.

Nhớ những ngày "Tiếng hát át tiếng bom"

Thứ Sáu, 01/05/2015, 13:00 [GMT+7]

(QBĐT) - Quảng Bình những ngày tháng đánh Mỹ ác liệt, ngày đêm, bầu trời, mặt đất, nông thôn, thành thị, miền núi, đồng bằng... chưa bao giờ ngớt tiếng bom đạn kẻ thù. Ấy thế mà người dân Quảng Bình vẫn không hề nao núng, sợ hãi; xã viên vẫn ra đồng, công nhân vẫn vào nhà máy, em thơ vẫn đến trường, ngư dân vẫn bám biển... với phong trào "tay cày tay súng", "tay búa tay súng"... và khí thế hào hùng "tiếng hát át tiếng bom" được dấy lên sôi động khắp các mặt trận trên tuyến lửa Quảng Bình từ những năm sáu mươi của thế kỷ trước cho đến ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước...

 

Quân thù tưởng chừng đã đưa đất nước ta "trở về thời kỳ đồ đá cũ"! Chúng đã nhầm! Quân và dân Quảng Bình cũng như quân và dân cả nước vẫn hát vang những khúc ca hùng tráng, đầy nhiệt huyết, đã truyền thêm sức mạnh thần kỳ cho bao thế hệ đứng lên chiến đấu, xây dựng và bảo vệ quê hương đất nước.

Có thể kể đến những ca khúc mở đầu cho phong trào "Tiếng hát át tiếng bom" xuất hiện sớm ở Quảng Bình như các bài: "Không cho chúng nó thoát" của Hoàng Vân, "Sẵn sàng bắn" của Tô Hải, "Bám biển quê hương" và "Quảng Bình chiến thắng" của Phạm Tuyên, "Nhanh tay lưới, chắc tay súng" của Trần Thụ, "Trên biển quê hương" của Đức Minh, "Quảng Bình quê ta ơi!" của Hoàng Vân...

Những năm 1965-1968, Đoàn Văn công nhân dân Quảng Bình và Đoàn Văn công Tỉnh đội Quảng Bình đã phát triển mạnh mẽ, ngoài những vở kịch ngắn, kịch hài, những tổ khúc dân ca Bình Trị Thiên biểu diễn được công chúng yêu mến, nhiều ca khúc của các tác giả âm nhạc hồi bấy giờ đã được lan tỏa rộng rãi khắp các vùng miền của tỉnh, như các bài: "Vinh quang thay những người chiến thắng", "Đẹp sao năm gái quê ta" và "Gánh gạo Trị Thiên" của Quách Mộng Lân, các bài "Tiếng hát đò đưa" và "Những câu hò sông nước miền Trung" của Hoàng Sông Hương, tổ khúc "Sông Gianh chiến thắng" của Minh Phương, bài "Quê tôi Ngư Thủy" của Dương Mạnh Đạt...

Trong những ngày bom đạn ác liệt ấy, các diễn viên văn công, những người lính xung kích trên mặt trận văn hóa đã dũng cảm tiên phong, đưa lời ca, tiếng hát của mình đến với bộ đội, thanh niên xung phong ở Long Đại, Quán Hàu, Ngư Thủy, Cẩm Ly, đèo Đá Đẽo, Cổng Trời... rồi vào đến chiến trường Trị Thiên, tới Do Linh, Cam Lộ, Lao Bảo... và cũng đã từng đến cả nước bạn Lào anh em. Trong khói lửa chiến tranh, tiếng hát cất lên hào hùng, như tiếng kèn thúc giục, động viên, khích lệ, đưa đến một nguồn sinh khí mới cho các chiến sĩ trên chiến trường khốc liệt, át cả tiếng bom rền đạn xéo.

Trên các mặt trận đều có các ca khúc của các nhạc sĩ cả nước ra đời phục vụ kịp thời phong trào "Sản xuất giỏi, chiến đấu giỏi" trên quê hương Quảng Bình.

