.

Thương nhớ tò he

Thứ Bảy, 09/05/2015, 04:07 [GMT+7]

(QBĐT) - Khi tôi đăng tải bức ảnh này lên trang cá nhân với lời phụ chú thương nhớ tò he, một người “bạn ảo” lập tức vào chia sẻ: “Mấy chú này bằng nhựa chứ có phải bằng bột ăn được đâu mà gọi là tò he hở bạn ơi!”.

Người bạn ảo (vì chưa gặp) này có tuổi thực đã lên bà không thể không biết đến tò he, nhưng có lẽ bà sợ tôi, một người chưa quen biết tổn thương trước “nhầm lẫn” ngây thơ này nên chỉ nhẹ nhàng nhắc khéo. Trong thế giới ảo không thiếu sự cả tin, sự a dua, sẵn sàng “ném đá”, có được sự ứng xử tế nhị như thế thật hiếm hoi và do đó cũng thật ấm lòng.

Đúng. Đây không phải là những con tò he ngộ nghĩnh, mà là những chú mèo máy đang “hành quân” vào chợ Quy Đạt trong một ngày hội rằm tháng Ba truyền thống. Do không phải là tò he, do tìm mãi không có tò he mà tôi đã từng nhìn thấy ở đây gần 10 năm trước, nên tôi bỗng chạnh lòng thương nhớ tò he, thế thôi, bạn nhé.

Không riêng chợ Quy Đạt, không riêng gì tò he, mà khắp mọi nơi, từ vùng quê đến thị thành hiện nay hầu như đã vắng bóng đồ chơi dân gian dành cho trẻ nhỏ. Thay vào đó là vô số đồ chơi hiện đại, đồ chơi công nghệ lấn át hoàn toàn đồ chơi truyền thống, tràn ngập tâm hồn trẻ thơ. Đương nhiên không ai có thể phủ nhận được vai trò tích cực của đồ chơi công nghệ đối với thế giới tuổi thơ thời hiện đại. Ngoại trừ các sản phẩm đồ chơi mang tính bạo lực, phản cảm, nhiễm độc...  cần ngăn chặn và loại bỏ, thì đồ chơi công nghệ nói chung có vai trò to lớn bởi những tính năng mới mẻ, hiện đại trong giải trí, kích thích tư duy nhanh nhạy,  kích thích sự khám phá đối với trẻ em. Tuy nhiên, ngay cả vì sự tích cực rõ ràng ấy của đồ chơi hiện đại mà ta buông bỏ đồ chơi truyền thống, để đồ chơi hiện đại ngoại nhập đẩy lùi đồ chơi truyền thống vào cổ tích thì thật không công bằng. Không công bằng cho đồ chơi dân gian truyền thống và cũng không công bằng cho cả trẻ thơ, bởi các cháu không có cơ hội lựa chọn khi chưa từng biết đến một thế giới đồ chơi mộc mạc và gần gũi như thế.

Lớp người từng có một tuổi thơ hồn nhiên để háo hức và đến nay vẫn lưu giữ một tuổi thơ lung linh để hoài niệm hẳn không thể quên những sản phẩm đồ chơi truyền thống đã bồi trúc và nuôi dưỡng biết bao tâm hồn trẻ thơ Việt, trong đó có tâm hồn mình.

Tò he cụ bán mấy đồng
Con mua một cái cho chồng con chơi
Chồng con đánh hỏng thì thôi
Con mua cái khác con chơi một mình

