.

Báo chí truyền thống trước thách thức của truyền thông xã hội

Thứ Sáu, 19/06/2015, 10:03 [GMT+7]

Nhân Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21-6), phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn về những thách thức và giải pháp giữ vững và phát huy truyền thống nền báo chí cách mạng Việt Nam.

Sau đây là nội dung cuộc trao đổi:

- Năm 2015 ghi dấu 90 năm Báo chí Cách mạng Việt Nam. Với vai trò cơ quan quản lý báo chí, Bộ Thông tin và Truyền thông đánh giá thế nào về sự đóng góp của các cơ quan báo chí và nhà báo đối với sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước hiện nay, thưa Thứ trưởng?

Thứ trưởng Trương Minh Tuấn: Chúng ta đang chuẩn bị kỷ niệm 90 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam. Trong suốt 90 năm qua, báo chí luôn đồng hành cùng Đảng, Nhà nước và dân tộc. Những thành tựu, kết quả đạt được đều có công lao, đóng góp to lớn của báo chí. Ngay những ngày đầu chuẩn bị cho sự ra đời của Đảng, báo chí đã đi đầu tuyên truyền, quảng bá, đưa phong trào công nhân từ tự phát đến tự giác, làm cho cuộc cách mạng đi vào giai đoạn mới.

Tiếp đó, báo chí đã tiếp tục đồng hành cùng Đảng và dân tộc trong các cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Sau thắng lợi năm 1975, báo chí tiếp tục đồng hành cùng Đảng, Nhà nước và dân tộc đưa cả nước lên chủ nghĩa xã hội. Vai trò báo chí rất lớn trong các cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, giải phóng dân tộc cũng như xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Đáng chú ý, trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, hơn 400 nhà báo đã dũng cảm hy sinh (trong đó TTXVN có hơn 260 nhà báo liệt sỹ). Nơi nào khó khăn nhất đều có mặt báo chí.

Trong giai đoạn hiện nay, báo chí tiếp tục tuyên truyền đường lối chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, đặc biệt là việc bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc, để người dân tin tưởng vào Đảng, Nhà nước, Chính phủ.

Hiện nay, tiếp tục phát huy truyền thống của báo chí cách mạng Việt Nam, nhưng trong thời đại công nghệ thông tin, Intenrnet phát triển, truyền thông mạng phát triển, thông tin gần như không có biên giới, thì báo chí phải bắt kịp xu thế phát triển của thời đại.

Trong việc tuyên truyền đường lối chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, cũng như quảng bá hình ảnh Việt Nam ra nước ngoài, báo chí luôn đi đầu, thông tin nhanh nhạy, kịp thời, làm cho không chỉ dư luận trong nước mà cả dư luận quốc tế và người Việt Nam ở nước ngoài hiểu rõ hơn Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.

- Thưa Thứ trưởng, bên cạnh những thành tựu đáng ghi nhận, hiện nay trên thực tế vẫn còn hiện tượng thông tin thiếu chính xác, gây phản cảm, tạo hiệu ứng không tốt trong dư luận xã hội. Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ có những giải pháp nào để ngăn chặn các hiện tượng trên?

Thứ trưởng Trương Minh Tuấn: Trước hết phải khẳng định dòng chính, dòng chủ đạo của hoạt động báo chí hiện nay vẫn là dòng tích cực. Tuy nhiên, nơi này nơi khác, báo chí chưa thực hiện tốt tôn chỉ mục đích, một số phóng viên, cơ quan báo chí vi phạm đạo đức nghề nghiệp, vi phạm các quy định tác nghiệp, dẫn đến những tác động không như mong muốn, làm phiền lòng các cơ quan Đảng, Nhà nước và cả nhân dân.

Đối với việc này, thời gian tới, Bộ Thông tin và Truyền thông cùng với Ban Tuyên giáo Trung ương và Hội Nhà báo Việt Nam sẽ có một số giải pháp khắc phục tình trạng đó.

Thứ nhất là chúng ta vừa xây dựng xong quy hoạch báo chí toàn quốc đến năm 2025. Quy hoạch này là bước sắp xếp lại các cơ quan báo chí, để báo chí phát triển tốt hơn, tránh sự chồng chéo, sai sót không đáng có. Quy hoạch báo chí hiện đang chờ để phê duyệt. Quy hoạch đã được Trung ương thảo luận, Bộ Chính trị đã cho ý kiến chỉ đạo về quan điểm phát triển báo chí. Quy hoạch Báo chí là bước tiến mới nhằm mục tiêu để báo chí phát triển tốt hơn, lành mạnh hơn, bắt kịp xu thế chung của thời đại.