Trên mặt trận sản xuất nông nghiệp, nhiều ca khúc ca ngợi các nữ thanh niên, xã viên hợp tác xã đảm đang việc nhà, giỏi giang việc nước để các anh lên đường ra trận; tiêu biểu là các bài: "Đường cày đảm đang" của An Chung, "Hát lên cô gái xã viên" của Trần Chung, "Tiễn anh lên đường" và "Bài ca năm tấn" của Nguyễn Văn Tý, "Bên bờ Kiến Giang" của Lê Quang Nghệ, "Mùa lúa bên bờ Kiến Giang" của Trần Chung...

Trên mặt trận chiến đấu, hàng chục ca khúc xuất hiện cùng với cuộc chiến vô cùng khó khăn gian khổ của quân và dân cả nước. Có thể kể đến các bài: "Anh vẫn hành quân" - Nhạc Huy Du, Thơ: Trần Hữu Thung, "Hành quân đêm" của Xuân Hồng, "Bước chân trên dải Trường Sơn" của Vũ Trọng Hối, "Mỗi bước ta đi" của Thuận Yến, "Ta ra trận hôm nay" của Văn An, "Chiếc gậy Trường Sơn" của Phạm Tuyên, "Bài ca Trường Sơn" - Nhạc Trần Chung, Thơ: Gia Dũng... Và, ở Đồng Hới, Quảng Bình - Vĩnh Linh, có những ca khúc được ra đời trong đợt các nhạc sĩ Trung ương đi thực tế sáng tác vào tuyến lửa khu IV, như các bài: "Hàng em mang tới chiến hào" của Lư Nhất Vũ, "Em bé Bảo Ninh" của Trần Hữu Pháp - Thơ Nguyễn Văn Dinh, "Giữ biển trời Quảng Bình-Vĩnh Linh" của Xuân Giao... Những ca khúc về cuộc chiến đấu anh dũng của quân và dân cả nước, có sức mạnh diệu kỳ, hơn cả hàng ngàn tấn bom đạn quân thù ném vào cuộc chiến tranh trên khắp hai miền đất nước.

Trên mặt trận giao thông vận tải, phong trào "Tiếng hát át tiếng bom" phát triển mạnh mẽ, đều khắp các tỉnh miền Bắc, đặc biệt là các tỉnh tuyến lửa khu IV. Từ năm 1967, từ ý nghĩ của Bộ trưởng Bộ Giao thông vân tải Phan Trọng Tuệ, dùng nghệ thuật làm đòn bẩy và là mũi nhọn tấn công vào kẻ thù. Ông quyết định thành lập đội Văn công có tên gọi nêu rõ mục tiêu và hành động cụ thể: "Tiếng hát át tiếng bom", nhằm hướng về mặt trận ác liệt nhất trong cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ. Thời điểm đó, cả nước hướng về miền Nam thân yêu với khát khao giải phóng đất nước. Giao thông, chính là huyết mạch, là con đường sống còn với vận mệnh đất nước. Công tác tuyên truyền được đặt lên hàng đầu.

Chính vì vậy ở Quảng Bình, cứ tuyến đường nào địch đánh phá ác liệt nhất thì tiếng hát của nam nữ thanh niên xung phong lại được cất lên từ đó: cầu bị đánh sập: vẫn hát; đường bị bom đạn cày xới phá hoại: vẫn hát; xe, pháo bị sa lầy: vẫn vừa kéo vừa hò hát. Và, cả khi đồng đội ngã xuống, giữa đạn bom, pháo sáng, thân xác tan tành, trái tim vẫn như còn nhịp đập theo giai điệu những bài tình ca bất hủ và những người còn lại vẫn hát trong ánh mắt đã nhòe đi và khóe môi mặn chát nước mắt...

