.
Kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống ngành Văn hóa Việt Nam (28-8-1945 - 28-8-2015) và ngành VH-TT-DL Quảng Bình đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất (lần 2)

Ngành Văn hóa-Thể thao và Du lịch Quảng Bình phát huy truyền thống, vững bước trên con đường phát triển

Thứ Hai, 24/08/2015, 09:01 [GMT+7]

(QBĐT) - Đồng chí Lương Văn Luyến, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch trả lời phỏng vấn của phóng viên Báo Quảng Bình.

PV: Nhân kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống ngành Văn hóa Việt Nam (28-8-1945 – 28-8-2015), xin đồng chí giới thiệu vài nét về lịch sử của ngành?

Đồng chí Lương Văn Luyến: Chỉ ít ngày sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, Chính phủ lâm thời Việt Nam dân chủ cộng hoà ra đời, trong Tuyên cáo ngày 28-8-1945, Bộ Thông tin-Tuyên truyền đã được thành lập. Từ đó, ngày 28-8 hàng năm trở thành Ngày truyền thống của ngành Văn hóa-Thông tin.

Trong bối cảnh chung của toàn quốc, tháng 10-1945, Ty Thông tin-Tuyên truyền tỉnh Quảng Bình được thành lập. Dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, Ủy ban Hành chính kháng chiến Quảng Bình, Ty Thông tin-Tuyên truyền đã hướng mọi hoạt động vào công tác tuyên truyền, cổ động trực quan tập trung vào hai nhiệm vụ: kháng chiến và kiến quốc, mà trọng tâm là chống nạn đói, nạn mù chữ và đồng thời xây dựng đời sống mới, bài trừ thói hư, tật xấu, phong tục lạc hậu...

Năm 1946, các huyện, thị trong tỉnh thành lập các phòng Tuyên truyền. Sau ngày thực dân Pháp chiếm đóng Quảng Bình, các cơ quan của tỉnh chuyển lên vùng chiến khu. Cán bộ ngành Văn hoá quán triệt tinh thần chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh để tập trung tổ chức các hoạt động văn hóa với khẩu hiệu “Yêu nước và căm thù giặc”; công tác thông tin, tuyên truyền, cổ động trực quan chiếm vị trí hàng đầu trong công tác văn hóa phục vụ nhiệm vụ cách mạng.

Hoạt động văn hoá thời kỳ này mạnh về bề rộng, chiều sâu nội dung và nhanh nhạy, sắc bén, năng động, sáng tạo trong phương thức tổ chức thực hiện. Những lời ca, tiếng hát của những người làm công tác văn hóa thuở ấy vẫn âm vang mãi đến bây giờ; những khẩu hiệu chiến lược, chiến thuật thời đánh Pháp được dân nhớ lâu, nhớ kỹ và phong trào “Tiếng loa hòa tiếng súng” thuở ấy vẫn còn vang vọng đến hôm nay.

Sau ngày miền Bắc hoàn toàn giải phóng, các hoạt động văn hoá trên địa bàn tỉnh từng bước đi vào chiều sâu, với việc thành lập thư viện, quốc doanh chiếu bóng (1956), xây dựng đoàn văn công, bảo tàng (1959),... Tại các huyện, các đội văn nghệ quần chúng của xã, hợp tác xã, của xí nghiệp quốc doanh, nông trường, lâm trường, của các ngành lần lượt được thành lập. Trong đó, hoạt động của các đội văn nghệ tại các hợp tác xã nông nghiệp hoạt động có hiệu quả nhất.

Hoạt động văn hoá thời gian này tập trung vào công tác tuyên truyền chống địch dụ dỗ đồng bào di cư vào Nam; tuyên truyền, đấu tranh chống tàn tích của tư tưởng xã hội thực dân phong kiến và tuyên truyền, phổ biến khoa học-kỹ thuật cho quần chúng nhân dân để phát triển sản xuất, khắc phục những tập tục lạc hậu còn rơi rớt của xã hội cũ. Sự nghiệp văn hóa thông tin tỉnh nhà được chú trọng phát triển tương đối toàn diện trên các lĩnh vực, đi vào chiều sâu các chuyên ngành hoạt động, phát triển có bài bản, nội dung, lực lượng cán bộ hoạt động văn hoá ngày càng được tăng cường. Có thể nói, thời kỳ 1955-1965 là thời kỳ xây dựng đội ngũ, cơ sở văn hóa của tỉnh một cách khá cơ bản, toàn diện.

