn giá trị văn hóa biển đảo Quảng Bình trong không gian văn hóa biển đảo Việt Nam

Thứ Tư, 05/08/2015, 08:00 [GMT+7]

(QBĐT) - Biển, đảo có một vị trí vô cùng quan trọng trong đời sống văn hoá, kinh tế, chính trị, an ninh và quốc phòng của các quốc gia nói chung và của Việt nam nói riêng. Cách đây hơn một thế kỷ, khi phân định các thời đại phát triển, Ngoại trưởng Mỹ John Hay đã cho rằng: “Địa Trung Hải là biển của quá khứ, Đại Tây Dương là biển của hiện tại, Thái Bình Dương là biển của tương lai” (Naisbitt J. và Aburdene P,1992). Lời tiên đoán này đang trở thành sự thật, Thái Bình Dương ngày nay đã thực sự là một khu vực năng động nhất thế giới về nhiều phương diện: chính trị, kinh tế, văn hóa và quân sự. Hơn nữa trong bối cảnh hiện nay, khai thác biển, làm giàu từ biển đang trở thành vấn đề mang tính chiến lược đối với nhiều quốc gia trên thế giới, đặc biệt là những quốc gia có biển khi mà nguồn tài nguyên trên đất liền ngày càng trở nên cạn kiệt.  

Việt Nam được bao bọc bởi bờ biển Đông trải dài hơn 3.200km trên 3 hướng: đông, nam và tây nam. Việt Nam có gần 4.000 hòn đảo lớn nhỏ và hơn 1.000.000km2 lãnh hải thuộc chủ quyền, trung bình cứ 100 km2 diện tích đất liền Việt Nam có 1km bờ biển, tỷ lệ vào loại cao so với tỷ lệ trung bình của thế giới (600km2 đất liền mới có 1km bờ biển). Bờ biển của Việt Nam trải dài từ Bắc xuống Nam vì thế biển có vị trí đặc biệt trong phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng - an ninh của đất nước. Hơn nữa, Việt Nam nằm ở trung tâm Biển Đông, vì vậy Biển Đông có vị trí vô cùng quan trọng đối với Việt Nam về các mặt chiến lược, kinh tế, quốc phòng - an ninh trước mắt và lâu dài. Vùng biển và thềm lục địa thuộc chủ quyền và quyền tài phán quốc gia của Việt Nam chứa đựng nhiều tài nguyên thiên nhiên đa dạng và phong phú, trong đó trước hết là cá biển với trữ lượng khoảng 3 triệu tấn, cho phép khai thác từ 1,2 đến 1,4 triệu tấn /năm; dầu khí với trữ lượng khoảng 10 tỷ tấn dầu, 250-300 tỷ m3 khí đồng hành.

Với diện tích và vị trí địa lý thuận lợi về biển, biển Việt Nam vừa là điều kiện để liên kết kinh tế giữa các vùng, các miền trong nước, vừa là cửa ngõ thông thương giữa Việt Nam với các nước trong khu vực và trên thế giới. Với khoảng 1/3 số dân của cả nước sinh sống ở ven biển và trực tiếp chịu ảnh hưởng của biển và có các hoạt động kinh tế liên quan trực tiếp đến biển. Chính môi trường biển đã tạo nên không gian văn hóa biển đảo hết sức phong phú và đa dạng mang đậm sắc thái Việt Nam.

Quảng Bình là một tỉnh ven biển, từ xa xưa con người nơi đây đã gắn bó với biển khơi, trong quá trình sinh sống, lao động, sáng tạo, các thế hệ cộng đồng ngư dân đã tạo nên những dấn ấn văn hóa biển đảo khá đặc trưng. Cách đây khoảng 4.000 - 5.000 năm, khu vực này đã tồn tại một nền văn hóa biển tiêu biểu của miền Trung, đó là văn hóa Bàu Tró. Trải qua các giai đoạn phát triển, cư dân ven biển Quảng Bình đã sớm thích nghi và gắn bó với môi trường biển, từ việc khai thác, chinh phục tài nguyên của biển đến phong tục tập quán, lễ nghi, đi lại và sinh hoạt văn hóa.

Nói đến văn hóa biển Quảng Bình trước hết phải đề cập đến những giá trị văn hóa do điều kiện tự nhiên ở đây mang lại. Với bờ biển dài trên 116km và một vùng biển rộng 20.000km2  núi non phô ra trên mặt nước, có nhiều rặng san hô, đá ngầm, biển Quảng Bình không những là nơi chứa đựng nguồn tài nguyên biển quý hiếm, là còn hội tụ vô vàn các loại sinh vật và phi sinh vật biển, được đánh giá là vùng biển có trữ lượng lớn về thủy hải sản, vừa đa dạng và phong phú về chủng loài, ước tính có trên 1000 loài. Chính môi trường địa lý ấy đã tạo nên những danh lam thắng cảnh kỳ thú, vẻ đẹp thiên nhiên hấp dẫn, như: đèo Ngang, đèo Lý Hòa, Vũng Chùa - Đảo Yến, Hòn La, đảo Nồm, đảo Gió, bãi biển Nhật Lệ, Quảng Đông, Hải Ninh, Ngư Thủy,... Có thể nói đó những sản phẩm văn hóa vật chất và tài nguyên du lịch biển đặc sắc hình thành một không gian văn hóa biển đảo Quảng Bình độc đáo góp phần làm phong phú thêm diện mạo bức tranh không gian văn hóa biển đảo nước ta..