Đó là những bài hát: "Vui mở đường" của Đỗ Nhuận, "Cô gái mở đường" của Xuân Giao, "Đường Trường Sơn xe anh qua" của Văn Dung, "Bài ca người lái xe" của An Chung, "Tôi người lái xe" của Nguyễn Đức Toàn, "Xe ta đi trong đêm Trường Sơn" của Tân Huyền, "Đường tôi đi dài theo đất nước" của Vũ Trọng Hối, "Bài hát bên cầu phao" của Trọng Bằng, "Chuyến phà đêm" của Quách Mộng Lân, "Chào em cô gái Lam Hồng" của Ánh Dương... và cả những điệu hò khoan, hò hụi vang dậy núi rừng, quên cả hiểm nguy, mệt nhọc.

Trong phong trào "Tiếng hát át tiếng bom", "Tiếng loa hòa tiếng súng", hình ảnh Bác Hồ kính yêu, tấm gương ngời sáng của Bác Hồ và những lời dạy thiêng liêng của Bác Hồ đã được các nhà thơ, nhạc sĩ ngợi ca trong ca khúc cách mạng, như những tiếng kèn xung trận, tiếp thêm sức mạnh cho các thế hệ đứng lên đánh đuổi quân thù, giành lại non sông đất nước, như các bài: "Theo lời Bác gọi" của Nguyễn Xuân Khoát, "Mang hình Bác, chúng ta lên đường" của Cao Việt Bách, "Bác đang cùng chúng cháu hành quân" của Huy Thục, "Chẳng kẻ thù nào ngăn nổi bước ta đi" - Nhạc: Thanh Phúc, Lời: Hải Hồ và Thanh Phúc...

Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng, toàn dân hồ hởi phấn khởi chào đón những người con chiến thắng trở về. Đài Tiếng nói Việt Nam phát đi những ca khúc mừng chiến thắng sôi động, vang dậy lòng người: "Bão nổi lên rồi" của Trọng Bằng, "Sài gòn quật khởi" của Hồ Bắc, "Chào anh giải phóng quân - Mừng mùa xuân đại thắng" của Hoàng Vân, "Lá đỏ" - Nhạc: Hoàng Hiệp, Lời thơ Nguyễn Đình Thi, "Bài ca thống nhất" của Võ Văn Di, "Đất nước trọn niềm vui" của Hoàng Hà và bài "Như có Bác trong ngày vui đại thắng" của Phạm Tuyên...

Tổng kết phong trào văn nghệ, qua 3 năm 1970-1972, tỉnh đã công nhận 7 đội văn nghệ mạnh nhất của tỉnh: Đại Phong và Thanh Thủy (Lệ Thủy), Trung Trạch và Đại Trạch (Bố Trạch), Đức Ninh và Lý Ninh (Quảng Ninh), Bảo Ninh (Đồng Hới). Qua một thời gian hoạt động nghệ thuật, đến năm 1972, Đoàn Văn công Quảng Bình được xếp giải nhất toàn đoàn, trong Hội diễn ca múa nhạc chuyên nghiệp toàn miền Bắc. Có thể nói, đây là những đơn vị đã có nhiều hoạt động tích cực trong phong trào "Tiếng hát át tiếng bom", "tiếng loa hòa tiếng súng" trong những năm chiến tranh ác liệt trên quê hương Quảng Bình "Hai giỏi" của chúng ta.

Những ca khúc ra đời trong phong trào "Tiếng hát át tiếng bom", "Tiếng loa hòa tiếng súng" được vang lên trên quê hương Quảng Bình từ những ngày đầu cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước, đến ngày thống nhất non sông, như là một biên niên lịch sử bằng âm thanh vô giá. Chúng ta có thể tự hào về truyền thống sản xuất, chiến đấu anh hùng của quân dân Quảng Bình "Hai giỏi". Tiếng hát ấy đã, đang và sẽ còn sống mãi, vang mãi trên quê hương yêu quý của chúng ta.

Nhạc sĩ Dương Viết Chiến
Chi hội trưởng Nhạc sĩ Việt Nam tỉnh Quảng Bình