.

Đại thi hào Nguyễn Du với di sản và các giá trị xuyên thời gian

Thứ Sáu, 07/08/2015, 18:36 [GMT+7]

Nhân kỷ niệm 250 năm Ngày sinh Đại thi hào Nguyễn Du (1765-2015), Hội thảo khoa học quốc tế “Đại thi hào dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Du: Di sản và các giá trị xuyên thời gian”, tổ chức ngày 8-8 với sự tham dự của đông đảo các học giả trong và ngoài nước.

Phó Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Đăng Điệp, Viện trưởng Viện văn học, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cho biết, với hơn 100 tham luận, các học giả trong và ngoài nước tập trung làm sáng tỏ hơn về cuộc đời, sự nghiệp, thơ chữ Hán và kiệt tác Truyện Kiều của Nguyễn Du.

* Nhiều nhận thức mới mẻ so với thời đại

Theo Phó Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Đăng Điệp, các học giả đều khẳng định Nguyễn Du có nhiều nhận thức mới mẻ so với thời đại ông. Điều đó trước hết thể hiện ở quan điểm cầm bút của nhà thơ. Nếu như phần lớn các nhà thơ trung đại Việt Nam thường dùng thơ ca để ngôn chí, tải đạo… thì Nguyễn Du thuộc số không nhiều những cây bút dùng thơ văn để ghi lại “những điều trông thấy” và miêu tả thực tại xã hội.

Hơn nữa, trong tác phẩm “Bắc hành tạp lục”, thực tại xã hội đó không chỉ khuôn trong phạm vi Việt Nam, mà còn mở rộng ra nước ngoài, cụ thể là Trung Quốc.

Trong ý niệm chung của đa số các nhà nho Việt Nam xưa, con đường đi sứ Yên Kinh tuy vất vả song đó là cơ hội để thỏa chí tang bồng. Tuy nhiên, nhà nghiên cứu Trần Thị Băng Thanh nhận thấy “Nguyễn Du không thế. Ông không tỏ ra coi cuộc đi sứ lần này là một vinh hạnh mà chỉ coi đây là 'một cuộc đi về phía Bắc'. Tập thơ cũng không mang một cái tên trang trọng là thơ, ngâm, hay vịnh mà chỉ là tạp lục,… chủ đích riêng tư rất rõ”.

Có thể thấy, Nguyễn Du là một trí thức nho sĩ đi trước thời đại, một thi nhân thức ngộ sớm, đã lên tiếng cảnh tỉnh nhân loại. Cho nên với "Bắc hành tạp lục", Nguyễn Du nên được coi là một nhà tư tưởng lớn.

Về cơ bản, Nguyễn Du là một nhà nho, nhưng sáng tác của ông thể hiện khá rõ “tinh thần phi Nho giáo”. Nhiều học giả đã phân tích tư tưởng Nguyễn Du từ các góc độ khác nhau, từ đó nhấn mạnh, sở dĩ tư tưởng Nguyễn Du phong phú, phức tạp bởi bên cạnh tinh thần Nho giáo, ông đã tiếp nhận và chịu ảnh hưởng sâu đậm tư tưởng Phật giáo và nhiều nguồn tư tưởng khác. Đây là những yếu tố quan trọng để nhận thấy rõ hơn tầm vóc Nguyễn Du trong tư cách của một nhà tư tưởng.

Đến nay, ai cũng thừa nhận Nguyễn Du là một nghệ sĩ thiên tài. Nhưng liệu Nguyễn Du có phải là một nhà lý luận, hay ít nhất ông đã có những đóng góp quan trọng cho lý luận thi ca? Trên cơ sở ý kiến của những học giả đi trước, Tiến sĩ Nguyễn Đăng Điệp chỉ ra rằng, trong tham luận “Nghiên cứu lời bình của Nguyễn Du trong Hoa nguyên thi thảo”, tác giả Nguyễn Đình Phức đã tiếp tục luận bàn một vấn đề thú vị Nguyễn Du “là người ít nhắc đến lý luận, nhưng lại là người nắm rất vững lý luận và luôn triển khai thành công lý luận vào thực tiễn sáng tác".