Với những kinh nghiệm đúc rút được từ trong kháng chiến chống Pháp, các hoạt động văn hóa thời kỳ đầu xây dựng miền Bắc XHCN, xây dựng quê hương Quảng Bình từ 1954 đến 1964 đã chuyển hướng kịp thời, tập trung tuyên truyền chiến thắng, vạch trần âm mưu, tội ác mới của địch, đánh giá đúng thắng lợi của ta, cổ cũ gương chiến đấu và phục vụ chiến đấu giỏi, sản xuất và bảo vệ sản xuất tốt, chuẩn bị tinh thần cho cán bộ, bộ đội và nhân dân bước vào cuộc chiến đấu ác liệt hơn, giành độc lập, tự do cho dân tộc.

Công tác văn hoá quần chúng ở cơ sở phát triển. Thơ, ca, hò, vè được kịp thời sáng tác phục vụ bộ đội, dân quân ngay tại chiến hào. Các buổi chiếu bóng được vận dụng để thông báo tin chiến thắng. Bảo tàng xã tổ chức trưng bày lưu động mừng công...

Phong trào “Tiếng hát át tiếng bom” được xây dựng. Lực lượng cán bộ của ngành đi sâu về cơ sở, liên tục hoạt động và có những đóng góp xứng đáng vào thành quả cách mạng chung. Phong trào văn hoá quần chúng cũng phát triển mạnh mẽ, rộng khắp trên nhiều mặt, hơn cả những năm tháng hòa bình với 5 phong trào của ngành Văn hóa, mà sôi nổi nhất là phong trào ca hát, sáng tác, biểu diễn văn nghệ,..

Không chỉ các hoạt động văn hoá phát triển, tổ chức bộ máy của ngành cũng tiếp tục được củng cố và có những bước phát triển mới. Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ làm công tác văn hoá cả chuyên nghiệp và quần chúng phát triển vượt bậc cả về chất và lượng.

Thắng lợi của công cuộc chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ trên quê hương Quảng Bình có phần đóng góp không nhỏ của phong trào “Tiếng hát át tiếng bom”, là dấu son ngời chói, in đậm trong những trang sử vàng của tỉnh nhà và lịch sử phát triển ngành Văn hoá.

Sau thắng lợi hoàn toàn của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, từ 1976, ngành Văn hoá Quảng Bình với hành trang của mình, vững vàng hội nhập vào dòng chảy của tỉnh Bình Trị Thiên suốt 13 năm cho đến ngày trở về địa giới cũ.

PV: Phát huy truyền thống của ngành, hoạt động Văn hóa - Thể thao và Du lịch thời kỳ thực hiện công cuộc đổi mới đã đạt những thành tựu gì?

Đồng chí Lương Văn Luyến: Dưới ánh sáng đường lối đổi mới của Đảng,  nhiều chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về củng cố và phát triển sự nghiệp văn hoá đã đi vào cuộc sống, được các cấp ủy Đảng và chính quyền các cấp nhận thức đúng và tích cực triển khai, nhân dân đồng tình hưởng ứng như Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) về “Xây dựng và phát triển văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” và gần đây nhất là Nghị quyết Trung ương 9 (khoá XI) về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”,...

Bên cạnh sự quan tâm của tỉnh, ngành Văn hoá còn nhận được sự quan tâm chỉ đạo của Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch trên các mặt, đặc biệt là việc đẩy mạnh các chương trình quốc gia về văn hoá, đầu tư trang thiết bị, tạo điều kiện phát triển các hoạt động của ngành nói chung, lĩnh vực văn hoá nói riêng trong tình hình mới.

