.

Xem gì ở Bảo tàng Văn học Việt Nam

Thứ Hai, 06/07/2015, 18:02 [GMT+7]

Bảo tàng Văn học Việt Nam (ngõ 275, đường 
Âu Cơ, Hà Nội) đã được mở cửa khánh thành sau... 10 năm xây dựng.

 Bảo tàng Văn học Việt Nam tái hiện lại không gian sáng tác của đại thi hào Nguyễn Du với bộ bàn ghế ông đã dùng khi ở Thái Bình - Ảnh: Đức Triết
Bảo tàng Văn học Việt Nam tái hiện lại không gian sáng tác của đại thi hào Nguyễn Du với bộ bàn ghế ông đã dùng khi ở Thái Bình - Ảnh: Đức Triết

Tuần đầu tiên đón khách, dẫu rằng số lượt người đến tham quan lác đác và còn phải tiếp tục chỉnh trang, bổ sung nhưng nơi đây cũng đã bắt đầu gây chú ý.

Ăm ắp đời văn

Dù tổng diện tích khuôn viên của bảo tàng rộng trên 3.000m2 nhưng tổng diện tích mặt sàn nhà trưng bày cho cả ba tầng lầu chỉ rộng tương đương ngần ấy. Thế nên khi vừa đặt chân vào nơi đây, khách tham quan đã có cảm giác chật chội so với nhu cầu trưng bày trước mắt về các nhà văn, nhà thơ trung đại, hiện đại.

Đấy là đi từ câu Kiều của Nguyễn Du - Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài, dòng chảy được bắt đầu với những đại diện như bài thơ thần Nam quốc sơn hà được vọng đọc cùng bối cảnh ngã ba sông Cầu; Nguyễn Trãi ở chốn Côn Sơn hữu tình; Lê Thánh Tông với Tao Đàn nhị thập bát tú...

Nhất là lần đầu tiên người đời nay được tận mắt thấy một kỷ vật gắn liền với Nguyễn Du - bộ bàn ghế từng được đại thi hào dùng làm việc trong 10 năm về sống ở quê vợ Thái Bình, theo như cách giới thiệu của bảo tàng.

Còn ở thời cận - hiện đại, tất cả các nhà văn được Giải thưởng Hồ Chí Minh và 60 nhà văn được Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật từ trước đến năm 2012 đều có “góc riêng” của mình trên tầng 2, tầng 3.

Mỗi “góc riêng” ấy là một câu chuyện kể về đời văn, nghề văn của các tác gia được gắn liền với những trang bản thảo, những tác phẩm xuất bản lần đầu, các kỷ vật như bộ bàn ghế, quần áo, kính, mũ, batoong, đôi giày vải, chiếc chăn, xe đạp, chiếc máy chữ, radio, võng, đàn guitar...

Đặc biệt, với thế hệ nhà văn chống Pháp, chống Mỹ, có những kỷ vật đã khiến người xem xúc động như bộ đồ công tác của đội trưởng đại đội đặc công vùng ven Chu Lai; viên gạch đồng đội khắc tên nhà văn Trần Đăng để đánh dấu mộ ông khi ông hi sinh ở Lạng Sơn; hình ảnh tái hiện nhà thơ Thu Bồn cõng con đi dọc đường Trường Sơn đánh Mỹ; câu chuyện về chiếc chum gắn liền với sự hi sinh của nhà thơ liệt sĩ Lê Anh Xuân qua lời kể của hướng dẫn viên...

Đừng để bảo tàng 
lạnh lẽo...

Sau khi Bảo tàng Văn học Việt Nam được khánh thành, nhà văn Ngô Thảo bày tỏ: “Đây là những nỗ lực rất lớn của Hội Nhà văn Việt Nam trong thời gian qua. Những bước đầu về nội dung trưng bày cũng như kỹ thuật cung cấp tư liệu như thế là được.

Tuy nhiên, chúng tôi có những băn khoăn như: Đây là bảo tàng văn học, không phải chỉ là nơi dành cho những người được khen thưởng. Bởi lẽ, mỗi khách tham quan tới bảo tàng không phải chỉ để biết tên tuổi một nhà văn nổi tiếng mà họ còn cần biết sự sáng tạo văn chương mỗi thời khác nhau như thế nào.

