.

Xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT: Đừng chỉ dựa vào tấm huy chương!

Thứ Năm, 16/07/2015, 14:35 [GMT+7]

Cứ 2 năm một lần, việc phong tặng danh hiệu NSND, NSƯT lại được tiến hành, song vẫn như mọi lần danh sách xét tặng lần này lại gây nhiều tranh cãi.

NSƯT Út Bạch Lan thành danh trên sân khấu cải lương miền Nam và ghi dấu ấn qua các vai diễn trong nhiều vở tuồng nổi tiếng. Đến nay, bà được xem là nghệ sĩ gạo cội của làng cải lương, là “viên ngọc quý” với giọng hát và phong cách diễn mượt mà, trữ tình có một không hai. Nhưng nếu dựa vào tiêu chí, NSƯT Út Bạch Lan không đủ tiêu chuẩn để được xét tặng NSND. Nữ danh ca làng cải lương miền Nam trả lời trên báo chí khiến nhiều người phải suy ngẫm: Bà không muốn xin danh hiệu NSND và không nghĩ đến chuyện được mất danh hiệu mà chỉ vui khi tên tuổi mình còn sống trong lòng công chúng.

Nếu dựa vào tiêu chí, NSƯT Út Bạch Lan không đủ tiêu chuẩn để được xét tặng NSND (Ảnh: sankhau.com.vn).
Nếu dựa vào tiêu chí, NSƯT Út Bạch Lan không đủ tiêu chuẩn để được xét tặng NSND (Ảnh: sankhau.com.vn).

Vẫn biết là nghệ sĩ không cần đi “xin” danh hiệu và họ càng không cần ai phải “cho” danh hiệu. Bởi vì với họ, việc được công chúng đón nhận là điều đáng tự hào trong cuộc đời làm nghề. Nhưng danh hiệu là một phần thưởng tinh thần rất quan trọng, là thước đo cho cuộc đời làm nghệ thuật của nghệ sĩ. Nếu được Nhà nước ghi nhận công lao đóng góp cũng có một ý nghĩa quan trọng không kém và ở một mức độ nào đó sẽ khuyến khích khả năng sáng tạo, tâm huyết cống hiến của nghệ sĩ.

Vậy mà, mỗi lần xét danh hiệu lại có không ít chuyện xì xèo của chính những người trong cuộc và có không ít nghệ sĩ cảm thấy bị tổn thương. Phải chăng việc phong danh hiệu nghệ sĩ vẫn còn nặng tính bao cấp “xin-cho”? Hay tiêu chí xét duyệt có điều bất ổn? NSƯT Lê Chức (Phó Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam) nhấn mạnh, những nghệ sĩ được xét tặng danh hiệu cần phải là những người có tầm ảnh hưởng đến lĩnh vực nghệ thuật mình hoạt động, cũng như được đông đảo công chúng biết tới.

NSƯT Lê Chức nói: “Để tôn vinh một nghề đẹp đẽ như chúng ta cũng có biết bao chuyện rắc rối xung quanh. Cho nên giữa cái cần và đủ chúng ta cũng nên trao đổi. Với danh hiệu NSND, ảnh hưởng uy tín về nghề nghiệp xã hội cao hơn rất nhiều nên chúng ta phải tôn vinh ở mức độ khác. Với danh hiệu NSƯT, chúng ta không làm thấp tiêu chuẩn. Đáng lưu ý là hiện nay có rất nhiều người hiểu NSƯT còn cao hơn cả NSND”.

Nghị định 89 năm 2014 của Chính phủ Quy định về xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT như sau: NSƯT muốn được xét tặng danh hiệu NSND phải có ít nhất 2 huy chương Vàng, còn nghệ sĩ muốn được xét tặng danh hiệu NSUT phải có ít nhất 2 huy chương Vàng quốc gia, hoặc 1 huy chương Vàng cùng 2 huy chương Bạc…

Thực tế cho thấy, nếu lấy tiêu chuẩn về huy chương làm điều kiện bắt buộc trong xét tặng danh hiệu thì rất nhiều nghệ sĩ sẽ bị thiệt thòi vì không đủ số huy chương, giải thưởng mặc dù họ có nhiều năm cống hiến, đóng góp cho nền nghệ thuật nước nhà. Có không ít nghệ sĩ tài năng đang hoạt động tự do, không thuộc các đoàn công lập, họ khó có điều kiện để tham dự các cuộc thi, hội diễn, nên cơ hội giành huy chương là không thể.

Theo NSND Thế Anh, Nhà hát Kịch Việt Nam, quy định này thực sự là làm khó các nghệ sĩ: “Bây giờ người ta quy định là phải có đủ tiêu chuẩn tức là phải có 2 huy chương trở lên thì mới phong được. Mà huy chương là căn cứ vào tác phẩm nghệ thuật mà anh tham gia. Thế nhưng bây giờ có những người nổi tiếng nhưng chẳng có huy chương, ví dụ như ngày xưa là nghệ sĩ Văn Hiệp, làm gì có huy chương nào. Nói chung là rất phức tạp mà tiêu chí thì nhiều cái chung chung”.