Âm hưởng chủ đạo của đồ chơi dân gian truyền thống mà phần nhiều chúng ta lưu giữ được trong ký ức là chất liệu và tạo hình gần gũi, tình cảm mộc mạc, thấm đượm tinh hoa văn hóa Việt. Với những nguyên liệu phong phú sẵn có ở làng quê: gỗ, tre nứa, lá cây, đất sét, bột ngũ cốc..., qua đôi bàn tay khéo léo và óc sáng tạo của các thế hệ nghệ nhân đã hình thành nên một thế giới đồ chơi đa dạng: đèn lồng, diều giấy, trâu lá đa, con rối, mặt nạ, con giống, pháo đất, ông phỗng, tò he, cu kèo... với hình dáng và màu sắc tươi vui, lạc quan như trẻ nhỏ. Ngoài các đồ chơi độc lập còn có không ít những đồ chơi gắn liền với các trò chơi dân gian: đánh chuyền, đánh khăng, đánh cù, đánh đáo, ô ăn quan... đầy tính giải trí, kịch tính, hấp dẫn và vô cùng lành mạnh. Trong số các đồ chơi truyền thống có những sản phẩm trẻ em có thể tự làm lấy khi được hướng dẫn, có những sản phẩm phải chơi với số đông, cũng có những sản phẩm lại chơi với sự cộng cảm và bằng hữu giữa những bạn chơi với nhau. Với trẻ em, được tiếp cận những đồ chơi truyền thống này là những trải nghiệm đầu đời bổ ích về sự cần cù khéo léo, sự tương tác cộng đồng, sự tương thân tương ái mang đậm bản sắc dân tộc, nhưng cũng không kém phần khoa học.

Cụ bán tò he ghi được gần 10 năm trước ở chợ Quy Đạt trong lễ hội rằm tháng Ba. Những đứa trẻ trong ảnh hẳn nhiên nay đã lớn.
Cụ bán tò he ghi được gần 10 năm trước ở chợ Quy Đạt trong lễ hội rằm tháng Ba. Những đứa trẻ trong ảnh hẳn nhiên nay đã lớn.

Những lợi ích tự nhiên và thân quen này không dễ tìm thấy trong nhiều sản phẩm đồ chơi hiện đại nhập ngoại. Các nhà khoa học đã chỉ ra rằng, bên cạnh việc nên tận dụng tối đa lợi ích của đồ chơi công nghệ, cần phải tỉnh táo hạn chế sự sa đà của trẻ nhỏ vào các thứ đồ chơi này vì nó đồng thời đem đến những tác hại không nhỏ khiến các cháu lười vận động, tự kỉ, giảm thị lực, thiếu tương tác cộng đồng, ảnh hưởng kết quả học tập. Được biết, ngay cả Stenve Jobs cũng đã yêu cầu con cái và các thành viên trong gia đình phải dành thời gian ban đêm, những buổi cuối tuần để sum họp gia đình, tương tác xã hội, cấm không được sử dụng các sản phẩm ipad, iphone trong thời gian này, mặc dù đó là những sản phẩm do chính ông sáng tạo ra.

Thương nhớ tò he không  phải chỉ để hoài niệm, mà để tìm giải pháp phục hồi, cải tiến, phát triển đồ chơi dân gian truyền thống, một tinh hoa văn hóa dân tộc chắc chắn vẫn còn hấp dẫn trong giải trí, vui chơi, học tập, giáo dục thẩm mỹ cho trẻ em, ngay giữa cuộc sống hiện đại này.

Gần đây, chúng ta biết ngày càng có nhiều trường học, cơ sở giáo dục đã tạo không gian cho các em tiếp xúc, vui chơi, truyền dạy cách làm các đồ chơi truyền thống; nhiều doanh nghiệp đã coi việc sản xuất đồ chơi truyền thống là nhiệm vụ văn hóa trên cơ sở thay đổi mẫu mã, cải tiến sản phẩm cập nhật tính năng phù hợp với thời hiện đại để tìm kiếm lợi nhuận. Đó là những tín hiệu đáng mừng.

Trong khi chờ đợi hiệu quả của một giải pháp căn cơ toàn xã hội, theo chúng tôi mỗi bậc phụ huynh nên quan tâm bổ sung các sản phẩm đồ chơi truyền thống; nên tìm kiếm, tích hợp các phần mềm trò chơi dân gian vào các sản phẩm công nghệ định mua tặng con cháu mình, góp phần cùng xã hội giành lại vị trí xứng đáng cho một giá trị văn hóa quí báu mà các thế hệ cha ông đã dày công sáng tạo và mong mỏi được trao truyền.  

Trần Hùng