.

Trương Văn Quê với "Tự khúc cỏ may"

Thứ Tư, 08/07/2015, 04:35 [GMT+7]

(QBĐT) - Tự khúc cỏ may (Nhà xuất bản Thuận Hóa) là tập thơ của thầy giáo Trương Văn Quê - hiện đang công tác tại Trường THCS Xuân Ninh, Quảng Ninh. Đọc Tự khúc cỏ may, tôi như gặp lại những vùng đất mình đã đi qua, gặp lại những gương mặt thân thương của bạn bè văn nghệ. Đọc Tự khúc cỏ may tôi như sống lại những năm tháng đứng trên bục giảng với những giờ lên lớp say sưa, hào hứng... Thơ Trương Văn Quê đằm địa, dung dị, nhẹ nhàng, sâu lắng nên dễ đi vào lòng người đọc.

Trước hết , tôi chia sẻ với Trương Văn Quê về tình cảm sâu nặng đối với quê hương Quảng Bình. Có thể khẳng định Quảng Bình là vùng đất “địa linh nhân kiệt”. Nơi đây đã sản sinh ra những con người xuất chúng. Danh nhân Nguyễn Hữu Cảnh là một con người như thế. Trong công cuộc mở cõi của cha ông, Nguyễn Hữu Cảnh đóng vai trò hết sức quan trọng:

Người con Quảng Bình làm rạng rỡ tổ tiên
In dấu chân dọc ngang trời biển
Từ đất miền Trung xuyên Lục tỉnh
Lòng muôn dân thành kính dâng hương

                                               (Nhớ Nguyễn Hữu Cảnh)

Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng là một con người xuất chúng như thế. Tên tuổi và sự nghiệp của Đại tướng được cả thế giới ngưỡng mộ. Đại tướng đã chọn Vũng Chùa – Đảo Yến của quê hương Quảng Bình làm nơi an nghỉ cuối cùng. Hàng ngày có hàng trăm, hàng nghìn bó hoa tươi thắm đặt trên mộ Đại tướng. Đứng ngắm cây hoa vàng bên mộ Đại tướng, Trương Văn Quê bồi hồi xúc động:

Bỗng thấy lòng mênh mang ngọn gió
Được thanh lọc tâm hồn nơi biển rộng trời cao...

                                  (Cây hoa vàng bên mộ Đại tướng)

Quảng Bình là vùng đất của thơ ca nhạc họa. Vùng đất này vừa là nguồn cảm hứng sáng tạo của văn nghệ sĩ vừa là nơi sản sinh nhiều tài năng văn chương nghệ thuật. Trương Văn Quê có cái may mắn được sống, gặp gỡ, tiếp xúc với một số nhà thơ quê hương. Họ đã để lại trong anh những ấn tượng khó phai mờ.

Đây là hình ảnh nhà thơ Xuân Hoàng:

Vẫn còn đó mơ màng mắt kính trắng
Những vần thơ tha thiết với đời
Tôi không tin, anh đi vào yên lặng
Dưới cỏ xanh là cõi vĩnh hằng...

                             (Vẫn còn đó)

Đây là hình ảnh nhà thơ Đại Giang:

Khi biển đời còn giông gió mênh mông
Anh đứng lặng nhìn về tháp nước
Dòng chảy chia đều lời ước
Thấu những câu thơ đau đáu phận đời

                      (Gửi lại niềm lưu luyến)

Đây là hình ảnh nhà thơ Hồng Thế:

Hạnh phúc tan chảy giữa dòng
Niềm riêng sâu thẳm giữa đồng cỏ xanh
Nến Đồng nhấp nháy sao đêm
Lời ai đồng vọng lắng miền tri âm...