Trong danh sách 158 nghệ sĩ được đề nghị phong tặng lần thứ 8 này cũng không có tên những gương mặt nổi trội của sân khấu Việt Nam như Chí Trung, Xuân Hinh, Minh Hằng, Thanh Ngoan (Ảnh: Vnexpress)
Trong danh sách 158 nghệ sĩ được đề nghị phong tặng lần thứ 8 này cũng không có tên những gương mặt nổi trội của sân khấu Việt Nam như Chí Trung, Xuân Hinh, Minh Hằng, Thanh Ngoan (Ảnh: Vnexpress)

Vì những quy định “cứng” bắt buộc là nghệ sĩ phải có huy chương trong các hội diễn mà có không ít nghệ sĩ rất nổi tiếng, có uy tín trong nghề, được nhân dân mến mộ nhưng chẳng có danh hiệu gì. Có nghệ sĩ khi chết mới được truy tặng danh hiệu như NSƯT Văn Hiệp, NSND Phương Thanh, NSND Anh Dũng… hay như trường hợp của nghệ sĩ Tố Uyên từng phải lận đận làm hồ sơ xin xét duyệt tới 3 lần và qua 10 năm chờ đợi mới chạm tay được vào danh hiệu cao quý là NSƯT.

Trong danh sách 158 nghệ sĩ được đề nghị phong tặng lần thứ 8 này cũng không có tên những gương mặt nổi trội của sân khấu Việt Nam như Chí Trung, Xuân Hinh, Minh Hằng, Thanh Ngoan… bởi họ không đủ số huy chương Vàng, huy chương Bạc theo quy định. Vì vậy, NSND Quốc Trị, cho rằng, quy định này nên xem xét kỹ để tránh thiệt thòi cho nghệ sĩ: “Nếu đưa ra tiêu chí thì phải xét trên cơ sở đó, nếu không căn cứ vào điều đó mà chỉ sức lan toả thì vô cùng. Bởi có rất nhiều nghệ sĩ công chúng biết tên đến, nhưng cái cống hiến trong nghệ thuật, thành tích trong nghệ thuật đạt được thì một là do họ không nằm trong tổ chức nghệ thuật nào, hai là nằm trong tổ chức nghệ thuật nhưng trong những kỳ hội diễn nhường vai cho các nghệ sĩ khác để có thành tích xét tuyển mà các bạn ấy lại quên đi cho mình chẳng hạn, thì đấy cũng là một điều cần xét tới”.

Để giảm cơ chế “xin-cho” và tránh việc nhiều nghệ sĩ được công chúng yêu mến mà không có danh hiệu, còn những NSND, NSUT lại không được công chúng “nhớ mặt, biết tên”, NSND Doãn Châu – Nguyên giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam cho rằng: việc xét danh hiệu phải làm hết sức công tâm.

NSND Doãn Châu nói: “Chúng ta không được bỏ sót ai, không để thiệt thòi cho ai cả, nhưng đồng thời cũng không được dễ dãi. Nói xin lỗi, có nhiều NSND về đạo đức, tư cách lẫn về tài năng còn thua cả một người bình thường. Vậy thì tại sao? Vì có những đợt xét trước đây chúng ta làm chưa được chuẩn.

Chúng ta đã để thiệt thòi cho anh em, đồng thời chúng ta đã lựa chọn những người không xứng đáng. Tôi cho rằng bản thân những anh, chị được tặng những danh hiệu đó lắm lúc cũng không vui đâu”.

Trước những luồng dư luận trái chiều về việc xét tặng danh hiệu cho nghệ sĩ năm nay, NSND Lê Tiến Thọ, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Việt Nam cho biết: Để đưa ra danh sách 158 nghệ sĩ được đề nghị phong tặng danh hiệu NSND, NSUT lần thứ 8, Hội đồng đã phải làm việc rất công tâm.

NSND Lê Tiến Thọ cho rằng: “Chúng ta có quy định của nghị định rồi, đó là khung cứng. Tất nhiên ở đây không chỉ có là huy chương Vàng mà còn có sự đóng góp chung được khán giả, được bạn nghề công nhận. Ví dụ trong hội đồng là những người làm nghề, họ thấy anh này có huy chương Vàng nhưng về mặt cống hiến chưa có nhiều đóng góp để đạt được danh hiệu đó nó không có tính thuyết phục. Trong những cuộc họp ấy tôi cũng đã nói nếu chỉ có huy chương thì chúng ta chỉ làm một cái cơ hữu thôi. Không cần Hội đồng xét làm gì”./.

Theo Lê Thu/VOV1