Ngoài những giá trị văn hóa ấy, biển Quảng Bình còn thể hiện những nét văn hóa đặc thù mang đậm yếu tố biển của cộng đồng ngư dân ven biển. Do họ tụ cư ở môi trường địa lý khá đặc biệt, một môi trường mà phía sau lưng là núi, phía trước mặt là biển, hai bên là những cồn cát trắng và cửa của các dòng sông lớn. Dọc theo chiều dài bờ biển ở đây đã có hàng chục làng biển trù phú mọc lên. Theo thời gian cộng đồng ngư dân Quảng Bình  ngày một phát triển. Quá trình lấy biển làm nguồn sống chính, cư dân ven biển đã không ngừng chinh phục, khai thác tài nguyên của biển để phục vụ cho cuộc sống. Trải qua hàng trăm năm làm chủ một vùng biển cả mênh mông, họ đã đúc kết nên nhiều nghề đánh bắt hải sản. Từ việc đánh bắt hải sản ở bãi ngang, trong lộng đến việc đánh bắt nhiều ngày ở ngoài khơi. Bên cạnh nghề khai thác cá, nghề thương mại hàng hải, nghề chế biến hải sản cũng khá phát đạt.

Gắn liền với nghề biển, nghề đóng tàu thuyền ở các làng biển Quảng Bình cũng được phát triển mạnh, từ lâu đã nổi tiếng khắp cả nước. Những người thợ đóng thuyền ở  đây không chỉ đóng được các loại thuyền (nốc) dùng để đi biển đánh bắt hải sản mà còn đóng được cả ghe bầu có trọng tải từ 30 – 100 tấn, đi biển xa, dài ngày hoặc chuyên chở hàng hóa, buôn bán. Trên những con thuyền vượt biển, người làm vận tải ở các làng biển Quảng Bình có mặt khắp biển bờ, sông rạch từ Nam đến Bắc.

Hơn nữa cư dân ven biển Quảng Bình không chỉ chinh phục và khai thác biển khơi bằng những kinh nghiệm mà còn bằng tất cả nghị lực và cốt cách của mình. Biển đối với họ không chỉ nơi cung cấp cá, muối, ... cho cộng đồng cư dân mà còn là nơi rèn đúc cốt cách và bản lĩnh đối với con người nơi đây. Những phẩm chất quý giá của cộng đồng người quen sinh sống, đối mặt với sóng to, gió lớn, bão tố, lũ lụt như: dũng cảm, kiên cường, thông minh, nhanh nhẹn, mạo hiểm... đã được hình thành và ngày càng được củng cố, vun đắp để thế hệ sau hơn thế hệ trước, tạo nên sức sống mãnh liệt giúp họ có đủ nghị lực vượt qua những thử thách nơi đầu sóng ngọn gió.      

Lễ cầu ngư - nét đẹp văn hóa của người dân vùng biển Bảo Ninh (Đồng Hới)         Ảnh: T.H
Lễ cầu ngư - nét đẹp văn hóa của người dân vùng biển Bảo Ninh (Đồng Hới) Ảnh: T.H

Bên cạnh giá trị văn hóa vật thể, không gian văn hóa biển đảo Quảng Bình còn bảo lưu được những di sản văn hóa phi vật thể phản ánh sâu sắc cuộc sống tinh thần của cư dân vùng biển. Đầu tiên có thể nhận thấy biển đi vào đời sống văn hóa của họ là việc tổ chức các lễ hội hàng năm như: Lễ hội cầu ngư, lễ hội cầu mùa với tục thờ cá Ông, lễ hội đua thuyền, lễ hạ giang, lễ chạm mắt thuyền, lễ xuân thu - nhị kỳ; đại trường câu... đi cùng với nó là các trò chơi, loại hình diễn xướng dân gian phong phú, đa dạng.

Cuộc sống quanh năm gắn liền với môi trường sông nước, nhuốm màu sắc của biển cả, cư dân làng biển Quảng Bình đã sáng tạo nên những câu hò, điệu múa, vè, cũng như tục ngữ ca dao như: hò hụi, hò kéo lưới, hò đẩy thuyền, vè con nước, vè rạng ngầm, vè nhật trình đi biển, múa bông chèo cạn... Ngoài ý nghĩa vui chơi, giải trí, đây cũng là dịp để tái hiện lại cuộc sống và lao động của những người làm nghề biển, thông qua đó họ gửi gắm những ước mơ, khát vọng về tâm linh, mùa cá bội thu và cuộc sống thanh bình no ấm cũng như thể hiện tính đoàn kết cộng đồng, tinh thần thượng võ, dám vươn ra biển lớn của con người nơi đây. Điều quan trọng là tạo động lực, niềm tin, tiếp thêm sức mạnh cho những con người ngày đêm sống trên sóng nước biển khơi, bảo tồn và lưu giữ các giá trị văn hóa biển đảo của quê hương, đất nước.