Thực trạng báo chí đang có tình trạng chồng chéo, thực hiện không đúng tôn chỉ mục đích. Để lành mạnh hóa hoạt động báo chí, làm cho báo chí phát triển đúng xu thế thời đại thì cần có quy hoạch chỉn chu hơn. Tôi nghĩ rằng, nếu thực hiện như thế thì sau khi quy hoạch báo chí, diện mạo báo chí đất nước sẽ tốt hơn, hiện đại hơn, bắt kịp xu thế phát triển của thời đại, tránh chồng chéo, lãng phí không đáng có.

Thứ hai, Bộ Thông tin và Truyền thông đã được giao nhiệm vụ biên soạn dự thảo Luật Báo chí mới, quy định rõ những điều báo chí không được làm. Trong Luật Báo chí mới sẽ bổ sung một số quy định để khắc phục những bất cập trong luật hiện hành. Thực tiễn phát triển rất nhanh. Luật Báo chí năm 1989 và Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Báo chí năm 1999 đã bị thực tiễn vượt qua. Dự thảo Luật Báo chí mới đã được tổ chức hội thảo xin ý kiến các cơ quan báo chí, cơ quan ở Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, đưa lên cổng thông tin điện tử của Bộ Thông tin và Truyền thông từ tháng 4-2015.

- Truyền thông xã hội đang phát triển rất mạnh, thách thức nghiêm trọng đến báo chí truyền thống. Theo Thứ trưởng, những tờ báo truyền thống hiện nay cần làm gì để duy trì vị thế của mình trước làn sóng của truyền thông xã hội?

Thứ trưởng Trương Minh Tuấn: Đây là câu hỏi rất hay và rất khó, đặt ra không chỉ cho các cơ quan báo chí mà cho cả những người quản lý. Hiện nay, truyền thông xã hội đang phát triển như vũ bão. Mỗi ngày chúng ta đều thấy có sự thay đổi rất lớn. Vì thế đặt ra cho các cơ quan báo chí truyền thống rất nhiều vấn đề như tính nhanh nhạy của thông tin, tuổi thọ của tin...

Trước đây, với một tờ báo in thì tin có thể để hàng tuần vẫn không lạc hậu. Nhưng giờ chỉ sau 1 phút, thậm chí vài giây thì thông tin đã lạc hậu rồi. Trước những thông tin đa dạng của mạng xã hội, các cơ quan báo chí truyền thống phải bắt kịp xu thế thời đại để không bị lạc hậu thông tin.

Vấn đề đặt ra là cùng với việc cập nhật thông tin nhanh nhạy nhất, các báo cũng phải đảm bảo thông tin đúng định hướng. Thông tin phải được kiểm chứng, xem xét kỹ lưỡng. Phóng viên phải kiểm chứng thông tin trước khi đăng. Tòa soạn cũng phải thực hiện kiểm chứng lại thông tin cho chính xác. Hiện nay, không ít cơ quan báo chí, đặc biệt là báo chí điện tử và mạng xã hội đưa thông tin không chỉ không chính xác mà còn xâm phạm đời tư, xâm phạm lợi ích cá nhân. Những việc như vậy đặt ra vấn đề đạo đức của người làm báo trong thời đại kỹ thuật số. Tôi muốn nhấn mạnh rằng trong thời đại bùng nổ thông tin, thông tin số hiện nay, người làm báo phải đặt vấn đề đạo đức của mình lên trên hết.

Tôi nghĩ trong thời đại bùng nổ thông tin, câu nói của nhà báo lão thành Hữu Thọ đến giờ vẫn còn vẹn nguyên giá trị: "Những người làm báo phải có tâm, có tầm và có tài."

Thách thức lớn nhất của báo chí hiện nay là làm thế nào để báo chí không bị lạc hậu về mặt thông tin so với mạng xã hội. Thứ hai, trong thời đại bùng nổ thông tin, mỗi người có thể cầm trên tay một chiếc điện thoại để đọc báo, thì báo giấy sẽ có xu hướng chững lại, và báo điện tử sẽ tiếp tục phát triển.

Trong quy hoạch báo chí, chúng tôi rất quan tâm đến sự phát triển của báo điện tử. Báo điện tử muốn phát triển đòi hỏi phải vươn lên về kỹ thuật và cả nội dung báo chí. Hiện nay nhiều báo điện tử, nhưng không phải tờ báo nào cũng giữ được uy tín.

Tôi mong mỏi báo chí tiếp tục phát huy truyền thống, học tập cha anh đi trước, phải biết học hỏi, lắng nghe và thấu hiểu để có những tác phẩm báo chí tốt hơn, có ích hơn cho đời và cho xã hội./.

Theo Mỹ Bình (TTXVN/Vietnam+)