"Không dừng lại ở đó, quan điểm thi học của Nguyễn Du phản ánh qua hệ thống lời bình trong “Hoa nguyên thi thảo” cũng chứng tỏ ông là một trong số rất ít (cũng có thể là duy nhất) các nhà lý luận thơ ở Việt Nam có cái nhìn tinh tế, chính xác, tiến bộ, công tâm và biết tiếp nhận một cách chọn lọc các nguồn thi luận đến từ Trung Quốc”.

* Truyện Kiều - những phương thức diễn dịch và chuyển hóa

Vấn đề văn bản Truyện Kiều từng thu hút được sự quan tâm của học giới trong một thời gian dài nhưng chưa trở thành mối quan tâm tại hội thảo lần này. Tuy nhiên, các giả thuyết về thời gian Nguyễn Du sáng tác Truyện Kiều vẫn tiếp tục được đặt ra.

Trước đây, Quốc sử quán triều Nguyễn cho biết Nguyễn Du sáng tác Truyện Kiều sau khi đi sứ, tức sau 1814, còn trong tham luận của mình, tác giả Nguyễn Huy Mĩ lại đặt giả thiết có “khả năng Nguyễn Du sáng tác Truyện Kiều quãng từ năm 1781 tới 1783, lúc ông 16 tới 18 tuổi” trong khi tác giả Bùi Thiết lại ước tính Nguyễn Du sáng tác Truyện Kiều vào khoảng “1786 cho đến trước năm 1802”.

Trên cơ sở những tư liệu mới, các nhà khoa học sẽ cung cấp thêm những thông tin mới về sự phổ cập, tiếp nhận Truyện Kiều. Nhiều tham luận của các nhà khoa học và các dịch giả đã cho biết rõ hơn quá trình phổ cập Truyện Kiều ở Việt Nam và ở các quốc gia khác, từ đó, nhìn nhận, luận giải rõ hơn ảnh hưởng của Truyện Kiều qua các không gian văn hóa khác nhau.

Quá trình chuyển thể Truyện Kiều sang các loại hình nghệ thuật sân khấu truyền thống hay các trò diễn, trò chơi dân gian... vốn từng được nhiều nhà nghiên cứu quan tâm, bên cạnh đó, việc chuyển thể kiệt tác này sang các loại hình nghệ thuật hiện đại như sân khấu, điện ảnh... cũng đã được nhiều học giả đề cập, phân tích.

Hàng trăm năm qua đã có nhiều nghiên cứu sâu sắc về nội dung tư tưởng và thi pháp nghệ thuật Truyện Kiều. Tuy nhiên, từ tầm nhìn và trình độ của khoa học nhân văn hiện đại, các học giả cần tập trung khám phá sâu hơn hàng loạt vấn đề liên quan đến tầm cao tư tưởng và chiều sâu chủ nghĩa nhân đạo Nguyễn Du cũng như tài nghệ vô song của ông trong sử dụng ngôn ngữ, tổ chức tự sự...

Phó Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Đăng Điệp nhấn mạnh, việc coi khái quát của nhà nghiên cứu Trần Đình Sử là một gợi dẫn quan trọng “Truyện Kiều của Nguyễn Du tuy sáng tác theo một cốt truyện có sẵn của Trung Quốc, song tư tưởng của nó bắt nguồn từ văn mạch dân tộc, từ cội nguồn văn học dân gian và văn học viết thế kỉ XVIII. Ông không chỉ đã làm phong phú cho chủ nghĩa nhân đạo trong văn học, mà còn từ cơ sở đó đổi mới mô hình tự sự của truyện, đổi mới điểm nhìn và thành phần ngôn từ trần thuật của tác phẩm, làm nên đỉnh cao chói lọi của văn học Việt Nam”.

Theo Minh Nguyệt (TTXVN)