.

Tuyên Hóa mạch nguồn cảm hứng âm nhạc miền sơn cước

Thứ Hai, 04/05/2015, 09:41 [GMT+7]

(QBĐT) - Bạn đến Quảng Bình, ngược về thượng lưu sông Gianh lịch sử, sẽ đến miền đất Tuyên Hóa "non xanh nước biếc", có bề dày lịch sử cách mạng và văn hóa, có núi non phong thổ chứa đựng nhiều nét huyền thoại mang đậm chất sử thi, như nhà thơ Chu Mạnh Trinh đã cảm tác:

Ráng chiều ngàn non xuyên cỏ nội
Mây bay muôn dặm suốt trời tà...

Con người Tuyên Hóa cần cù, hiếu học, thông minh. Thiên nhiên ban tặng phong cảnh hữu tình, tài nguyên phong phú, có nhiều cảnh đẹp làm say đắm lòng người. Những tên đất, tên làng: Lệ Sơn, Đồng Lê, Minh Cầm Trang, Minh Cầm Nội, Kinh Châu, Thanh Hóa, Lâm Hóa, Tam Đa,... đều gợi trong ta bao cảm xúc xao xuyến lòng người.

Non nước Tuyên Hoá.                                                              Ảnh: T.H
Non nước Tuyên Hoá. Ảnh: T.H

Bởi vậy, ca khúc về Tuyên Hóa xuất hiện khá sớm trong phong trào tân nhạc, cùng với cuộc cách mạng ngày còn trứng nước. Có thể kể đến những ca khúc: "Sơn nữ ca" của Trần Hoàn - 1947, "Minh Cầm ca" của Nguyễn Phúc Ân, là những ca khúc xuất hiện đầu tiên trên vùng chiến khu kháng chiến Tuyên Hóa hồi bấy giờ, của các tác giả đã từng hoạt động cách mạng nơi đây. Ngày tôi tập hợp các ca khúc về Tuyên Hóa để in Tuyển tập ca khúc "Quảng Bình quê ta ơi" do Chi hội Nhạc sĩ Việt Nam tỉnh Quảng Bình và Hội Văn học nghệ thuật Quảng Bình ấn hành, được anh Dương Viết Á đã từng theo cha là ông Dương Viết Nặc, do Tỉnh ủy cử lên làm Bí thư huyện ủy Tuyên Hóa, tháng 10 năm 1947, để học cấp 2 Phan Bội Châu, kể đến các ca khúc viết về mảnh đất và con người Tuyên Hóa mà anh thuộc từ ngày làm đội trưởng văn nghệ của trường. Tôi tìm gặp tác giả ca khúc "Minh Cầm ca" nay còn ở Huế, ông vẫn say sưa kể chuyện về những kỷ niệm đẹp đẽ trên quê hương Tuyên Hóa, ngày ông còn là chiến sĩ trên mặt trận văn hóa thời kỳ đầu kháng chiến chống Pháp.

Anh học sinh cấp 2 Phan Bội Châu năm nào, nay là Nhà giáo nhân dân, Giáo sư Mỹ học âm nhạc, Nhạc sĩ lý luận - Hội Nhạc sĩ Việt Nam: Dương Viết Á, có một người bạn chí thân quê hương Tuyên Hóa là anh Lê Viết Đương, hiện đang ở Hà Nội. Đôi bạn học sinh cấp 2 ngày ấy, hiện vẫn thường xuyên hàn huyên với nhau bên chén trà, cốc rượu tâm sự về những ngày hoạt động văn nghệ, hò hát trên mảnh đất Tuyên Hóa yêu thương. Cũng chính vì thế mà anh Lê Viết Đương, sau một thời gian dài làm cán bộ lãnh đạo văn hóa ở tỉnh Quảng Ninh, những năm chuyển về công tác ở Quảng Bình, anh viết nhiều về quê hương nơi chôn rau cắt rốn của mình, như: "Mời anh đến thăm quê tôi", "Bản làng vui đón điện", "Thanh Hóa anh hùng",...

Sau những ca khúc của Trần Hoàn và Nguyễn Phúc Ân viết về Tuyên Hóa, các ca khúc thời kháng chiến của các tác giả tân nhạc cũng được lưu truyền ở vùng núi miền tây bắc của tỉnh Quảng Bình, như các bài: "Trèo đèo U Bò", "Kháng chiến còn trường kỳ và gian khổ" (sau đổi thành "Lời người ra đi") và "Con trâu kháng chiến" của Trần Hoàn; bài "Bình Trị Thiên khói lửa" của Nguyễn Văn Thương; bài "Chiến thắng Xuân Bồ" của Trần Đình Hiếu...