Toàn cảnh lễ kỷ niệm 410 năm hình thành tỉnh Quảng Bình (1604-2014).      Ảnh: HÀNH TIẾN
Toàn cảnh lễ kỷ niệm 410 năm hình thành tỉnh Quảng Bình (1604-2014). Ảnh: HÀNH TIẾN

Trong những năm qua, ngành đã tích cực, chủ động tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh chỉ đạo và tổ chức thành công các hoạt động kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước, quê hương. Năm 2014, nổi bật là các hoạt động tham gia phục vụ Giỗ Tổ Hùng Vương, Lễ hội Đền Hùng tại tỉnh Phú Thọ; Kỷ niệm 410 năm hình thành tỉnh Quảng Bình (1604-2014); 70 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân việt Nam và 25 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân,... Năm 2015, nổi bật là các hoạt động Kỷ niệm 85 năm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam; 40 năm giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc; 70 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh nước Cộng hòa XHCN Việt Nam; tổ chức Lễ đón bằng của Tổ chức UNESCO ghi danh Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng là di sản thiên nhiên thế giới lần thứ 2 và khai mạc lễ hội hang động Quảng Bình năm 2015,... Các hoạt động kỷ niệm các ngày lễ lớn được tổ chức trang trọng, hiệu quả, an toàn đã góp phần cổ vũ tinh thần lao động sản xuất của nhân dân.

Công tác xây dựng và ban hành văn bản quản lý nhà nước đã bám sát thực tiễn hoạt động của ngành, bảo đảm chất lượng, kịp thời cụ thể hóa các văn bản chỉ đạo của các cấp, đồng thời chuyển tải sự chỉ đạo, điều hành của Sở tới các đơn vị, địa phương trên địa bàn, tạo hành lang pháp lý, bảo đảm sự vận hành thông suốt, kịp thời từ tỉnh đến cơ sở. Năm 2014, Sở đã tham mưu cho Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”. Bên cạnh đó, Sở cũng đã tiếp tục chỉ đạo và triển khai thực hiện tốt các quy hoạch, kế hoạch, chương trình đã được Tỉnh ủy, UBND tỉnh ban hành; hoàn thành việc xây dựng quy hoạch phát triển ngành Văn hóa Quảng Bình đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030;...

Công tác thanh tra, kiểm tra được chú trọng và tiến hành thường xuyên nhằm tăng cường hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước trên các lĩnh vực, góp phần ngăn chặn, đẩy lùi văn hóa xấu, độc hại, tạo dựng môi trường văn hóa trong sạch, lành mạnh trên địa bàn, các cơ sở kinh doanh dịch vụ văn hóa luôn nâng cao ý thức trách nhiệm, tuân thủ đúng các quy định của nhà nước.

Hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp đáp ứng ngày càng tốt hơn nhiệm vụ chính trị của địa phương. Công tác bảo tồn, bảo tàng tiếp tục đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Ban Quản lý Di tích đã làm tốt công tác bảo tồn, phát huy giá trị các di tích - danh thắng, đã có thêm 4 di tích được xếp hạng cấp tỉnh. Bảo tàng tỉnh đã xây dựng hồ sơ bước đầu của 5 di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu, thực hiện 5 đợt trưng bày, triển lãm và đã thành lập Câu lạc bộ UNESCO nghiên cứu và sưu tầm cổ vật tỉnh Quảng Bình.

Các hoạt động xây dựng đời sống văn hóa cơ sở, gắn với việc xây dựng nông thôn mới được đặc biệt quan tâm; đến cuối năm 2014, trên địa bàn tỉnh đã có 22 xã đạt tiêu chí số 6 và 54 xã đạt tiêu chí số 16 trong bộ tiêu chí quốc gia xây dựng nông thôn mới. Số hộ gia đình văn hóa đạt 77,8 %, tăng 2,8 % so với năm 2013; số khu dân cư văn hóa đạt 58,7%, tăng 8,7% so với năm 2013; cơ quan, đơn vị đạt chuẩn văn hóa đạt 68,7%. Các chương trình phối hợp hoạt động với các ban, ngành tiếp tục được triển khai có hiệu quả.

