.

Cầu truyền hình đặc biệt "Lá cờ Độc lập"

Thứ Hai, 31/08/2015, 08:02 [GMT+7]

Tối 30-8, Đài Truyền hình Việt Nam đã tổ chức chương trình truyền hình trực tiếp “Lá cờ Độc lập”, nhân dịp kỷ niệm 70 năm Quốc khánh 2-9. Chương trình được thực hiện tại hai điểm cầu: Hoàng thành Thăng Long (Hà Nội) và Thành phố Hồ Chí Minh.

 Một tiết mục múa hát ca ngợi Tổ quốc, ca ngợi Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại tại điểm cầu Hoàng thành Thăng Long (Hà Nội). Ảnh: Minh Đức - TTXVN
Một tiết mục múa hát ca ngợi Tổ quốc, ca ngợi Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại tại điểm cầu Hoàng thành Thăng Long (Hà Nội). Ảnh: Minh Đức - TTXVN

Tham dự chương trình có đồng chí Lê Hồng Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban bí thư; đồng chí Tòng Thị Phóng, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Quốc hội; các đồng chí lão thành cách mạng cùng đại diện lãnh đạo một số bộ, ban, ngành Trung ương và Hà Nội.

Tại chương trình, đồng chí Lê Hồng Anh và đồng chí Tòng Thị Phóng đã tặng hoa tri ân các đồng chí lão thành cách mạng, từng tham gia cuộc Tổng khởi nghĩa Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2-9-1945.

Chương trình “Lá cờ Độc lập” như một khúc tráng ca về khát vọng độc lập của dân tộc trong chiều dài lịch sử với biết bao thăng trầm. Lá cờ đỏ sao vàng 5 cánh được sử dụng làm hình ảnh ẩn dụ xuyên suốt toàn bộ chương trình. Dù ở bất cứ đâu, trong bất cứ hoàn cảnh nào, lá cờ vẫn chứa đựng khát vọng độc lập của toàn dân tộc.

Đó là lá cờ mang hồn nước tung bay kiêu hãnh trên bầu trời của quốc gia non trẻ vừa giành được độc lập, hay lá cờ bạc màu vì khói lửa đạn bom giữa chiến trường; cờ nhuốm đỏ màu máu chiến sỹ cách mạng đã hy sinh để nước nhà thống nhất...

Không chỉ trong dải đất hình chữ S, lá cờ đỏ sao vàng còn hiển hiện ở những bầu trời xa xôi hơn, đại diện cho niềm tự hào Việt Nam, khơi dậy hai tiếng quê hương trong những người con xa xứ.

Chương trình như một tác phẩm nghệ thuật được thể hiện bằng nhiều ngôn ngữ: văn học, âm nhạc, điện ảnh,... mà đỉnh cao là khoảnh khắc đan xen giữa hiện tại và quá khứ, khoảnh khắc khi đất nước Việt Nam được tái sinh.

Đặc biệt, một đại cảnh về lễ truyền cờ được thực hiện vô cùng công phu với lá cờ đỏ sao vàng tung bay trên tay hàng nghìn học sinh, sinh viên ở cả Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh đã khơi dậy niềm tự hào về tinh thần bất khuất của dân tộc Việt Nam.

Một lá cờ rộng 500m², nặng 37kg, được truyền từ Nhà hát lớn, đi qua nhiều tuyến phố Thủ đô và tới sân khấu tại Hoàng thành Thăng Long cũng là điểm nhấn trong chương trình.

Lễ truyền lá cờ rộng 500m² nặng tới 37kg tại điểm cầu Hoàng thành Thăng Long (Hà Nội). Ảnh: Minh Đức - TTXVN
Lễ truyền lá cờ rộng 500m² nặng tới 37kg tại điểm cầu Hoàng thành Thăng Long (Hà Nội). Ảnh: Minh Đức - TTXVN

Với phóng sự được thực hiện trên khắp mọi miền Tổ quốc, từ Lũng Cú – Hà Giang, Tân Trào – Tuyên Quang, nhà tù Hỏa Lò – Hà Nội tới nhà tù Phú Quốc, khán giả như được quay ngược thời gian, trở về những năm 30 của thế kỷ trước với sự xuất hiện của Đảng Cộng sản và phong trào yêu nước của những chí sĩ tiến bộ, rồi cuộc khởi nghĩa Nam kỳ quật cường,...

Ê kíp thực hiện chương trình cũng đã có cuộc trò chuyện với các học giả nổi tiếng nước ngoài như nhà sử học Alain Ruscio; đạo diễn Daniel Roussel; nhà sử học – nhà làm phim Eric Deroo, tác giả nhiều cuốn sách về Việt Nam và Đông Dương và là đồng đạo diễn bộ phim tài liệu “L’empire du milieu du Sud” (tạm dịch là “Đế chế trung tâm tại phương Nam”) – một trong những bộ phim tài liệu về chiến tranh hay nhất tại Pháp trong vòng một thập kỷ trở lại đây. Chương trình cũng thực hiện phóng sự về hai nhà nghiên cứu trẻ Aladin Farré và Louis Coppet, những người sẽ trình chiếu bộ phim “Indochine, en quête d’indépendence” (Đông Dương trong cuộc kiếm tìm độc lập) vào đúng ngày 2-9 năm nay tại Đại học Sorbonne danh tiếng.

Theo Việt Hà (TTXVN)