Tuy thời gian và nội dung từng ca khúc khác nhau, nhưng các nhạc sĩ, nhà thơ đã diễn tả cảm xúc trữ tình, dung dị khắc họa cuộc sống và con người quê hương Tuyên Hóa mộc mạc, chân tình, giàu lòng nhân ái. Đây là những hạt phù sa lấp lánh được chắt chiu từ giọt mồ hôi hương đồng gió núi, gợi nhớ gợi thương với bè bạn muôn phương. Nhiều ca khúc của các nhạc sĩ chuyên nghiệp viết về Tuyên Hóa ra đời: Bài "Về Đồng Lê" của Trần Hoàn; "Đường lên huyện Tuyên" của Thái Quý; bài "Một thoáng Đồng Lê" - Nhạc: Hoàng Sông Hương - Lời: Thơ Hải Kỳ; bài "Ngược chiều sơn cước" - Nhạc: Dương Viết Chiến - Lời: Thơ Mai Khoa; các bài "Ký ức mùa trồng dâu", "Em gái Mã Liềng về bản", "Bông hoa rừng" và "Tuyên Hóa quê tôi" của nhạc sĩ Lê Anh, phổ thơ Phạm Minh Hiếu, bài "Chiều Tuyên Hóa" - Nhạc: Thân Trọng Phúc - Lời: Thơ Trần Dzụ,...

Tháng 9 năm 2004, được sự quan tâm của Huyện ủy, Ủy ban nhân dân huyện, Hội Văn học nghệ thuật Quảng Bình đã tổ chức cho một số văn nghệ sĩ của tỉnh và hai huyện Tuyên Hóa, Minh Hóa đi thực tế sáng tác về Tuyên Hóa. Ngoài những tác phẩm của các nhạc sĩ chuyên nghiệp, nhiều tác phẩm của các tác giả âm nhạc được ra đời, tiêu biểu là các tác phẩm của Nguyễn Minh Tám, gồm các bài "Tuyên Hóa một tình yêu", "Đồng Lê yêu thương", "Về làm dâu quê anh", "Vui trong ngày hội" và "Một nửa huyện Tuyên" - Lời: Thơ Lý Hoài Xuân; bài "Hát mừng xã Thanh Hóa anh hùng" của Đặng Minh Tiến, bài "Tam Đa ta đó" của Thanh Hoài; bài "Hoan hô điện đến vùng cao" của Dương Viết Thế; bài "Bản Cà Xèng định canh định cư" của Lê Viết Lộc,...

Năm 2008, để chào mừng xuân Mậu Tý, mừng Đảng quang vinh, Huyện ủy, Ủy ban nhân dân huyện xuất bản Tập ca khúc TUYÊN HÓA MẾN THƯƠNG. Đây là tập ca khúc tuyển chọn 25 tác phẩm của các nhạc sĩ chuyên nghiệp và không chuyên trong và ngoài tỉnh. Và đây cũng là một trong 3 địa phương cấp huyện, thành phố của tỉnh đã xuất bản tập ca khúc riêng của đơn vị mình, đó là Đồng Hới, Lệ Thủy và Tuyên Hóa. Hầu hết các ca khúc trong tập ca khúc Tuyên Hóa mến thương, đã được xuất bản, in ấn, quảng bá trên các phương tiện thông tin đại chúng của tỉnh và Trung ương. Một số ca khúc đã được thu đĩa CD, VCD phát hành rộng rãi. Nhiều ca khúc đã đi vào công chúng, càng khẳng định sức sống lâu bền của những tác phẩm âm nhạc về Tuyên Hóa, gắn bó với tâm hồn nhân dân các dân tộc huyện miền núi thân thương của tỉnh Quảng Bình yêu quý.

Những năm quê hương đổi mới, phong trào ca hát của huyện Tuyên Hóa phát triển mạnh mẽ. Đặc biệt, Trung tâm Văn hóa thông tin huyện có các nhân tố tích cực, vừa là cán bộ lãnh đạo Trung tâm, như các anh Mai Xuân Ngọc, Nguyễn Minh Tám, vừa sáng tác vừa dàn dựng, vừa biểu diễn. Nhiều ca khúc mới, nhiều chương trình biểu diễn phục vụ quê hương và phục vụ kịp thời nhiệm vụ chính trị của địa phương. Qua các kỳ hội diễn văn nghệ quần chúng của tỉnh Quảng Bình do các ban, ngành tổ chức, các đơn vị văn nghệ của huyện Tuyên Hóa thường đứng vào tốp đầu toàn đoàn với nhiều tiết mục xuất sắc trong chương trình.

Điều đáng phấn khởi là bên cạnh phong trào sáng tác và biểu diễn tân nhạc thì âm nhạc dân gian vùng núi Tuyên Hóa cũng được bảo tồn và phát huy tốt. Các câu lạc bộ dân ca ở xã Châu Hóa, Lâm Hóa; các nghệ nhân dân gian cấp tỉnh và cấp Trung ương cũng được phát triển, làm nhân tố tích cực cho phong trào ca hát ở Tuyên Hóa.

Chúng ta có thể tin tưởng phong trào sáng tác, biểu diễn âm nhạc đương đại và dân ca vùng núi Tuyên Hóa đã, đang và sẽ còn được bảo tồn và phát triển, đưa tiếng hát quê hương miền sơn cước bay cao, vang xa mãi mãi.

Nhạc sĩ Dương Viết Chiến