Các đề án nhằm thực hiện Chương trình hành động số 28-CT/TU ngày 29/9/2014 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy được triển khai bảo đảm yêu cầu về chất lượng và tiến độ. Công tác bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa tiêu biểu như hát ca trù, nghệ thuật Bài chòi dân gian Trung bộ, hò khoan Lệ Thủy; dân ca Bình Trị Thiên, lễ hội đua, bơi truyền thống trên sông Kiến Giang, lễ hội Rằm tháng Ba Minh Hóa,... và triển khai các công trình bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị khu lưu niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp (Lệ Thủy), khu lăng mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp (Quảng Trạch), khu lăng mộ thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh (Quảng Ninh) hệ thống di tích đường Trường Sơn, chùa Hoàng Phúc (Lệ Thủy) được triển khai tích cực, hiệu quả. Quy hoạch tượng đài, quy hoạch quảng cáo ngoài trời tỉnh Quảng Bình đến năm 2020 tầm nhìn đến năm 2030 đang tích cực được triển khai và sẽ hoàn thành vào cuối năm 2015. Ghi nhận nỗ lực và thành tích đạt được, ngày 13/8/2015, Chủ tịch nước đã có quyết định tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất (lần 2) cho ngành Văn hóa- Thể thao và Du lịch Quảng Bình.

P.V: Đồng chí có điều gì gửi gắm nhân kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống của ngành?

Đồng chí Lương Văn Luyến: Để có được những thành tựu trên đây, ngành Văn hoá-Thể thao và Du lịch Quảng Bình luôn nhận được quan tâm sâu sát của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch qua các thời kỳ; có sự phối hợp giúp đỡ của các ban, ngành, các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh; sự tham gia nhiệt tình của nhân dân các địa phương; là sự nỗ lực không mệt mỏi, vượt qua những khó khăn vất vả đời thường của toàn thể CBCNVC và người lao động trong toàn ngành, từ những đồng chí đã anh dũng hy sinh vì sự nghiệp xây dựng và bảo về Tổ quốc, cho đến các anh em đồng nghiệp đang công tác. Chúng tôi nhận thức sâu sắc rằng, nếu không có Đảng quang vinh cầm lái; không có nhân dân, chủ thể và là khách thể sáng tạo văn hóa, thì không thể có một hành trang của ngành Văn hoá tỉnh nhà như ngày hôm nay.

70 năm qua, văn hoá Quảng Bình đã có được hành trang phong phú, đa dạng và từng bước khởi sắc. Tới đây, ngành Văn hoá, Thể thao và Du lịch Quảng Bình chắc chắn sẽ nối tiếp truyền thống, vững bước đi lên trên con đường phát triển. Chúng ta tin vào điều đó bởi chúng ta đã có ánh sáng của Nghị quyết Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”; sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp uỷ và chính quyền tỉnh nhà, của các địa phương trong toàn tỉnh; chúng ta có bộ máy và đội ngũ cán bộ hùng hậu từ tỉnh đến tận phường, xã, thôn, bản, được đào tạo cơ bản, được rèn luyện qua thực tiễn hoạt động văn hoá lâu dài và có đủ bản lĩnh chính trị, đạo đức nghề nghiệp bảo đảm thực hiện mọi nhiệm vụ được giao.

Chúng ta có một hệ thống thiết chế văn hoá phong phú từ tỉnh đến cơ sở đủ để có thể triển khai các hoạt động văn hoá kịp thời và hiệu quả như hệ thống thiết chế Nhà văn hoá từ tỉnh đến cơ sở, các Bảo tàng, Nhà truyền thống, Thư viện công cộng, các di tích-danh thắng, đội chiếu bóng lưu động, Đoàn Nghệ thuật chuyên nghiệp và hàng trăm Đội văn nghệ không chuyên.

Chúng ta cũng đã xây dựng đầy đủ các quy hoạch phát triển ngành Văn hoá tỉnh nhà,.. và cao hơn, rộng lớn hơn là chúng ta có hàng chục vạn nhân dân, vừa là chủ thể, vừa là khách thể của văn hoá, có truyền thống văn hoá của quê hương “Quảng Bình Hai giỏi” làm nền tảng, mục tiêu và động lực thực sự thúc đẩy các hoạt động văn hoá phát triển trong tương lai.

Nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống ngành Văn hoá, Sở Văn hoá-Thể thao và Du lịch Quảng Bình đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất lần thứ 2, thay mặt lãnh đạo sở, tôi xin được gửi lời cảm ơn các thế hệ lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức và người lao động đã và đang công tác trong ngành Văn hoá Quảng Bình đã có nhiều cống hiến cho sự phát triển của quê hương, đất nước.

P.V: Xin cảm ơn đồng chí đã có cuộc trao đổi đầy ý nghĩa này!

Phan Hòa (thực hiện)