Sống trên biển, mưu sinh lợi ích từ biển, ngoài công cuộc chinh phục, khai thác tài nguyên của biển, ngư dân Quảng Bình còn có nhiệm vụ hết sức quan trọng là giữ gìn, bảo vệ chủ quyền lãnh hải của Tổ quốc. Những chuyến vượt biển ra khơi đánh bắt hải sản, buôn bán hàng hải chính là cơ sở cho việc xác lập và đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo. Ngược dòng lịch sử cho thấy từ thời xa xưa ở các làng biển dọc duyên hải Quảng Bình đã có những đóng góp không nhỏ cho nhiệm vụ này. Trong sự nghiệp bảo vệ chủ quyền lãnh hải hiện nay, họ cũng đã có những đóng góp đáng kể. Theo số liệu thống kê ở Quảng Bình hiện có 4.383 tàu thuyền đánh bắt hải sản với tổng công suất 254.100CV và đã thành lập được 68 tổ hợp tác, 178 tổ đoàn kết trên biển giúp nhau bảo đảm hoạt động đánh bắt, khai thác cũng như bảo vệ chủ quyền biển đảo. Hàng tháng đã có trên 70 tàu của ngư dân Quảng Bình có trọng tải từ 100 đến 300 CV ra Trường Sa, Hoàng Sa vừa đánh bắt hải sản vừa bảo vệ chủ quyền lãnh hải thiêng liêng của Tổ quốc.

Tự hào về truyền thống văn hóa biển, về thành tựu khai thác và chinh phục biển của cha ông, chúng ta càng phải có trách nhiệm với biển. Có thể nói chưa bao giờ trong tâm hồn người Việt Nam, biển lại gây xôn xao nhiều như vậy, điều đó không chỉ biểu hiện về mặt tình cảm mà cả trong hành động hướng về biển đảo thân yêu.
Trong bối cảnh hiện nay, để khai thác một cách có hiệu quả và bền vững các nguồn tài nguyên và giá trị văn hóa biển đảo, hơn bao giờ hết đòi hỏi chúng ta cần có những định hướng và giải pháp đúng đắn.

Trước hết, cần phải đẩy mạnh công tác nghiên cứu, điều tra cơ bản về tài nguyên môi trường biển, hệ thống giá trị văn hóa biển đảo của địa phương, nhằm xác lập luận cứ khoa học cho việc triển khai chiến lược phát triển kinh tế biển gắn với việc phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng-an ninh trên địa bàn tỉnh.

Thứ hai, phát triển kinh tế biển bền vững phải đi cùng với việc bảo tồn, gìn giữ văn hoá biển. Đây chính là một trong những giải pháp quan trọng, hữu hiệu để bảo tồn và phát huy giá trị của nó.

Thứ ba, cần chú trọng, đẩy mạnh việc phát triển cơ cấu kinh tế biển theo hướng đa ngành trên cơ sở những ngành hiện có, đồng thời mở rộng đối với các ngành dịch vụ, cảng biển kết hợp với hệ thống vận tải và du lịch văn hóa biển đảo để giới thiệu với bạn bè trong nước và quốc tế về những lợi thế đặc thù của tỉnh về biển đảo.

Nhận thức được tầm quan trọng và vai trò to lớn đối với cuộc sống, chủ quyền và vị trí chiến lược của biển đảo, trong thời gian gần đây, hoạt động nghiên cứu về biển đảo nói chung và về văn hóa biển đảo nói riêng tích cực được triển khai và thu hút được sự quan tâm của nhiều học giả trong và ngoài nước. Tuy đã đạt được nhiều thành tựu nhưng lĩnh vực nghiên cứu văn hóa biển đảo vẫn còn nhiều vấn đề cần tìm hiểu kỹ lưỡng để giúp chúng ta có cái nhìn toàn diện hơn. Nhằm tạo diễn đàn để các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu, cán bộ lãnh đạo, quản lý và giảng viên trao đổi, thảo luận các kết quả nghiên cứu về văn hóa biển đảo, Trường đại học Quảng Bình, Trường đại học Văn hóa Hà Nội và Trường đại học Văn hóa TP. Hồ Chí Minh phối hợp tổ chức hội thảo khoa học “Văn hóa biển đảo - Nguồn lực phát triển bền vững”. Đây là một hoạt động có ý nghĩa thiết thực để góp phần phát triển và bảo tồn giá trị văn hóa biển đảo Quảng Bình trong không gian văn hóa biển đảo Việt Nam.

PGS.TS. Hoàng Dương Hùng