                            (Miền tri âm)

Quảng Bình còn là vùng đất nước non kỳ thú. Phong Nha -Kẻ Bàng đã trở thành điểm du lịch nổi tiếng không chỉ trong nước mà trên toàn thế giới. Hàng triệu người đã tìm về nơi đây để chiêm ngưỡng vẻ đẹp tuyệt vời của sông nước, núi non, hang động... vừa hữu tình vừa lung linh huyền ảo:

Thuyền ngược về Sơn Động
Núi chập chùng mây xa
Cánh chim nâng trời rộng
Sâu thẳm hồn Phong Nha

     (Về Phong Nha)

Trong Tự khúc cỏ may, Trương Văn Quê có đề cập đến một số tác phẩm được tuyển chọn vào sách Ngữ văn bậc THCS như Muốn làm thằng Cuội (Tản Đà), Truyện người con gái Nam Xương (Nguyễn Dữ), trích đoạn Mã Giám Sinh mua Kiều, Truyện Tấm Cám...  Phải thật hiểu và đồng cảm với nhà thơ Tản Đà, thầy giáo Trương Văn Quê mới thấu hiểu đằng sau cái ngông của nhà thơ là “những giọt nước mắt đời không thấy”:

Cái ngông thành ngạo nghễ
Mỉm cười nhìn thế gian
Thương đời còn dâu bể
Nên tím bầm ruột gan!

                                  (Ngẫu hứng Tản Đà)

Bi kịch của Người con gái Nam Xương cũng được anh đúc kết bằng những vần thơ thấm đẫm nước mắt:

Hận đời gieo xuống dòng sâu
Kiếp hoa chìm giữa khối sầu mênh mang
Lòng chung thủy gặp tương tàn
Nghĩa phu thê đứt dây đàn trăm năm

                                                     (Với nàng Vũ Nương)

Nếu không có lòng yêu nghề, yêu văn chương, Trương Văn Quê không thể viết được những vần thơ giàu cảm xúc như vậy. Tôi tin những vần thơ ấy sẽ đi theo suốt cuộc đời những học sinh từng được anh giảng dạy.  

Tôi bắt gặp trong Tự khúc cỏ may một vài cách nói khá độc đáo.

Đây là những vần thơ anh viết về đêm nguyệt thực:

Vầng trăng khuất
Còn sáng phía bên kia
Cho khoảng trời thành huyền diệu
Gió thơm như làn môi
Run rẩy những ngọn cỏ nồng nàn
Cháy bỏng!

                                                  (Đêm nguyệt thực)

Mới đọc qua ta cứ tưởng là đêm nguyệt thực bình thường, nhưng đọc kỹ ta mới biết nhà thơ chỉ mượn cái đêm nguyệt thực của mặt trăng, mắt trời để nói chuyện tình yêu đôi lứa. Chỉ có hai người mới biết cái “ánh sáng phía bên kia” làm “cho khoảng trời thành huyền diệu”. Chỉ có hai người đang yêu nhau mới mới cảm nhận được “Gió như làn môi/ Run rẩy những ngọn cỏ nồng nàn/ Cháy bỏng... Đây là cách nói ẩn dụ vừa kín vừa hở, vừa thực vừa hư.

Bài Đêm mùa hạ tuyết rơi cũng độc đáo như vậy:

Đêm mùa hạ tuyết rơi
Nỗi buồn như mở nắng
Vườn địa đàng tình yêu
Bản nhạc nào dâng tặng

                                   (Đêm mùa hạ tuyết rơi)

Mùa sao lại tuyết rơi? Cái nghịch lý ấy chỉ có hai người đang yêu họ biết với nhau.

Chỉ tiếc là những cách nói độc đáo trong thơ Trương Văn Quê chưa nhiều. Thơ anh phần lớn bằng phẳng, đều đều và hiền lành như bản tính của anh.

Dẫu sao thì tôi cũng cảm ơn tác giả đã nói hộ giùm tôi về tình cảm đối với quê hương Quảng Bình, với gia đình, bè bạn...

Xin chúc anh có thêm những sáng tác mới!

Mai Văn Hoan