Hơn nữa, đừng đi vào cái âm u của bảo tàng xưa mà bảo tàng nên có những góc sinh hoạt chuyên đề rộn ràng như tái hiện không khí nhà văn nơi chiến trường, không khí đọc thơ, ngâm thơ, hát ca trù... đã gắn liền với một thời sinh hoạt văn chương Việt Nam để mỗi khách tham quan ghé qua còn được xem những sô diễn...

Chúng tôi ao ước làm sao vào bảo tàng tìm được những hình ảnh ấy thì bảo tàng sẽ có sức sống hơn - chứ đừng để bảo tàng lạnh lẽo thì thật tốn công tốn của!”.

Nhà phê bình văn học Nguyễn Chí Hoan góp ý: “Theo tôi, cần có một khung thuyết minh tổng thể sao cho giúp người xem cảm nhận thấy một lịch sử toàn vẹn khi đi qua những hiện vật rời rạc và rất khác nhau đó.

Như một câu thơ của Vladimir Evtushenkov: Mỗi số phận mang một phần lịch sử. Làm sao để người xem thấy được, chẳng hạn, mỗi trang bản thảo di cảo như là một số phận nhỏ của một lịch sử cá nhân và rồi đồng thời cái lịch sử cá nhân đó lại mang một phần của cái lịch sử rộng lớn hơn nữa...”.

Trước những băn khoăn về việc làm thế nào để bảo tàng thật sự là một bảo tàng “sống” của các nhà văn, ông Nguyễn Thanh Minh - phó giám đốc bảo tàng - nói: “Chúng tôi đã ký kết với Bộ Giáo dục - đào tạo trong việc liên kết đưa sinh viên của các trường đại học đến bảo tàng gặp gỡ, nghe các nhà văn trò chuyện.

Chúng tôi cũng mong muốn được phối hợp với các trường THPT để đưa học sinh đến bảo tàng học tập cũng như đưa triển lãm từng tác giả đến tận trường học”.

117 nhà văn, 4.000 hiện vật

Bảo tàng Văn học Việt Nam vừa được khánh thành với kinh phí 71 tỉ đồng - Ảnh: V.V.Tuân
Bảo tàng Văn học Việt Nam vừa được khánh thành với kinh phí 71 tỉ đồng - Ảnh: V.V.Tuân

Bảo tàng Văn học Việt Nam đã được xây dựng trong 10 năm với tổng kinh phí hơn 71 tỉ đồng. Hiện có 117 nhà văn “hội ngộ” ở bảo tàng. Từ ngày 9-7, bảo tàng sẽ điều chỉnh thời gian mở cửa là vào các ngày trong tuần, trừ thứ hai và thứ sáu (thay vì đóng cửa vào thứ bảy, chủ nhật).

Ông Nguyễn Thanh Minh cho biết: “Trong hơn 10 năm thực hiện công tác sưu tầm, đến tỉnh thành nào chúng tôi cũng cố gắng gặp gỡ tất cả các nhà văn - không phân biệt già trẻ, có giải thưởng, hội viên hay không. Thế nên, chúng tôi đã sưu tầm được hơn 40.000 hiện vật. Nhưng do diện tích khu trưng bày của bảo tàng có hạn nên chỉ trưng bày được gần 4.000 hiện vật".

Về tiêu chí trưng bày, ông Minh cho biết hội đồng khoa học của bảo tàng đã họp bàn nhiều để lựa chọn. Văn học trung đại gồm các danh nhân văn hóa tiêu biểu trong từng thời.

Thời cận hiện đại gồm những tác gia là những gạch nối của thế kỷ trước và thế kỷ sau, những danh nhân tiêu biểu hoặc những nhà văn tiêu biểu theo từng dòng văn học cách mạng, hiện thực phê phán, lãng mạn...

Còn thời hiện đại là tất cả các nhà văn đoạt Giải thưởng Hồ Chí Minh. Riêng với các nhà văn đoạt Giải thưởng Nhà nước, bảo tàng mới trưng bày được 60 nhà văn trong số hơn 130 người. Sau này, chúng tôi sẽ tổ chức trưng bày chuyên đề nhân dịp năm chẵn của năm sinh, năm mất.

Đối với các nhà văn trẻ, bảo tàng sẽ phối hợp trưng bày nhân các sự kiện như hội nghị những người viết văn trẻ hoặc ra mắt tác phẩm mới.

Theo Đức Triết (Tuổi trẻ)